Chủ tịch Đèo Cả chia sẻ bí kíp xây dựng những công trình "khó hơn lên trời"

05/02/2025     48

Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả Hồ Minh Hoàng cho rằng, "Dám nghĩ - Dám làm - Dám chịu trách nhiệm" là điều cần thiết để lan tỏa và nhân rộng những giá trị tốt đẹp trong xã hội, góp phần tạo nên động lực phát triển bền vững và lâu dài.

Tập đoàn Đèo Cả được biết đến là Nhà đầu tư hạ tầng giao thông hàng đầu Việt Nam, khi một thập kỷ qua đã đầu tư và xây dựng hơn 25 km hầm đường bộ, cùng với đó là hơn 400 km đường cao tốc và quốc lộ, 6 cây cầu lớn và quản lý 18 trạm thu phí, với tổng mức đầu tư 100.000 tỷ đồng.

Hiện nay, Đèo Cả cũng đang đầu tư tuyến cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh, Hữu Nghị - Chi Lăng và tham gia thi công một số gói thầu lớn của dự án cao tốc Bắc - Nam.

Nhân dịp đầu Xuân Ất Tỵ năm 2025, phóng viên Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả để hiểu hơn về hành trình vượt gian khó để chinh phục nhiều đường hầm xuyên núi, đường cao tốc ở Việt Nam như hiện nay.

Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả

Dám nghĩ - Dám làm - Dám chịu trách nhiệm

Chia sẻ với phóng viên, ông Hồ Minh Hoàng cho biết: "Chúng ta đang đứng trước giai đoạn lịch sử mới, khi đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển toàn diện và bứt phá. Đây là lúc mọi thành phần trong xã hội, từ cơ quan nhà nước đến doanh nghiệp và người dân đồng lòng, quyết tâm vượt qua thách thức, nắm bắt thời cơ để đưa đất nước vươn lên tầm cao mới.

Là một doanh nhân, tôi ý thức việc xây dựng đội ngũ cán bộ dám nghĩ - dám làm - dám chịu trách nhiệm, năng động, sáng tạo, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân và luôn đặt lợi ích chung của quốc gia, dân tộc lên trên hết là vô cùng quan trọng để tạo ra sự chuyển mình mạnh mẽ và bền vững cho đất nước".

Theo ông Hoàng, chính tinh thần "Dám nghĩ – Dám làm – Dám chịu trách nhiệm" đã đã đưa Tập đoàn Đèo Cả xuất phát điểm từ một hợp tác xã nhỏ ở tỉnh Phú Yên, mạnh dạn đề xuất thực hiện Dự án hầm đường bộ qua đèo Cả trong bối cảnh đầy khó khăn, thách thức, rồi tiếp tục tháo gỡ nhiều dự án trọng điểm khác của ngành giao thông, gây dựng nên thương hiệu Đèo Cả với sứ mệnh vì cuộc sống an toàn, sung túc cho con người, đất nước Việt Nam.

Ngày 21/8/2017 là một cột mốc đáng nhớ của Tập đoàn Đèo Cả trong cuộc hành trình mở hầm xuyên núi, chinh phục những con đèo hiểm trở khi hầm đường bộ dài hơn 4,1 km do nhà đầu tư và nhà thầu trong nước thực hiện chính thức được khai thông.

Hầm đường bộ Đèo Cả hiện nay không chỉ là niềm tự hào của những người thuộc "mái nhà" Đèo Cả, của người dân Phú Yên, mà còn là niềm tự hào chung của người Việt Nam từ điểm nhìn công nghệ, trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam.

Nhớ lại những ngày đề xuất dự án hầm đường bộ Đèo Cả, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả chia sẻ, xuất phát từ lòng trắc ẩn khi còn là sinh viên đại học, việc tận mắt chứng kiến những tai nạn giao thông tang thương trên cung đường đèo Cả đã thôi thúc ông quyết tâm phải thực hiện dự án hầm đường bộ Đèo Cả để mang lại sự an toàn cho người tham gia giao thông.

Với tầm nhìn, ý chí quyết tâm mãnh liệt "lấy ước mơ làm dũng khí", những con người Đèo Cả đã đưa dự án hoàn thành, không chỉ giải quyết vấn đề an toàn giao thông mà con có ý nghĩa quan trọng phát triển đời sống, kinh tế, văn hóa và xã hội đối với các tỉnh miền Trung nói riêng, đất nước nói chung.

Tiếp nối tinh thần "dám nghĩ, dám làm" đó, Tập đoàn Đèo Cả tiếp tục "giải cứu" các dự án bị đình trệ nhiều năm như dự án Bắc Giang - Lạng Sơn; dự án Trung Lương - Mỹ Thuận. Đáng nói, các dự án này trước đây đều gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, các nhà đầu tư cũ đều sa lầy.

Nói về quá trình thực hiện, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả cho biết: "Chúng tôi chủ động mời người dân, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, thậm chí cả cơ quan điều tra để "nội soi" chính mình. Chúng tôi dám nghĩ những mô hình quản trị, mô hình đầu tư, "dám" đặt vấn đề với cơ quan có thẩm quyền như bộ, ngành, địa phương đồng thời đưa ra các kiến nghị để điều chỉnh cơ chế, chính sách bất cập nhằm giải những bài toán khó tại các dự án bị đình trệ nhiều năm. Từ suy nghĩ có cơ sở, có căn cứ khoa học, được cân nhắc kỹ lưỡng cùng với việc tham vấn nhiều cố vấn, chuyên gia, nhà khoa học, chúng tôi mạnh dạn thực hiện".

Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và Trung Lương - Mỹ Thuận là các dự án bị đình trệ nhiều năm. Các nhà đầu tư cũ yếu kém về năng lực tài chính, năng lực thi công, thậm chí còn bị vướng vào vòng lao lý không thể triển khai được dự án để đáp ứng lòng mong mỏi của 21 triệu dân đồng bằng sông Cửu Long cũng như hàng triệu đồng bào dân tộc tỉnh Lạng Sơn.

Khi được Chính phủ đã tin tưởng giao trách nhiệm, Đèo Cả đã ứng kinh phí, giải quyết bài toán khơi thông nguồn vốn, thực hiện các biện pháp quản trị điều hành, loại bỏ nhà đầu tư, nhà thầu yếu kém, tổ chức thi công khoa học, gắn trách nhiệm cho chính mình và cho cơ quan nhà nước khi xác định các mốc tiến độ của dự án và công khai để người dân giám sát.

Đến nay, việc hoàn thành dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn là một kỷ lục của ngành giao thông khi hoàn thành công trình đường cao tốc chỉ sau 2 năm.

Dự án cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) là dự án kết nối Thủ đô Hà Nội với vùng biên viễn của Tổ quốc. Cao Bằng có tới 95% đồng bào dân tộc thiểu số. Nghiên cứu tiền khả thi dự báo rằng lưu lượng phương tiện rất thấp, tổng mức đầu tư rất lớn. Ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch tỉnh Cao Bằng cho biết, suốt nhiều năm, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã "đến rồi đi".

"Kinh nghiệm đúc kết thực tiễn đã giúp chúng tôi lựa chọn giải pháp tối ưu hóa hướng tuyến, giảm tổng mức đầu tư từ 47.000 tỷ đồng còn 23.000 tỷ đồng, phân kỳ đầu tư 2 giai đoạn. Nhận thức trách nhiệm của mình đối với với quê hương cách mạng, phên dậu Tổ quốc, chúng tôi đã báo cáo với Bác Hồ tại đền thờ Người ở Pác Bó, xác lập trách nhiệm của các bên là Nhà nước, nhà đầu tư và nhà băng để thực hiện thành công tuyến đường này nối miền xuôi lên miền ngược, đưa Cao Bằng thoát nghèo để "Cao Bằng vượt mức không ai cao bằng" như lời Bác đã dạy", ông Hồ Minh Hoàng nói.

Dám tiên phong khi ứng dụng và làm chủ công nghệ

Những năm qua, Tập đoàn Đèo Cả tích cực, kiên trì tham gia đóng góp ý kiến hoặc chủ trì tổ chức các Hội thảo, toạ đàm để khơi thông bất cập về cơ chế chính sách, góp ý sửa đổi Luật PPP… và đến nay đã được Chính phủ, Quốc hội thông qua Dự luật sửa đổi. Việc sáng tạo mô hình PPP (3P: P1 – Vốn ngân sách nhà nước, P2 – Vốn chủ sở hữu, P3 – Vốn huy động hợp pháp khác, đến mô hình PPP++) đã được Tập đoàn Đèo Cả đưa ra nhân rộng để giải quyết bài toán huy đồng nguồn vốn ở cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng…

Đứng trước chủ trương tinh gọn bộ máy Nhà nước và yêu cầu từ các dự án trọng điểm quốc gia như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Tập đoàn Đèo Cả tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ mới và thực hiện chuyển đổi số, nâng cao chất lượng đội ngũ nhân sự.

Ở Đèo Cả, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ đã được triển khai đồng thời trong hoạt động quản lý nội nghiệp và tại các dự án. Việc ứng dụng công nghệ số (mô hình BIM) từ khâu khảo sát, thiết kế, thi công, quản lý thực hiện dự án đến vận hành và duy tu bảo dưỡng nhằm hạn chế sự can thiệp, ý chí chủ quan, tiêu cực của con người để tạo sự minh bạch, đồng bộ, nhanh chóng và chính xác.

Theo ông Hoàng, để xã hội có thêm nhiều cá nhân "Dám nghĩ - Dám làm - Dám chịu trách nhiệm" cần thiết có những cơ chế và chính sách phù hợp từ phía Nhà nước nhằm khuyến khích và trọng dụng những con người dám đổi mới, sáng tạo, tâm huyết vì nước vì dân, cống hiến với tinh thần trách nhiệm cao vì mục tiêu chung.

Bên cạnh đó, cần có những quy định xem xét thỏa đáng về trách nhiệm, tránh gây bất công và làm mất đi động lực của họ. Việc khích lệ, động viên kịp thời các điển hình tiên tiến trong phong trào "Dám nghĩ - Dám làm - Dám chịu trách nhiệm" là điều cần thiết để lan tỏa và nhân rộng những giá trị tốt đẹp trong xã hội, góp phần tạo nên động lực phát triển bền vững và lâu dài.

PV

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/chu-tich-deo-ca-chia-se-bi-kip-xay-dung-nhung-cong-trinh-kho-hon-len-troi-204250120150455078.htm