Tập đoàn Đèo Cả trong hành trình ra biển lớn

21/11/2019     363

Thương hiệu Đèo Cả đã trở thành biểu tượng nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ hàng đầu tại Việt Nam, được Chính phủ, các nhà đầu tư, cộng đồng xã hội tin tưởng, tôn vinh bởi sự thành công từ các dự án giao thông trọng điểm quốc gia. Để đạt được những thành công đó, Đèo Cả đã vươn lên nhờ vào một hệ thống tư duy đào tạo rất đặc biệt.

Thay đổi để vươn lên

Tháng 5.2018, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư xây dựng cầu đường Sài Gòn (SBRC) chính thức đổi tên thành Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả (Tập đoàn Đèo Cả) - tiến hành tái cấu trúc toàn diện để hiện thực hóa các chiến lược đầu tư, kinh doanh trong quy mô khu vực và quốc tế.

Tập đoàn Đèo Cả hiện nay là công ty mẹ, gồm 19 công ty thành viên, có nhiều thế mạnh, kinh nghiệm trong các lĩnh vực hoạt động: Đầu tư xây dựng công trình hạ tầng giao thông; quản lý vận hành công trình giao thông; tổng thầu thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị; đầu tư tài chính,... Với hơn 5.000 cán bộ, công nhân viên, người lao động, đây là một tập thể đoàn kết, thống nhất cùng theo đuổi khát vọng trở thành: “Nhà đầu tư hạ tầng giao thông lớn nhất; nhà đầu tư tài chính chuyên nghiệp nhất và tổng thầu mạnh nhất”, để thực hiện khát vọng phát triển, mang đến “cuộc sống an toàn, sung túc cho con người, đất nước Việt Nam”.

Trong sự phát triển mạnh mẽ đó, Đảng bộ Đèo Cả đóng vai trò rất quan trọng. Hiện nay, Tập đoàn Đèo Cả có 4 đơn vị thành viên có tổ chức đảng, trực thuộc các quận, huyện ủy địa phương nơi đứng chân, với tổng số gần 300 đảng viên. Các đơn vị có tổ chức Đảng đều phát triển ổn định và làm ăn có lãi. Các tổ chức Đảng đều phát huy được vai trò, vị trí của mình tại doanh nghiệp. HĐQT và Đảng bộ Tập đoàn thường xuyên tổ chức các thảo luận chuyên đề, ban hành các nghị quyết, chỉ tiêu phát triển đảng viên và xây dựng chi bộ, đảng bộ,… không tách rời với các hoạt động doanh nghiệp. Từ đây có thể thấy rằng, việc thành lập các tổ chức Đảng trong doanh nghiệp là một yếu tố rất cần thiết trong quá trình hoạt động, phát triển của doanh nghiệp.

Lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả kiểm tra dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn

Thay vì ngồi bình luận, hãy vào cuộc

Câu chuyện triển khai thu phí không dừng (ETC) tại các trạm BOT rất nóng trong giai đoạn nước rút phải hoàn thành theo mốc chỉ đạo của Thủ tướng (31.12.2019), nhà đầu tư VETC coi như “buông súng đầu hàng” khi có văn bản gửi lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải trả lại Dự án thu phí không dừng. Trước một chính sách đúng đắn của Chính phủ và trước đầy rẫy khó khăn, Tập đoàn Đèo Cả đã thêm một lần nữa “nhảy” vào những dự án khó khăn bế tắc để cùng tháo gỡ.

Khi thông tin Tập đoàn Đèo Cả xúc tiến hợp tác với Tasco đưa người của mình vào quản trị, điều hành dự án được phát đi rộng rãi, một bộ phận dư luận cho rằng, Đèo Cả đang đâm đầu vào chỗ chết, thậm chí những ai thiếu thiện chí đối với hình thức đầu tư BOT còn cho rằng có “mùi lợi ích nhóm”, hoặc đặt ra nghi vấn “tiền đâu mà làm”… Ông Trần Văn Thế, Phó Bí thư Đảng ủy Công ty CP Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả (Đơn vị thành viên của Tập đoàn Đèo Cả) nói: “Thay vì ngồi bình luận hãy bắt tay vào cuộc để dự án không bị đổ vỡ mà chính các nhà đầu tư chúng ta cũng phải gánh chịu …!”.

Thật không quá khó tìm lời giải đáp cho sự xác quyết này của Đèo Cả. Cho dù môi trường đầu tư BOT đã tồn tại nhiều bất cập, cho dù một bộ phận người dân vẫn không mấy tin tưởng vào sự thành công của ETC, nhưng dấu ấn của Đèo Cả trong đầu tư hạ tầng giao thông những năm qua là rất lớn được coi là chiếc phao cứu sinh cho dự án thu phí không dừng.

Việc Đèo Cả hoàn thành sứ mệnh đục thông các con đèo hiểm trở ở khu vực Nam Trung Bộ, chỉ trong vòng chưa đầy 3 năm (7.2016 - 1.2019), hai ngọn núi Cả, Cù Mông lần lượt được đục thông, phá thế bị kẹp trong ốc đảo từ cơn biến tạo của thiên nhiên, giúp cho Phú Yên, Bình Định bừng tỉnh sau giấc ngủ dài thì những hầm đường bộ đó được ví như những cung đường huyền thoại. Đèo Cả và Cù Mông, hai địa danh là trở ngại ngăn cách hai đầu Bắc - Nam tỉnh Phú Yên, trở thành cú hích phát triển kinh tế xã hội vùng Nam Trung Bộ, trở thành niềm tự hào của người Việt khi tiếp cận công nghệ đào hầm NATM (công nghệ Áo) để thực hiện thành công hệ thống đường hầm xuyên núi hiện đại bậc nhất khu vực.

Không những vậy, những người làm hầm Đèo Cả tiếp tục đưa dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn từ chỗ tưởng chừng như đi vào ngõ cụt đến chỗ sẽ vận hành phục vụ nhu cầu giao thương bức thiết của khu vực phía Bắc đất nước vào ít tháng tới, tháo gỡ nhiều vướng mắc tại dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận rối như tơ vò nhưng sau chỉ hơn nửa năm quản trị điều hành đã giúp cho tiến độ vượt gần gấp đôi 10 năm trước đó… là những minh chứng cho sự vượt khó, cho việc đi ngược những ngọn sóng bất cập dồn dập mà không ít doanh nghiệp đã bị cuốn theo rồi bị nhấn chìm.

Dấn thân và bứt phá

Cách tiếp cận dự án của họ không giống nhau, thậm chí rất đa dạng. Nếu như tại dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, họ đầu tư để kiểm soát điều hành trước khi ông Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch HĐQT Công ty UDIC dính vào vòng lao lý thì tại dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận họ lại chỉ quản trị công ty, điều hành dự án khi được nhà đầu tư mời vào “giải cứu”…

“Ngoài ra nhiều dự án, Tập đoàn Đèo Cả đã hợp tác xử lý, Dự án hầm Phú Gia Phước Tượng BOT để giải quyết bài toán tranh chấp thu phí tại trạm Bắc Hải Vân tránh làm phá vỡ phương án tài chính của dự án Đèo Cả. Mới đây, khi tỉnh Quảng Ninh xem xét mô hình triển khai như tại Trung Lương - Mỹ Thuận để vận dụng giải quyết cho dự án Vân đồn - Móng Cái thông qua chương trình học tập mô hình của tỉnh Tiền Giang và Tập đoàn Đèo Cả. Tập đoàn Đèo Cả đã khẳng định không tham gia vốn, chuyển nhượng dự án, không quan tâm lợi ích khác (không mua bán lòng vòng, không quan tâm những lợi ích ngắn hạn,…) mục đích là mang kinh nghiệm trải qua của mình để hỗ trợ tỉnh tháo gỡ những vướng mắc chính từ cơ chế, cách tổ chức thực hiện…”, ông Trần Văn Thế cho biết.

Bên cạnh đó, với trách nhiệm với xã hội, Tập đoàn Đèo Cả cũng đã tham gia nộp hồ sơ sơ tuyển nhà đầu tư của 3 đoạn cao tốc Bắc - Nam, với năng lực kinh nghiệm của mình đã hoàn thành các dự án hầm giao thông, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn,… Tập đoàn Đèo Cả tham gia với vai trò “leader” (người dẫn dắt - PV) để quản trị, điều hành dự án, trong khi phần tài chính dự án lại được các nhóm nhà đầu tư khác thu xếp.

Sự vào cuộc giải quyết những dự án mang “trọng bệnh” của Đèo Cả thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp trước những vấn đề của ngành giao thông, sự nghiên cứu nghiêm túc, những bước đi dài với mục đích để đánh giá, đúc kết nhằm tạo ra những sản phẩm thật sự có ích cho xã hội, cho sự phát triển kinh tế của đất nước, xa hơn là muốn các bên là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các bộ ngành, ngân hàng, người dân cùng thấu hiểu… kiến nghị đến lãnh đạo các cấp khi xác định lối đi duy nhất cho mô hình phát triển giao thông là hợp tác công tư (PPP), hãy cùng tham gia điều chỉnh cơ chế bất cập, hóa giải dần các khó khăn trước mắt tại các dự án mà bản thân Tập đoàn Đèo Cả đã vướng phải trước đó và đang ngày đêm kiến nghị các bên tháo gỡ.

Dấn thân và bứt phá của Tập đoàn Đèo Cả luôn có sự đồng hành của Đảng bộ, của mỗi đảng viên để vươn ra biển lớn, thực hiện thành công mong đợi của Đảng cần có những doanh nghiệp tư nhân xứng tầm, thật sự là cánh chim “đầu đàn” trên lĩnh vực xây dựng - giao thông phục vụ có hiệu quả cho thực hiện đột phá chiến lược trong phát triển hạ tầng giao thông vận tải trong thời kỳ mới.

Hòa Bình
http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=75&NewsId=429689