Thiếu tướng Nguyễn Huy Mạ:

Người “truyền lửa” cho thế hệ trẻ Đèo Cả

24/12/2018

Thiếu tướng, TS. Nguyễn Huy Mạ (nguyên Cục trưởng Cục Hồ sơ Cảnh sát, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế), một trong những Cố vấn cấp cao của Tập đoàn Đèo Cả. Tướng Mạ đồng thời cũng là người “tri âm” và gắn bó với Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả - Hồ Minh Hoàng từ khi doanh nghiệp này khởi nghiệp trong những bước đi đầu tiên. Vị cố vấn này là người đã có những chia sẻ, đóng góp lớn cho những thành công mà Đèo Cả đã đạt được như ngày hôm nay.

Thiếu tướng, TS. Nguyễn Huy Mạ luôn dành hết tâm huyết trong các kế hoạch phát triển Tập đoàn Đèo Cả

Trong một cuộc tọa đàm của Tập đoàn Đèo Cả mới đây tại Hà Nội, cũng với phong cách lịch lãm, giọng nói có âm vực vừa phải nhưng rõ ràng, mạch lạc - Thiếu tướng Nguyễn Huy Mạ như “bóc rút” hết tâm huyết của mình để chia sẻ những suy tư mà ông đã dành cho Đèo Cả, anh em Đèo Cả trong gần mười năm gắn bó, tham gia xây dựng và phát triển thương hiệu này. Khác với những cuộc tọa đàm, giao lưu trước đó, thay vì đưa ra những hiến kế cho lãnh đạo Đèo Cả bằng các nhóm giải pháp tối ưu rất cụ thể, để có thể giúp Đèo Cả phát triển nhanh hơn, mạnh hơn; lần này tướng Mạ “truyền thần”, đề cập đến vấn đề “niềm đam mê và sự khát khao cống hiến cho tổ chức”, như một sự chuyển dịch từ bản thân mình qua thế hệ trẻ của Đèo Cả. Và bao giờ trong câu chuyện của ông cũng được dẫn dắt bằng nguồn từ cảm hứng Hồ Minh Hoàng (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả); có lẽ với nhân vật Hồ Minh Hoàng, ngoài sự yêu mến, quý trọng ông còn đặt ở anh một cái gì đó lớn lao hơn, phải chăng đó là niềm tin, sự trao gởi dành cho những con người dẫn đầu.

Ông nói về dự án hầm đường bộ Đèo Cả, về dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn,… về bối cảnh của những “thiên thời, địa lợi…” khi ấy, và cả những trở lực mà người đứng đầu Đèo Cả - Hồ Minh Hoàng cùng với các cộng sự của mình đã vượt qua như thế nào! Ông nói say sưa với tâm tình ngưỡng mộ và một niềm tin chưa hề vơi cạn của một con người dành cho một con người, một cá nhân dành cho một tổ chức và một tình yêu dành cho một “mái nhà Đèo Cả” thiết thân.

Trong buổi tọa đàm giao lưu này, Thiếu tướng Nguyễn Huy Mạ như hướng đến với đối tượng người nghe của mình là những thành viên ban điều hành, giới lãnh đạo trẻ của Đèo Cả. Những trình bày, thông tin ông dẫn ra như một tự truyện về những kinh nghiệm trong hành trình “chinh chiến” bảo vệ những doanh nghiệp chân chính của mình. Và một chân dung Hồ Minh Hoàng luôn đan xen hiện diện trong câu chuyện của ông rất đỗi sắc sảo, thông minh, thực tiễn, rắn rỏi nhưng cũng rất “nghệ sĩ” và nhân văn. Ông dành những từ ngữ tâm đắc dành cho Hồ Minh Hoàng như là con người “có thể biến cái không thể thành có thể” trong một ý chí vượt trội và nghị lực phi thường trong mọi hoàn cảnh.

Tướng Mạ và Ban Lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm hầm Đèo Cả, tháng 1/2018

Ông kể, hơn 40 năm trước, khi mới tốt nghiệp ngành trinh sát của Học viện kinh tế, khi miền Nam mới giải phóng, ông được phân công vào Nam làm nhiệm vụ bảo vệ nền kinh tế phía Nam. Ông cho rằng “khởi nghiệp”không nhất thiết phải tham gia vào một doanh nghiệp, ở trường hợp của ông là tham gia quản lý bảo vệ nền kinh tế của đất nước, làm sao cho hàng vạn doanh nghiệp trong giai đoạn bấy giờ tìm được cơ hội phát triển tốt hơn.

Xuất phát điểm của tướng Mạ cũng như bao người khác, ông luôn xem bà con nông dân là bạn. Cho dù không phải là người có “gốc rễ”, nhưng bằng sự tận tụy và yêu nghề ông dần chiếm được lòng tin tưởng, quý mến của cấp trên và đồng nghiệp, được đề bạt chức vụ phó phòng, rồi trưởng phòng, tiếp nữa là Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế, và sau đó được Bộ Công an điều động sang nắm giữ vị trí Cục trưởng Cục Hồ sơ Cảnh sát. Trong suốt quá trình đảm nhiệm qua các cương vị công tác, từ cấp phòng cho tới cục, các đơn vị của ông đều được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang…

Tướng Mạ chia sẻ rằng, câu chuyện ông muốn đề cập là vấn đề lựa chọn mục tiêu khởi nghiệp, kiên trì với mục tiêu mà mình đã chọn. Ông liên hệ đến trường hợp anh Hồ Minh Hoàngcũng như một minh chứng cho câu chuyện khởi nghiệp, về sự cháy bỏng với mục tiêu đã chọn dù nhỏ hay lớn. Với ông, câu chuyện Đèo Cả là mục tiêu lớn, nếu không muốn nói là “kinh khủng”. Cùng đồng cảm và tâm đắc với PGS. Trần Chủng, ông cho rằng khác với nhiều dự án thi công hạ tầng giao thông khác, xuyên suốt các công trình của Đèo Cả, cho tới bây giờ chưa hề xảy ra sự cố kỹ thuật hay tai nạn lao động đáng tiếc nào. Đó là tất cả những điều mà ông đã chứng kiến, kiểm nghiệm và tự hào khi mình được tham gia vào Ban Cố vấn cho nhà lãnh đạo doanh nghiệp trẻ Hồ Minh Hoàng.

Tướng Nguyễn Huy Mạ và Chủ tịch Hồ Minh Hoàng gặp gỡ giao lưu cùng ban cố vấn, cơ quan báo chí

Có một chi tiết mà tướng Mạ hay nhắc qua các câu chuyện kể về Đèo Cả. Ông nói rằng giây phút mà sẽ đi với ông suốt cuộc đời, đó là khoảnh khắc anh Hồ Minh Hoàng nhấn nút cho nổ quả mìn cuối cùng thông hầm Đèo Cả. Nếu như ở các doanh nghiệp khác khi thông hầm có lẽ phải là một cái lễ to lắm, nhưng với Hồ Minh Hoàng thì ngược lại, anh cùng những cộng sự của mình tay chỉ ôm thùng bia lạnh và một bó hoa để chúc mừng thành công. Điều này có lẽ ít gặp trong bất cứ doanh nghiệp nào, với Hoàng đơn giản, không rình rang là để tiết kiệm thêm khoản chi phí đáng kể cho doanh nghiệp. Và chắc hẳn mọi người đều biết, dự án hầm đường bộ Đèo Cả đã tiết giảm cho nhà nước đượcgần 4.000 tỷ đồng, đó là một điều vĩ đại giữa vô vàn những dự án trong nước luôn có xu hướng “đội vốn” lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Và tiếp đến Cù Mông, Hải Vân mở rộng… tất cả các dự án này đều không hề phát sinh. Như vậy, chứng tỏ Đèo Cả có công tác quản trị tốt, lãnh đạo tốt và đội ngũ nhân sự trẻ nhiệt huyết, trong sáng. Sau Cù Mông, Hải Vân, Tập đoàn Đèo Cả tiếp tục tiến quân ra Bắc với dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn.
Mọi người đều biết, dự án Bắc Giang – Lạng Sơn đã được khởi động cách đây 2 năm, tuy nhiên đã bị đình trệ thi công do nhà đầu tư cũ có nhiều vướng mắc về vốn và quản lý. Sau rất nhiều lần họp hội căng thẳng, quyết liệt, Hồ Minh Hoàng đã quyết định vào cuộc tiếp nhận một dự án đang đầy rẫy những khó khăn, thử thách và cả rủi ro. Tướng Mạ cũng cho rằng, ở dự án Bắc Giang – Lạng Sơn việc chuyển giao cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền từ Bộ Giao thông vận tải về UBND tỉnh Lạng Sơn là một bước đi rất đúng và thành công, ghi dấu nỗ lực và trí tuệ lãnh đạo của Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả.

"Tuy những con số không bao giờ tuyệt đối. Nhưng một Tập đoàn với một công ty mẹ và 19 doanh nghiệp thành viên, gần 5.000 nhân sự, quy mô nguồn vốn sản xuất kinh doanh và đầu tư lên đến 40 ngàn tỷ chỉ với trong vòng 10 năm phát triển có chiều sâu và trọng tâm. Quả là một kỳ tích!"

Mới đây nhất, khi đang phải truyền hóa chất kết hợp với xạ trị để chống chọi với căn bệnh ung thư giai đoạn cuối, ông lại rời Bệnh viện đa khoa quốc tế VINMEC Time City đến tham dự chương trình “Tái cấu trúc Tập đoàn Đèo Cả” và cũng tiếp tục đưa ra những nhận xét sâu sắc trước Hội đồng phản biện với một kết luận: “Điểm bắt đầu xây dựng Hợp tác xã là một đôi bàn chân trái như biểu trưng của tổ chức trước đây, của một Anh Chủ nhiệm Hợp tác xã thì nay với biểu tượng cuốn sách và chiếc lược gọi là “sách lược” thì việc anh Chủ nhiệm Hợp tác xã nghĩ đến việc tái cấu trúc để trở thành ông Chủ tịch một Tập đoàn là việc đáng phải làm, rất trân trọng…” Và ông cũng là người thường xuyên có nhiều cuộc gọi, tin nhắn gởi đến anh em lãnh đạo Đèo Cả để động viên, bày tỏ niềm tin vào cách làm của Đèo Cả, tinh thần lạc quan vào cuộc sống và vào những gì mà “Anh Chủ nhiệm đã làm”.

Và nếu chúng ta cùng hiểu được, “khối tình” mà tướng Mạ dành cho Đèo Cả, cho Người Đèo Cả luôn được chia sẻ ở mọi nơi, mọi lúc… ngay cả khi ông đang chật vật chiến đấu với căn bệnh ung thư giai đoạn cuối… thì có lẽ chúng ta càng trân quý hơn về một con người giàu yêu thương, nghị lực – một nhân cách! Và hai chữ Đèo Cả như là một đích ngắm cho tinh thần dấn thân, xây dựng và cống hiến mà thông qua mình ông muốn gởi đến giới trẻ của Đèo Cả.

Bài: Bích Diệp