Tập đoàn Đèo Cả:

“Cánh chim dẫn đầu” trong đầu tư hạ tầng giao thông

06/08/2018     358

Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả (Tập đoàn Đèo Cả) hiện là tập đoàn kinh tế lớn, tham gia hoạt động trong lĩnh vực đầu tư các công trình hạ tầng giao thông của quốc gia. Sự thành công của Đèo Cả là một minh chứng về những nỗ lực phấn đấu học tập, lao động, sáng tạo không ngừng của cả một tập thể lãnh đạo giàu nghị lực và khát vọng chinh phục. Sau nhiều lần sắp xếp lịch hẹn, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng ông Hồ Minh Hoàng – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả.

PV: Là lãnh đạo một doanh nghiệp thành đạt, ông “định vị” thế nào về vai trò của mình trong Tập đoàn?

Ông Hồ Minh Hoàng: Trước hết, xin khẳng định rằng những thành công của Đèo Cả là không chỉ của riêng tôi. Đó là kết quả của một quá trình lao động nghiêm túc và sáng tạo của tập thể ban lãnh đạo, của tất cả các nhân sự trong toàn hệ thống đã hăng say làm việc, cống hiến để làm nên quy mô và thương hiệu Đèo Cả như hôm nay. Như nhiều người đã biết, Tập đoàn Đèo Cả có xuất phát điểm ban đầu chỉ từ một hợp tác xã, xí nghiệp… Nhớ lại những ngày đầu ấy, từ Xí nghiệp sản xuất xây dựng, xây lắp điện Hải Thạch (ra đời vào những năm 1985). Chúng tôi đã không ngần ngại chú trọng vào việc mở rộng quan hệ đối tác, thực hiện thành công các dự án xây dựng, ngành mộc và xây lắp điện tại tỉnh nhà Phú Yên. Và cũng phải trung thực nói rằng, cũng nhờ sự giúp sức từ phía chính quyền địa phương, đối tác – khách hàng mà thương hiệu Hải Thạch được nhiều người biết đến cho đến tận bây giờ.

Và từ năm 2008-2018 chính là giai đoạn ghi nhận nhiều thay đổi phát triển, những bước đi có thể xem là đột phá của Hải Thạch nói riêng và Tập đoàn Đèo Cả như hôm nay. Năm 2015-2016, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hải Thạch tham gia góp vốn vào Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng cầu đường Sài Gòn (SBRC). Nhận thức về một thế giới năng động và đa chiều, từ tháng 5/2018 SBRC chính thức đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả. Theo đó Ban lãnh đạo đã thực hiện tái cấu trúc để hiện thực hóa các chiến lược đầu tư kinh doanh ở quy mô khu vực và quốc tế. Hiện Tập đoàn Đèo Cả đang hoạt động theo hình thức Công ty mẹ – con, gồm 22 công ty thành viên chia thành 5 khối ngành nghề chính như: khối doanh nghiệp đầu tư, khối doanh nghiệp dự án, khối doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, khối doanh nghiệp dịch vụ và khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

PV: Ông có thể chia sẻ đôi chút về những trải nghiệm của mình qua các dự án đầu tư công trình hạ tầng giao thông mà Tập đoàn Đèo Cả đã và đang đảm nhiệm?

Ông Hồ Minh Hoàng: Gần đây, trong nhận xét của nhiều người, nhiều bài viết – sự phát triển Tập đoàn Đèo Cả có những nét “thần kỳ”, “kỳ diệu”…. Và riêng tôi chỉ nghĩ rằng, sự phát triển của Tập đoàn Đèo Cả gắn với những công trình hầm lớn trong dự án Hầm đường bộ Đèo Cả – đây là lần đầu tiên một công trình hầm đường bộ quy mô lớn được thực hiện theo hình thức BOT bằng nguồn vốn trong nước, do một doanh nghiệp tư nhân đảm trách, từ chủ đầu tư đến nhà thầu thi công đều của Việt Nam, với tổng mức đầu tư khoảng 12 ngàn tỷ đồng. Và trong đó có tuyến hầm giao thông xuyên Đèo Cả, dài 4.125m, tuyến hầm Cổ Mã dài 500m nối giữa hai tỉnh Phú Yên – Khánh Hòa, đã được thông hầm và đưa vào vận hành khai thác từ đầu tháng 9/2017, trước thời hạn 4 tháng. Tuyến hầm Cù Mông dài 2.600m, toàn tuyến dài 6.620m, có điểm đầu tại KM1239+119 QL1 tỉnh Bình Định, điểm cuối tại KM 1247+739 QL1 thuộc tỉnh Phú Yên, dự kiến sẽ đưa vào vận hành lưu thông trong đầu năm 2019… Với chúng tôi, đây được xem là giai đoạn với những đột phá quan trọng của 5 năm vượt qua rất nhiều thách thức trên công trường và 10 năm lăn lộn, thể hiện quyết tâm biến giấc mơ thành hiện thực của những người Đèo Cả. Dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả không chỉ là cầu nối giao thông và lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh Phú Yên – Khánh Hòa, Phú Yên – Bình Định mà còn tạo động lực, mở rộng cánh cửa giao thương liên kết toàn vùng và khu vực.

Tiếp đó, dự án mở rộng hầm đường bộ qua đèo Hải Vân 2, đây là dự án đường hầm thứ ba (sau hầm Đèo Cả và hầm Cù Mông) mà Tập đoàn Đèo Cả đã được Chính phủ, Bộ GTVT chấp thuận cho doanh nghiệp Đèo Cả làm chủ đầu tư. Với tổng chiều dài toàn tuyến hơn 12,14km, tuyến hầm dài 6,3km, rộng 9,75m và tĩnh không hầm là 5m. Tổng mức đầu tư là 7.295 tỷ đồng, và sẽ hoàn thành đưa vào khai thác trong năm 2020, và đây cũng là dự án lớn nhất mà đơn vị đang thực hiện.

Cũng trong năm 2017 vừa qua, tuyến cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn vừa được tái khởi động lại, kết hợp với việc Tập đoàn Đèo Cả được Chính phủ giao tiếp đoạn tuyến Hữu Nghị – Chi Lăng, với tổng chiều dài toàn tuyến là 110,2km, tổng mức đầu tư 12.188 tỷ đồng, hiện đang cấp tập thi công để kịp về đích đúng tiến độ vào đầu năm 2020.

PV: Thưa ông, để có một Tập đoàn Đèo Cả mạnh như hôm nay, đâu là yếu tố then chốt cho sự thành công vượt trội đó?

Ông Hồ Minh Hoàng: Việc ưu tiên và tập trung đầu tư hạ tầng giao thông là một lĩnh vực được Đảng và Nhà nước quan tâm. Phát triển hạ tầng chính là xây dựng nền tảng kinh tế đất nước. Có thể nói trong sự nhận biết và tích cực đồng hành cùng những chủ trương lớn đó, Tập đoàn Đèo Cả đã trải qua những chặng đường, những dấu mốc quan trọng. Để tạo ra những thành công như hôm nay, ngoài chữ TÍN, và cộng với sự giúp sức từ nhiều phía (chính quyền, người dân, đối tác…), thì những năng lượng và xung lực từ tinh thần đoàn kết của người lao động chính là động lực lớn lao giúp Đèo Cả khẳng định thương hiệu của mình. Và một trong những yếu tố quan trọng mang đến thành công cho Tập đoàn Đèo Cả chính là nghệ thuật tuyển chọn và sử dụng nguồn nhân lực, nhân tài. Bằng chính sách đãi ngộ, minh bạch trong công tác tổ chức quản lý, từ ý nghĩa và giá trị của những dự án mà Tập đoàn Đèo Cả đã chiêu nạp được nhiều chuyên gia giỏi, tham gia và đảm nhận tốt vai trò của họ. Tự hào mà nói với gần 5.000 CBCNV của Tập đoàn Đèo Cả luôn ở tâm thế sẵn sàng chia sẻ cùng ban lãnh đạo thực hiện thành công những mục tiêu đã đề ra.

Để giải quyết bài toán nguồn nhân lực, chúng tôi đã tiến hành liên kết đào tạo với các trường đại học lớn trong nước và quốc tế để phát triển nguồn nhân lực cấp chiến lược, luôn giữ được sự kế thừa và tiếp nối ổn định trong doanh nghiệp.

PV: Vậy mục tiêu trong hiện tại và lâu dài của Đèo Cả sẽ nhắm đến những mục tiêu gì, thưa ông?

Ông Hồ Minh Hoàng: Trước hết, từ nay đến năm 2020, chúng tôi sẽ ứng dụng và triển khai các giải pháp thu phí không dừng ETC trên công nghệ RIFD cho các tỉnh khu vực miền Trung và miền Nam. Dự án thu phí điện tử tự động không dừng này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân, xã hội và nền kinh tế. Hình thức này đang nhanh chóng trở thành phương thức phổ biến nhất để các chủ phương tiện tham gia giao thông thanh toán phí đường bộ khi đi qua các trạm thu phí.

Trong năm 2018 này cũng chính là năm quan trọng để Tập đoàn Đèo Cả tập trung tái cấu trúc nhằm định vị và điều chỉnh sứ mệnh – tầm nhìn, xây dựng quy tắc ứng xử và văn hóa doanh nghiệp đồng bộ trong toàn hệ thống. Chúng tôi tin tưởng và luôn phát huy những thành công đang có, luôn có những chính sách kịp thời, khẳng định vị thế của mình – một trong những đơn vị dẫn đầu trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông của đất nước.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này!

Hà Minh thực hiện

Nguồn: http://vhdn.vn/tap-doan-deo-ca-canh-chim-dan-dau-trong-dau-tu-ha-tang-giao-thong/