Từ Đèo Cả lên Hữu Nghị quan

04/01/2019     207

Địa danh Đèo Cả gắn với tên con đèo làm ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh Nam Trung Bộ là Phú Yên và Khánh Hòa. Đó là một con đèo lớn và hiểm trở, cao 333m, dài 12km, đi ngang qua dãy núi Đại Lãnh, sườn phía Bắc là huyện Đông Hòa (Phú Yên), sườn phía Nam là huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa).

Nếu đứng từ dưới phía biển, ngẩng mặt phóng tầm mắt lên dãy Đại Lãnh, hay từ trên cao, tưởng tượng như mình đang ở trên đỉnh Đá Bia mù sương nhìn xuống, Đèo Cả, chỉ mờ ảo một con đường mỏng mảnh, khúc khuỷu, ẩn hiện trong màu xanh của cây cối lúp xúp và màu đen bạc của đá núi. Đèo Cả liên tục uốn lượn như con rắn khổng lồ trườn mình, lúc thì như một sợi chỉ mờ phơi trên các sườn núi, một bên là vách đá dựng đứng và một bên là vực sâu thăm thẳm. Xe đi qua đây như đang chơi một trò mạo hiểm, chỉ một chút lơ đãng, mất tập trung hay thiếu cẩn trọng ở những đoạn tránh nhau lên xuống, là có thể gặp tai nạn, vuột bánh qua mặt đường, lao xuống vực sâu. Bị tai nạn, lao xuống vực ở đèo Cả thì khả năng sống sót rất thấp. Đấy là chưa kể vào mùa mưa, đất đá từ trên núi có thể bất thần sạt lở đổ ập xuống đường không lường trước được.

Kỹ sư Hồ Nghĩa Dũng, Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, Nguyên Bộ trưởng Giao thông Vận tải (2006-2011) đã chia sẻ: “Tư duy về việc làm đường bộ hầm đường bộ xuyên qua Đèo Cả, hay gọi là Dự án hầm đường bộ Đèo Cả, đã được hình thành từ những năm 2001- 2002. Trong những năm từ 2003 đến 2010, đầu tư về hạ tầng giao thông quốc gia chủ yếu sử dụng vốn ODA của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng phát triển Châu Á và ODA song phương, chủ yếu là Nhật Bản và sau này là Hàn Quốc. Nguồn thứ hai là từ nguồn vốn ngân sách, nhưng rất ít ỏi. Nguồn vốn thứ ba là trái phiếu. Ba nguồn vốn này bản chất là vốn nhà nước. Vốn của tư nhân và các thành phần kinh tế khác đầu tư vào hạ tầng giao thông rất ít trong thời điểm đó. Thực tế lúc đó, ngân hàng trong nước, doanh nghiệp trong nước chưa đủ khả năng để đầu tư vào dự án hạ tầng giao thông lớn.

Cũng vào thời điểm đó, ngành Giao thông Vận tải đã thấy rõ rằng cần huy động khai thác tất cả các nguồn vốn của xã hội, chứ nếu chỉ trông chờ vào nguồn vốn nhà nước thì những dự án như Đèo Cả và nhiều dự án khác nữa chưa biết bao giờ mới làm được. Chính vì thế, ngành Giao thông Vận tải đã lên một danh mục dự án để kêu gọi đầu tư. Trong đó có Dự án hầm đường bộ Đèo Cả. Kêu gọi như vậy nhưng các doanh nghiệp tiếp cận rất dè chừng, “cái khó bó cái khôn”, chưa có hy vọng gì lớn để mở thông Đèo Cả, rồi Cù Mông vào thời điểm đó”.

***

Thời gian chờ đợi để những người gánh vác sứ mệnh giải quyết vấn đề giao thông đường bộ thông suốt qua miền đất Phú Yên xuất hiện, kể ra cũng thật là dài. Bắt đầu từ khi có ý tưởng làm hầm đường bộ qua đèo Cả, năm 2001, đến khi xuất hiện một pháp nhân, là liên danh bốn bên được hình thành để đề nghị lên Bộ Giao thông Vận tải, báo cáo Chính phủ, xin được lựa chọn và giao cho liên danh nghiên cứu xây dựng phương án khả thi thực hiện dự án này, là năm 2009. Sau đó, Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo cả đã được thành lập để gánh vác sứ mệnh này.

Sau bao nhiêu nhọc nhằn và kỳ công cho công tác chuẩn bị, thiết kế chính của Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả đã thành hình: Hầm đường bộ Đèo Cả có chiều dài toàn dự án là 13km, trong đó Hầm Đèo Cả dài 4125m, là đường hầm dài thứ 2 ở nước ta, cùng với Hầm Cổ Mã với chiều dài là 500m. Hai hầm Đèo Cả và Cổ Mã cùng có qui mô xây dựng với 2 ống hầm riêng biệt, được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc TCVN 5729-1997. Hai hầm chạy song song với khoảng cách hai trục hầm là 30m, mỗi hầm thiết kế giao thông một chiều với hai làn xe lưu thông, đạt tốc độ 80km/giờ. Hệ thống đường dẫn của dự án có chiều dài là 8,6km. Hầm đường bộ Đèo Cả có sức chịu được động đất cấp 7.

Như vậy, về tổng chiều dài, hầm đường bộ Đèo Cả dài hơn nhiều so với hầm Hải Vân. Tốc độ lưu thông được thiết kế cao hơn, là 80km/giờ so với Hầm Hải Vân chỉ đạt 70km/giờ. Xét về tổng thể thiết kế và công nghệ, Hầm đường bộ Đèo Cả là hiện đại nhất ở nước ta hiện nay, vượt lên trên Hầm đường bộ Hải Vân.

Một điều lý thú khác nữa: Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt đầu năm 2012 theo hình thức BOT và BT với tổng vốn đầu tư ban đầu là 15.603 tỷ đồng. Trong quá trình tiến hành thiết kế rồi khởi công, trong quá trình thi công, từ thực tế công trường, vẫn tiếp tục điều chỉnh thiết kế chi tiết. Vào nửa cuối năm 2013, Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả đã chỉ đạo việc khảo sát lựa chọn lại hướng tuyến của hầm Đèo Cả vừa tránh những phức tạp, đứt gãy, chồng lấn của địa hình và kiến tạo địa chất để trở nên hợp lý hơn, giảm chi phí xử lý gia cố nền và trần hầm, đã rút ngắn được chiều dài gần 1km và tiết kiệm được tới 28% vốn đầu tư. Toàn bộ vốn đầu tư cho Dự án khi hoàn thành chỉ còn là 11.378 tỷ đồng, giảm 4.225 tỷ đồng so với tổng vốn đầu tư dự kiến ban đầu.

Thường các dự án hạ tầng, khi tiến hành thi công đều phát sinh chi phí, dẫn đến “đội” vốn đầu tư, có khi rất cao so với dự kiến ban đầu. Dự án hầm đường bộ Đèo Cả thì hoàn toàn ngược lại. Đây chính là một điểm “lạ lùng” trong thực tế đầu tư và xây dựng hạ tầng ở Việt Nam.

Hầm đường bộ Đèo Cả đã hoàn thiện và khánh thánh vào ngày 21/8/2017 và chính thức bắt đầu bước vào giai đoạn vận hành, khai thác từ ngày 1/9/2017. Lễ khánh thành Hầm đường bộ Đèo Cả đã thành một “sự kiện đặc biệt”, một “sự kiện trọng đại”, được phản ánh trên các phương tiện truyền thông và báo chí của cả nước. Cùng với việc tường thuật sự kiện này một cách trang trọng, trên các phương tiện truyền thông đại chúng đã đưa nhiều ý kiến biểu dương và đánh giá về công trình này của lãnh đạo cao cấp, từ Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ tới các vị Bộ trưởng, Thứ trưởng, lãnh đạo các địa phương…

Hầm đường bộ Đèo Cả vào thời điểm hoàn thành, đã có những thử nghiệm thực tế và kết quả: Xe ô tô đi qua hầm so với chiều dài quãng đường phải đi qua đèo, mười phần chỉ còn chừng sáu phần (rút ngắn được 38-40%), thời gian chạy xe qua hầm chỉ còn gần hai phần so với mười phần trước đây đi qua đường đèo (giảm tới 80% thời gian). Ngày trước, vượt đèo Cả và đèo Cổ Mã, quãng đường phải mất gần một giờ đồng hồ. Bây giờ, ô tô qua hầm đường bộ, chỉ mất khoảng hơn 10 phút, không những tiết kiệm thời gian, mà còn tiết kiệm nhiên liệu đáng kể, tiết kiệm bảo trì động cơ xe và đặc biệt là rất an toàn. Sẽ chẳng còn xảy ra những vụ tai nạn thương tâm khi leo đèo, đổ đèo, sẽ không còn những tử biệt sinh ly, tang thương chết chóc đến rợn người ám ảnh trong quá khứ nữa…

Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả được đưa vào sử dụng có tác động và có nhiều ý nghĩa lớn về kinh tế và xã hội không chỉ đối với Phú Yên, Khánh Hòa và các tỉnh thành liên quan, mà còn có giá trị đặc biệt, rút ra các bài học kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông trọng điểm của quốc gia.

***

Sau khi khánh thành Hầm đường bộ Đèo Cả, Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả đã lớn vụt dậy về uy tín và kinh nghiệm, như Phù Đổng với những danh xưng, tên gọi: “Nhà đầu tư hầm đường bộ lớn nhất Việt Nam”, “Nhà đầu tư hạ tầng giao thông tiên phong và chuyên nghiệp nhất”, “Vua hầm đường bộ Việt Nam”…

Một điều quan trọng nhất, đây là hầm đường bộ hiện đại hoàn toàn do người Việt đầu tư, thiết kế và thi công. Người Việt đã làm chủ hoàn toàn công trình giao thông quốc gia trọng điểm. Vào tháng 4/2018, Hầm đường bộ Đèo Cả được vinh danh và gắn biển “Công trình tiêu biểu ngành xây dựng Việt Nam”.

Một thế hệ những người làm chủ mới đã sáng tạo vượt bậc, vượt qua rất nhiều thử thách lớn lao để tập hợp các trí tuệ, tài năng và nguồn lực để làm nên công trình. Một đội ngũ kỹ sư thiết kế, thi công, một đội ngũ thợ hầm lành nghề đã trưởng thành vượt bậc sau khi hoàn thành công trình mang dáng vóc thế kỷ này.

Từ thực tế vận hành thành công dự án, Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả đã tích hợp được cho đội ngũ của mình những kinh nghiệm vô cùng quý báu để giải quyết đồng bộ ba vấn đề lớn:

Thứ nhất, là về lựa chọn kỹ thuật và công nghệ cho công trình trọng điểm, tầm vóc, đảm bảo an toàn và bền vững với thời gian. Phương án thiết kế Hầm đường bộ Đèo Cả đã được đưa ra là xây dựng hai ống hầm song song để nâng tốc độ xe lên. Mỗi ống hầm lưu thông xe theo một chiều, chính là đã tạo ra việc thông gió theo kiểu pittông chạy trong xilanh, là triệt tiêu gió quẩn, gió rối, dẫn đến tiết kiệm được chi phí xây dựng hệ thống thông gió. Thực tế thiết kế này sau đó, theo tính toán, đã tiết kiệm được tới 40% chi phí xử lý vấn đề thông gió và lọc bụi tĩnh điện, tiết kiệm cả chi phí xây dựng hệ thống cứu hộ, cứu nạn khi đường hầm này là đường cứu hộ, cứu nạn của đường kia, nối nhau bằng các ngách thông sang nhau, đồng thời nâng tốc độ lưu thông cho các phương tiện mỗi chiều lên tới 80km/giờ. Chính tư duy làm chủ của người Việt, lại rất thiết thực, lại tiết kiệm đã trở thành mũi đột phá của việc lựa chọn thiết kế và công nghệ phù hợp nhất.

Thứ hai là về phương án tài chính và vốn đầu tư để đảm bảo thi công và giải quyết hiệu quả thu hồi vốn. Việc giải được bài toán về phương án tài chính và vốn đầu tư có ý nghĩa lớn lao khi đã biến Công trình trọng điểm giao thông quốc gia này trở thành hoàn toàn là của người Việt Nam với đầu tư trong nước, vốn trong nước, quản trị và nguồn lực thi công là của chính người Việt. Hầm đường bộ Đèo Cả do người Việt Nam chỉ đạo và làm chủ hoàn toàn từ khâu đầu tiên đến khi kết thúc và đưa vào vận hành, khai thác. Những thành phần về tư vấn và giám sát nước ngoài tham gia là do người Việt Nam thuê họ làm cho mình…

Thứ ba là kinh nghiệm và bài học trong huy động và tập hợp trí tuệ, nhân lực để điều hành và triển khai dự án. Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả không chỉ thu hút được những cá nhân những chuyên gia đầu ngành, mà còn thu hút cả một đội ngũ hùng hậu những đơn vị dạn dày kinh nghiệm thi công từ Công trình Thủy điện Hòa Bình, Hầm đường bộ Hải Vân và nhiều công trường lớn khác như: Tập đoàn Hải Thạch, Công ty Sông Đà 10, Công ty Cienco 492, Vinavico, Lũng Lô, Quản Trung, Sao Bắc Đẩu, BCA Thăng Long, Á Châu, NCB, Mai Linh, Bản Thái, Tranimexco, Trường Sơn…Đội ngũ các đơn vị tư vấn, tư vấn giám sát, tư vấn thẩm tra của Dự án là kết hợp những đơn vị ngoài nước và nhiều đơn vị có uy tín trong nước: Nippon Koei, Công ty A2Z, Hoàng Long, Egis Bceom, TEDI, Apave Châu Á - Thái Bình Dương, Dohwa…

***

Với những trưởng thành vượt bậc, với uy tín và kinh nghiệm tạo dựng được qua công trình Hầm đường bộ Đèo Cả, Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả đã được Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải tin tưởng giao phó cho “sứ mệnh tấn công” vào thành lũy cản trở ở phía Bắc Phú Yên nối với Bình Định. Đó là tiếp tục đầu tư, thiết kế và thi công Hầm đường bộ qua đèo Cù Mông. Dự án hầm đường bộ Cù Mông có vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng, bằng đúng với số tiền tiết kiệm được từ dự toán Hầm đường bộ Đèo Cả. Hầm Cù Mông có chiều dài toàn tuyến là 6,62km, điểm đầu tại Km1239+119 Quốc lộ 1 (Bình Định), điểm cuối tại Km1247+739 Quốc lộ 1 (Phú Yên). Chiều dài hầm 2.600m, chiều dài đường dẫn 4.020m, trên tuyến có 2 cầu với tổng chiều dài 36m. Đường dẫn theo tiêu chuẩn đường cấp 3, vận tốc 80km/giờ. Hiện nay, công trường Hầm Cù Mông đang tấp nập thi công. Người người thợ Việt hoàn toàn làm chủ mọi công nghệ và kỹ thuật. Tiến độ xây dựng Hầm đường bộ Cù Mông đã vượt thời gian tới 3 tháng, dự kiến Công trình sẽ hoàn thành vào cuối năm 2018.

Tiếp đó, Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả đã vượt qua một “cuộc sát hạch lớn”, được giao tiếp việc thực hiện Dự án Hầm đường bộ Hải Vân II, tiến hành mở rộng Hầm Hải Vân thành hai ống hầm theo mô hình Hầm đường bộ Đèo Cả sớm hơn dự kiến nhiều năm. Dự án gồm hai giai đoạn với tổng mức đầu tư hơn 7.200 tỉ đồng. Giai đoạn 1 là sửa chữa, nâng cấp hầm Hải Vân 1 và cải tạo đoạn tuyến quốc lộ 1 qua đèo Hải Vân, hiện đã hoàn thành nghiệm thu. Giai đoạn 2 là mở rộng hầm lánh nạn hiện tại thành hầm giao thông với quy mô bốn làn xe. Mở rộng cầu, đường dẫn quy mô bốn làn xe. Dự kiến, toàn bộ Dự án Hầm đường bộ Hải Vân II sẽ hoàn thành vào năm 2020.

Không dừng lại ở đó, Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả tiếp tục tiến ra “giải cứu” Dự án Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn. Dự án này có tổng mức đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng, điểm đầu dự án Km 45+100 (giao QL 1, Sao Mai, Chi Lăng, Lạng Sơn), điểm cuối Km108 + 500, nối với điểm cuối dự án QL 1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang. Tổng chiều dài tuyến cao tốc 63,86 km. Dự án này có một thời dính vào “tai tiếng”, chủ dự án cũ liên quan đến vụ tổ chức đánh bạc ngàn tỷ qua mang internet. Sau khi Công ty Cổ phần Đầu tư là “người duy nhất” xứng đáng ra tay giải cứu, đến nay, vượt qua rất nhiều thách thức cam go, dự án đã lấy lại tiến độ và uy tín. Tính đến 8/2018, khối lượng thi công đã đạt xấp xỉ 50% và Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn sẽ phấn đấu hoàn thành vào tháng 12/2019.

Và mới nhất đây, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho hợp tuyến cao tốc Lạng Sơn - Hữu Nghị Quan vào Dự án Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả tiếp tục thực hiện. Thủ tướng yêu cầu và lãnh đạo Công ty Đèo Cả đã nhận nhiệm vụ, cam kết sẽ hoàn thành toàn bộ Dự án trong năm 2020 như phát biểu của Thủ tướng khi trả lời trước Quốc hội.

Sau khi hoàn thành Hầm đường bộ Đèo Cả, Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả được tôn vinh. Và thực tế hành trình từ Đèo Cả lên Hữu Nghị Quan đã chứng tỏ, họ rất xứng đáng với sự tôn vinh đó.

Trước mắt họ, chắc chắn còn nhiều con đường mới sẽ tiếp tục được mở ra…

Theo Nguyễn Thành Phong
https://nhadautu.vn/tu-deo-ca-len-huu-nghi-quan-d17355.html