Triển khai công tác cứu hộ cứu nạn ứng phó kịp thời, giảm thiểu thiệt hại

13/05/2020

Dọc theo dải đất miền Trung, các dự án hầm Cổ Mã, hầm Đèo Cả, hầm Cù Mông, hầm Hải Vân không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc kết nối giao thông, góp phần phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền Trung - Tây Nguyên mà các công trình hầm đường bộ xuyên núi có một vai trò quan trọng đặc biệt trong việc đảm bảo tính mạng cho con người và an toàn cho phương tiện khi lưu thông qua hầm. Bởi khi di chuyển qua hầm đường bộ nếu không may phương tiện bị sự cố thì công tác cứu hộ, cứu nạn, chữa cháy luôn được các đơn vị quản lý vận hành triển khai ứng cứu kịp thời.

Đơn cử như sự cố vào lúc 04 giờ 39 phút, ngày 13/5/2020, xe khách mang biển kiểm soát 17B-015.83 di chuyển theo hướng Bắc - Nam qua hầm đường đường bộ Hải Vân chết máy dừng tại Km7+560, cách cửa hầm phía Nam gần 500m và bốc cháy. Qua quan sát từ Trung tâm điều hành, nhận thấy dấu hiệu bất thường đối với xe khách khi đang di chuyển trong hầm, Trung tâm điều hành đã cho lực lượng cứu hộ cứu nạn, phòng cháy chữa cháy xuất phát và sớm tiếp cận hiện trường ngay lúc xe khách vừa dừng. Ngay lập tức, lực lượng chữa cháy đã triển khai sử dụng bình chữa cháy được trang bị mang theo để dập tắt đám cháy, đồng thời triển khai đội hình phun nước làm mát và tổ chức cứu hộ đưa hành khách và phương tiện ra ngoài an toàn, không có thiệt hại về người, phương tiện hư hỏng nhẹ.

Phát hiện kịp thời sự cố khi xe đi qua hầm, sẵn sàn ứng phó giúp giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản

Từ lúc đưa hầm Hải Vân vào vận hành đến nay, lực lượng cứu hộ cứu nạn, chữa cháy thuộc Xí nghiệp quản lý vận hành hầm Hải Vân đã chữa cháy được 57 vụ xe cháy trong hầm, 19 vụ cháy trong trên tuyến đường dẫn vào hầm và cứu hộ kịp thời nhiều sự cố phương tiện hư hỏng, tai nạn trong hầm đảm bảo an toàn cho hành khách và phương tiện.

Cứu hộ kịp thời các phương tiện gặp sự cố hư hỏng

Qua thống kê, có nhiều vụ xe khách khi di chuyển trên đường đèo, lúc xảy ra cháy, lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đã không thể tiếp cận kịp thời do đường đèo dốc dẫn đến thiệt hại lớn về người và tài sản.

Ví dụ như ngày 15/2/2018, ôtô khách 39 chỗ do tài xế Lê Thanh Quốc (34 tuổi) điều khiển chở theo 29 khách nước ngoài di chuyển qua đèo Hải vân, khi đến đỉnh đèo bất ngờ bốc cháy, lái xe đã cố gắng dùng bình chữa cháy mini để dập cháy nhưng không thành đành bất lực nhìn xe cháy. Khi lực lượng PCCC chuyên nghiệp tiếp cận được hiện trường thì toàn bộ phương tiện, tài sản của hành khách đã bị cháy rụi.

Xe khách bốc cháy khi đi trên đèo Hải Vân

Địa hình khó tiếp cận nên khi xẩy ra sự cố trên đèo sẽ gây thiệt hại lớn về người và tài sản

Từ những sự vụ nêu trên, có thể thấy rằng người điều khiển phương tiện khi chọn lưu thông qua hầm Hải Vân thay cho đường đèo, ngoài việc an toàn, giảm thiểu rủi ro, rút ngắn được thời gian, tiết kiệm nhiên liệu… thì khi không may xảy ra sự cố tại nạn, va chạm giao thông đặc biệt là sự cố cháy nổ luôn được lực lượng PCCC, cứu nạn cứu hộ kịp thời ứng cứu, giảm thiểu thiệt hại về người và của.

Ngọc Trung