Tập đoàn Đèo Cả đề xuất giải pháp xây dựng cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành

25/05/2021

Ngày 24/5/2021, Tập đoàn Đèo Cả đã làm việc với Ban thường vụ Tỉnh uỷ Bình Phước về các giải pháp đầu tư cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.

Tham dự buổi làm việc, về phía tỉnh Bình Phước có ông Nguyễn Văn Lợi - Bí thư Tỉnh ủy, bà Huỳnh Thị Hằng - Phó Bí thư thường trực/Chủ tịch HĐND tỉnh, bà Trần Tuệ Hiền – Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh Bình Phước. Về phía Đèo Cả có ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch HĐQT cùng đại diện Hội đồng cố vấn, Hội đồng quản trị, Ban điều hành và các ban chuyên môn của Tập đoàn.

Toàn cảnh buổi làm việc

Theo quy hoạch mạng lưới đường cao tốc Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 1/3/2016, tuyến đường cao tốc Tp.HCM - Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) - Chơn Thành (tỉnh Bình Phước) có tổng chiều dài khoảng 69 km, dự kiến đầu tư mới quy mô 6 - 8 làn xe cao tốc, tổng mức đầu tư khoảng 24.150 tỷ đồng và thực hiện trong giai đoạn trước năm 2030.

Dựa trên phương án quy hoạch, Tập đoàn Đèo Cả đã nghiên cứu, phân tích, đánh giá các chỉ tiêu để điều chỉnh lại phương án tuyến, quy mô và tổng mức đầu tư. Tại đây, Tập đoàn Đèo Cả đã trình bày 2 phương án tuyến mới cho cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành để Ban thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước có cơ sở đối chiếu, so sánh. Ở phương án 1, dự án có chiều dài 33 km, quy mô 04 làn xe ô tô, tổng mức đầu tư dự kiến 6.900 tỷ đồng. Phương án 2, dự án có chiều dài 67 km, quy mô 04 làn xe ô tô, tổng mức đầu tư dự kiến 21.236 tỷ đồng và được chia thành 2 dự án thành phần.

Trao đổi với Ban thường vụ Tỉnh uỷ Bình Phước, ông Hồ Minh Hoàng nêu các kinh nghiệm được đúc rút từ thực tiễn trong quá trình thực hiện đầu tư các dự án mà Tập đoàn Đèo Cả đã, đang triển khai, để tư vấn cho tỉnh tổ chức thực hiện dự án. Trong bối cảnh Luật PPP mới ra đời vẫn còn nhiều vướng mắc trong việc thực hiện, nguồn vốn ngân sách nhà nước hạn hẹp, nguồn vốn tín dụng dành cho đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức BOT ngày càng bị thắt chặt… thì giải pháp tối ưu nhất để triển khai dự án là thực hiện theo phương thức “3 chữ P”.

Cụ thể, P1 - Vốn Ngân sách nhà nước, thể hiện sự quyết tâm chính trị của lãnh đạo địa phương, thống nhất phương án tuyến, cơ cấu vốn địa phương, Trung ương và vốn cần kêu gọi để định hướng cho việc khai thông huy động vốn P2 và P3. Đồng thời, thành lập Ban chỉ đạo Dự án của ba tỉnh do Bí thư tỉnh Bình Phước đứng đầu và tạo ra quỹ đầu tư cao tốc. P2 - Vốn Chủ sở hữu, chọn nhà đầu tư có kinh nghiệm, năng lực tài chính để cùng địa phương lập quy hoạch và quản lý. P3 - Vốn huy động khác, xác định phương án đầu tư, nhu cầu vốn và các tiềm năng, lợi thế của địa phương có dự án đi qua hỗ trợ tạo nguồn đầu tư cao tốc như bất động sản, đô thị công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ, logistics… thuận lợi trong việc kêu gọi vốn.

Bí thư tỉnh ủy Bình Phước đánh giá cao các giải pháp mà Tập đoàn Đèo Cả đã nghiên cứu

Ông Nguyễn Văn Lợi - Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước đánh giá cao các giải pháp mà Đèo Cả đã nghiên cứu và cho rằng cả 2 phương án đưa ra đều hiệu quả bởi giảm được đáng kể về tổng mức đầu tư so với các nghiên cứu đề xuất trước đây. Mô hình “3 chữ P” sáng tạo và mang tính chất thực tiễn, là chìa khóa để giải quyết bài toán đầu tư hạ tầng trong bối cảnh ngân sách eo hẹp. “Trong một thời gian ngắn nhưng Tập đoàn Đèo Cả đã đưa ra một bản giới thiệu, tư vấn về cách làm rất chi tiết, cụ thể, nhiều thông tin quý giá. Bản báo cáo vừa thực tiễn, vừa tổng kết được các kinh nghiệm thực tiễn, tôi đánh giá rất cao tư vấn, các ý kiến của Tập đoàn Đèo Cả”, Bí thư tỉnh Bình Phước nhấn mạnh.

Với hai phương án Tập đoàn Đèo Cả đề xuất, Ban thường vụ Tỉnh uỷ Bình Phước đồng thuận triển khai phương án 2. Ông Nguyễn Văn Lợi chỉ đạo các sở ngành nghiên cứu để phân bổ vốn ngân sách tỉnh Bình Phước tham gia dự án là 50% trên tổng vốn ngân sách nhà nước tham gia đầu tư.

Minh Anh