Vốn lần lượt được “rót” vào Cam Lâm – Vĩnh Hảo

28/02/2022     113

Đại diện doanh nghiệp dự án Công ty cổ phần cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo cho biết đến nay phần vốn từ các hợp đồng hợp tác đầu tư (BCC) cam kết đầu tư vào dự án đã thực hiện giải ngân được hơn 203,5 tỷ đồng và đồng thời nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư cho dự án này cũng bắt đầu được giải ngân.

Ngày 5.2.2022, Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính khi đến thăm trực tiếp dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo đã cho rằng, nhà đầu tư tại Dự án này đã giải quyết được vấn đề là đa dạng hoá nguồn vốn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác thăm hầm núi Vung thuộc dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo.

“Như vậy tại Dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo có 4 hình thức huy động vốn. Các nhà đầu tư phải huy động 4 hình thức huy động vốn này. Hai dự án PPP còn lại chưa có tín dụng, chưa đa dạng hoá cái này nên nhà đầu tư gặp khó khăn. Qua đây thấy bài học kinh nghiệm là phải đa dạng hoá nguồn vốn để triển khai đầu tư”, Thủ tướng nhấn mạnh.

4 hình thức huy động vốn mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập tới chính là huy động vốn trên sàn chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, ký hợp đồng tín dụng, ký hợp đồng hợp tác kinh doanh. Thực tế tại dự án Cam Lâm - Vĩnh hảo, liên danh nhà đầu tư do Tập đoàn Đèo Cả đại diện, đã xác định con đường huy động vốn từ đầu là không phụ thuộc quá nhiều vào vốn tín dụng.

Tập đoàn Đèo Cả đã kêu gọi các nhà đầu tư ở nhiều lĩnh vực khác có lợi ích liên quan đến đường cao tốc để cùng chung tay thực hiện dự án. Theo đó, liên danh nhà đầu tư đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư (BCC) cùng Công ty Văn Phú - Invest, Công ty Thành Lợi và Tập đoàn Phú Mỹ với tổng vốn huy động lên đến hơn 1.000 tỷ đồng, trước cả khi ký hợp đồng tín dụng với ngân hàng TPBank.

Đến nay, tổng vốn giải ngân vào dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo đạt 966,6 tỷ đồng. Trong đó chiếm tỷ trọng lớn nhất vẫn là vốn chủ sở hữu với 711 tỷ đồng, tiếp theo là vốn huy động từ các hợp đồng BCC với 203,5 tỷ đồng, vốn tín dụng cũng đã được ngân hàng tài trợ vốn giải ngân được trên 52 tỷ đồng.

Về phần vốn ngân sách nhà nước, đại diện Doanh nghiệp dự án cho biết, hiện các bên đang thực hiện các thủ tục để giải ngân, dự kiến đợt 1 được giải ngân hơn 24 tỷ đồng.

Dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo có tổng mức đầu tư 8.925 tỷ đồng, chiều dài 78,5km đi qua 3 tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận và Bình Thuận. Đây là một trong 3 dự án thành phần thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông được đầu tư theo hình thức PPP. Tại dự án này, liên danh Đèo Cả - 194 đã áp dụng mô hình huy động vốn 3P với P thứ nhất: Vốn ngân sách nhà nước là 5.139 tỷ đồng; P thứ 2: Vốn chủ sở hữu là 1.030 tỷ đồng và P thứ 3 - nguồn vốn khác do nhà đầu tư huy động là 2.756 tỷ đồng (trong đó vốn tín dụng là 1.700 tỷ đồng và vốn từ các hợp đồng BCC là 1.056 tỷ đồng).

Cam Lâm – Vĩnh Hảo cũng được biết đến là dự án đặc biệt khi có thời gian đàm phán hợp đồng BOT lâu nhất trong 3 dự án PPP cao tốc Bắc Nam. Theo đó, từ bề dày kinh nghiệm được đúc rút qua nhiều lần tháo gỡ vướng mắc cho các dự án khó, Tập đoàn Đèo Cả đã đưa ra thảo luận chi tiết về các vấn đề có thể gặp phải như cơ chế, chính sách, điều kiện giải ngân,… với tinh thần “ký để làm chứ không ký cho có”. Mặc dù ký hợp đồng BOT sau cùng nhưng Cam Lâm – Vĩnh Hảo lại là dự án đầu tiên ký được hợp đồng tín dụng và thu xếp xong nguồn vốn để thực hiện dự án.

Bên cạnh đó, song song với quá trình đàm phán hợp đồng PPP, liên danh nhà đầu tư đã chủ động sử dụng nguồn vốn tự có để thực hiện thi công dự án(chấp nhận rủi ro mất tiền khi không ký được hợp đồng), nhờ đó nhà đầu tư cam kết rút ngắn thời gian thi công hoàn thành dự án sớm hơn 2 tháng so với hợp đồng đã ký với Bộ GTVT.

Minh Hương

Nguồn: daibieunhandan.vn