Những chiến binh ngoan cường Đèo Cả

01/08/2019

11 giờ đêm 31/7, từ phòng Ban Quản lý dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận (tỉnh Tiền Giang), anh Nguyễn Dạ Lữ - Trưởng phòng Kế hoạch – Kỹ thuật của Công ty Cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận điện thoại về văn phòng dự án tại Cái Bè: “Alo, các em ai có mặt ở đó lên hết đây đi…”.

Bữa trưa bằng bánh mì

Đến thời điểm Lữ alo cho các cộng sự giữa đêm khuya như thế này, anh và các đồng nghiệp của dự án đã làm việc suốt 15 tiếng đồng hồ. Hôm nay, họ - những “chiến binh” của Tập đoàn Đèo Cả (được Tập đoàn biệt phái về Tiền Giang để làm việc cho BOT Trung Lương – Mỹ Thuận), dẫn đầu bởi Tổng Giám đốc Mai Mạnh Hồng, đã có cuộc làm việc rất dài với UBND tỉnh Tiền Giang. Cuộc làm việc xoay quanh nhiều nội dung nhưng tập trung ở vấn đề cốt tử: tính toán đơn giá vật liệu cho dự án cao tốc, mấu chốt để chốt tổng mức đầu tư cao tốc TMĐT, làm cơ sở quan trọng để UBND tỉnh ký kết phụ lục hợp đồng và ngân hàng tài trợ vốn giải ngân, để “chìa khoá” để mở toang cách cửa cuối cùng, tăng tốc đưa dự án về đích thông tuyến vào năm 2020, khánh thành vào năm 2021 như kỳ vọng của Chính phủ và người dân.

Cùng làm việc suốt từ sáng với “tư lệnh” Mai Mạnh Hồng còn có những đồng đội trẻ của anh: Trần Văn Thế và Nguyễn Văn Dũng, Phó tổng giám đốc; thư ký HĐQT Từ Việt An và Lê Đức Tranh; các nhân viên trẻ của phòng Tài chính, phòng Kế hoạch như Hiếu Minh, Nguyễn Văn Thọ, Trần Thị Huyền…

Buổi trưa của ngày làm việc đó, họ ăn bánh mì tại phòng và làm việc xuyên trưa. 18h tối, UBND tỉnh tặng cho mỗi người một phần cơm hộp và Trưởng phòng Pháp chế Đặng Xuân Chinh vừa ăn vừa khen nắc nỏm: “Ngon quá!...”. Cũng là hộp cơm bình thường thôi nhưng có lẽ cái đói và cuộc làm việc suốt ngày đốt cháy nhiều năng lượng nên Chinh thấy ngon miệng.

Cuộc làm việc dai dẳng và không kém phần căng thẳng. Ngay 8h sáng, khi bước vào phòng họp, không khí đã nóng lên khi đại diện Sở Xây dựng tỉnh Tiền Giang trình bày về cách tính đơn giá vật liệu cho dự án nhưng lại không gồm chi phí vận chuyển đã bị “tư lệnh” Mai Mạnh Hồng cắt ngang, phản ứng quyết liệt: tại sao không tính giá vật liệu đến khi tập kết tại công trường, như thế chi phí vận chuyển hạch toán vào đâu?

Cơm hộp buổi tối

Cũng trong cuộc họp, hai bên đã có lúc cướp lời nhau khi tranh luận những vấn đề liên quan. Ví dụ, trước năm 2017, giá vật liệu đã được Sở Xây dựng tính là giá đưa đến tận công trình. Tuy nhiên “không hiểu sao các anh giờ lại áp giá tại vựa bán buôn ở nơi trung tâm?” – ông Mai Mạnh Hồng bày tỏ ngạc nhiên. Và ông Hồng nói là “chúng ta đã làm khó chính chúng ta bằng những sự vô lý không cần thiết.

Sự phản ứng cộng với cách trình bày khúc chiết, lúc căng thẳng, lúc mềm dẻo nhưng tinh thần luôn quyết liệt không khoan nhượng khiến ông Phạm Anh Tuấn – Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang phải nhượng bộ: “Tính gì thì tính, trước hết phải tính đúng, tính đủ, tính hợp lý”. Và phải tranh luận với nhau rất lâu hai bên mới thống nhất cùng tính toán lại phương án giá. Việc tính toán lại giá gây mất rất nhiều thời gian trong cuộc làm việc này, đến 21h30 thì nhóm giúp việc của tỉnh Tiền Giang mới tạm tính ra được phương án giá theo đòi hỏi của “tư lệnh” Hồng, tức đối tác cũng phải làm việc liên tục gần 13 tiếng đồng hồ trước đòi hỏi kiên quyết từ phía nhà đầu tư. Và từ tính toán cơ bản đó, đội hình “những chiến binh Đèo Cả” tiếp tục tính toán, điều chỉnh, quyết hoàn thiện những con số trong đêm để kịp làm việc vào ngày hôm sau với đoàn công tác của Bộ GTVT và Bộ Xây dựng, những vị “sứ giả” đại diện cơ quan quản lý Nhà nước trung ương, thảo luận về TMĐT, phương án tài chính và chốt tất cả những vấn đề liên quan, bước quyết định để khơi thông dự án.

23h30, Từ Việt An lặng lẽ mang về hơn chục ly cafe, cam vắt tiếp tế cho đồng đội. Mọi người vẫn ôm máy tính và những bảng biểu với dày đặc con số, vừa tính toán, vừa lẩm nhẩm, vừa gõ, sửa. Đôi lúc, có người nhắm nghiền mắt trong giây lát. Rồi lại mở ra, chăm chú màn hình. “Tư lệnh” Mai Mạnh Hồng vẫn đi tới đi lui cùng các đồng đội…

Cuộc làm việc xuyên đêm

1h sáng, chuyến xe đưa nhóm Cái Bè có mặt: Thảo, Việt, Trung, Hải, Tuấn, Quý. Họ cùng nhau vào việc và cứ thế, cuộc đua tiếp sức.

5h sáng. Tiếng banh bên sân tennis bên hông toà nhà UBND tỉnh vang lên bùm bụp. Đã có những người đi chơi thể thao sớm, bắt đầu ngày mới. Căn phòng làm việc của toà nhà của nhóm chiến binh Đèo Cả vẫn sáng đèn. Rồi 6h, rồi 7h… Cả sân Uỷ ban tỉnh người làm việc ra vào nườm nượp. Bên chiếc máy tính, những chàng trai cô gái vẫn làm việc. Đồng hồ nhích sáng con số 8 của ngày mới, tròn 24 giờ liên tục… Tất cả lại chuẩn bị cho ngày làm việc mới. Những số liệu của 24 giờ làm việc qua sẽ được phục vụ cho ngày làm việc hôm nay. Những con số vô tri và sự làm việc lặng thầm đó góp phần quyết định cho việc thành bại – về đích nhanh chậm của dự án.

Ngày sau, khi các thế hệ con cháu chúng ta bon bon trên đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận hay đi suốt từ Bắc vào Nam, họ chắc chắn trầm trồ về những con đường đẹp tươi mới, khen những bàn tay Việt – trí tuệ Việt với niềm tự hào và cảm ơn giọt mồ hôi của những người thợ đã đổ xuống. Họ cũng cần biết thêm điều này: sự thành hình của những con đường đó không chỉ có sắt thép, xi măng và mồ hôi mà còn có kết tinh của tinh thần chiến binh ngoan cường của những con người Đèo Cả.

QUY NHƠN