Đèo Cả nghiên cứu dự án cao tốc Sơn La - Điện Biên

29/07/2022     182

Ngày 28/07/2022, tại Điện Biên, đoàn công tác Liên danh Tập đoàn Đèo Cả - Công ty Văn Phú - Invest - Tập đoàn Phú Mỹ và Công ty Thành Lợi đã làm việc với Tỉnh uỷ Điện Biên về phương án đầu tư xây dựng đường cao tốc Sơn La - Điện Biên - Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang giai đoạn 1.

Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021, Dự án xây dựng đường cao tốc Sơn La - Điện Biên - Cửa khẩu Tây Trang được hoàn thành sau năm 2030 với quy mô 4 làn xe.

Tuy nhiên, với quyết tâm của tỉnh Điện Biên, Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất giao UBND tỉnh Điện Biên là Cơ quan có thẩm quyền thực hiện giai đoạn 1 (đoạn TP. Điện Biên Phủ - Nút giao Km15+800/QL.279) theo phương thức đối tác công tư, loại hợp đồng BTL trong giai đoạn 2022 - 2030 tại Văn bản số 538/TTg-CN ngày 23/6/2022.

Ông Hồ Minh Hoàng phát biểu tại buổi làm việc với Tỉnh uỷ Điện Biên

Đoạn tuyến có chiều dài khoảng 42km, đi qua địa phận thành phố Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên Đông, huyện Mường Ảng và huyện Tuần Giáo. Giai đoạn hoàn thiện quy mô 4 làn xe phù hợp với tiêu chuẩn đường cao tốc TCVN 5729-2012, giai đoạn phân kỳ với quy mô 4 làn (2 làn xe ô tô + 2 làn dừng khẩn cấp) phù hợp quy định về phân kỳ đường ô tô cao tốc, trong đó trên tuyến dự kiến có 1 vị trí xây dựng hầm xuyên núi.

Đối với dự án này, Tập đoàn Đèo Cả nghiên cứu để thực hiện huy động vốn bằng hình thức xây dựng - chuyển giao - thuê dịch vụ (BTL), đây cũng được xem là phương án khả thi nhất để thực hiện dự án vì địa phương không phải bỏ ra số tiền lớn một lần mà có thể trả chậm trong vòng 10 năm. Ngoài ra, về hình thức BTL có thể huy động vốn từ nhiều nguồn như: Ngân sách nhà nước, vốn từ các nhà đầu tư liên quan cao tốc (Bất động sản, khu công nghiệp, dịch vụ logistics, hệ thống năng lượng tái tạo…).

Tổng mức đầu tư Dự án ước tính khoảng 9.684 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước 4.800 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu các nhà đầu tư 733 tỷ đồng; phần vốn huy động khác khoảng 4.151 tỷ đồng, dự kiến huy động từ nhiều nguồn thông qua hợp đồng hợp tác BCC, tín dụng...

Ông Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả cho rằng đã “thấy được sự quyết tâm của địa phương bằng việc tỉnh đã có tờ trình đề nghị Thủ tướng xem xét giao UBND tỉnh Điện Biên là cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án cao tốc Điện Biên - Sơn La, và mời Đèo Cả nghiên cứu triển khai. Dự án này chúng tôi sẽ nghiên cứu thực hiện huy động vốn bằng hình thức BTL đây là hình thức rất mới ở Việt Nam”.

Ông Nguyễn Quang Vĩnh, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả nhận định: “Đây là một trong những dự án khó khăn nhất về việc huy động vốn, cần sự chung tay của doanh nghiệp, địa phương định hướng huy động vốn tạo nguồn từ nhiều hướng. Đó là phương án rất cần thiết để tạo tiền đề giúp những tỉnh khó khăn như Điện Biên mới có thể thực hiện được. Điện Biên đã có nhiều nhà đầu tư đến như Sungroup, ACV... Nay liên danh nhà đầu tư chúng tôi tiến lên Điện Biên để mở con đường cao tốc. Đi cùng có anh Đỗ Mạnh Hùng - CT HĐQT cty liên danh địa ốc Việt Hàn, anh Văn Phú, anh Phạm Hồng Long - Giám đốc phát triển dự án Cty Văn Phú invest… kỳ vọng sẽ tạo ra sự thay đổi lớn đối với mảnh đất anh hùng này”.

Qua buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Thắng - Bí thư Tỉnh uỷ Điện Biên đánh giá cao tính chuyên nghiệp của Tập đoàn Đèo Cả, khẳng định bám sát đường găng tiến độ Đèo Cả đề xuất, phần việc nào của tỉnh, tỉnh chịu trách nhiệm, phần việc nào của NĐT, NĐT chịu trách nhiệm để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Về phía tỉnh, cũng đã thành lập ban chỉ đạo, tổ giúp việc giao trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên triển khai các công việc. Bí thư tỉnh Điện Biên thống nhất liên danh các nhà đầu tư do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu lập đề xuất dự án.

“Với quan điểm không đi thì không đến, chúng tôi có niềm tin và sự quyết tâm, phương thức làm việc hiệu quả, chúng tôi chắc chắn sẽ hoàn thành dự án này”, Bí thư Tỉnh uỷ nói thêm.

Tỉnh Điện Biên nằm ở cực Tây của Tổ quốc, có địa hình chủ yếu là đồi núi dốc, hiểm trở và chia cắt mạnh. Việc sớm được đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Sơn La - Điện Biên - cửa khẩu Tây Trang sẽ mở ra cơ hội lớn cho tỉnh, đặc biệt là tháo gỡ "nút thắt" về giao thông để Điện Biên nâng cao năng lực kết nối với các tỉnh, thành trong khu vực, vùng Bắc Bộ và các tỉnh phía Bắc Lào, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).

Trà My