“Sự tử tế” dành đến người làm đường Chí Thạnh - Vân Phong

10/04/2024

Tôi đặt chân đến công trường gói thầu XL01 dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Chí Thạnh - Vân Phong vào một ngày nắng vàng rộm đầu tháng 4. Hiện ra giữa công trường đầy đất, đá là khu nhà điều hành rộng rãi, được thiết kế khang trang, đầu tư trang thiết bị hiện đại từ văn phòng làm việc, phòng họp đến bếp ăn, phòng ở khép kín. Nơi đây còn có sân bóng mini và khu tiểu cảnh ngay trong khuôn viên.

11 giờ trưa, từng tốp thợ rảo bước về khu nhà điều hành để chuẩn bị cho bữa ăn đã được sắp sẵn trong nhà ăn. Tôi gặp anh Đỗ Ngọc Kiên - Ca trưởng phụ trách thi công mái cơ cửa hầm Tuy An. Anh Kiên quản lý 30 nhân sự thi công hạng mục này. Anh bảo: “Chúng tôi có khoảng 2 tiếng để “nạp năng lượng” và tranh thủ ngả lưng trước khi trở lại công trường vào lúc 1 giờ chiều. Thực đơn mỗi bữa được thay đổi thường xuyên, cơm ngon mà rau thịt đủ chất nữa nên an tâm lắm”.

Ông Đỗ Ngọc Kiên - Trưởng ca thi công hầm Tuy An (người mặc quần áo ghi xám, đội mũ trắng) trên công trường thi công gói thầu XL01, cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong (Ảnh: Việt Trung)

Người làm nghề xây dựng công trình giao thông, người ta vẫn gọi là “dân công trường”, với những mối quan tâm thường trực về điều kiện sinh hoạt mỗi khi “đầu quân” cho một dự án nào đó. Anh Kiên đã là “dân công trường” 25 năm.

Nhớ lại nhiều năm trong nghề trước khi đến và gắn bó với Tập đoàn Đèo Cả, anh kể: “Hồi đó, sinh hoạt trong nhà ở công trường là những lán trại dựng tạm bợ và điều kiện sinh hoạt thiếu thốn. Nắng thì nóng nực, mưa thì dột, gió thông thốc vào tận chỗ ngủ. Giờ ở đây, khu ăn nghỉ của cán bộ, người lao động sạch sẽ, tiện nghi. Mùa đông có nước nóng, mùa hè có điều hoà.

Ông Trương Công Đạt - Giám đốc Ban Điều hành gói thầu XL01 cho biết, gói thầu này đang có hơn 400 cán bộ kỹ sư, công nhân làm việc ở công trường 3 ca liên tục. Để đảm bảo chất lượng đời sống cho người lao động, Ban Điều hành đã đầu tư hơn 8 tỷ đồng để xây dựng khu văn phòng làm việc và nhà ở trên diện tích khoảng 10.000 m2 gần công trường, sân thể thao trong khuôn viên để CBCNV có điều kiện rèn luyện sức khoẻ, giải trí sau ngày làm việc. Hệ thống lọc nước hiện đại cũng được đầu tư. Hàng quý, nước được các đơn vị kiểm định của Nhà nước và thay thế lọc định kỳ để đảm bảo chất lượng nước sinh hoạt cho người lao động.

Các chi phí này dù cao gấp nhiều lần định mức mà Nhà nước cho phép nhưng lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả vẫn quyết định làm theo đúng tiêu chuẩn công trường chung của đơn vị để người lao động có điều kiện ăn ở tốt, chuyên tâm hơn vào các công việc được giao”, ông Đạt chia sẻ.

Thi công cầu Km7 trên tuyến (Ảnh: Thái Hà)

Thực tế, khu nhà điều hành của gói thầu XL01 thường là nơi các đoàn công tác của Chính phủ, Bộ lựa chọn để tổ chức các cuộc họp trong các đợt kiểm tra hiện trường dự án cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong.

Thi công các dự án, đặc biệt là các công trình hầm vốn được biết đến là nặng nhọc, đòi hỏi cần có nhiều thiết bị hiện đại hỗ trợ và sự quan tâm của Ban Điều hành đến sức khoẻ lâu dài cho người lao động. Bên cạnh việc tổ chức thăm khám sức khoẻ định kỳ cho người lao động, tại khu nhà điều hành được bố trí tủ thuốc y tế. Các khoá đào tạo sơ cấp cứu cũng được tổ chức để bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho CBCNV trong một số tình huống rủi ro về sức khoẻ có thể xảy đến với mình hay đồng nghiệp.

Khu nhà làm việc và nhà ở khang trang của Gói thầu XL01 - Dự án thành phần Chí Thạnh - Vân Phong (Ảnh: Việt Trung)

Khi được hỏi về chế độ lương thưởng, về những lời lãnh đạo Tập đoàn luôn khẳng định là “không nợ lương” so với thực tế thì sao, anh Kiên cười: “Thu nhập tốt, ổn định cùng nhiều sự tử tế tôi đã nhận được 4 năm qua kể từ khi làm việc cho Tập đoàn này, không chỉ ở Chí Thạnh - Vân Phong, mà trước đó là ở hầm Thung Thi, hầm Trường Vinh”.

Thi công trong hầm Tuy An (Ảnh: Thái Hà)

Tạm chia tay anh Kiên, đi qua ghế đá trước hiên nhà điều hành, tôi tình cờ gặp anh Bùi Hồng Vận ngồi đó, trên tay là chén trà mạn sau bữa cơm trưa vừa rồi. Anh là Tổ trưởng tổ khoan thi công hầm Tuy An. Từng là thợ lái máy rồi học nghề khoan hầm, anh Vận là một trong những công nhân kỹ thuật bậc cao đã gắn bó ở Đèo Cả gần 7 năm, với 3 năm đón Tết trên công trường.

Lễ Tết ai cũng háo hức về bên gia đình, nhưng khi công việc gấp gáp cần chạy đua tiến độ thì tụi anh cũng sẵn sàng gác lại niềm vui riêng để “bám” công trường. Làm ngày lễ thì lương thưởng cao hơn, còn được ban lãnh đạo tổ chức nấu bánh chưng, làm những bữa cơm liên hoan khích lệ tinh thần anh em. Gia đình ở quê cũng an tâm khi biết chồng, hay con mình được đơn vị quan tâm, sinh hoạt đảm bảo, ăn ở khang trang”, anh Vận tâm sự.

Anh Bùi Hồng Vận - Tổ trưởng Tổ khoan thi công hầm Tuy An (người khoác áo màu vàng chanh) trên công trường thi công hầm Tuy An (Ảnh: Việt Trung)

Nói đến lý do “giữ chân” mình ở Đèo Cả, anh Vận kể rằng ở đây có nhiều “cái hay”. Lễ Tết mà về quê thì được bố trí xe đưa đón tận nhà, công nhân thi công xuất sắc cũng được xét thưởng đột xuất để động viên, làm đêm vất vả còn được bố trí suất ăn đêm để có thêm sức khoẻ, rồi được tham gia các khoá học nâng cao tay nghề… Nhưng điều có lẽ anh tâm đắc nhất, nhắc đi nhắc lại trong câu chuyện hôm đó, ấy là: “Ở Đèo Cả nhiều dự án, làm không hết việc. Chưa bao giờ anh phải lo nghĩ “sẽ đi đâu, làm gì để kiếm ra tiền?” khi một công trình sắp sửa về đích”. Chẳng thế mà chừng ấy năm gắn bó với tổ chức, anh Vận đã “chinh chiến” qua nhiều dự án từ hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông, hầm Bao Biển (Quảng Ninh)… trước khi tới công trường hầm Tuy An này.

Trước khi rời đi, tôi gặng hỏi thêm anh có nguyện vọng gì muốn nhắn gửi tới lãnh đạo đơn vị không. Trên khuôn mặt sạm nâu màu nắng gió công trường rạng lên ánh cười chân chất: “Chỉ cần công ty cứ phát triển để anh em có công ăn việc làm đều đặn. Đi làm xa quê mỗi lần về nhà kể được cho gia đình anh nghe mình đã làm được gì ở những công trình lớn như thế nào, được quan tâm đối đãi tốt, vậy là mừng”.

Có lần, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ - người có thời gian dài theo sát các dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1 và nhiều dự án giao thông trọng điểm, bày tỏ sự ấn tượng với cách tổ chức làm việc, bố trí ăn ở chuyên nghiệp, bài bản cho người lao động của Tập đoàn Đèo Cả, dù các công trường của đơn vị này luôn ở vùng sâu vùng xa.

Có nhiều thước đo cho sự tử tế, chuyên nghiệp của một nhà thầu, trong đó có việc người đứng đầu doanh nghiệp thực sự quan tâm, chăm lo cho người lao động trong doanh nghiệp. Không xuất phát từ cái tâm, sự tử tế của người chủ thì công nhân khó có thể hết lòng, làm việc tận tâm, tận lực. Ở Đèo Cả, tôi luôn nhận thấy sự tử tế này”,

Ông Lê Đình Thọ

Nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT

Không chỉ là anh Kiên hay anh Vận, nhiều người ở Chí Thạnh - Vân Phong tôi vốn cũng đã quen mặt từ những ngày mà cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, hầm Hải Vân 2 hay cầu Tình Yêu… còn là những công trường bộn bề cát, đá. Rồi sau này, có thể lắm chứ, chúng tôi sẽ lại gặp nhau trên những “tiền tuyến” khác mà Đèo Cả khai phá mở đường, kể tiếp những câu chuyện về phu đường Đèo Cả.

Ngọc Trang