Kỹ sư Bùi Hồng Đăng:

“Tết chưa đến nhưng trong lòng người thợ làm hầm đã rộn ràng hơn Tết rồi”

28/11/2018

LTS: Mùa xuân này, công trình hầm đường bộ qua đèo Cù Mông sẽ đi vào hoạt động, gỡ nút thắt giao thông Phú Yên – Bình Định nói riêng và cả nước nói chung. Có những cá nhân miệt mài lao động tại công trường, góp phần làm nên công trình lớn này, không phải ai cũng biết đến. Những câu chuyện của họ sẽ lần lượt được giới thiệu trên deoca.vn

“Tết chưa đến nhưng trong lòng người thợ làm hầm đã rộn ràng hơn Tết rồi” là cảm xúc của kỹ sư trẻ Bùi Hồng Đăng trong giây phút nổ quả mìn cuối cùng để thông hầm Cù Mông vào ngày 16/1/2018. “Sau tiếng nổ, đường hầm thông suốt hiện ra, các số liệu thể hiện độ chính xác gần như tuyệt đối, sai số hai phía chỉ lệch nhau 1cm. Quả là khó tin nhưng đó là thực tế” anh Đăng nhớ lại.

Chỉ 15 ngày sau đó, ngày 3/2, hầm phía tây cũng đã hoàn thành. Việc thông hầm vượt tiến độ đã cam kết với Bộ Giao thông vận tải 2 tháng.

Những ngày cuối tháng 11, trên công trường hầm đèo Cù Mông, các đơn vị thi công đang gấp rút chạy đua với thời gian hoàn thiện những hạng mục cuối cùng đưa dự án về đích đúng hẹn. Theo kế hoạch, hầm đường bộ qua đèo Cù Mông sẽ đi vào hoạt động trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.

Bấy lâu nay, chỉ duy nhất con đường bộ rải quanh sườn đèo Cù Mông nối hai tỉnh Bình Định – Phú Yên gắn liền với những câu chuyện tai nạn giao thông thảm khốc, thương tâm. Giờ đây, đứng trước thời khắc chuẩn bị thông hầm, những vất vả trong việc đi lại của người dân hai tỉnh Bình Định, Phú Yên nói riêng và rộng mở con đường thiên lý Bắc – Nam nói chung sẽ được khắc phục, kỹ sư Bùi Hồng Đăng không giấu được niềm vui.

Nếu không giới thiệu chức danh, người mới gặp khó nhận ra chàng kỹ sư này là Giám đốc điều hành các gói hầm của Tập đoàn Đèo Cả. Bùi Hồng Đăng không mang comple, caravat bảnh bao mà trong trang phục bảo hộ lao động trực tiếp cùng anh em vào hầm.

Kỹ sư Bùi Hồng Đăng

Anh Đăng với vẻ ngoài lành lành, ít nói, hay cười, ít người biết rằng anh là một “tướng trận” thực thụ. PGS.TS Trần Chủng, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Cố vấn cấp cao Tập đoàn nói với tôi rằng: “Đăng là người giỏi chuyên môn. Rất nhiều sáng tạo trong công việc. Nếu thực hiện một tài liệu tổng kết về việc người Việt làm chủ công nghệ làm hầm thì nhất định Đăng phải tham gia đóng góp ý kiến”.

Trong bữa cơm trưa tại nhà ăn của cán bộ công nhân viên Dự án hầm đường bộ Cù Mông, anh Đăng kể cho tôi biết: “Mình từ Đèo Cả, Cổ Mã ra Cù Mông, Cù Mông hoàn thành tiếp tục ra Hải Vân 2”. Chàng kỹ sư này đã có mặt tại những công trình quan trọng của Đèo Cả ngay từ những ngày đầu tiên.

Kể lại lời khen của PGS Trần Chủng cho Đăng nghe, anh cười: “Đó là thành quả của tập thể. Phải nói rằng, từ kinh nghiệm học hỏi các chuyên gia nước ngoài, qua công tác tư vấn giám sát, thi công hầm Hải Vân I, rồi trực tiếp khoan hầm đèo Cả (4.200m), đèo Cổ Mã (500m) và cả tự học, tự nghiên cứu qua tài liệu, đội ngũ kỹ sư, công nhân của chúng ta (Tập đoàn Đèo Cả) đã nhuần nhuyễn công nghệ khoan hầm NATM, đạt đến trình độ cao của thế giới”.

Minh chứng là hầm đèo Cù Mông dài 2.600m này, được khoan 2 ống hầm song song có chiều cao 8.3m, rộng 10,5m. Toàn bộ lực lượng từ tư vấn giám sát đến thi công là người Việt Nam. Mỗi ống hầm được khoan cùng lúc từ 2 đầu, hai bên thi công không thể nhìn thấy nhau, nhưng khi hợp long thì chỉ lệch nhau 1cm, còn tốc độ khoan hầm thì mỗi tháng đạt 100-150m, có tháng đạt đến 237,5m, đạt với trình độ khoan hầm quốc tế.

Kỹ sư Bùi Hồng Đăng (thứ 3 từ trái sang phải) trong chuyến kiểm tra tiến độ hầm hầm Cù Mông tháng 11/2018 của Chủ tịch HĐQT Hồ Minh Hoàng

Chàng kỹ sư sinh năm 1980 chính thức là người của Đèo Cả khi đang là trợ lý kỹ sư thường trú (bên TVGS) dự án hầm Đèo Cả. Thời điểm đó hạng mục Đèo Cả đang vào giai đoạn hoàn thành.

Anh Đăng cho biết, điều khiến anh muốn trở thành thành viên của ngôi nhà Đèo Cả là ở khát khao làm chủ công nghệ thi công hầm NATM của người đứng đầu Tập đoàn. Đây là một ngành mới mà nếu ở đơn vị khác phải mất quá trình chuẩn bị rất dài (từ tài chính, con người, công nghệ, máy móc thiết bị...).

Môi trường làm việc ở Đèo Cả khác với những doanh nghiệp khác ở chỗ từ người đứng đầu đến nhân viên là sự khát vọng, nói đi đôi với làm (làm rất quyết liệt) và kết quả đã có rất nhiều công trình đảm bảo về an toàn, chất lượng và tiến độ (luôn đúng hẹn).

Được giao công việc ở Hải Vân II, đối với mình quan trọng nhất vẫn là sự tin tưởng vào thế hệ trẻ của Chủ Tịch Hồ Minh Hoàng cũng như toàn thể Ban Lãnh đạo Tập đoàn.

Anh Đăng chia sẻ: “Gia đình mình ở Gia Lâm, Hà Nội. Một chút bất lợi về khoảng cách địa lý, vợ chồng, cha con không thường xuyên ở với nhau. Nhưng mình là dân công trường phải thu xếp được trở ngại đó. Điều nữa, mình may mắn sự cảm thông ủng hộ, động viên từ phía gia đình”.

Trong chuyến kiểm tra tiến độ dự án hầm đèo Cù Mông gần đây, Chủ tịch HĐQT Hồ Minh Hoàng đề cập đến câu chuyện Tập đoàn sẽ tiến ra phía Bắc Tổ quốc tiếp tục làm nên những công trình phục vụ người dân, phục vụ đất nước. Anh Đăng cho biết sẽ sẵn sàng nhận nhiệm vụ bất cứ đâu nếu được giao phó.

Q.Thành