Ngày 12/8/2019, tại Trung tâm hội nghị tỉnh Tiền Giang, UBND tỉnh Tiền Giang (Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền) đã tổ chức ký kết Phụ lục hợp đồng dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận giai đoạn 1 theo hình thức hợp đồng BOT với doanh nghiệp dự án (Công ty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận) và liên danh các nhà đầu tư.
Lễ ký Phụ lục hợp đồng dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận giai đoạn 1 theo hình thức hợp đồng BOT
Phụ lục hợp đồng (PLHĐ) dự án được ký kết để điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung một số nội dung của hợp đồng và các PLHĐ được ký trước đây. Theo đó, Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã cơ bản hoàn thiện các khung pháp lý cho việc triển khai dự án bao gồm kể cả khung pháp lý cho việc giải ngân nguồn vốn của NSNN và khung pháp lý quan trọng cho việc thẩm định phương án tín dụng của các ngân hàng tài trợ vốn cho dự án.
PLHĐ vừa ký kết xác định tổng vốn đầu tư 12.668 tỷ đồng, giảm hơn 2.000 tỷ so với tổng mức đầu tư ban đầu 14.678 tỷ đồng. Trong đó, vốn Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 2.186 tỷ đồng, vốn BOT 10.482 tỷ đồng (vốn nhà đầu tư: vốn chủ sở hữu, vốn huy động khác 2.787 tỷ đồng; vốn vay ngân hàng 7.695 tỷ đồng). Trong trường hợp có thay đổi về tổng vốn đầu tư, vốn BOT thì vốn chủ sở hữu sẽ được điều chỉnh theo cho phù hợp.
PLHĐ cũng xác định trường hợp nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước 2.186 tỉ đồng không hoặc chưa được bố trí giải ngân trong năm 2019 theo kế hoạch tiến độ của dự án thì nhà đầu tư có quyền đề xuất gia hạn hoặc hoãn, tạm dừng dự án. Mặt khác, trường hợp các ngân hàng thương mại không thu xếp nguồn vốn vay cho dự án (lỗi không thuộc về nhà đầu tư) hoặc các yêu cầu giải ngân bắt buộc với dự án mà nhà đầu tư không thể thực hiện được, thì nhà đầu tư và UBND tỉnh thống nhất báo báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét giải quyết, đồng thời đề xuất Chính phủ bố trí nguồn vốn khác để thực hiện dự án.
Ông Lưu Xuân Thuỷ - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận cho biết: “Việc ký kết phụ lục hợp đồng hôm nay không có nghĩa là trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và chủ đầu tư đến đây là hoàn thành. Đây mới là cơ sở pháp lý quan trọng đối với việc thẩm định nguồn vốn tín dụng cho dự án sắp tới. Sau buổi ký kết này, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục cùng cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm việc với các tổ chức tín dụng để đảm bảo nguồn vốn tín dụng cho việc thực hiện dự án".
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, việc ký kết PLHĐ là sự nỗ lực rất lớn của hai bên.Đến hôm nay, khung pháp lý của dự án cơ bản đã hoàn thành. Trong thời gian tới, chúng ta cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa bởi thời gian để thông tuyến vào năm 2020 như chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ còn lại rất ngắn,với khối lượng công việc rất lớn và chịu sự áp lực về thời gian. Về phía tỉnh Tiền Giang sẽ cố gắng cùng với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án sát cánh để đảm bảo tốt tiến độ của dự án.
Trước đó, ngày 7/8 vừa qua, tỉnh Tiền Giang đã tổ chức họp bàn để tháo gỡ nút thắt về vốn tín dụng cho dự án này với sự tham gia của Bộ GTVT, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, các Ngân hàng tài trợ tín dụng cho dự án và Nhà đầu tư.
Tại đây, Bộ Tài chính khẳng định đã chuẩn bị sẵn kế hoạch sử dụng nguồn tăng thu năm 2018 để trình Thủ tướng chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhằm bố trí phần vốn NSNN 2.186 tỷ đồng cho dự án cao tốc này. Nếu không có gì thay đổi, phần vốn NSNN sẽ được thông qua và giải ngân trong tháng 9/2019.
Về phía Ngân hàng Nhà nước, Phó Thống đốc Đào Minh Tú chỉ đạo các tổ chức tín dụng thu xếp vốn cho dự án. Ông Tú khẳng định: “Đây là dự án hiệu quả trong đầu tư thương mại, các ngân hàng cần mạnh dạn cho vay, đồng thời đề nghị các ngân hàng không áp đặt tỷ lệ vốn tự có của nhà đầu tư bằng 30% TMĐT là điều kiện tiên quyết. Hiện nay, các Ngân hàng TMCP không thiếu vốn, nếu có thiếu thì NHNN sẵn sàng bù đủ vốn cho nhu cầu tín dụng của dự án. Trong quá trình cho vay vốn tín dụng, nếu ngân hàng có khó khăn, vướng mắc phải báo cáo ngay và NHNN sẵn sàng có phương án hỗ trợ không chỉ khi triển khai dự án mà cả cho đến khi dự án hoàn thành”.
Theo ông Mai Mạnh Hồng – TGĐ Công ty BOT Trung Lương – Mỹ Thuận: “Thủ tướng chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, ấn định rõ thời gian thông tuyến vào năm 2020 và hoàn thành, đưa dự án vào khai thác năm 2021. Vấn đề dự án có về đích, vận hành được vào năm 2021 hay không tuỳ thuộc rất nhiều về nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng”.
Tại cuộc họp ngày 7/8/2019, Nhà đầu tư cũng đã khẳng định sẽ làm hết trách nhiệm để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công dự án, nhưng sẽ không đi vay vốn Ngân hàng bằng mọi giá khi mà còn rất nhiều rủi ro chưa có sự đồng hành của tỉnh Tiền Giang và Ngân hàng cho vay; các cam kết không cụ thể sẽ dẫn đến nhiều huệ lụy mà Nhà đầu tư sẽ phải gánh chịu trong suốt vòng đời dự án.
Bên cạnh đó, tỉnh Tiền Giang, Bộ GTVT đều cam kết với đề nghị không thay đổi quy hoạch giao thông hiện tại làm thay đổi phân lưu theo tính toán tại phương án tài chính đã ký kết của Ngân hàng tín dụng, trừ trường hợp có chủ trương khác của Quốc hội, Chính phủ.
Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận là một dự án trọng điểm quốc gia, được Thủ tướng Chính Phủ khẳng định là một cam kết chính trị đối với 20 triệu đồng bào vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long. Đồng thời, đây cũng là tuyến giao thông đóng vai trò huyết mạch, đòn bẩy cho sự cất cánh về kinh tế - xã hội của cả một khu vực rộng lớn, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của cả nước.
Được khởi công từ năm 2009, sau bao lần thi công dang dở, lỗi hẹn, hiện nay, dự án được vực dậy với không khí thi công nhộn nhịp sau hơn một thập kỷ ì ạch. Rất nhiều những vướng mắc đã lần lượt được Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Tiền Giang và các Bộ, ngành nhanh chóng tháo gỡ để thực hiện đúng lời hứa với đồng bào ĐBSCL.
Với việc nguồn vốn NSNN 2.186 tỷ đồng hỗ trợ Dự án sẽ được giải ngân trong năm 2019, cộng với nguồn lực, sự quyết tâm của nhà đầu tư và tinh thần trách nhiệm cao của UBND tỉnh Tiền Giang thì mốc thông tuyến năm 2020 là có cơ sở. Nhưng, để đưa Dự án hoàn thành đúng tiến độ năm 2021 thì còn phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng cho dự án của ngân hàng. Thế nên, câu trả lời dứt khoát và động thái cụ thể từ phía ngân hàng TMCP tài trợ vốn cho dự án là điều cần sớm phải làm rõ để tránh đưa dự án vào thế bị động, đình trệ, gây ảnh hưởng đến chất lượng và tiến độ thi công, khi thời gian hoàn thành dự án không còn nhiều.
Đặng Phương – Minh Anh