KTS Phạm Thanh Tùng:

Hầm Cù Mông là tác phẩm kiến trúc của đất nước thời kỳ đổi mới

14/12/2018     76

Tiếp tục tuyến bài về dự án hầm đường bộ Cù Mông, tuần này chúng tôi giới thiệu chia sẻ của kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng - Ủy Viên Ban thường vụ, Chánh văn phòng TƯ Hội KTS Việt Nam về công trình chuẩn bị đi vào vận hành này.

PV: Thưa ông, song song với việc thi công hầm đường bộ Cù Mông, vừa qua, Tập đoàn Đèo Cả đã tổ chức cuộc thi tuyển “Cung đường sinh thái hầm Cù Mông” để chọn ra phương án xây dựng cảnh quan tổng thể cho dự án, ông đánh giá như thế nào về sự quan tâm của nhà đầu tư về vấn đề bảo vệ môi trường, phát triển bền vững?

KTS Phạm Thanh Tùng: Tôi đánh giá cao chủ trương của Lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả tổ chức cuộc thi “Cung đường sinh thái hầm Cù Mông” với mục đích thông qua cuộc thi này sẽ chọn ra được những ý tưởng tốt nhất về quy hoạch kiến trúc cảnh quan cung đường dẫn đến cầu hầm Đèo Cù Mông, tạo ra những tác phẩm thân thiện với thiên nhiên, với môi trường, trả lại cho thiên nhiên những gì mà chúng ta đã lấy đi trong quá trình xây dựng, cải thiện môi trường làm việc cho một bộ phận điều hành giao thông và quản lý cầu hầm, đồng thời tạo điều kiện để người tham gia giao thông, mỗi khi qua đây được thưởng ngoạn những tác phẩm bằng chất liệu thiên nhiên, nương vào thiên nhiên và mang đậm bản sắc văn hóa khu vực Phú Yên - Bình Định do KTS thiết kế.

Qua đó xã hội sẽ hiểu thêm giá trị của công trình cầu hầm, giá trị của khoa học công nghệ, tôn vinh sự lao động, hy sinh không mệt mỏi của tập thể cán bộ, kỹ sư, công nhân Tập đoàn Đèo Cả đã xây dựng nên những cầu hầm nổi tiếng này.

Quan điểm này của Tập đoàn Đèo Cả phù hợp với xu hướng phát triển bền vững trên thế giới. Nó càng có ý nghĩa khi mà biến đổi khí hậu đã và đang gây ra những bất ổn ngày càng lớn cho con người trên phạm vi toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

PV: Ông đánh giá thế nào về chất lượng các phương án thi tuyển tại cuộc thi “Cung đường sinh thái hầm Cù Mông”?

KTS Phạm Thanh Tùng: Tôi được biết, đây không phải là lần đầu tiên Tập đoàn Đèo Cả tổ chức cuộc thi kiến trúc, mà trước đó, Tập đoàn cũng tổ chức một cuộc thi có nội dung tương tự cho cung đường hầm Đèo Cả.

Với cuộc thi lần này (cung đường sinh thái hầm Cù Mông) tôi có rất nhiều kỳ vọng về một kết quả tốt. Quả đúng như vậy, với 12 phương án dự thi, mỗi phương án đều có ý tưởng sáng tạo riêng rất hay, và đều dựa vào đặc điểm địa - văn hóa của Phú Yên - Bình Định làm cảm hứng sáng tạo.

Tuy nhiên, đã là cuộc thi thì phải có xem xét, lựa chọn để tìm ra ý tưởng sáng tạo tốt nhất, đảm bảo nhất các tiêu chí mà Ban Tổ chức đề ra. Đây thực sự là điều khó khăn cho Hội đồng Giám khảo, trong đó có cá nhân tôi, một thành viên của Hội đồng, phải làm việc hết sức nghiêm túc và công tâm. Kết quả bình chọn đã được công bố, tuy nhiên nếu để đem ra thực hiện, thì chưa có phương án nào đáp ứng được kể cả phương án đạt giải cao nhất (là giải nhì, không có giải nhất).

PV: Làm thế nào để tối ưu cảnh quan tại hầm Cù Mông, thưa ông?

KTS Phạm Thanh Tùng: Trong quá trình xây dựng, nhất là xây dựng các công trình giao thông, cầu hầm, việc tác động và phá hủy một phần nào đó của thiên nhiên là cần thiết. Như việc khoan núi đào hầm là đã xâm phạm đến thiên nhiên rồi. Vì vậy, hạn chế đến mức thấp nhất việc tác động đến thiên nhiên là yêu cầu cấp thiết đặt ra cho mỗi nhà đầu tư. Tôi ấn tượng với quan điểm của Lãnh đạo Tập đoàn là lấy đi của thiên nhiên thì sẽ trả lại cho thiên nhiên. Đó là quan điểm rất nhân văn, rất văn hóa và đó cũng là quan điểm của phát triển bền vững.

Để tối ưu hóa cảnh quan cung đường hầm Cù Mông, theo tôi cần làm được những vấn đề sau:

+Tạo được hành lang xanh hai bên đường, trồng những loại cây đặc dụng phù hợp với thổ những địa phương, có sức bền, chịu được mưa nắng, không phải mất công chăm sóc và ảnh hưởng đến an toàn giao thông.

+ Nghiên cứu không gian dừng - nghỉ với khoảng cách hợp lý để cho người - xe tham gia giao thông dừng chân, ngắm cảnh. Tại vị trí này nên có các kiến trúc nhỏ như vườn hoa, đài phun nước, tượng - điêu khắc, quán bán hàng lưu niệm, giải khát.

+ Cần đặc biệt chú ý kiến trúc không gian trước cửa hầm. Vì đây là nơi gây ấn tượng nhất đối với người tham gia giao thông. Cảnh quan, kiến trúc nơi đây phải được tạo hình độc đáo, thể hiện được bản sắc văn hóa khu vực, là biểu tượng của hầm cầu Cù Mông.

PV: Xin ông cho biết vai trò, ý nghĩa hầm Cù Mông khi đưa vào vận hành đồng bộ cùng với hai hầm Cổ Mã và Đèo Cả?

KTS Phạm Thanh Tùng: Chỉ nói ngắn gọn thế này. Tôi rất ngưỡng mộ trước những thành quả mà Tập đoàn Đèo Cả đã cống hiến cho xã hội, đóng góp vào sự phát triển cho nền kinh tế đất nước. Tất cả những công trình cầu hầm đường bộ của Tập đoàn đều là những tác phẩm Kiến trúc - Hầm Cầu của nước ta trong thời kỳ đổi mới.

Việc thông hầm Cù Mông cùng với hầm Đèo Cả đã đưa Phú Yên thông suốt một cách gần nhất, thuận lợi nhất, an toàn nhất, kinh tế nhất với Bình Định và Khánh Hòa. Tôi nhớ, người Phú Yên xưa có câu này: “Phú Yên nằm giữa hai đèo/Giàu sang chẳng thấy đói nghèo quanh năm”. Còn bây giờ, khi cầu hầm đã thông, tôi xin được thêm hai câu thế này “ Bây giờ Đèo Cả đã thông/ Giàu sang đã thấy, đói nghèo dần xa”.

Xin cảm ơn ông!

Huyền Trang thực hiện