Đèo Cả thẳng thắn nêu nhiều bất cập trong đầu tư BOT tại hội thảo về hạ tầng giao thông

04/09/2019

Tại Hội thảo "Truyền thông về hạ tầng giao thông: nhìn nhận và định hướng" do Hội Nhà báo Việt Nam và Hiệp hội các Nhà đầu tư Công trình Giao thông Việt Nam tổ chức sáng 4/9 tại Hà Nội, từ góc nhìn của một nhà đầu tư, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả chia sẻ nhiều khó khăn mà doanh nghiệp phải đối mặt khi thực hiện các dự án.

Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả phát biểu tại Hội thảo

Thực tiễn quá trình triển khai các dự án hạ tầng giao thông như: hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông, mở rộng hầm Hải Vân, QL1 đoạn qua tỉnh Khánh Hòa, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Hữu Nghị - Chi Lăng,… Đặc biệt, Tập đoàn Đèo Cả đang tham gia tháo gỡ các vướng mắc kéo dài của Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận để sớm thông tuyến vào năm 2020 và khánh thành trong năm 2021 theo chỉ đạo của Chính phủ. Bên cạnh những thuận lợi, nhà đầu tư phải đối mặt với rất nhiều bất cập, rào cản. Tại hội thảo này, ông Hồ Minh Hoàng không nói lại những thành tựu hay thuận lợi mà chỉ đề cập đến khó khăn trong đầu tư hạ tầng.

Đối với Cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ GTVT, địa phương thực hiện việc cam kết không phải lúc nào cũng như lời mời gọi đầu tư ban đầu.

Đối với ngân hàng tài trợ vốn, bản chất cũng như một nhà đầu tư kinh doanh tiền tệ, mặc dù được hưởng lợi ích từ lãi suất cho vay nhưng khi dự án gặp phải khó khăn, vướng mắc thì bàng quan, im lặng. Trách nhiệm của các Ngân hàng Thương mại cổ phần sở hữu vốn Nhà nước đối với chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc đầu tư các dự án trọng điểm, các chủ thể đại diện cho phần vốn của Nhà nước cần được các cơ quan kiểm tra, giám sát có ý kiến.

Ông Hồ Minh Hoàng lấy ví dụ: “Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận bị chậm trễ suốt 10 năm qua. Dự án có sự quan tâm từ Quốc hội, Chính phủ và Bộ GTVT. Đặc biệt hợp đồng tín dụng đã được ký nhưng với 20 điều kiện tiên quyết vô cùng khó khăn phải hoàn thành trước khi giải ngân, trong đó có nhiều điều kiện không thuộc thẩm quyền của nhà đầu tư, việc này đã làm dự án tiếp tục đình trệ”.

Đối với các cơ quan kiểm tra, giám sát, một số dự án khi lãnh đạo nhà đầu tư/hoặc doanh nghiệp là nhà đầu tư cũ vi phạm pháp luật nhưng vi phạm đó không liên quan đến dự án, cán bộ điều tra lại mở rộng phạm vi thu thập thông tin, tài liệu với cả các nhân sự và giao dịch mới vốn không liên quan đến vụ việc đang điều tra, xử lý. Thực tế này làm môi trường đầu tư trở nên bất an, khiến các bên đang tích cực tháo gỡ khó khăn tại một số dự án lo sợ, né tránh.

Tại Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, đối tượng Nguyễn Văn Dương là Chủ tịch HĐQT của một công ty là nhà đầu tư phạm tội đánh bạc nhưng các nhà đầu tư khác, nhà thầu, tư vấn, phải tham gia giải trình và cung cấp tài liệu cho cơ quan điều tra hơn một năm. Trong khi năng lực của nhà đầu tư này và nguồn vốn tham gia vào dự án đã được Bộ GTVT thẩm định cho phép, chứ không thuộc trách nhiệm giải trình của các nhà đầu tư còn lại trong liên danh.

Trong một số trường hợp khi dự án đang gặp khó khăn thì các cuộc thanh tra lại diễn ra thường xuyên hơn, những “sai sót” được tích lũy để cung cấp thông tin cho dư luận làm gia tăng thêm áp lực cho dự án nhưng không đánh giá hết các sai sót về mặt cơ chế, chính sách pháp luật và cũng không định lượng các giá trị sai sót của Nhà nước, mà chủ yếu đánh giá những bất lợi về một bên làm ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà đầu tư, làm nhận thức của người dân về các dự án BOT bị thiên lệch. Bất lợi chủ yếu thuộc về nhà đầu tư.

Một bộ phận người dân mang định kiến BOT là móc túi dân, lợi ích nhóm. Không ít bài báo rất hào hứng tường thuật việc gây mất an ninh trật tự ở trạm thu phí, thông tin đậm các cuộc thanh kiểm tra đối với dự án BOT, trong khi tiếng nói của nhà đầu tư thì được đưa rất hạn chế.

Nhưng vượt qua nhiều khó khăn bủa vây đó, “Khi Tập đoàn Đèo Cả tiếp nhận lại và tái khởi động Dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, các đồng chí lão thành của tỉnh Lạng Sơn đã nói rằng tuyến đường cao tốc này là mong muốn của nhiều thế hệ đồng bào, các dân tộc tỉnh Lạng Sơn. Hay như trăn trở của 20 triệu người dân đồng đằng sông Cửu Long về tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận qua câu hò “Ví dầu cao tốc miền Tây, xây đi xây lại xây hoài không xong”.

Tháng 10 tới đây cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn sẽ hoàn thành sau 2 năm tái khởi động, xác lập kỷ lục khi trước đó chưa có dự án cao tốc nào hoàn thành dưới 5 năm. Và câu hò của người dân miền Tây về dự án Trung Lương – Mỹ Thuận đã được trả lời rằng: “Ví dầu cao tốc miền Tây - Nếu mà có vốn con đường sẽ thông”, ông Hồ Minh Hoàng kết thúc bài tham luận trong tiếng vỗ tay tán đồng của các đại biểu tham dự hội thảo.

Cũng tại Hội thảo, các phát biểu của Bộ GTVT, Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, các bài tham luận của các nhà khoa học chuyên ngành, của Kiểm toán Nhà nước, Ngân hàng nhà nước Việt Nam, các chuyên gia, nhà đầu tư... đã đóng góp, cống hiến cho hội thảo nhiều thông tin, chứa đựng những góc nhìn đa chiều, phản ánh sâu mặt thuận lợi, tích cực, mặt khó khăn, bất cập, vướng mắc, tiêu cực của chủ trương, chính sách, cơ chế và cách làm cụ thể, nhất là phân tích về nguyên nhân của những bất cập, rào cản và sự nhìn nhận thiên lệch, định kiến của cộng đồng xã hội đối với xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông của đất nước theo hình thức hợp tác công tư (PPP).

Hội thảo là sợi dây nối kết để báo chí trong cả nước đồng hành cùng các cơ quan chức năng, các nhà quản lý, các nhà đầu tư tuyên truyền thực hiện tốt chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước, nguyện vọng của nhân dân, xoá bỏ được đinh kiến, thiên lệch về BOT trong nhận thức của cộng đồng xã hội, trả lại giá trị đích thực của BOT trong thời gian tới.

Ban Truyền thông