Cơ hội chưa từng có cho các doanh nghiệp hạ tầng giao thông đã mở ra

15/03/2022

Ngày15/3, tại Hà Nội, ông Ngọ Trường Nam - Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả đã có những phát biểu tại tọa đàm "Nhận diện cơ hội thị trường chứng khoán năm 2022" nhận định cơ hội của các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng giao thông từ Chương trình phục hồi kinh tế của Chính phủ, khi một lượng vốn rất lớn sẽ được đầu tư vào lĩnh vực này.

Toàn cảnh buổi tọa đàm

Tọa đàm có sự tham gia của bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Ông Đỗ Thành Trung, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ KH&ĐT; GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch HH DNĐTNN; TS. Lê Xuân Nghĩa, Chuyên gia kinh tế; Ông Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Ông Ngọ Trường Nam, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả; Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCP Chứng khoán VPS; Ông Nguyễn Hải Châu, Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán Everest; Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam; Ông Ngô Thế Hiển, Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS); Ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Tập đoàn Bamboo Capital; đại diện truyền thông Novaland; lãnh đạo Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC); Ông Dominic Scriven, Chủ tịch điều hành Dragon Capital và đại diện một số doanh nghiệp khác.

Từ những quy hoạch, mục tiêu quốc gia cho ngành nghề này, như mục tiêu đường cao tốc, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030 phải có 5.000km, đến năm 2025 phải làm khối lượng công việc gấp đôi hiện có, triển vọng cho ngành không chỉ đến năm 2022 mà còn đến năm 2025 và 2030.

Về nguồn lực dành cho hạ tầng giao thông, bên cạnh nguồn từ Quốc hội, Chính phủ dành cho kế hoạch trung hạn thì có hơn 100.000 tỷ đồng nữa trong gói phục hồi kinh tế. Mục tiêu của gói này là giải ngân thật nhanh để tạo cú huých cho nền kinh tế 1, 2 năm tới. Với những quy hoạch, mục tiêu và nguồn lực mà Chính phủ dành cho lĩnh vực giao thông đường bộ, đấy là cơ hội chưa từng có đối với doanh nghiệp giao thông, ông Ngọ Trường Nam nhận định.

Về điểm rơi, với đặc thù của các dự án đầu tư công, cần có thủ tục về quản lý vốn ban đầu và thời gian chuẩn bị đầu tư, năm 2021 là đầu nhiệm kỳ thì điểm rơi các dự án trọng điểm sẽ bắt đầu từ năm 2022 đến năm 2025, đây là giai đoạn doanh nghiệp có thể nhìn rõ nhất cơ hội để tăng trưởng.

Tập đoàn Đèo Cả đặt ra chiến lược sẽ tiếp tục tập trung vào việc triển khai các dự án giao thông đường bộ với trọng tâm là đầu tư theo hình thức PPP, khai thác tối đa các giá trị gia tăng từ công trình giao thông và nhận thầu thi công các dự án đầu tư công. Chúng tôi cũng nhận định thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn tích cực để có thể hoàn thành khối công việc lớn. Vừa qua, cổ phiếu HHV (đơn vị thành viên của Tập đoàn) đã chuyển từ sàn Upcom sang sàn HOSE nhằm hướng đến tiêu chuẩn cao hơn về tính minh bạch. Trong năm nay, chúng tôi đang hoàn tất các thủ tục để tăng vốn HHV nhằm huy động nguồn vốn đầu tư cho các dự án PPP nói trên. Đây chính là cơ hội để các Nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán có thể đồng hành cùng Đèo Cả tham gia đầu tư vào các dự án giao thông”, ông Nam nói thêm.

Ông Ngọ Trường Nam phát biểu tại buổi tọa đàm

Đối với các dự án PPP, hiện nay Tập đoàn Đèo Cả đang đầu tư cao tốc Cao Lâm - Vĩnh Hảo trên tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông và đang chuẩn bị đầu tư các cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh và Tân Phú - Bảo Lộc. Đây đều là những dự án có quy mô rất lớn với nhu cầu vốn là 16.500 tỷ đồng. Bên cạnh phần vốn NSNN tham gia, phần vốn chủ sở hữu theo quy định thì Tập đoàn Đèo Cả xác định cần phải đa dạng hóa nguồn vốn. Bao gồm cả việc huy động vốn tín dụng, huy động từ thị trường chứng khoán, hợp đồng hợp tác kinh doanh với các đối tác có liên quan…

Đối với hoạt động thi công xây lắp các dự án đầu tư công, đây sẽ là nguồn công việc để tạo ra doanh thu, lợi nhuận trong ngắn hạn cho doanh nghiệp. Trong năm nay, Chính phủ đang đẩy nhanh các thủ tục chuẩn bị đầu tư cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2. Nếu được các Cơ quan nhà nước giao nhiệm vụ, Tập đoàn Đèo Cả tự tin sẽ phát huy hiệu quả các kinh nghiệm và nguồn lực sẵn có để hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, tiết kiệm chi phí, ông Nam cho biết.

Tại buổi toạ đàm, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCKNN cho rằng: “Năm 2021, mặc dù kinh tế Việt Nam tiếp tục bị tác động tiêu cực bởi đại dịch COVID-19 nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển ổn định, tạo ấn tượng với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, khẳng định vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho Chính phủ và các doanh nghiệp. Chúng tôi vẫn nhận thấy dư địa tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2022”.

TT