Một ngày tại công trường “gió như phang, nắng như rang”

11/09/2022

Thời tiết Ninh Thuận ẩm ương”, nắng mưa bất chợt. Nắng như đổ lửa bỗng dưng tối sầm, mây đen kéo tới, bầu trời xám xịt, mưa xối xả, rồi cũng tạnh nhanh như lúc kéo đến. Nhưng dù là thời tiết nào, hàng ngàn kỹ sư, công nhân trên công trường cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo vẫn phải khắc phục để thi công với một tinh thần khẩn trương để công trình hoàn thành kịp tiến độ.

Trên công trường Cam Lâm - Vĩnh Hảo

Buổi sáng, tranh thủ khi mặt trời chưa kịp nung nóng mặt đất, anh Phan Văn Tiến (quê Phú Yên) cùng các anh em công nhân khác rời khu nhà ở để tới công trường bắt đầu ca làm việc. Anh Tiến là lái máy thuộc Tập đoàn Đèo Cả, đã theo công trình này từ khi dự án vừa khởi công. Hiện, anh đang lái máy đào cho gói thầu XL09, gói thầu nằm nửa phía Nam hầm Núi Vung. Đây là hầm xuyên núi dài nhất cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 với chiều dài 2,2km.

Dọc đường di chuyển ra công trường, loài thực vật bắt gặp nhiều nhất ở vùng đất sỏi đá này là xương rồng lê gai. Loài cây gai góc, kiên cường sống trên sự cằn cỗi mà vẫn miệt mài chắt chiu từng giọt nhựa rồi cho đời những quả mọng đỏ. Như loài cây đó, những người đang làm việc nơi đây cũng phải thật kiên cường trước khí hậu “nắng như rang, gió như phang”. Anh Tiến chia sẻ: “Thời tiết Ninh Thuận thì không phải nói thêm gì. Nghề làm đường vất vả, khổ cực đã quen. Cảm giác góp phần làm nên con đường cho người dân đi lại thuận tiện cũng thấy vui khiến mình nhiều khi vượt qua được vất vả”.

9 giờ, nắng như đã giữa ngọ, trời cao xanh, không một gợn mây, gió khô khốc kéo theo bụi phả vào mặt người. Những chiếc xe bồn tưới nước chống bụi lấy từ con suối gần đó chạy đi chạy lại liên tục nhưng dường như không thấm tháp gì dưới thời tiết này. Thế nhưng, trong nắng, gió, bụi, công nhân miệt mài trong tiếng máy máy lu máy ủi rộn ràng. Có cảm tưởng người ta không màng đến những sự quấy quả của thiên nhiên khó tính, bởi trong ai cũng đã kiên định cho mình một ý chí đương đầu, như loài xương rồng mọc lên trên sỏi đá kia.

Trời đứng bóng, tan ca, những chiếc lưng áo ướt đẫm mồ hôi í ới gọi nhau về ăn trưa nghỉ ngơi, tiếng cười nói vẫn rộn ràng suốt đường về khu nhà điều hành. Khác với tưởng tượng về những khu lán trại công trình ghép tôn tạm bợ, nóng nực, khu nhà điều hành của DCG được xây dựng khang trang tiện nghi đầy đủ. Cách khu vực cửa hầm không xa, ngoài khu văn phòng, cụm nhà điều hành còn có khu bếp ăn thoáng mát, sạch sẽ, khu nhà ở cán bộ, công nhân tiện nghi, máy lạnh chạy rù rù.

Về tới khu nhà ở, vừa lau mồ hôi anh Tiến vừa nói: “Bếp ăn bố trí nấu 3 bữa một ngày nên anh em khá yên tâm về việc ăn uống. Nghỉ ngơi có phòng máy lạnh không lo nóng nực”.

Khi được hỏi về chế độ làm việc ở Đèo Cả, anh Tiến cười: “Đèo Cả “chuẩn”. Trước làm cho công ty nhỏ, bị nợ lương hoài, bấp bênh lắm. Đèo Cả, cứ mỗi tháng tới ngày là tiền lương chuyển vào tài khoản, công việc ổn định, mình an tâm làm việc hơn. Đọc báo thấy nhà nước cũng tin tưởng Đèo Cả nhiều lắm, hy vọng công ty tiếp tục nhận được nhiều dự án để có công việc ổn định cho anh em, người làm công cũng chỉ mong có vậy”.

Công nhân lái máy tại công trường

Làm việc tại Cam Lâm - Vĩnh Hảo nhiều công nhân lái xe, lái máy đã gắn bó với Đèo Cả trên 3 dự án. Anh Nguyễn Xuân Tám đã gắn bó với Đèo Cả từ năm 2018, kinh qua dự án Hải Vân tại Huế - Đà Nẵng, đến Trung Lương - Mỹ Thuận tại Tiền Giang rồi bây giờ là Cam Lâm - Vĩnh Hảo tại Ninh Thuận.

“Làm việc kiếm tiền thì đâu cũng vất vả như nhau thôi, nhưng ở Đèo Cả công việc ổn định, chế độ tốt nên mình sẵn sàng theo công ty hết công trình này đến công trình khác, làm đến khi nào hết làm được thì thôi”, anh Tám cười.

Ông Hồ Đình Chung, Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho biết, các dự án hạ tầng giao thông thường đi qua nơi hẻo lánh, xa thành phố lớn, đi lại khó khăn nên rất khó thu hút và giữ chân người lao động. Tại Cam Lâm - Vĩnh Hảo cũng vậy. Trước đây, khu ban điều hành là một nơi “3 không”, không đường, không điện nước, không mạng internet. Tập đoàn xây dựng khu nhà cho cán bộ và người lao động và khu làm việc cho ban điều hành trước khi bắt tay vào thi công dự án. Mở đường, kéo điện, tìm nguồn nước sinh hoạt, kết nối internet… rồi mua sắm cơ sở vật chất, tiện nghi nhất.

“Chúng tôi luôn cố gắng xây dựng cơ sở hạ tầng, nơi ăn ở, sinh hoạt khang trang, tiện nghi đầy đủ nhất và và chăm lo đời sống cho người lao động, không chỉ để anh em mà cả người nhà của họ yên tâm về điều kiện làm việc”, ông Chung nói.

Ngoài những giờ làm việc, cuộc sống công trường cũng mang đến những niềm vui và kỷ niệm đáng nhớ cho những con người xa nhà. Khi ráng chiều nhuộm rực một góc đập sông Biêu, anh em kỹ sư, công nhân viên lại kéo nhau ra thả lưới bắt cá đem nướng. Dưới ánh lửa bập bùng, trong gió chiều nhè nh, tiếng cười nói rộn rã cả một khúc sông.

Một góc sông Biêu

Màn đêm buông xuống khu liên cơ, những tốp thợ làm ca đêm lại tất bật ra công trường. Từ xa vang vọng tới tiếng máy trạm nghiền rổn rảng. Trên những hàng ghế đá trong khuôn viên ban điều hành, ánh sáng từ những chiếc màn hình điện thoại soi lên những nụ cười tươi rói của người cha, người chồng, người con khi gọi về cho gia đình. Nụ cười người cha rạng rỡ, tiếng trẻ bi bô khúc khích vang lên trong điện thoại.

Ghi chép của Nguyễn Nga