“Việc thông tuyến giai đoạn 1 và triển khai giai đoạn 2 trong năm 2025 là điều dứt khoát” – đó là khẳng định của ông Hồ Minh Hoàng – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả, trong cuộc họp Ban Chỉ đạo dự án cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng) chiều 13/2.
Cuộc họp được tổ chức nhằm thảo luận về giải pháp đẩy nhanh tiến độ dự án, thống nhất kế hoạch triển khai thi công giai đoạn 2 và các tuyến kết nối theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Toàn cảnh cuộc họp
Cuộc họp được đồng chủ trì bởi Bộ trưởng Giao thông vận tải Trần Hồng Minh – Nguyên Trưởng Ban Chỉ đạo dự án và Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Quản Minh Cường – Tân Trưởng Ban Chỉ đạo dự án. Đoàn công tác tỉnh Cao Bằng còn có ông Hoàng Xuân Ánh - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo dự án; ông Hồ Minh Hoàng – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo dự án và các thành viên Ban Chỉ đạo, tổ giúp việc.
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Minh nhấn mạnh cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh là một trong những dự án giao thông quan trọng, có ý nghĩa chính trị và kinh tế lớn, kết nối hành lang kinh tế Bắc – Nam.
“Tuyến đường này có ý nghĩa chính trị lớn, góp phần hoàn thành mục tiêu 3.000 km cao tốc từ Cao Bằng đến Cà Mau nhằm chào mừng nhiều sự kiện lớn của đất nước trong thời gian tới”, ông Trần Hồng Minh nói.
Bộ trưởng cũng gửi lời cảm ơn Tập đoàn Đèo Cả đã đồng hành cùng tỉnh Cao Bằng trong quá trình triển khai dự án suốt nhiều năm qua.
Ông Trần Hồng Minh, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh là một trong những dự án giao thông quan trọng
Báo cáo tình hình triển khai dự án, ông Lưu Công Hữu – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cao Bằng, Tổ trưởng Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo, cho biết, công tác giải phóng mặt bằng đã đạt hơn 80%, trong đó tỉnh Cao Bằng đạt 85%, tỉnh Lạng Sơn đạt 77,6%.
Tuy nhiên, dự án vẫn đối mặt với thách thức về nguồn vốn trong bối cảnh suy thoái kinh tế và thị trường bất động sản gặp khó khăn, ảnh hưởng đến khả năng huy động tài chính của nhà đầu tư. Nhờ các chính sách đặc thù được Quốc hội thông qua vào tháng 11/2023, tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đã được điều chỉnh lên tối đa 70%, giúp giảm áp lực tài chính.
Hầm Đông Khê
Trong năm 2024, nguồn vốn của dự án được khơi thông với 2.300 tỷ đồng từ hợp đồng tín dụng giữa Công ty Cổ phần Cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh và VPBank, cùng 1.123 tỷ đồng từ các nhà đầu tư theo mô hình hợp tác BCC. Đến nay, sản lượng thi công đạt khoảng 1.500 tỷ đồng, tương đương 15% tổng khối lượng dự án.
Dự kiến trong năm 2025, dự án cần bổ sung 3.420 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương để đảm bảo tiến độ giai đoạn 1.
Trong giai đoạn 2 (dự kiến khởi công vào tháng 12/2025), dự án sẽ tiếp tục được đầu tư thêm 28km cao tốc, đồng thời mở rộng toàn bộ tuyến lên quy mô nền đường 17m. Tổng mức đầu tư giai đoạn 2 dự kiến khoảng 9.161 tỷ đồng, trong đó 6.350 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước và 2.811 tỷ đồng từ nguồn vốn huy động của nhà đầu tư.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Hồ Minh Hoàng nhấn mạnh:
“Việc thông tuyến và triển khai giai đoạn 2 trong năm 2025 là điều dứt khoát phải làm. Để đạt được mục tiêu này, các bên cần tập trung vào những nhiệm vụ cụ thể, trong đó quan trọng nhất là đẩy nhanh các thủ tục pháp lý và xác định phần vốn ngân sách nhà nước tham gia trong giai đoạn 2 của dự án”.
Ông Hồ Minh Hoàng cũng kêu gọi chính quyền hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn hoàn thành bàn giao mặt bằng trong Quý I/2025, đồng thời bổ sung bãi đổ thải và kiểm soát giá vật liệu để tránh ảnh hưởng đến tiến độ.
Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả phát biểu tại buổi họp
Đại diện liên danh nhà đầu tư kiến nghị Ban Chỉ đạo sớm thống nhất phương án đầu tư trạm dừng nghỉ theo quy định của Nghị định 165/2024/NĐ-CP, nhằm khai thác tối đa hiệu quả tuyến cao tốc.
Nhằm triển khai giai đoạn 2 của dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh, liên danh nhà đầu tư đưa ra 3 kiến nghị: - UBND tỉnh Cao Bằng chỉ đạo các Sở, ngành đẩy nhanh thủ tục đầu tư đảm bảo thực hiện theo đúng kế hoạch; - Tỉnh Cao Bằng làm việc với các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Chính phủ nhằm xác lập phần vốn ngân sách Nhà nước tham gia dự án; - Tỉnh Cao Bằng cùng liên danh nhà đầu tư làm việc với ngân hàng VPBank nhằm cam kết tiếp tục cung cấp vốn vay hoặc chủ trì, hợp vốn cùng ngân hàng khác để thực hiện dự án. |
Song song với khởi công giai đoạn 2, tỉnh Cao Bằng cũng khẩn trương triển khai xây dựng hai tuyến đường kết nối dự án Đồng Đăng – Trà Lĩnh với thành phố Cao Bằng và cửa khẩu Tà Lùng.
Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng, ông Quản Minh Cường, khẳng định việc xây dựng các tuyến kết nối cần đảm bảo đạt tiêu chuẩn về đường cao tốc với thiết kế 4 làn xe và tốc độ khai thác 80 km/h.
“Tuyến đường kết nối phải đảm bảo chất lượng cao nhất, nối thẳng đến thành phố Cao Bằng. Đây là nhu cầu cấp thiết, song song với việc huy động nguồn vốn và tuân thủ các tiêu chuẩn của Luật Giao thông đường bộ,” ông Cường nhấn mạnh.
Ông Quản Minh Cường, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng phát biểu tại buổi họp
Về công tác GPMB, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc theo tinh thần của Thủ tướng Chính phủ là “không để nhà thầu cô đơn trên công trường”. Đối với các hộ dân bị ảnh hưởng, tỉnh đã có phương án bố trí tạm cư.
Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng cũng kêu gọi quyết tâm cao của toàn hệ thống chính trị để bàn giao mặt bằng đúng tiến độ trong Quý I/2025. Các vấn đề liên quan đến bãi đổ thải, vật liệu và vốn tín dụng sẽ được giải quyết triệt để.
Đề cập tới hạng mục trạm dừng nghỉ, ông Quản Minh Cường gợi ý việc phát triển các công trình này không chỉ phục vụ nhu cầu giao thông, mà cần khai thác tiềm năng du lịch từ thiên nhiên và con người tỉnh Cao Bằng.
Tin bài: Đình Đắc - Ảnh: Hiếu Nguyễn