Nguyên Bộ trưởng, Bộ Giao thông Vận tải - Hồ Nghĩa Dũng và cơ duyên với Tập đoàn Đèo Cả

01/08/2019

Nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông vận Tải (GTVT) Hồ Nghĩa Dũng cho rằng, thời điểm người ta có thể nhìn lại để tận hưởng vinh quang thì Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả (Đèo Cả) lại nhìn ra phía trước để bắt đầu chặng đường mới bằng việc Tái cấu trúc toàn diện. Những gì Đèo Cả làm được ngày hôm qua, người ta đi qua những tuyến hầm Đèo Cả, Cổ Mã, tới đây là Cù Mông, Hải Vân 2 và đi trên tuyến đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Chi Lăng - Hữu Nghị thì sẽ hiểu được tầm vóc nhà đầu tư. Ông Dũng tin rằng tương lai Đèo Cả còn thêm nhiều công trình có giá trị đóng góp cho đất nước này.

Cơ duyên với Tập đoàn Đèo Cả

PV: Sau khi rời “ghế nóng” Bộ trưởng Bộ GTVT về nghỉ hưu, nguyên nhân gì khiến ông trì hoãn việc nghỉ ngơi để gắn bó với Tập đoàn Đèo Cả trong vai trò cố vấn cấp cao?

Nguyên Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng: Tôi với Tập đoàn Đèo Cả gặp nhau là một cơ duyên. Những năm 2000, giao thông miền Trung còn nhiều khó khăn và Đèo Cả là một trong những điểm nóng về tai nạn giao thông, ách tắc. Có thể nói trong những năm 2008 - 2009, tất cả những vấn đề đầu tư của ngành giao thông rất khó khăn, vốn phát triển hạ tầng chủ yếu là vốn ODA và một phần rất nhỏ của ngân sách Nhà nước để đối ứng cho các dự án ODA. Vốn đầu tư tư nhân hầu như không có. Các nhà đầu tư nước ngoài thì không quan tâm nhiều tới các dự án hạ tầng giao thông vì họ thấy hiệu quả không cao.

Năm 2008, có nhóm các nhà đầu tư gồm Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội, Tập đoàn Mai Linh và Công ty Hải Thạch đã đến gặp tôi xin đăng ký nghiên cứu dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả. Họ bỏ vốn, thuê tư vấn từ nước Pháp xem lại, bắt đầu làm đề xuất dự án dưới dạng tiền khả thi. Tôi nhận thấy họ làm việc nghiêm túc và đưa ra những phương án đầu tư tốt, hơn nữa khi đó cũng không có thêm nhà đầu tư nào quan tâm tới dự án nữa, nên đã đề xuất Chính phủ cho phép liên doanh các nhà đầu tư này làm chủ đầu tư dự án.

Năm 2011, tôi nghỉ hưu, lúc đó dự án đang dang dở. Nhận thấy mình vẫn còn sức khỏe, còn trí tuệ, muốn đem những hiểu biết, kinh nghiệm của mình về giao thông chia sẻ cho lớp trẻ trong những phạm vi có thể được. Đèo Cả khi ấy là một trong những công ty tôi hết sức quan tâm và ủng hộ. Ngược lại, Đèo Cả cũng mong muốn có sự hỗ trợ, cố vấn của tôi nhất là trong giai đoạn đầu khó khăn.

Ngoài ra, tôi luôn có một niềm tin với những người thực hiện dự án, cụ thể là anh Hồ Minh Hoàng (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả) là những người quyết tâm, có ý chí, có khát vọng hơn người. Cho đến thời điểm hiện tại, nhận định của tôi là hoàn toán đúng đắn.

PV: Là một người có am hiểu lớn về lĩnh vực giao thông, sau khi ông về làm cố vấn cho dự án, các ý kiến tư vấn của ông và tư tưởng chỉ đạo của lãnh đạo Tập đoàn có chung tiếng nói hay không?

Nguyên Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng: Nhìn chung rất thuận lợi vì họ rất coi trọng những góp ý của Ban cố vấn, chuyên gia. Cách làm việc là tôi đóng vai trò đưa ra những tư vấn, còn Ban lãnh đạo Đèo Cả hoàn toàn tự chủ động, hoàn toàn sáng tạo trong những quyết định của mình cho nên không gặp bất kỳ trở ngại nào.

Tôi đánh giá cao tính khoa học trong cách vận hành làm việc của Tập đoàn. Đáng chú ý là hiện nay, họ quy tụ được một đội ngũ tư vấn có chuyên môn, đa lĩnh vực, giàu kinh nghiệm, một đội ngũ làm việc trẻ trung nhiệt huyết.

Tái cấu trúc

PV: Ông đánh giá như thế nào về tư tưởng “Định tâm - Định hướng - Định lượng” của Chủ tịch HĐQT Hồ Minh Hoàng để bắt đầu tái cấu trúc?

Nguyên Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng: Phải khẳng định, tôi rất đồng thuận, rất hiểu và chia sẻ với tư tưởng của anh Hồ Minh Hoàng. Trong đó, về “Định tâm”, ngay từ đầu tôi luôn chia sẻ, nhấn mạnh với anh Hoàng, một doanh nghiệp phải phục vụ được lợi ích cho cộng đồng, tất nhiên làm doanh nghiệp cần có lợi nhuận nhưng trên hết vẫn phải phục vụ xã hội. Cái đó, tôi cho là “Định tâm”.

“Định hướng” là hướng chiến lược cho một Tập đoàn phát triển. Tôi chỉ tham mưu cho Tập đoàn trong từng giai đoạn cụ thể. Với tôi, làm gì cũng hướng đến kết quả cụ thể. Ví dụ, khi làm hầm Đèo Cả thì mục tiêu hướng tới đó là làm một công trình hầm đầu tiên do người Việt thi công với chất lượng thật tốt… Hướng chiến lược cho từng giai đoạn phát triển nó như một bệ đỡ để nhìn thấy bước phát triển khác, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững.

“Định lượng” là số hóa những công trình bằng những con số cụ thể bằng những phép tính cộng, trừ, nhân, chia làm sao tiết giảm chi phí, công trình sau chất lượng tốt hơn công trình trước.

PV: Ông đánh giá như thế nào về thời điểm tái cấu trúc Tập đoàn? Đặc biệt sau những thành công của chặng đường vừa qua?

Nguyên Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng: Trước hết, phải hiểu tái cấu trúc nghĩa là thay đổi liên tục, đổi mới liên tục từ đầu tư, tổ chức nhân sự, tài chính...

Tôi theo dõi Tập đoàn Đèo Cả ngay từ những ngày đầu và thấy hầu như năm nào họ cũng thực hiện đổi mới. Những năm trước, đổi mới, thay đổi diễn ra trong quá trình làm việc và họ thấy những gì không hợp lý, cần thiết phải thay đổi ngay. Nhưng năm nay, tái cấu trúc thực hiện bài bản, toàn diện, có lý luận, có lý thuyết và có thực tế.

Tái cấu trúc thời điểm hiện tại hoàn toàn hợp lý. Thứ nhất, đặt trong bối cảnh đất nước đang cấu trúc lại nền kinh tế, từ chiều rộng sang chiều sâu và từ số lượng sang chất lượng để phát triển gắn với phát triển bền vững. Doanh nghiệp là một bộ phận của nền kinh tế này, do vậy cũng cần phải thay đổi theo chiến lược của cả đất nước.

Thứ hai, thời điểm doanh nghiệp đã có một bước phát triển nhất định, có thành tựu và đang hướng tới bước phát triển cao hơn, bắt buộc phải tái cấu trúc. Tuy nhiên, sự thay đổi này không phải thay đổi hoàn toàn mà phải kế thừa tất cả nhưng thành tựu, thành công trong giai đoạn trước. Tôi gọi đó là sự “Kế thừa và phát triển”.

PV: Trong cuộc họp Tái cấu trúc tại Hà Nội hồi cuối tháng 8/2018, ông đã đóng góp rất nhiều ý kiến có giá trị cho đề án này. Theo ông, ưu điểm của nội dung đề án Tái cấu trúc ở những điểm nào?

Nguyên Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng: Đề án Tái cấu trúc tương đối toàn diện, đề cập tới mọi lĩnh vực hoạt động của một doanh nghiệp: tổ chức nhân sự, đầu tư, tài chính, văn hóa doanh nghiệp. Nó đã đặt ra chi tiết kế hoạch phát triển của doanh nghiệp trong tương lai. Sau khi tái cấu trúc xong, điều tôi mong muốn là Tập đoàn sẽ tạo ra những sản phẩm giá trị cao, hiện đại hơn phục vụ tối đa cho lợi ích của cộng đồng, cho xã hội.

Tương lai của Đèo Cả

PV: Sau Đèo Cả, là Cù Mông, Hải Vân và hiện nay chúng ta đã tiến ra Bắc với Dự án Bắc Giang - Lạng Sơn, Hữu Nghị - Chi Lăng…, vậy theo ông điều cốt lõi nào xuyên suốt làm nên thành công của Đèo Cả cho đến hôm nay?

Nguyên Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng: Cái xuyên suốt chính ở ý chí quyết tâm của con người, đặc biệt là người đứng đầu - Chủ tịch HĐQT Hồ Minh Hoàng. Nhắc lại một chút, khi thực hiện dự án Đèo Cả, anh Hồ Minh Hoàng mới ngoài 30 tuổi và chỉ có trong tay một doanh nghiệp bình thường cấp tỉnh, không ai biết tên, đã dám cả gan, chinh phục Đèo Cả. Không phải người đứng đầu doanh nghiệp nào cũng có ý chí đó.

Thứ hai, đó là tài năng của anh Hồ Minh Hoàng thể hiện ở nghệ thuật “huy động vốn và sử dụng vốn”. Thời điểm đó, ngân hàng Vietinbank cung cấp tín dụng cho dự án nhưng sau đó anh Hồ Minh Hoàng lại khiến cho Vietinbank vừa là thành đối tác của mình, vừa đồng hành với mình (Vừa là nhà cung cấp, vừa là nhà đầu tư).

Điều quan trọng nữa, anh Hoàng đã huy động được vốn của nhà thầu, thể hiện trong dự án mới cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng (chủ động sử dụng nguồn vốn chủ sở hữu và vốn nhà thầu).

Tài sử dụng vốn của người đứng đầu Đèo Cả được chứng minh, khi nhiều dự án hạ tầng giao thông khác liên tục bị đội vốn, thậm chí tăng gấp đôi so với dự toán ban đầu thì vốn đầu tư cho dự án Đèo Cả lại giảm xuống. Công ty đã tiết giảm được 4.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ hỗ trợ cho dự án Đèo Cả để sử dụng cho dự án mới là dự án Cù Mông và Hải Vân.

Thứ ba, đó là cách sử dụng nguồn nhân lực con người. Tập đoàn biết cách huy động nguồn chất xám, thể hiện trong việc có được đội ngũ cố vấn, chuyên gia, cán bộ, công nhân viên có trình độ chuyên môn cao. Đây gọi là nghệ thuật dùng người. Khi có được nhiều nhân tài rồi thì triển khai công việc thuận lợi hơn rất nhiều.

PV: Là người nhiều kinh nghiệm về quản lý, theo ông những thuận lợi nào, khó khăn nào sẽ đến với Đèo Cả trong việc phối hợp, hợp tác với hệ thống cơ quan Nhà nước hiện nay?

Nguyên Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng: Là một doanh nghiệp tư nhân, Đèo Cả hoàn toàn có quyền chủ động trong phạm vi của doanh nghiệp: tổ chức bộ máy linh hoạt. Trong khi điều hành, mọi quyết định đều được tự chủ không bị can thiệp bởi bên ngoài, từ lựa chọn các đối tác: Ngân hàng, nhà thầu... đến tự chủ về tài chính. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đều rất quan tâm, ủng hộ Đèo Cả bởi uy tín Đèo Cả đã xây dựng, đã thể hiện trong thời gian vừa qua.

PV: Nhận định của ông về sự phát triển của Đèo Cả trong tương lai?

Nguyên Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng: Nhìn lại chặng đường đi qua của Tập đoàn Đèo Cả, từ những ngày đầu sơ khai ý tưởng đầu tư đến hiện thực công trình hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng. Con đường Đèo Cả đã qua đúng là một sự phát triển “thần tốc” nhưng vững mạnh, chắc chắn. Tôi hoàn toàn tin tưởng Đèo Cả sẽ hoàn thành xuất sắc những dự án đã đang và sẽ thực hiện. Từ Đèo Cả, Cù Mông, Hải Vân và sau đó là cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và Hữu Nghị - Chi Lăng đều sẽ là những đóng góp cụ thể, có giá trị cho sự phát triển của đất nước. Từ hầm Đèo Cả - Một công trình BOT lớn nhất đến một trong những Tập đoàn đầu tư BOT về giao thông lớn nhất nước. Chắc chắn Đèo Cả sẽ giữ vững được thương hiệu đó và ngày một vươn xa.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Quang Thành