Những chuyển động tích cực được ghi nhận trên công trường hai dự án cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) và Hữu Nghị - Chi Lăng (Lạng Sơn). Các nhà đầu tư, nhà thầu đang nỗ lực ngày đêm cho mục tiêu thông tuyến 2 dự án trong năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 7/4 vừa qua, đoàn công tác Tập đoàn Đèo Cả do ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch HĐQT chủ trì, cùng các nhà đầu tư trong liên danh đầu tư hai dự án cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) và Hữu Nghị - Chi Lăng (Lạng Sơn) đã đi kiểm tra thực địa, đánh giá hoạt động thi công tại hai dự án và tình hình thực hiện kế hoạch thông tuyến trong năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả thị sát và nghe báo cáo trên công trường cầu Km0+430 thuộc dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng
Báo cáo của các DNDA cho biết, hiện xuyên suốt hai dự án đang triển khai tổng cộng 234 mũi thi công, với 3.750 nhân sự và 1.818 thiết bị. Sản lượng của dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh hiện đạt hơn 2.334,84/10.436,32 tỷ đồng (tương đương 22,37%), trong khi sản lượng của dự án Hữu Nghị Chi Lăng đạt 806,8/6.580,82 tỷ đồng (tương đương 12,3%).
Các địa phương đã tổ chức các phong trào thi đua thúc đẩy giải phóng mặt bằng (GPMB), đến nay đã đạt những kết quả nhất định. Người dân rất ủng hộ và đồng hành chia sẻ, dù chưa tái định cư xong nhưng vẫn chấp nhận dời đến chỗ ở tạm để bàn giao mặt bằng cho dự án. Yêu cầu thông tuyến sớm hơn kế hoạch 12 tháng là sức ép rất lớn đối với các bên, từ địa phương đến nhà đầu tư và nhà thầu. Đường găng tiến độ đã được lập lại, các giải pháp thi công phải điều chỉnh, đặc biệt phải huy động máy móc, phân bổ nhân sự tăng ca - tăng kíp, dẫn tới kết quả tất yếu là gia tăng chi phí.
Dự án đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt từ Tỉnh ủy, UBND các tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng. Bí thư Quản Minh Cường đã trực tiếp đến hiện trường dự án động viên bà con sớm bàn giao mặt bằng để nhà thầu có công địa thi công. Nhờ tháo gỡ được nhiều điểm vướng mắc, đến nay, công tác GPMB của dự án Hữu Nghị - Chi Lăng đạt 82,58% diện tích toàn tuyến, dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh hiện đạt 88,00% mặt bằng có thể tiếp cận. Địa phương khẳng định quyết tâm sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng các dự án trong tháng 4/2025 để nhà thầu tranh thủ thời tiết nắng ráo tập trung thi công trước khi mùa mưa.
Về công tác thi công, Ban Điều hành Dự án đã xác định được các điểm xung yếu trên tuyến để đảm bảo việc thông tuyến, qua đó đưa ra các giải pháp khắc chế như: tổ chức lại biện pháp thi công, tăng mũi thi công, huy động thêm công nhân, ... Qua kiểm tra thực địa, tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”, tranh chấp nhân công giữa các nhà thầu đã được bộc lộ khi tăng ca, tăng kíp thi công. Ban Điều hành đã yêu cầu phải chấm dứt ngay tình trạng nâng giá nhân công, tìm kiếm giải pháp bù đắp việc thiếu hụt từ các dự án khác, đồng thời, chủ động tuyển dụng, tổ chức đào tạo qua phương thức “Công nhân thực hành - Kỹ sư thực chiến” mà Tập đoàn Đèo Cả đã làm trong nhiều năm qua.
Tập đoàn Đèo Cả yêu cầu các nhà thầu tiếp tục bổ sung nhân lực, máy móc, tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện
Tại vị trí cầu Km79+250 bắc qua sông Bằng thuộc dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh là khu vực có địa hình hiểm trở nhất với đường tiếp cận độc đạo và gập ghềnh nhiều vực sâu, gấp khúc gây khó khăn trong tiếp cận mặt bằng thi công, dẫn đến việc vận chuyển vật tư, thiết bị đặc biệt khó khăn. Xác định đây là hạng mục thuộc đường găng tiến độ của dự án, Tập đoàn Đèo Cả đã trực tiếp đảm nhận và tổ chức mở tuyến đường công vụ dài hơn 6 km mỗi bên để tiếp cận hạng mục công trình. Đồng thời tổ chức triển khai hai mũi thi công ở cả hai đầu, đặt mục tiêu hoàn thành hai trụ Cầu P2 và P3 (nằm dưới lòng sông) trước mùa mưa lũ. Việc hoàn thành cầu tạm trước 15/5/2025 để vận chuyển điều phối tận dụng khoảng 700.000 m3 đất đào cho các đoạn cuối tuyến cũng đã được đặt ra.
Hạng mục cầu Km79 thuộc dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh nằm trên khu vực địa hình hiểm trở nhất toàn dự án, gây khó khăn trong tiếp cận khu vực thi công và vận chuyển vật tư, thiết bị.
Tương tự, tại cụm cầu cạn vượt địa hình từ Km68 đến Km73 là các cầu có trụ cao >50m, mặt bằng thi công chật hẹp, địa hình sườn dốc hiểm trở, vực sâu, đường tiếp cận đến các vị trí mặt bằng thi công mố trụ rất khó khăn. Nhà thầu đã chủ động bổ sung các đường công vụ xương cá, mở thêm nhiều mũi thi công, huy động các máy móc thiết bị đặc chủng có công suất lớn để tiếp cận hiện trường.
Đây là hai hạng mục thuộc đường găng tiến độ toàn dự án, đang được Tập đoàn Đèo cả cùng các nhà thầu tập trung bằng nhiều giải pháp, khắc phục khó khăn, triển khai đồng thời nhiều mũi thi công để đảm bảo tiến độ thông tuyến trước 31/12/2025.
Ông Phạm Duy Hiếu, Giám đốc Ban Điều hành tổng thầu, cho biết để gia tăng sản lượng, các nhà đầu tư và nhà thầu đã tạm ứng chi phí đền bù đất cho các hộ dân để sớm có mặt bằng triển khai thi công. DNDA và nhà thầu cũng đã sát cánh cùng chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ người dân di dời, san gạt nền, kiểm soát tiến độ thi công theo từng phân đoạn.
Đồng thời, để tăng cường “sức đề kháng” cho các nhà thầu trong bối cảnh “chạy đua với thời gian”, DNDA đã hỗ trợ tạm ứng thêm 10% kinh phí để yêu cầu bổ sung máy móc và nhân công. “Có những nhà thầu dù đã đủ năng lực nhưng vẫn chủ động thuê thêm thiết bị để tăng tốc thi công, dự phòng máy móc hư hỏng”, ông Phạm Duy Hiếu nói và cho biết các nhà thầu đã ký cam kết tiến độ từng ngày, từng tuần, cụ thể cho từng mũi thi công.
Ngay sau khi kiểm tra thực địa, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả đã chủ trì cuộc họp, cùng các nhà đầu tư, nhà thầu thảo luận kế hoạch thông tuyến trong năm 2025.
Liên danh nhà đầu tư, các nhà thầu và đơn vị tư vấn họp bàn thúc đẩy tiến độ thông tuyến hai dự án Hữu Nghị - Chi Lăng và Đồng Đăng - Trà Lĩnh trong năm 2025
Với vai trò đứng đầu liên danh các nhà đầu tư và tổng thầu thi công hai dự án, Tập đoàn Đèo Cả nhấn mạnh ngoài yếu tố mặt bằng, nhân lực và vật liệu đóng vai trò then chốt quyết định tiến độ thông tuyến các dự án. Việc thi công đa mũi phải được kiểm soát chặt chẽ nhằm rút ngắn tiến độ nhưng phải đảm bảo chất lượng và đặc biệt khâu an toàn lao động trên công trường.
Tại cuộc họp, nhiều ý kiến thảo luận đã được nêu ra. Liên quan tới vấn đề “khan hiếm” nhân lực, ông Nguyễn Bá Khương - Chủ tịch HĐQT Công ty 568 - nhà đầu tư trong liên danh dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh, đồng thời là nhà thầu của dự án, cho biết dù đã chuẩn bị kỹ lưỡng về nguồn lực tài chính, máy móc và thiết bị, thế nhưng việc đẩy nhanh kế hoạch hoàn thành dự án khiến nhà thầu gặp khó về nguồn lực thi công, tăng ca kíp làm việc.
“Bên cạnh việc tăng cường máy móc thiết bị để tăng ca với tinh thần “3 ca 4 kíp” như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, việc tuyển dụng nguồn nhân lực lái xe lái máy công trình tại dự án có điều kiện xa xôi như ở đây là rất khó khăn”, đại diện Công ty 568 nói, tuy nhiên khẳng định cam kết “bằng toàn bộ sức lực và trách nhiệm” sẽ cùng các nhà đầu tư và các đối tác hoàn thành mục tiêu thông tuyến trong năm 2025.
Một số nhà thầu cho biết đã huy động nguồn lực ở các công trình, dự án khác để dồn lực tập trung thi công các dự án trọng điểm này với tinh thần quyết tâm cao nhất.
Trong bối cảnh chỉ còn 8 tháng trước cột mốc thông tuyến, người đứng đầu Tập đoàn Đèo Cả kêu gọi sự đồng lòng từ các nhà đầu tư và nhà thầu để hoàn thành mục tiêu thông tuyến hai dự án trong năm 2025.
Tập đoàn Đèo Cả phối hợp với các đơn vị đào tạo để hỗ trợ cung ứng nhân lực cho các nhà thầu
Để giải quyết bài toán nhân lực, Tập đoàn Đèo Cả với kinh nghiệm trải qua nhiều dự án khó khăn đã chủ động yêu cầu các nhà thầu làm rõ các khó khăn vướng mắc để đưa ra giải pháp. Bài toán nhân sự đã được giải khi Chủ tịch Hồ Minh Hoàng tổ chức khảo sát, làm việc với các cơ sở đào tạo công nhân, đồng thời báo cáo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh vào ngày 8/4/2025 để có ý kiến chỉ đạo trực tiếp đến Trường Cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương 1 yêu cầu phối hợp hỗ trợ, huy động cả giáo viên lẫn học viên lái máy cơ giới để tăng cường nhân sự, tăng ca cho các nhà thầu đang thi công tại hai dự án.
Nói về những khó khăn liên quan đến nguồn cung vật liệu đá và cát do công suất khai thác các mỏ còn hạn chế, cự ly vận chuyển xa, ông Nguyễn Bá Lành, Giám đốc nhà thầu Đồng Thuận Hà, phản ánh giá nguyên vật liệu niêm yết thấp hơn đáng kể so với giá thị trường, dẫn đến các nhà cung cấp “bù” chi phí vào cước vận chuyển. Kết quả, các nhà thầu không thể bù đắp phần chênh lệch này và gây ảnh hưởng tới mục tiêu thảm bê tông nhựa cho dự án trước ngày 31/12/2025.“Thậm chí có những đơn mua nguyên vật liệu khiến nhà thầu lỗ hàng trăm triệu đồng”, ông Lành chia sẻ.
Tại cuộc họp, các nhà thầu cũng phản ánh tình trạng làm khó, đẩy giá… thao túng vật liệu tại khu vực tỉnh Lạng Sơn. Về vấn đề này, DNDA đã có các văn bản kiến nghị UBND tỉnh và Công an tỉnh rà soát, xác định rõ nguồn vật liệu, ưu tiên trữ lượng và công suất khai thác của các mỏ phục vụ dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, đề xuất Sở Tài chính điều chỉnh thông báo giá niêm yết sát với giá thị trường, thường xuyên cập nhật giá nhằm tạo cơ sở chính xác cho công tác nghiệm thu và thanh quyết toán các hóa đơn liên quan.
Chỉ còn hơn 8 tháng trước cột mốc thông tuyến, đại diện Tập đoàn Đèo Cả yêu cầu sự đồng lòng vượt khó từ các nhà đầu tư, nhà thầu để hoàn thành mục tiêu thông tuyến hai dự án trong năm 2025.
“Đây là 2 dự án khó khăn, phức tạp. Điều này không phải đến bây giờ tôi mới nói, mà ngay từ những ngày đầu tiên tiếp cận và để xuất hai dự án này, khi bắt tay hợp tác với các doanh nghiệp, chúng ta đã cùng nhau xác định rõ: từ yếu tố pháp lý, địa hình, địa chất, cho đến dự báo doanh thu, thu xếp tín dụng đều thách thức. Ngay cả khi Chính phủ cho phép nâng tỷ lệ vốn NSNN cho dự án lên 70%, thì thời gian thu phí cũng sẽ bị rút ngắn lại (có những suy nghĩ lệch lạc cho rằng đây là cơ hội hay sự ưu ái gì cho doanh nghiệp…). Cần phải khẳng định đây là cơ chế để giúp cho dự án sớm hoàn vốn, cho ngân hàng yên tâm hơn khi cho vay dài hạn, chứ không phải một sự ưu ái, ưu đãi nào dành cho nhà đầu tư như nhiều người lâu nay vẫn lầm tưởng”, ông Hồ Minh Hoàng nói, đồng thời nhấn mạnh: “Với sức ép tiến độ, chắc chắn chi phí sẽ bị đội lên trong khi các định mức, đơn giá theo quy định hiện hành không được điều chỉnh kịp thời. Tôi cũng hiểu rằng, những dự án dễ làm thì đã không đến lượt chúng ta. Và bởi dự án khó nhằn, mới cần đến Đèo Cả “từ cái khó ló cái khôn”, mới có việc cải tiến mô hình huy động vốn PPP thành mô hình PPP++ như hiện nay cùng nhiều giải pháp quản trị dự án liên tục được đưa ra.”
Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả kết lại chuyến kiểm tra bằng lời khẳng định: “Hai từ “cống hiến” thì ai cũng nói được. Nhưng chúng ta đang tận tâm - tận lực - tận hiến để phụng sự đất nước bằng chính những công việc, hành động cụ thể đang làm đây. Chúng ta vinh dự khi được lãnh đạo Đảng, Chính phủ tin tưởng giao thực hiện những dự án khó nhưng rất ý nghĩa. Đèo Cả cũng ý thức được trọng trách của mình và sẽ tiếp tục cùng các nhà đầu tư, nhà thầu khắc phục khó khăn, cùng nhau gánh vác trách nhiệm để đưa hai dự án này về đích đúng hẹn, mà trước hết là mục tiêu thông toàn tuyến năm 2025 theo chỉ đạo của Chính phủ. Ý nghĩa hơn nữa, là thay lời tri ân đến người dân hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn đã nhường đất, chấp nhận tạm cư để cho dự án có mặt bằng thi công, góp phần chia sẻ gánh nặng chi phí cho chính các doanh nghiệp tham gia dự án.”
Tin bài: Huy Vũ - Ảnh: Việt Trung