Cao Bằng đặt mục tiêu 19/5 khởi công cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh

10/03/2023     1386

Ngày 9/3/2023, Tỉnh ủy Cao Bằng tổ chức họp Ban Chỉ đạo Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng).

Buổi họp diễn ra dưới sự chủ trì ông Trần Hồng Minh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trường đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng, Trưởng Ban Chỉ đạo Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh. Ngoài ra, Đoàn công tác tỉnh Cao Bằng còn có ông Hoàng Xuân Ánh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng; các lãnh đạo UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Ban Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo một số sở, ban ngành. Về phía Tập đoàn Đèo Cả có ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch HĐQT, Phó ban Chỉ đạo Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh. Buổi họp còn có sự tham dự của các đơn vị tư vấn Dự án.

Toàn cảnh buổi họp (Ảnh: Tuấn Linh)

Tại đây, Tổ Giúp việc của Ban Chỉ đạo Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh đã báo cáo về tiến độ thực hiện Dự án. Theo đó, báo cáo Pre-FS của Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1212/QĐ-TTg ngày 10/8/2020 và Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư số 20/QĐ-TTg ngày 16/1/2023. Báo cáo FS đã được UBND tỉnh Cao Bằng trình Hội đồng Thẩm định liên ngành và Bộ GTVT thẩm định từ 20/2/2023, hiện đang trong quá trình lấy ý kiến. Liên quan đến mỏ vật liệu phục vụ dự án, các thủ tục đấu giá quyền khai thác khoáng sản của 11 mỏ đang được Sở Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện thủ tục. Công tác giải phóng mặt bằng giai đoạn 1, tại địa phận của dự án huyện Thạch An đã cắm 242/363 cọc, tại địa phận huyện Quảng Hòa đã cắm 199/337 cọc, Ban Quản lý dự án đã nghiệm thu hiện trường.

Quá trình triển khai Dự án tồn tại một số khó khăn, vướng mắc chính như Dự án thiếu toàn bộ chỉ tiêu sử dụng đất giao thông trên địa phận tỉnh Lạng Sơn so với Quyết định số 326-QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ, cơ chế sử dụng vốn ngân sách Trung ương giao cho tỉnh Cao Bằng thực hiện công tác giải phóng mặt bằng trên địa phận tỉnh Lạng Sơn chưa rõ ràng, phương án tuyến đoạn qua đập Thâm Luông Km34+000 - Km39+000, Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ đạo “không đầu tư cao tốc 2 làn xe”, Dự án tuyến kết nối thành phố Cao Bằng với cao tốc năm 2023 chưa bố trí được kế hoạch vốn…

Ông Hồ Minh Hoàng kiến nghị Ban Chỉ đạo Dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh cần xác định khả năng bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương, hoặc trong trường hợp không đảm bảo cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ bổ sung ngân sách trung ương. Bên cạnh đó, kiến nghị Ban Chỉ đạo giao UBND tỉnh Cao Bằng có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ thống nhất quy mô dự án theo Quyết định số 20/QĐ-TTg; đề nghị Ngân hàng VPBank xác định rõ hạn mức tín dụng tham gia Dự án, các điều kiện cho vay và điều kiện giải ngân, đồng thời, tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập sử dụng vốn NSNN để thực hiện; phối hợp với UBND tỉnh Lạng Sơn làm việc với các cơ quan Nhà nước bổ sung chỉ tiêu sử dụng đất của Dự án trên địa phận tỉnh Lạng Sơn đảm bảo công tác GPMB được thực hiện đồng bộ trên toàn dự án; chủ trì làm việc với Bộ Tài chính, Bộ KHĐT về cơ chế giải ngân vốn NSTW bố trí cho tỉnh Cao Bằng thực hiện GPMB trên địa phận Lạng Sơn.

Ông Hồ Minh Hoàng phát biểu tại buổi họp (Ảnh: Tuấn Linh)

Theo thống kê, hiện trạng những tuyến đường tại địa bàn tỉnh Lạng Sơn được đầu tư từ những năm 2000 áp dụng theo quy mô đường cấp IV miền núi, các tuyến đường có xu hướng xuống cấp nghiêm trọng, điều này gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc tham gia giao thông. Do đó, Phó Ban chỉ đạo Dự án đề nghị Ban Chỉ đạo thống nhất kế hoạch triển khai đầu tư dự án đoạn KM93+150 - Km121+060 theo Luật Đầu tư công từ Quý II/2023 đến Quý I/2026, trong đó bố trí nguồn vốn NSNN thực hiện các công việc chuẩn bị đầu tư dự án (Lập PreFS, FS,…), giao Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh tổ chức thực hiện. Ngoài ra, “đề nghị tiếp nhận phương án đề xuất tỉnh Lạng Sơn tuyến đoạn qua đập Thâm Luông và cho khởi công dự án tuyến nối cao tốc với thành phố Cao Bằng”, ông Hồ Minh Hoàng nói thêm.

Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Trần Hồng Minh đánh giá cao tinh thần trách nhiệm đồng thời đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo và các đơn vị liên quan tiếp tục thể hiện quyết tâm cao trong triển khai thực hiện dự án bằng các công việc cụ thể, mục tiêu là khởi công Dự án vào ngày 19/5/2023 theo phương án Tập đoàn Đèo Cả tạm ứng chi phí thực hiện. Ban Chỉ đạo, Tổ Giúp việc và các đơn vị liên quan cần nhanh chóng hoàn chỉnh kế hoạch, nêu rõ người chủ trì chịu trách nhiệm, thời hạn thực hiện. Các thủ tục tư vấn, các công tác chuẩn bị cần được thực hiện khẩn trương, chủ yếu tập trung vào công tác GPMB, tái định cư, di chuyển hệ thống các công trình điện ra khỏi tuyến, hoàn chỉnh thủ tục xong trước ngày 30/4/2023 ngoại trừ dự án trồng rừng. “Hoàn chỉnh tất cả thiết kế kỹ thuật, dự toán thi công của giai đoạn 1, giai đoạn 2 trước ngày 30/4/2023 để các cơ quan chủ động nghiên cứu các nội dung thẩm định. Đề nghị Ban Quản lý Dự án phải chủ động chuẩn bị trước tất cả các thủ tục về hồ sơ chuẩn bị, công tác giải phóng mặt bằng, đánh giá tác động môi trường để phê duyệt dự án của tuyến nối, giai đoạn 2 và chuyển đổi rừng. Phấn đấu dự án phải được phê duyệt trong tháng 3/2023 để có cơ sở triển khai các bước tiếp theo đúng kế hoạch”, Bí thư Tỉnh uỷ chỉ đạo.

Ông Trần Hồng Minh phát biểu tại buổi họp (Ảnh: Tuấn Linh)

Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh có chiều dài khoảng 121,06 km, trong đó, địa phận tỉnh Lạng Sơn khoảng 52 km (đi qua huyện Văn Lãng, huyện Tràng Định) và địa phận tỉnh Cao Bằng khoảng 69,06 km (đi qua huyện Thạch An, huyện Quảng Hòa, huyện Trùng Khánh).

Dự án được phân kỳ 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 đầu tư khoảng 93,35 km (từ Km0+00 tại nút giao khu vực cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn đến khoảng Km93+350 điểm giao với quốc lộ 3 huyện Quảng Hoà, tỉnh Cao Bằng), thực hiện từ năm 2020 2025; giai đoạn 2 đầu tư tiếp khoảng 27,71 km (từ khoảng Km93+350 điểm cuối giai đoạn 1 đến Km121+060, điểm cuối tại ranh giới quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh, huyện Trùng Khánh), thực hiện sau năm 2025.

Sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án là 22.690 tỷ đồng bao gồm 13.174 tỷ đồng cho giai đoạn 1 và 9.516 tỷ đồng cho giai đoạn 2. Cơ cấu nguồn vốn giai đoạn 1 bao gồm 6.580 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước, 6.594 tỷ đồng nhà đầu tư và các nguồn vốn huy động khác.

Trang Minh