Khát vọng là giá trị cốt lõi làm nên Đèo Cả

04/12/2022

Tại diễn đàn quốc gia thường niên “Văn hoá với doanh nghiệp”, ông Ngọ Trường Nam - Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả chia sẻ: “Khát vọng là giá trị cốt lõi trong văn hoá của chúng tôi, khát vọng vươn lên, khát vọng làm những điều lớn lao cho chính doanh nghiệp của mình và cho đất nước Việt Nam. Chính vì có khát vọng, chúng tôi đã chinh phục được những công trình trọng điểm của đất nước, trước đây, những công trình trước đó chỉ nước ngoài mới làm được”.

“Qua những dự án Đèo Cả thực hiện, chúng tôi mong muốn Nhà nước tin tưởng giao những việc lớn, việc khó để Đèo Cả khẳng định mình, cũng như để hạ tầng giao thông có thể phát triển hơn. Chúng tôi cũng mong muốn, với những doanh nghiệp làm tốt được công việc như vậy, thưởng, phạt rõ ràng, răn đe những doanh nghiệp vi phạm và động viên tinh thần cho những doanh nghiệp thực hiện tốt công việc của mình” - Ông Ngọ Trường Nam nói thêm.

Tổng Giám đốc Ngọ Trường Nam (ngoài cùng bên phải) tại toạ đàm.

Hiện nay, Tập đoàn Đèo Cả là doanh nghiệp đầu tư hạ tầng giao thông hàng đầu Việt Nam khi hoàn thành nhiều dự án trọng điểm với tổng mức đầu tư gần 100.000 tỷ đồng như hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông, hầm Hải Vân dọc dãy miền Trung, “giải cứu” các dự án Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận bị đình trệ nhiều năm; hoàn thành dự án cầu Tình Yêu, hầm Bao Biển ở Quảng Ninh, hầm Thung Thi ở Thanh Hoá và đang triển khai nhiều dự án trên cao tốc Bắc - Nam.

Diễn đàn quốc gia thường niên “Văn hóa với doanh nghiệp” lần thứ hai năm 2022 với chủ đề: “Chấn hưng Văn hóa - Nền tảng phục hồi và phát triển kinh tế bền vững” vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam tổ chức tổ chức hôm 3/12/2022.

Diễn đàn nhằm triển khai các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; khẳng định vai trò, tầm quan trọng của văn hoá kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp trong phát triển kinh tế đất nước; khai thác tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực văn hóa như là đòn bẩy và trợ lực quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế. Diễn đàn cũng là dịp để Lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp gỡ, trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp, lắng nghe các kiến nghị, đề xuất về cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh, lan tỏa sâu rộng cuộc vận động “Xây dựng Văn hoá doanh nghiệp Việt Nam” do Thủ tướng Chính phủ phát động.

Với chủ đề xuyên suốt “Chấn hưng văn hóa - Nền tảng phục hồi và phát triển kinh tế bền vững”, diễn đàn tập trung trao đổi, thảo luận các vấn đề: Vai trò, tác động của chấn hưng văn hóa đến phục hồi và phát triển kinh tế bền vững; những bài học thực tiễn của các doanh nghiệp Việt Nam về phát huy vai trò của văn hóa trong phục hồi và phát triển kinh tế bền vững, nhất là trong và sau đại dịch Covid-19; giải pháp nâng cao vai trò của văn hóa trong phục hồi và phát triển kinh tế bền vững sau Covid-19, các xung đột địa - chính trị, địa - kinh tế trên thế giới, hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay.

Trà My