Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thi công xuyên Tết Canh Tý

18/01/2020     138

NDĐT - Những ngày này, trên công trường Trung Lương - Mỹ Thuận, không khí sôi động thi công ba ca để chạy về đích đúng hẹn. Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (doanh nghiệp dự án) đã lên kế hoạch thi công trong cả dịp Tết Nguyên đán 2020. Nhiều công nhân phải ăn Tết trên công trường nhằm sớm đưa tuyến cao tốc vào vận hành, đáp ứng sự kỳ vọng của người dân đồng bằng sông Cửu Long.

Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thi công xuyên Tết Canh Tý

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nghe báo cáo phương án thi công trên công trường.

Nhộn nhịp công trường

Ngày 17-1, đồng chí Nguyễn Văn Thể, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Giao thông vận tải đã đến công trường kiểm tra công tác thi công dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận. Bộ trưởng nhận định: “Tất cả các gói thầu đã chuyển động tốt, hơn 50% các gói thầu đã thi công vượt tiến độ, còn gần 50% gói thầu có chậm nhưng tỷ lệ chậm không lớn, chúng ta có thể khắc phục. Để giải quyết tiến độ, chúng tôi rất đồng tình với phương án của doanh nghiệp, tập trung xử lý nền đất yếu, quan trắc lún, xử lý nền bảo đảm kế hoạch để làm sao bắt đầu từ tháng 10-2020, chúng ta làm xong toàn bộ hệ thống cầu, hệ thống ráp nối, bắt đầu thảm bê-tông nhựa để có thể đi được trên toàn tuyến. Chúng tôi đánh giá cao đơn vị đã tổ chức thi công xuyên Tết để bảo đảm tiến độ”. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng yêu cầu đơn vị thi công bảo đảm công tác an toàn, giải quyết chế độ chính sách cho người lao động. Mong qua Tết này, chúng ta lại hoàn thành thêm một số công việc đáng kể để đưa dự án hoàn thành đúng tiến độ.

Trong những ngày cuối năm 2019, khi “điểm nghẽn” nguồn vốn cho dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được khai thông, các nhà thầu dự án đã đẩy nhanh tiến độ thi công dự án. Ngày 16-12-2019, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) và các ngân hàng hợp vốn chính thức ký kết hợp đồng tín dụng và các văn kiện cho dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận theo hình thức hợp đồng BOT với Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận. Tổng vốn cam kết cho vay của các ngân hàng cho dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc này là 6.686 tỷ đồng. Trước đó, ngày 3-12-2019, dự án đã nhận được 1.390 tỷ đồng trong tổng số 2.186 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước rót về. Những sự kiện này có ý nghĩa rất quan trọng, tháo gỡ khó khăn căn bản khiến dự án cao tốc này chậm tiến độ suốt 10 năm qua.

Có mặt trên công trường thi công vào những ngày cuối năm để động viên cán bộ, công nhân viên đang làm việc tại dự án, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận chia sẻ: “Rất nhiều người Tết này không trở về đoàn tụ gia đình cũng đừng buồn vì ở đây cũng là nhà, tất cả hướng đến nhiệm vụ lớn lao hơn là không lỗi hẹn với 21 triệu người dân đồng bằng sông Cửu Long. Tôi yêu cầu ban điều hành, ban quản lý dự án chú ý quan tâm đời sống của cán bộ công nhân đón tết tại công trường giữ được nét truyền thống, ấm cúng và ý nghĩa”.

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng của doanh nghiệp dự án, nhiều công nhân khẳng định tinh thần quyết tâm bám chắc công trình trong những ngày Tết. Anh Nguyễn Hữu Đạt, công nhân thi công tại nút giao An Thái Trung, huyện Cái Bè (điểm cuối của tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận), cho biết: “Dù được phân công làm việc trên công trình xuyên Tết 2020, nhưng nhờ lãnh đạo động viên, anh em trong đội rất đồng tình, một lòng một dạ thống nhất cùng góp sức hoàn thành công trình đúng tiến độ. Sau khi dự án được giải ngân nguồn vốn, nhà thầu đã triển khai rầm rộ, anh em thi công rất phấn khích, ra sức thi đua hoàn thành nhiệm vụ. Năm mới, chúng tôi rất mong mỏi góp sức một phần nhỏ hoàn thành công trình vào năm 2021”.

Cùng phấn chấn với tinh thần hăng say, anh Hà Đình Long cũng thi công tại nút giao An Thái Trung, tâm sự: “Anh em từ ngoài bắc vào, xa quê rất nhớ nhà, nhưng vì điều kiện công việc và tiến độ công trình nên phải cố gắng phấn đấu ở lại ăn Tết trên công trường. Hiện nay, tiến độ thi công được đẩy nhanh khi nguồn vốn được rót về, mọi người rất phấn khởi, có động lực hăng hái làm việc. Năm mới, trong điều kiện cùng xa nhà, thiếu thốn tình cảm, mong anh em cố gắng phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ”.

Quyết tâm về đích đúng tiến độ

Nhằm quyết tâm đạt được mục tiêu thông tuyến trong năm 2020, hoàn thành dự án trong năm 2021 như chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, doanh nghiệp dự án đã bố trí công nhân thi công xuyên Tết. Dẫu không khí Tết Canh Tý đã về khắp mọi nhà thì nơi đây các kỹ sư, công nhân vẫn miệt mài, hăng say làm việc. Hiện nay, tất cả 24/24 gói thầu đều đang triển khai thi công trên toàn tuyến, lũy kế giá trị đạt gần 30% khối lượng thi công. Hội đồng quản trị, Ban Điều hành dự án đã lên kế hoạch cùng đón Tết tại công trường và sẽ tổ chức Tết trên công trường ấm cúng và ý nghĩa cho cán bộ công nhân viên.

Trong năm 2020, dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tiếp tục triển khai thực hiện các hạng mục thi công chính bao gồm: Thi công nền đường, xử lý nền đất yếu, thi công cống, thi công cầu, thi công mặt đường, thi công trung tâm điều hành giao thông và thi công trạm thu phí. Theo đó, công tác cắm bấc thấm sẽ hoàn thành vào giữa tháng 2-2020, đắp nền và đắp bao sẽ hoàn thành vào giữa tháng 6-2020, cấp phối đá dăm sẽ hoàn thành vào giữa tháng 12-2020, xử lý nền đất yếu sẽ kết thúc toàn bộ vào giữa tháng 10-2020, hạng mục thi công cống sẽ hoàn thành vào giữa tháng 12-2020. Về hạng mục thi công cầu thì phần móng cầu sẽ hoàn thành trong tháng 3-2020, mố, trụ cầu sẽ hoàn thành vào cuối tháng 7-2020, kết cấu phần trên sẽ hoàn thành vào cuối tháng 11-2020.

Dù đứng trước sức ép về tiến độ khi thời gian thông tuyến không còn nhiều, nhưng theo chia sẻ của ông Hồ Minh Hoàng, lãnh đạo công ty vẫn yêu cầu Ban Điều hành kiểm soát chất lượng thi công, đặt chất lượng lên hàng đầu. Để bảo đảm tiến độ thông tuyến vào cuối năm 2020, BOT Trung - Mỹ Thuận đã kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức Tư vấn giám sát, Ban Quản lý dự án điều chỉnh quy trình thực hiện công việc để đảm bảo công tác phối hợp được thông suốt, thuận lợi và nhanh chóng. Ông Hồ Minh Hoàng cho biết: “Ban quản lý dự án cũng đã cho thiết lập các camera giám sát toàn bộ công trình 24/24. Chúng tôi dùng cách giám sát này để thúc đẩy công việc. Mục tiêu 2021 đưa dự án vào sử dụng, nhưng chúng tôi không thể bất chấp tiến độ mà làm cẩu thả. Nhưng mục tiêu là không lùi bước mốc thời gian”.

Đến cuối tháng 12-2019, công tác đền bù giải phóng mặt bằng của tỉnh Tiền Giang cơ bản hoàn thành. Theo đánh giá của UBND tỉnh Tiền Giang, hiện có nhiều gói thầu xây lắp được tổ chức thi công có tiến độ tốt, tổ chức làm việc ba ca/ngày như: nút giao An Thái Trung và nhánh nối QL.30 (XL-19); cắm bấc xử lý đất yếu nút giao Cai Lậy (XL-10, XL-11); cầu Kinh Xáng (XL-08); cầu Phú Nhuận (XL-13) và cầu Thông Lưu (XL-15)...

Bà Nguyễn Thị Thanh Phương, quyền Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Tiền Giang cho biết: “Để bảo đảm kế hoạch tiến độ và chất lượng dự án, trong thời gian tới, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh (Ban QLDA) tập trung phối hợp các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện các thủ tục cần thiết để giải ngân phần vốn còn lại từ nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ cho dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, tạo điều kiện cho doanh nghiệp dự án đẩy nhanh tiến độ thi công công trình. Ngoài ra, Ban Quản lý dự án đang xây dựng kế hoạch để Thường trực UBND tỉnh kiểm tra dự án trong năm 2020 nhằm kịp thời chỉ đạo, giải quyết các vướng mắc phát sinh nếu có trong quá trình triển khai. Bên cạnh đó, phối hợp Cơ quan Thường trực Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng định kỳ tổ chức kiểm tra tình hình chất lượng và công tác quản lý chất lượng công trình của dự án”.

Box: Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có tổng chiều dài 51,1 km, đi qua thị xã Cai Lậy và các huyện Châu Thành, Cai Lậy, Cái Bè và Tân Phước; điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (tiếp nối đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương), điểm cuối tại nút giao với Quốc lộ 30 (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang). Giai đoạn I của dự án có quy mô bề rộng nền đường 17 m, bốn làn xe cơ giới, 39 cầu trên tuyến chính, bốn cầu trong nút giao liên thông, 10 cầu vượt trực thông, hai cầu trên tuyến nối nút giao Cái Bè, một cầu trên tuyến nối nút giao Cai Lậy. Tổng mức đầu tư đã điều chỉnh là 12.668 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ dự án là 2.186 tỷ đồng. Đây là tuyến đường có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc phát triển kinh tế, xã hội khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung.

ANH TUẤN

https://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/42977902-du-an-cao-toc-trung-luong-my-thuan-thi-cong-xuyen-tet-canh-ty.html