Nhiều khó khăn “cản” tiến độ dự án Vành đai 3 TP.HCM

12/08/2024     1675

Gói thầu XL1 và XL4 thuộc dự án đường Vành đai 3 TP.HCM do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu liên danh nhà thầu thi công hiện đang gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn đầu triển khai thực hiện.

Gói thầu XL1 – Thi công xây dựng nút giao Tân Vạn đoạn từ Km25+990 đến Km28+383 thuộc dự án thành phần 5 của dự án Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua tỉnh Bình Dương. Gói thầu có giá trị hơn 1.830 tỷ đồng, khởi công ngày 31/5/2024 và dự kiến hoàn thành cuối năm 2026.

Nút giao Tân Vạn là nút giao lớn và có kỹ thuật phức tạp nhất trong 6 nút giao của dự án Vành đai 3 TP.HCM. Ngay sau khởi công, Tập đoàn Đèo Cả đã huy động nhân sự, máy móc thiết bị để triển khai thi công cọc khoan nhồi, bãi đúc dầm và văn phòng điều hành.

Phối cảnh nút giao Tân Vạn

Năng lực các nhà thầu trong liên danh đều là những nhà thầu mạnh như Đèo Cả, Bắc Trung Nam, Vinaconex… và đã huy động máy móc thiết bị, nhân sự đáp ứng đủ điều kiện để triển khai các mũi thi công đồng loạt. Tuy nhiên, liên danh nhà thầu chỉ mới nhận bàn giao mặt bằng khoảng 56.637 m2/177.857 m2, đạt tỷ lệ gần 32%.

Ban điều hành gói thầu XL1 cho biết, dù mặt bằng đã nhận khoảng gần 32% nhưng nhiều vị trí bàn giao “xôi đỗ” khiến công tác tập kết máy móc thiết bị tiếp cận hiện trường gặp khó. Bên cạnh đó, phần lớn tài sản trên đất chưa được di dời và một số hệ thống hạ tầng nổi, ngầm chưa xác định được đơn vị nào quản lý, vì thế không thể đẩy nhanh sản lượng thực hiện.

Công tác tổ chức thi công nút giao Tân Vạn gặp nhiều khó khăn do vướng mặt bằng

Trước những vướng mắc về mặt bằng, Tổng giám đốc Khương Văn Cương chỉ đạo ban điều hành gói thầu XL1 ưu tiên tập trung máy móc triển khai thi công tại các vị trí đã có mặt bằng sạch. Đồng thời, tích cực phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất địa phương và các cơ quan liên quan để đẩy nhanh công tác bàn giao mặt bằng để triển khai thi công đồng loạt.

Nút giao Tân Vạn là vị trí có nhiều cầu vượt, ở giáp ranh của TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai với các cụm cảng nên lưu lượng xe cộ lưu thông rất lớn. Ông Khương Văn Cương yêu cầu ban điều hành nghiêm túc thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh môi trường trên công trường và bảo đảm an toàn giao thông trong quá trình thi công dự án.

Đối với gói thầu XL4 - Xây dựng đường Vành đai 3 đoạn qua thành phố Thủ Đức (từ Km20+550 đến Km23+550), được triển khai thi công từ tháng 2/2024, đến nay đã thực hiện được gần 11% giá trị hợp đồng.

Công nhân đang lắp đặt cốt thép dầm Super-T

Ban điều hành gói thầu cho biết đã huy động 112 nhân sự và hơn 20 máy móc thiết bị, tổ chức 7 mũi thi công, trong đó 5 mũi thi công phần cầu cạn và 2 mũi thi công phần tuyến. Tuy nhiên, gói thầu đang có nguy cơ ảnh hưởng tiến độ do thiếu vật liệu cát đắp nền.

Mặc dù nhà thầu đã đẩy mạnh công tác tìm kiếm nguồn cát san lấp cho dự án nhưng các thủ tục cấp phép liên quan để cung cấp cát đắp nền cho dự án còn nhiều vướng mắc. Chủ đầu tư và nhà thầu đã xem xét đến phương án nhập khẩu cát từ Campuchia. Tuy nhiên, việc nhập cát dẫn đến sự chênh lệch giá thành khoảng 120.000 đồng/m3.

Cụ thể, theo tính toán cát nhập từ Campuchia về tới công trường sẽ vào khoảng 360.000 đồng/m³. Trong khi đó, giá cát san lấp tại địa phương chỉ khoảng 240.000 đồng/m3. Vì vậy, để triển khai được phương án nhập khẩu cát thì các cơ quan chức năng, bộ ngành trung ương cần có phương án bù giá.

Tại gói thầu này, chủ đầu tư và liên danh nhà thầu đã ứng dụng công nghệ BIM trong quản lý dự án nhằm nâng cao hiệu quả quản lý dữ liệu, chi phí, chất lượng và tiến độ dự án. Tổng giám đốc Khương Văn Cương yêu cầu ban điều hành các gói thầu tập trung nguồn lực, huy động thêm máy móc thiết bị, bổ sung bệ đúc dầm Super-T để đẩy nhanh tiến độ, tăng sản lượng thi công, đồng thời đảm bảo công tác ATLĐ, VSMT trên công trường.

TT