Nghe người lao động nói về văn hoá và chuyên môn tay nghề

28/08/2022

Nằm trong hoạt động đào tạo, nâng cao chất lượng tay nghề cho người lao động, từ ngày 25-27/08/2022, tại dự án hầm Thung Thi (Thanh Hoá), hầm Trường Vinh (Thanh Hoá - Nghệ An), bộ phận đào tạo đã tổ chức chương trình “Chuẩn hoá văn hoá Đèo Cả và chuyên môn, tay nghề”. Chương trình được tổ chức dưới hình thức phổ biến, đối thoại do ông Hồ Chí Dũng - Trợ lý CT HĐQT phối hợp với ban điều hành công trường chủ trì.

Cụ thể, nội dung của khoá trao đổi này nhằm mục đích đánh giá lại mức độ hiểu biết của người lao động về các kiến thức nền về văn hoá và kỹ năng chuyên môn, trên cơ sở đó, giáo viên sẽ nắn chỉnh bằng hình thức trao đổi trực tiếp.

Chương trình đào tạo diễn ra tại công trường dự án hầm Trường Vinh

Để không ảnh hưởng đến công việc, bảo đảm tiến độ các dự án đang vào giai đoạn nước rút, chương trình “Chuẩn hoá văn hoá Đèo Cả và chuyên môn, tay nghề” được chia làm 5 ca học, mỗi ca trung bình 60 người, diễn ra cả buổi tối đã nhận được sự tương tác tích cực từ người lao động vì những nội dung gần gũi với công việc của họ.

Hoạt động này nằm trong khung chương trình tổng thể gồm 3 bước, trang bị kiến thức, thi và đánh giá lại. Quy trình này dự kiến diễn ra trong 3 tháng. Ông Hồ Chí Dũng cho rằng: “Chương trình tại 2 công trường này có một đặc điểm khác biệt, chúng ta có 3 vòng tổ chức, vòng đầu chúng ta trang bị cho học viên một sự chuẩn bị về kiến thức, vòng 2 chúng ta sẽ tổ chức ngày hội thi, một điểm khác nhỏ nhưng đủ tạo ra khác biệt lớn đấy là sau mỗi câu hỏi, BTC sẽ giải đáp những vấn đề còn thắc mắc, phân tích những thao tác của học viên trên hiện trường, từ đó sẽ cải thiện chất lượng công việc hơn, vòng cuối cùng sẽ đánh giá sự thay đổi về mặt hành vi, nhận thức của người lao động ứng dụng vào trong công việc hằng ngày của họ sau hội thi. Chuỗi chương trình đào tạo lần này thuộc vòng 1 của hội thi sắp tới”.

Chương trình đào tạo diễn ra tại công trường dự án hầm Thung Thi

Nội dung của các ca đào tạo được chia làm 2 phần, phần 1 về văn hoá Đèo Cả, phần 2 về chuyên môn từng nhân sự cụ thể. Sau mỗi chương trình đào tạo người lao động sẽ được giao bài tập, trong vòng 45 phút mỗi nhân sự sẽ được thực hiện bộ câu hỏi xoay quanh 2 nội dung chính: phần kiểm tra trắc nghiệm (nói về chuyên môn từng nhân sự) và phần kiểm tra tự luận (nói về văn hoá Đèo Cả).

“Sau chương trình học, ngoài nhận thức về văn hoá của người lao động trên công trường nâng cao, trong công việc hằng ngày chất lượng làm việc, chất lượng của người lao động trong hệ thống được cải thiện rõ rệt như chăm sóc máy móc tốt hơn, thao tác chuẩn mực hơn, chúng ta sẽ ít gặp các lỗi trong vận hành máy móc”, ông Hồ Chí Dũng nói thêm.

Nguời lao động chia sẻ tại buổi học

Tại chương trình đào tạo, các học viên học tập, trao đổi nghiêm túc, cởi mở và nhận được những đánh giá thẳng thắn từ giáo viên và ban điều hành từng dự án, các học viên đã học được thêm nhiều kinh nghiệm quý báu, trau dồi thêm kỹ năng trong công việc chuyên môn cũng như xử lý tình huống thực tiễn trên công trường.

Ông Trần Văn Toản - Chỉ huy trưởng công trình hầm Thung Thi chia sẻ: “Buổi đào tạo thực sự bổ ích cho chúng tôi, qua buổi đào tạo tôi đã học tập, lắng nghe và hiểu đúng hơn những đặc trưng văn hoá Đèo Cả, biết được những giá trị Tập đoàn mang lại cho mình”.

Trà My