Thủ tướng Chính phủ cắt băng khánh thành cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo

28/04/2024

Ngày 28/4/2024, tại quảng trường phía Bắc hầm Núi Vung, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cắt băng khánh thành Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu cắt băng khánh thành cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tuyến đường cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo và Diễn Châu - Bãi Vọt được đưa vào khai thác kể từ hôm nay sẽ kết nối thông tuyến cao tốc từ TP. Hồ Chí Minh đến tỉnh Khánh Hòa và từ Hà Nội đến tỉnh Nghệ An, giúp giảm tải áp lực giao thông cho tuyến Quốc lộ 1, rút ngắn thời gian di chuyển, nâng cao an toàn khai thác, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận tải, du lịch, giao lưu văn hóa, xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, kích cầu tiềm năng du lịch các tỉnh Khánh Hòa, Nghệ An và các tỉnh Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ.

Người đứng đầu Chính phủ cảm ơn các công nhân, kỹ sư đã không ngại gian khó, với tinh thần “vượt nắng thắng mưa” đã thi công xuyên lễ để hoàn thành dự án cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo. Tuyến cao tốc đưa vào khai thác, nâng tổng số tuyến đường cao tốc trên trục Bắc - Nam là 1.187km và tổng chiều dài các tuyến cao tốc trên cả nước trên 2.000 km.

“Đây là kết quả rất đáng trân trọng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo thường xuyên trực tiếp của Bộ Chính trị, đặc biệt là sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người luôn luôn trăn trở, đau đáu về các dự án cao tốc. Đó còn là kết quả của sự nỗ lực vào cuộc của doanh nghiệp, người dân, nỗ lực của cả hệ thống chính trị”, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định.

Sáng tạo trong huy động vốn, đột phá để giảm tổng mức đầu tư

Báo cáo tại lễ khánh thành, ông Lê Quỳnh Mai - Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả đại diện Liên danh nhà đầu tư Dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo cho biết, quá trình thi công dự án là quá trình vượt khó không ngừng từ khơi thông nguồn vốn, vượt qua đại dịch Covid-19, cũng như xử lý những dị thường về địa chất và biến động giá vật liệu xây dựng.

Thủ tướng Chính phủ động viên CBNV vận hành trạm dừng nghỉ tạm trên cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”... liên danh nhà đầu tư Đèo Cả - 194 do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu đã đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ triển khai

Trong lĩnh vực tài chính dự án, với kinh nghiệm đã triển khai thành công nhiều dự án có tổng mức đầu tư lớn, nhà đầu tư đã chủ động tìm hướng đi mới trong việc thu xếp nguồn vốn ngay từ khi bắt đầu tham gia đấu thầu

Chúng tôi xác định không thể phụ thuộc quá nhiều vào vốn vay của các ngân hàng thương mại, thay vào đó là sáng tạo mô hình huy động vốn PPP+ bao gồm: P1+: Vốn ngân sách nhà nước; P2+: Vốn chủ sở hữu; và P3+: nguồn vốn khác do nhà đầu tư huy động bằng nhiều hình thức như phát hành trái phiếu, thị trường chứng khoán, hợp đồng hợp tác đầu tư BCC”, ông Lê Quỳnh Mai cho biết.

Ông Lê Quỳnh Mai – PCT HĐQT Tập đoàn Đèo Cả báo cáo quá trình thực hiện dự án

Từ quá trình triển khai Dự án thành phần cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo, nhà đầu tư rút ra một số bài học mang tính quyết định đến thành công của việc thực hiện các công trình. Đó là sự tham gia kịp thời và chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ GTVT, các địa phương để giải quyết các khó khăn về tiến độ, mặt bằng, vật liệu, tài chính khi thực hiện dự án. Sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước cho những dự án ở khu vực khó khăn là yếu tố quan trọng cho thành công của dự án.

Đối với các dự án PPP đường cao tốc, cần có cơ chế để tổ chức tín dụng cho vay dài hạn và lãi suất ưu đãi cho các dự án đầu tư hạ tầng giao thông theo phương thức PPP bởi tính chất đặc biệt của loại dự án này là tạo lập tài sản công; cần hạch toán các chi phí phát sinh do các yếu tố ngoài dự kiến vào dự án trên nguyên tắc không tăng ngân sách nhà nước, mà điều chỉnh thời gian hoàn vốn.

Vượt khó thi công đưa dự án về đích đúng hẹn

Ban đầu, vị trí khu nhà Ban điều hành dự án Cam Lâm – Vĩnh Hảo không có đường tiếp cận, không điện nước, không internet… Đèo Cả đã mở đường, kéo điện, tìm nguồn nước sinh hoạt, kết nối internet, xây dựng văn phòng hiện trường, khu nhà ở khang trang, đầy đủ tiện nghi cho người lao động an tâm làm việc.

Thời điểm triển khai dự án cũng là lúc dịch Covid-19 bùng phát mạnh, nhưng với tinh thần làm việc “xuyên đêm, xuyên lễ tết, xuyên dịch”, Tập đoàn Đèo Cả đã tăng cường tuyển dụng, đào tạo nhân lực địa phương, nỗ lực huy động hàng ngàn nhân sự, máy móc, thiết bị, bố trí các mũi thi công dự án.

Vượt qua “bão dịch” dự án lại đối mặt với “bão giá vật liệu”, Ban điều hành dự án đã chủ động đề xuất bổ sung mỏ vật liệu cấp theo cơ chế đặc thù, kết hợp tận dụng đất cải tạo nông nghiệp, sử dụng nguồn đá đào hầm kịp thời phục vụ thi công.

Đặc biệt, khi thi công hầm Núi Vung gặp địa chất yếu sai khác rất nhiều so với hồ sơ thiết kế kỹ thuật, hạng mục đường phát sinh khối lượng lớn đào phá đá nền đường, xuất hiện các tảng đá mồ côi có kích thước lớn (có viên đến khoảng 10.000m3), phát sinh xử lý nền đất yếu gần 1km,...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ khánh thành

Trước đó, ngày 23/4, Hội đồng Kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng đã có thông báo kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu của chủ đầu tư đối với dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Hội đồng thống nhất chấp thuận đưa dự án thành phần đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo vào khai thác. Đây cũng là dự án sớm nhất nhận được thông báo chấp thuận của Hội đồng Kiểm tra Nhà nước trong số các dự án PPP cao tốc Bắc – Nam được triển khai thực hiện cùng giai đoạn này.

Hội đồng ghi nhận, đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của nhà đầu tư, các nhà thầu và các bên có liên quan đã khắc phục nhiều khó khăn trong quá trình triển khai dự án (như ảnh hưởng rất lớn của đại dịch covid -19, công tác giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu thi công…) để hoàn thành công trình đường cao tốc có quy mô lớn, nhiều hạng mục công trình có tính chất kỹ thuật phức tạp, đảm bảo tiến độ thi công xây dựng theo quy định của hợp đồng và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bên trong hầm núi Vung đã hoàn thiện

Ông Nguyễn Thanh Hoài – Giám đốc Ban QLDA 85 đánh giá cao nhà đầu tư có năng lực, tiềm lực tài chính tốt, có kinh nghiệm thực hiện thành công nhiều dự án phức tạp trước đây. Do đó, dự án được thu xếp vốn rất nhanh, khối lượng công việc khổng lồ với nhiều khó khăn nhưng nhà đầu tư đều ứng phó được.

“Ở Cam Lâm – Vĩnh Hảo có sự quan tâm chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Bộ GTVT, sự phối hợp sát sao của địa phương và các đơn vị liên quan, cùng với DNDA có tinh thần quyết tâm cao, làm việc bài bản, lao động sáng tạo, đặc biệt “rất trọng lời hứa” để hoàn thành dự án đúng hẹn.

Có một điều đặc biệt đáng ghi nhận đó là những lãnh đạo đứng đầu của các doanh nghiệp đầu tư, mặc dù quản trị doanh nghiệp lớn nhưng rất sát sao những công việc cụ thể, thường xuyên có mặt tại công trường để chỉ đạo điều hành và trao đổi phối hợp với các bên liên quan, kịp thời đôn đốc tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho dự án”, ông Nguyễn Thanh Hoài nói.

Sẵn sàng vận hành

Ngay khi dự án Cam Lâm – Vĩnh Hảo hoàn thành, DNDA đã đề xuất và được chấp thuận vận hành cao tốc từ ngày 26/4 để phục vụ nhu cầu đi lại gia tăng vào dịp lễ. Các cụm thiết bị ITS và camera dọc tuyến được bố trí vận hành bằng năng lượng mặt trời, tiết kiệm điện năng tiêu thụ, tiết giảm chi phí và bảo vệ môi trường.

Thủ tướng tặng quà người lao động Trung tâm QLVH hầm Núi Vung

Nhà đầu tư dự án chủ động bỏ kinh phí xây dựng các trạm dừng nghỉ tạm trên tuyến để phục vụ người dân miễn phí trong thời gian chờ Bộ GTVT phê duyệt đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ chính thức. Nhà đầu tư “nước rút” hoàn thành trạm dừng nghỉ tạm trong vòng chỉ 20 ngày, bố trí khu vệ sinh sạch sẽ, kéo điện lưới, lắp đặt điều hoà, khoan giếng nước sâu gần 300m để khắc phục khó khăn về nguồn nước vận hành trạm dừng nghỉ tạm để phục vụ miễn phí cho người dân lưu thông qua tuyến.

Trạm dừng nghỉ tạm tại Km113 do nhà đầu tư tự bỏ kinh phí xây dựng

Từ khi triển khai dự án, DNDA đã ưu tiên tuyển dụng người lao động địa phương tham gia thi công công trình. Khi hoàn thành, DNDA chủ động đào tạo, tập huấn nguồn nhân lực địa phương này tại Trung tâm Huấn luyện Thực hành Đèo Cả để sẵn sàng cho công tác quản lý vận hành dự án, mục tiêu nâng cao hiệu quả vận hành dự án nhằm phục vụ an toàn, tiện nghi, thông suốt cho người dân đi lại qua cao tốc này.

TT