Đèo Cả - Những giá trị cốt lõi

02/01/2020

Nhân loại đã bước sang năm mới 2020, một con số đầy ý nghĩa. Một năm ý nghĩa với mỗi người và cũng rất ý nghĩa với Tập đoàn Đèo Cả trẻ trung và đầy khát vọng với lòng tự tôn dân tộc cháy bỏng. Trong không khí đầu năm mới đó, tôi nhận thấy, mình muốn viết một điều gì đó có ý nghĩa về tập đoàn này.

PGS. TS Trần Chủng - Thường trực Hội đồng cố vấn Tập đoàn Đèo Cả/ Nguyên Cục trưởng - Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng

Tôi kết duyên rồi gắn bó với Tập đoàn Đèo Cả và với cá nhân Chủ tịch Hồ Minh Hoàng từ tháng 10/2009 khi Hoàng bắt đầu từ Phú Yên ra Thủ đô tìm cơ hội thể hiện khát vọng tuổi trẻ của mình. Ngay trong lần gặp đầu tiên, tôi đã cảm nhận được trí khí, gương mặt thông minh của con người này và cả những khát vọng làm một cái gì đó có ích cho đất nước, quê hương và đồng bào mình. Mong muốn làm hầm đường bộ xuyên núi Cả của Hoàng mới thực sự lôi cuốn tôi ghê gớm bởi nó đã “gãi” đúng chố ngứa nghề nghiệp và các triết lý khoa học về phát triển bền vững mà tôi vẫn đang theo đuổi. Tôi nhận lời đồng hành với Hoàng từ đó.

Tình cảm hai chúng tôi thực sự như cha con, nhưng trong công việc, tôi và Hoàng là cộng sự. Tôi được lan tỏa và kích hoạt các mong muốn tiềm ẩn bởi Hồ Minh Hoàng. Những khát vọng và ý chí của người thanh niên trẻ này đặc biệt đến nỗi làm cho tôi, vốn tham gia giảng dạy nhiều người nhưng thường xuyên phải căng đầu suy nghĩ mỗi khi Hồ Minh Hoàng đề xuất một ý tưởng nào đó. Vì thế, khi tôi được Hoàng mời làm Cố vấn tôi mới giải nghĩa đầy đủ bản chất của chức năng “CỐ VẤN” của mình là phải “CỐ” mỗi khi Hồ Minh Hoàng “VẤN”. Và đây cũng là “nội hàm” của Hội đồng Cố Vấn mà tôi thường giới thiệu giản dị với mỗi vị chuyên gia khi được Hoàng mời tham gia Hội đồng Cố vấn. Có lẽ vì vậy, nhân ngày đầu năm 2020, tôi thử bàn về các giá trị cốt lõi của Đèo Cả là gì mà chỉ sau 10 năm, thương hiệu Đèo Cả trở thành một trong 10 thương hiệu lớn và uy tín nhất Việt Nam. Có lẽ, tôi sẽ không bàn nhiều về các giá trị riêng của vị Chủ tịch trẻ mà tôi muốn bàn về các giá trị thực đã tạo lên vị thế của Tập đoàn như ngày hôm nay.

Kỹ năng quản trị khác biệt

Tôi là nhà khoa học và may mắn được trải qua các vị trí quản lý: chỉ huy công trường xây dựng, Lãnh đạo Viện nghiên cứu khoa học về xây dựng và Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước về chất lựng công trình xây dựng, tôi đánh giá rất cao giá trị đặc biệt của Tập đoàn Đèo Cả là “Kỹ năng quản trị khác biệt”. Đó là một khoa học về quản trị mà trong đó khoa học về tập hợp và khai thác nguồn lực con người có vị trí hàng đầu. Có lẽ ít có doanh nghiệp khởi nghiệp biết khai thác được đội ngũ cố vấn thật với đa dạng các lĩnh vực không chỉ tư vấn mà còn là mẫu hình truyền khát vọng cống hiến cho thế hệ trẻ. Việc sử dụng nguyên lý nhân cách hóa mô hình “sở thú” để giải thích qui trình quản lý mà ở đó thể hiện rõ chức năng, nhiệm vụ và cả mối quan hệ giữa các cá nhân, giữa các vị trí với nhau thật dễ hiểu, dễ thực hiện.

PGS.TS Trần Chủng phát biểu tại cuộc họp tổng kết năm 2019 của Tập đoàn Đèo Cả

Với các triết lý quản trị khác nhau không chỉ tạo nên sự khát khao cống hiến của mỗi người để đóng góp vào sự lớn mạnh của Tập đoàn mà còn vì sự trưởng thành và sự tiến bộ của chính mình. Bên cạnh cách dùng người là kỹ năng điều hành. Có sự gay gắt đến thẳng thắn thậm chí đôi khi rất gay gắt nhưng đối với những người đã từng cộng tác sẽ nhận thấy đây là dịp mình cần làm tốt hơn nữa. Phải chăng, sự chỉ đạo quyết liệt thậm chí khá khắc nghiệt này lại là “liều thuốc” kích hoạt sự sáng tạo của mỗi người. Tôi đã theo dõi trong nhiều năm qua, ai đã thấm “liều thuốc” này đều tiến bộ. Người thủ lĩnh còn có nhiều sáng tạo đặc biệt trong các ứng xử với Lãnh đạo Chính phủ, các Bộ, Ngành, UBND các cấp và các đối tác tạo sự đồng hành trên cơ sở am hiểu và tin cậy. Sự ủng hộ khách quan này tạo lên sự thành công nhất định của chúng ta suốt thời gian qua và đó cũng là các giá trị cần phân tích, đánh giá sâu hơn khi bàn về vai trò, vị trí của “giá trị” này.

Những công trình cụ thể có giá trị thật

Hầm Đèo Cả, Cù Mông, cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn là các dạng công trình thuộc cấp đặc biệt trong lĩnh vực giao thông vận tải mà trước đây phần lớn đều do người nước ngoài thực hiện. Bằng những công trình này, chúng ta đã phát đi thông điệp: Người Việt Nam hoàn toàn có thể làm ra các công trình hiện đại đạt chuẩn mực quốc tế bằng trí tuệ và bản lĩnh của người Việt.

Có niềm tự hào nào lớn hơn khi những con người Việt khảng định lòng tự tôn dân tộc bằng việc làm ra các sản phẩm kỳ vĩ ngay trên đất nước của mình. Giá trị của những công trình chúng ta hoàn thành thể hiện rất cụ thể và lượng hóa được đó là: chất lượng, vượt tiến độ và giảm chi phí so với tổng mức đầu tư được duyệt. Đây chính là sự “cách biệt” rất lớn đối với các công trình đầu tư công mà các vấn đề nhức nhối như: tăng kinh phí, chậm tiến độ, chất lượng có nhiều vấn đề đã trở thành “căn bệnh nan y” khó chữa của nhiều công trình đầu tư công ở nước ta. Đó chính là các giá trị thật với đầy đủ bằng chứng thuyết phục.

Văn hóa doanh nghiệp tình yêu thiên nhiên

Văn hóa này là các giá trị chúng ta đang xây dựng cho Tập đoàn thông qua các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần không chỉ khích lệ bằng giá trị vật chất mà nhiều ca khúc ca ngợi đất nước, các công trình của tập đoàn, triết lý làm việc giành cho người lao động và gia đình của họ để mỗi người và cả hậu phương phía sau của họ nguyện gắn bó lâu dài, tận tâm vì sự phát triển bền vững của Tập đoàn. Chúng ta cũng lan toả tình người với nhiều số phận kém may mắn hay khi gặp hoạn nạn. Văn hóa này tạo dựng cho con người Đèo Cả sống nội tâm hơn, trách nhiệm xã hội cao hơn, niềm tin vào các giá trị tốt đẹp. Niềm tin ấy cần được bồi bổ để vững tin vào sự phát triển đất nước và Tập đoàn.

Tôi còn cảm nhận được các giá trị nhân văn này truyền cảm hứng cho mỗi con người Đèo Cả tình yêu thiên nhiên và biết gìn giữ các giá trị mà thiên nhiên ban tặng cho loài người. Những con hầm xuyên núi, những cung đường sinh thái và thân thiện với môi trường đang làm lên các giá trị rất cốt lõi của người Đèo Cả mà phải có tầm nhìn rất xa mới thấy được sự tuân thủ nguyên tắc của phát triển bền vững là: các công trình hôm nay không chỉ nhằm phục vụ các nhu cầu hiện hữu trước mắt của chúng ta mà không được phép làm tổn hại nhu cầu của thế hệ mai sau. Thế hệ mai sau vẫn thụ hưởng được các công có chất lượng hôm nay chúng ta xây dựng bởi tuổi thọ của nó và thiên nhiên không bị tàn phá. Yêu thiên nhiên và khai thác thân thiện thiên nhiên vì mục đích hôm nay cũng chính là các giá trị nhân văn mà văn hóa Đèo Cả đã mang lại.

PGS.TS Trần Chủng gặp các kỹ sư, công nhân tại dự án Trung Lương - Mỹ Thuận

Tri thức và khả năng vận dụng tri thức

Những năm gần đây, trăn trở của Chủ tịch Hồ Minh Hoàng về sự phát triển bền vững của Tập đoàn, chất lượng nguồn nhân lực luôn được coi là yếu tố quan trọng nhất thách thức sự ổn định. Nhưng chất lượng nguồn nhân lực không chỉ là số lượng con người tận tụy, trung thành mà cần có “Tri thức và khả năng vận dụng tri thức vào thực tiễn”. Cách thức chúng ta đang đào tạo nguồn nhân lực chủ chốt, chất lượng cao thông qua cơ sở đào tạo có uy tín cùng một chương trình đào tạo hiện đại chính là cách cung cấp tri thức quản trị căn bản nhất. Nhưng học phải đi đôi với hành. Các kiến thức thu được phải chuyển hóa như thế nào để giải bài toán cụ thể của đơn vị mình, tập đoàn mình mới được xem trọng.

Đôi khi trong thực tiễn công tác quản trị, điều hành hàng ngày ở đơn vị mình không phải lãnh đạo nào cũng hiểu và vận dụng nhuần nhuyễn theo các triết lý quản trị đã được qui nạp trong các cụm từ ngắn gọn như: “Phép toán đời thường”, “cặp đôi không hoàn hảo”, “thần tốc cộng niềm tin, cầu thị nhân sức mạnh”…. Có lẽ qua học tập kiến thức mới và vận vào các trường hợp, tình huống cụ thể âu cũng là cách xây dựng đội ngũ lãnh đạo hiệu quả hơn và nhớ lâu hơn. Đào tạo để chọn người tài có kiến thức và đạo đức và cũng qua đào tạo, xếp lại đội hình cho phù hợp với năng lực thực sự của mỗi người.

Tản mạn suy nghĩ đầu năm về một số giá trị cốt lõi của Tập đoàn theo cảm nhận mang tính cá nhân và quả thật là chưa đủ. Có nhiều dịp chúng ta bàn sâu hơn, chi tiết hơn các giá trị tốt đẹp tạo lên thương hiệu Đèo Cả hôm nay. Và cũng cần thiết một khi nào đó chúng ta sẽ bàn tới các giá trị của những bài học chưa thành công để Tập đoàn vững bước đi lên, loại bỏ các cản trở để phát triển thật bền vững xứng đáng với Thương hiệu Đèo Cả mà chúng ta đã tạo dựng và là niềm tự hào của mỗi người gắn bó với Đèo Cả.

PGS.TS Trần Chủng