Ngày 04/3/2020, tại trung tâm hội nghị tỉnh Tiền Giang, ông Trần Văn Dũng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đã chủ trì buổi làm việc giải quyết các vướng mắc liên quan đến việc giải ngân nguồn vốn tín dụng cho dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận giai đoạn 1 theo hình thức hợp đồng BOT. Buổi làm việc có đại điện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đại diện Công ty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận, ngân hàng đầu mối cấp tín dụng là Vietinbank và các Sở/Ban/ngành liên quan của tỉnh Tiền Giang.
Nguồn vốn tín dụng 6.686 tỷ đồng (chiếm hơn 50% tổng vốn đầu tư của dự án) dù đã được các bên ký kết từ ngày 16/12/2019 nhưng sau gần 3 tháng vẫn chưa được giải ngân. Lý do của sự chậm trễ này là bởi các vướng mắc kéo dài giữa Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là UBND tỉnh Tiền Giang và các Ngân hàng cấp tín dụng chưa được giải quyết triệt để, UBND tỉnh Tiền Giang chưa làm rõ thẩm quyền ký kết các văn bản liên quan đến dự án mà ngân hàng cấp tín dụng yêu cầu.
Quang cảnh buổi làm việc
Tại buổi làm việc, ông Trần Văn Dũng cho biết 2 điều kiện giải ngân cuối cùng mà ngân hàng ViettinBank gửi công văn đến UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu làm rõ thẩm quyền ký kết các văn bản đã được UBND tỉnh nghiên cứu kỹ lưỡng, đồng thời một số Bộ ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ GTVT cũng đã cho ý kiến. UBND tỉnh Tiền Giang khẳng định văn bản cam kết lộ trình tăng giá vé do Phó Chủ tịch tỉnh Tiền Giang thay mặt UBND tỉnh ký là phù hợp với quy định của pháp luật, trình tự, thủ tục và quy chế làm việc của UBND tỉnh Tiền Giang. “Tỉnh Tiền Giang đã nỗ lực hết mình trong khả năng rồi và nếu như vấn đề không được các bên đồng ý thì UBND tỉnh Tiền Giang chỉ còn cách tiếp tục báo cáo Thủ tướng Chính phủ” ông Dũng khẳng định.
Ông Trần Văn Thế - Phó Tổng giám đốc Công ty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận cho biết việc thu xếp vốn tín dụng ngay từ đầu đã hết sức khó khăn, doanh nghiệp dự án phải mất hơn 6 tháng để đàm phán và ký kết hợp đồng tín dụng và mất gần 3 tháng để tháo gỡ hơn 17 điều kiện giải ngân tiên quyết quy định tại Hợp đồng tín dụng. Theo các điều khoản trong hợp đồng cho vay tín dụng, đến 16/3/2020 nếu vốn tín dụng không giải ngân được thì hợp đồng sẽ tự động vô hiệu.
Ông Trần Văn Thế - Phó Tổng giám đốc Công ty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận phát biểu tại buổi làm việc
“Đến ngày 16/3 tới, nếu phía ngân hàng vẫn không giải ngân mà cứ tiếp tục đưa ra các lý do không rõ ràng, phía UBND Tỉnh Tiền Giang không tháo gỡ được mặt thủ tục pháp lý thì chúng tôi chỉ còn cách xin giãn tiến độ hoàn thành dự án chứ không thể thực hiện thông toàn tuyến vào cuối năm 2020 và khánh thành trong năm 2021 như đã cam kết với Thủ tướng Chính phủ. Tính từ thời điểm đầu tháng 03/2019 đến nay chúng tôi đã thực hiện được 34% tổng khối lượng, tăng gấp 03 lần so với thời gian 10 năm trước khi Tập đoàn Đèo cả tham gia quản trị, điều hành dự án. Chúng tôi cũng đã cố gắng làm tất cả những gì có thể”, ông Thế chia sẻ.
Ngân hàng Vietinbank ghi nhận các ý kiến của UBND tỉnh Tiền Giang, BOT Trung Lương - Mỹ Thuận và báo cáo lên cấp có thẩm quyền để giải ngân theo quy định của hợp đồng tín dụng đã ký kết.
Trước đó vào ngày 27/02/2020, Vietinbank đã gửi văn bản 262/CV-NHCT.CN đến UBND tỉnh Tiền Giang, Vụ tín dụng Ngân hàng Nhà nước, Doanh nghiệp dự án. Theo đó, Ngân hàng đầu mối đã thông báo: “Các tổ chức tín dụng đã phối hợp với Công ty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận rà soát cơ bản đảm bảo hoàn thành các điều kiện giải ngân theo Hợp đồng tín dụng và dự kiến giải ngân vốn vay trước ngày 05/03/2020. Vietinbank với tư các Ngân hàng đầu mối, kính đề nghị UBND tỉnh Tiền Giang làm rõ các vấn đề còn vướng mắc, để đảm bảo nguồn vốn tín dụng của dự án giải ngân theo kế hoạch, góp phần đưa dự án hoàn thành đúng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”.
Minh Anh