Tập đoàn Đèo Cả đề xuất nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng GTVT

13/11/2018

Ngày 13.11.2018, Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức buổi tọa đàm tìm giải pháp thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng GTVT. Buổi tọa đàm có sự góp mặt của đại diện ủy ban Chính sách Quốc hội, ủy ban Kinh tế Quốc hội, đại diện bộ GTVT, chuyên gia đầu ngành, đại diện các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực giao thông, đại diện các ngân hàng cùng nhau tháo gỡ những vướng mắc để thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng.

Toàn cảnh buổi tọa đàm giải pháp thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng GTVT

Đóng góp ý kiến cho buổi tọa đàm, từ góc độ nhà đầu tư, ông Trần Văn Thế - Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả cho rằng rào cản đầu tiên cho nhà đầu tư công trình giao thông trước tiên là hành lang pháp lý còn nhiều bất cập. Theo ông Trần Văn Thế, văn bản pháp lý của Việt Nam chưa đồng bộ, chẳng hạn luật Đầu tư và luật Doanh nghiệp chưa hợp lý. Trong luật Doanh nghiệp thì doanh nghiệp có thể chuyển nhượng cổ phần hoặc góp vốn, nhưng luật Đầu tư thì không cho phép.

“Hơn nữa, tính ổn định pháp lý chưa cao, các Nghị định và Thông tư liên tục thay đổi, do đó chúng tôi lo ngại việc đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư và lợi ích ngành bị ảnh hưởng. Vì thế, khi chính sách thay đổi, Nhà nước phải đảm bảo cho chúng tôi về quyền lợi trong việc ký kết hợp đồng BOT”, ông Thế nói.

Đối với việc huy động vốn, hiện nay, ngân hàng của Việt Nam nhiều nhưng quy mô nhỏ nên việc quy hoạch tổ chức tín dụng đủ cho vốn hạ tầng cần phải xem lại. Bên cạnh đó, các chính sách văn bản pháp luật khuyến khích cho vay, nhưng các ngân hàng lại cảnh báo rủi ro trong việc cho vay trong hoạt động kết cấu hạ tầng.

Ông Trần Văn Thế nêu những rào cản cho doanh nghiệp tại buổi tọa đàm

Một trong những trở ngại nữa cho nhà đầu tư mà ông Thế đề cập đến từ phía người sử dụng dịch vụ hạ tầng: “Một bộ phận người dân đã quen sử dụng dịch vụ hạ tầng miễn phí. Tôi nghĩ rằng, việc tuyên truyền chủ trương, chính sách chưa đủ tốt, người dân chưa thấu hiểu được nhà đầu tư và chính sách Nhà nước dẫn đến việc phản ứng thái quá. Từ những phản ứng đó, chúng tôi phải tiếp rất nhiều đoàn thanh tra, kiểm toán. Tuy nhiên, các cơ quan thanh tra giám sát chỉ tập trung kiểm toán bên B, còn chế tài sau đó chưa thấy cơ quan thanh tra đưa ra để đảm bảo cam kết quyền lợi cho các nhà đầu tư chúng tôi”.

Trả lời báo chí bên ngoài hành lang buổi tọa đàm, ông Trần Văn Thế nêu ra một loạt giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực này. Ông Thế cho biết, Tập đoàn Đèo Cả luôn tích cực tham gia đối thoại tháo gỡ các rào cản về cơ chế chính sách, tạo dựng sự đồng thuận, chia sẻ của người dân. Đối với các rào cản, cơ chế bất cập cụ thể hiện nay doanh nghiệp gặp phải.

Để tháo gỡ vướng mắc từ các cơ quan nhà nước, yêu cầu các bên bám chặt vào Hợp đồng đã ký các điều khoản chuyển tiếp gây bất lợi cho doanh nghiệp, nếu quá khó khăn thì cần thống nhất với các thành phần liên quan gồm ngân hàng, cổ đông, nhà đầu tư cùng đồng lòng kiến nghị với Thủ tướng, Quốc hội từng bước tháo gỡ.

Đối với một bộ phận người dân sử dụng dịch vụ BOT, thiếu hợp tác với nhà đầu tư, phải tuyên truyền để người dân hiểu được việc đầu tư theo hình thức này trong bối cảnh kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn là chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Từ đó, có cái nhìn khách quan đối với các dự án BOT hiện nay và yêu người dân cần tuân thủ luật pháp.

Về lĩnh vực hợp tác với ngân hàng tài trợ vốn, ông Thế cho rằng cần đánh giá lại các lợi ích về lợi nhuận đã thu từ các dự án BOT để cùng nhau xác định trách nhiệm, chia sẻ các rủi ro khi dự án vướng mắc và có cùng tiếng nói với các nhà đầu tư với cơ quan công quyền nhằm tháo gỡ các vướng mắc cơ chế bấc cập hiện nay.

Ông Thế đề xuất song song với việc nêu ra các mặt chưa tích cực tại các dự án để điều chỉnh cho phù hợp, truyền thông cũng nên phản ánh những dự án BOT đã đóng góp tích cực và cống hiến phát triển địa phương và đất nước. Bên cạnh đó bộ Thông tin và Truyên thông, Hội Nhà báo Việt Nam, đẩy mạnh vai trò kiểm tra hoạt động tác nghiệp của phóng viên.

Nhà đầu tư đề xuất cơ quan thanh tra, kiểm tra cần công tâm hơn để đánh giá các sai sót của dự án không chỉ là khối lượng, giá trị, thủ tục pháp lý, cần nêu rõ các vấn đề cam kết từ phía cơ quan Nhà nước đã không tuân thủ dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp, việc các cơ chế bất cập thay đổi liên tục chưa được thống kê cụ thể sẽ dẫn đến luật lệ bị “hồi tố ”, qua đó cần yêu cầu các bên rút kinh nghiệm có giải pháp cụ thể để khắc phục.

Trước đó, ngày 5.10.2018, tạp chí Nhà đầu tư cũng đã tổ chức tọa đàm Phát triển kinh tế tư nhân: Rào cản và giải pháp. Tại đây, ông Trần Văn Thế thẳng thắn chỉ ra những rào cản đối với sự phát triển doanh nghiệp và đã nhận được sự đồng thuận rất lớn.

Bài: Q. Thành