Sáng 30/7/2021, tại Hà Nội, Bộ GTVT, Tập đoàn Đèo Cả cùng Liên danh nhà đầu tư đã ký Hợp đồng BOT Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.
Trước đó, Bộ GTVT đã tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước và đến tháng 1/2021, Bộ trưởng Bộ GTVT đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư Liên danh CTCP Tập đoàn Đèo Cả - CTCP Xây Dựng Đèo Cả - CTCP TCT ĐTXD 194. Đây là một trong 3 dự án thành phần Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 được triển khai theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT được ký kết hợp đồng sau cùng. Bộ GTVT cho rằng tuy việc đàm phán kéo dài hơn các dự án khác bởi 2 bên cùng thương thảo một cách chi tiết để thống nhất tháo gỡ những vấn đề vướng mắc bất cập, đúc kết từ kinh nghiệm của Tập đoàn Đèo Cả đã từng thực hiện hoặc tư vấn tháo gỡ các vướng mắc tài chính và thủ tục pháp lý tại các dự án điển hình như Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận, Vân Đồn - Móng Cái… với quan điểm nhất quán “ký để thực hiện, không ký cho có”.
Lễ ký Hợp đồng BOT Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.
Ông Phùng Tiến Thành, đại diện nhà đầu tư Đèo Cả đề nghị Bộ GTVT sau khi hợp đồng được ký kết sớm thực hiện chỉ đạo các bên liên quan: “Hoàn tất bàn giao các hồ sơ thiết kế theo đúng quy định của hợp đồng; Bàn giao đầy đủ mốc mạng và phạm vi GPMB cũng như mặt bằng sạch cho nhà đầu tư; Hỗ trợ cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để làm việc với địa phương trong công tác cấp phép mỏ vật liệu trên địa bàn dự án đi qua. Đồng thời xây dựng cơ chế và hỗ trợ cho NĐT/DNDA về các chính sách để bình ổn giá cả thị trường khi có biến động bất thường”
Theo báo cáo nghiên cứu khả thi, Dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo có tổng chiều dài 78,5km, điểm đầu tại km54+00, phía sau nút giao Cam Ranh (điểm cuối dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Nha Trang - Cam Lâm) thuộc địa phận xã Cam Thịnh Tây, TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà. Điểm cuối Dự án tại KM134+00, phía trước nút giao Vĩnh Hảo, trùng điểm đầu dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết thuộc xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.
Dự án có tổng vốn đầu tư 8.925 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn nhà đầu tư khoảng 3.786 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu khoảng 1.030 tỷ đồng, vốn vay khoảng 2.756 tỷ đồng); nguồn vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án khoảng 4.199 tỷ đồng; nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước thực hiện 1 số công việc thuộc trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền là 940,12 tỷ đồng.
Tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường ô tô cao tốc TCVN 5729-2012, giai đoạn phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m với vận tốc thiết kế 80km/giờ; Tuyến hầm Núi Vung có chiều dài 2,2 km, quy mô 3 làn xe, bề rộng hầm 14m, lớn thứ 4 cả nước sau các hầm Hải Vân, Đèo Cả và Cù Mông.
Giai đoạn hoàn chỉnh quy mô sẽ lên tới 6 làn xe, bề rộng nền đường 32,35m. Công trình cao tốc ở dự án này có thêm cả công trình hầm, công trình cầu và các nút giao liên thông và trực thông (cầu vượt hoặc đường chui). Công trình cầu được thiết kế theo tiêu chuẩn TCVN phù hợp khổ nền đường, giai đoạn phân kỳ bề rộng cầu là 17,5m, giai đoạn hoàn chỉnh sẽ xây dựng bổ sung 1 đơn nguyên bên cạnh cầu 16,25m. Công trình hầm được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh một ống hầm bên phải, khai thác với 2 làn xe ngược chiều, giai đoạn hoàn chỉnh sẽ đầu tư hoàn thiện ống hầm bên trái để khai thác hầm với quy mô hầm 6 làn xe. Đây là dự án có công trình giao thông đường bộ cấp I, công trình hầm cấp đặc biệt.
Cam Lâm - Vĩnh Hảo là dự án với mục tiêu từng bước hình thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông nâng cao năng lực vận chuyển hàng hoá, thông thương trong khu vực, phù hơp với định hướng và quy hoạch phát triển GTVT, kết nối tất cả các trung tâm kinh tế phía Nam Trung Bộ và vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ và tạo động lực phát triển đột phá kinh tế - xã hội.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn phát biểu tại lễ ký: “Nhà đầu tư BOT rất chuyên nghiệp trong đàm phán. Chúng tôi đánh giá rất cao. Đấu thầu dự án này, đã chọn ra phương án tiết giảm 891 tỷ đồng. Đó là cảm hứng tạo ra môi trường đầu tư tốt hơn để thực hiện thành công 5000 km”.
Bộ GTVT hoàn toàn tin tưởng dự án sẽ hoàn thành chuẩn chất lượng, bảo đảm tiến độ đề ra khi đại diện liên danh Nhà đầu tư là Tập đoàn Đèo Cả ngày càng chứng minh khả năng và uy tín của mình bằng những công trình cụ thể, khi thực hiện các công trình mang tầm vóc quốc gia như Dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả (hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông, hầm Hải Vân 2), dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận… Song song với các dự án đã hoàn thành, hiện nay Đèo Cả đã trúng thầu thi công dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông như Mai Sơn - Quốc lộ 45, Nghi Sơn - Diễn Châu, Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cam Lộ - La Sơn, cầu Cửa Lục, đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả …. và đang xúc tiến đầu tư các dự án hạ tầng giao thông, năng lượng tái tạo… tại các tỉnh thành khác như Cao Bằng, Lâm Đồng, Điện Biên…
TT