Đúc kết kinh nghiệm để tự đào tạo

21/12/2022

Trải qua 37 năm xây dựng và phát triển, Tập đoàn Đèo Cả đã trở thành đơn vị tư nhân hàng đầu trong lĩnh vực đầu tư, thi công xây dựng hạ tầng giao thông. Bên cạnh sản phẩm là những công trình quy mô lớn, phức tạp trên khắp cả nước, Tập đoàn Đèo Cả còn đóng góp cho xã hội với đội ngũ quản lý, cán bộ kỹ thuật có năng lực chuyên môn cao, công nhân lành nghề, đặc biệt trong lĩnh vực hầm đường bộ.

Toàn hệ thống học tập

Ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả xác định: “Con người và văn hóa là những thứ không thể vay mượn”. Phát biểu này của người đứng đầu Tập đoàn cho thấy vai trò, tầm quan trọng và sự ưu tiên đối với việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực của Tập đoàn.

Với tầm quan trọng đó, Tập đoàn đã chi hơn 20 tỷ đồng hợp tác với Trường Đại học Kinh tế Quốc dân để đào tạo chương trình Thạc sĩ Điều hành cao cấp -Executive MBA (ExeMBA) cho 48 lãnh đạo chủ chốt của Tập đoàn. Đến nay, các học viên đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình, tốt nghiệp khoá đào tạo và nắm bắt được nhiều kiến thức gắn liền với các hoạt động thực tiễn của Tập đoàn.

Nổi bật trong hàng ngũ học viên đó là ông Nguyễn Hữu Dũng, Tiến sĩ ngành Kỹ thuật công trình được đào tạo tại Đức, với nhiều năm kinh nghiệm công tác ở vai trò chuyên gia tư vấn kỹ thuật giao thông và điều hành đơn vị tư vấn hàng đầu trong lĩnh vực tư vấn khảo sát, thiết kế, giám sát các dự án hạ tầng giao thông tại Việt Nam. Tham gia khoá đào tạo ExeMBA, học viên Nguyễn Hữu Dũng đã được Hội đồng chấm luận văn thạc sĩ đánh giá rất cao và cho điểm xuất sắc nhất (9.8 điểm).

Trong năm 2022, Ban Điều hành đã chỉ đạo thực hiện đào tạo nội bộ cho các nhân sự cấp phòng ban trong Tập đoàn. Nội dung đào tạo chính là các yêu cầu công việc của từng phòng ban, người đào tạo là các lãnh đạo của phòng ban đó. Người lao động tại công trường cũng được đào tạo nâng cao tay nghề, an toàn lao động, mời các trường đào tạo sát hạch cấp chứng chỉ, qua đó đảm bảo nguồn nhân sự cho các dự án mới của Tập đoàn.

Bên cạnh đó, các lãnh đạo Tập đoàn đã dành nhiều thời gian chia sẻ với người lao động về văn hóa doanh nghiệp nhằm giúp toàn thể người lao động hiểu về lịch sử phát triển, chiến lược và các giá trị văn hóa của Tập đoàn, tạo ra sự đồng nhất về nhận thức, hành động, tạo ra các giá trị riêng cho Tập đoàn.

Ngay trong chương trình đào tạo Thạc sĩ điều hành cao cấp Executive MBA, nội dung các môn học cũng được Tập đoàn cùng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp xây dựng, điều chỉnh để phù hợp với yêu cầu công việc của Tập đoàn. Nội dung các bài tập nhóm, luận văn cũng hướng đến việc giải quyết các vấn đề thực tiễn của Tập đoàn.

Hoạt động đào tạo nội bộ tại công trường và các ban chuyên môn được xây dựng dựa trên kết quả khảo sát, đánh giá về những điểm yếu, điểm mạnh của từng bộ phận. Qua đó giúp từng người lao động có thêm kiến thức, kỹ năng, tay nghề tốt hơn, làm việc hiệu quả hơn.

Thương hiệu Đèo Cả gắn liền với những dự án lớn, dự án khó, các dự án mà doanh nghiệp khác không làm được hoặc không dám làm. Điển hình chính là chuỗi các công trình hầm lớn nhất Việt Nam như Hải Vân, Đèo Cả, Cù Mông; giải cứu thành công các tuyến cao tốc bị đình trệ Bắc Giang - Lạng Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận; đề xuất thực hiện các tuyến cao tốc khó khăn như Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Tân Phú - Bảo Lộc,…

Đây là những dự án đầy rẫy khó khăn, phức tạp, từ vấn đề kỹ thuật, thủ tục pháp lý, các kênh huy động vốn, tổ chức thực hiện đến việc xử lý các vấn đề vướng mắc, xung đột, tranh chấp,…Chính những khó khăn này lại là những bài học vô cùng quý giá để rèn giũa con người Đèo Cả mạnh mẽ và tự tin hơn khi đương đầu với những việc khó trong tương lai.

Hoạt động đào tạo trong thời gian tới sẽ tập trung khai thác những bài học kinh nghiệm được đúc kết từ thực tiễn triển khai các dự án này. Với đội ngũ lãnh đạo và Hội đồng Cố vấn nhiều kinh nghiệm, kết hợp với các kiến thức từ các trường, hoạt động đào tạo của Tập đoàn được kỳ vọng mang lại nhiều kết quả, không chỉ giải quyết các yêu cầu công việc của Tập đoàn mà còn là nguồn tư liệu để đúc kết trong chương trình đào tạo của các trường học.

Học tập để vươn xa

Dư địa phát triển ngành giao thông ở Việt Nam còn rất lớn, từ đường bộ đến đường sắt và hàng không. Trong bối cảnh đó, Tập đoàn đã định hướng rõ với chiến lược tăng trưởng tập trung, đặt trọng tâm vào lĩnh vực truyền thống là hạ tầng giao thông với các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Trong những năm tới, Tập đoàn sẽ phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và các sản phẩm, công trình giao thông mới.

Hoạt động đào tạo, phát triển nhân sự vẫn sẽ là ưu tiên hàng đầu để thực hiện chiến lược. Ông Hồ Minh Hoàng cũng đã nhấn mạnh:Đầu tư cho con người là khoản đầu tư rẻ nhất”. Sắp tới, lãnh đạo Tập đoàn sẽ triển khai hoạt động đào tạo đồng bộ từ cấp quản lý đến nhân viên, hình thành phong trào học tập, xây dựng nội dung, chương trình các buổi đào tạo có chất lượng hơn nhằm đào tạo kỹ năng quản lý, năng cao chuyên môn, tay nghề để đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu nhân sự chất lượng phù hợp với các yêu cầu của công việc trong giai đoạn sắp tới.

T.T