Ngày 16/1, hầm Thất Khê trên cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng) chính thức được đào thông, vượt 2 tháng so với kế hoạch đề ra, đánh dấu mốc đào thông toàn bộ các hạng mục hầm xuyên núi thuộc dự án.
Theo Doanh nghiệp dự án (DNDA), để hoàn thành việc đào thông hai nhánh hầm Thất Khê dài 200m năm trên địa bàn huyện Tràng Định (tỉnh Lạng Sơn), đội ngũ kỹ sư và công nhân đã vượt qua nhiều thách thức, đặc biệt về địa chất, đạt tốc độ thi công trung bình 2,73 md/ngày.
Hầm Thất Khê trên cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng) chính thức được đào thông
Ngay sau khi hầm Thất Khê được đào thông, lực lượng thi công sẽ triển khai các công đoạn tiếp theo như đào hạ nền, gia cố, lắp đặt ván khuôn để đổ bê tông vỏ hầm, lắp đặt hệ thống thiết bị ITS. Trước đó, cũng trong tháng 1/2025, hầm Đông Khê cũng đã được đào thông vượt tiến độ 2 tháng.
Tại dự án, các nhà thầu của dự án đã huy động 1.217 kỹ sư và công nhân, cùng hơn 470 thiết bị thi công hoạt động trên 35 mũi.
Chia sẻ về những thách thức trong quá trình thi công hai hầm Đông Khê và Thất Khê, ông Vũ Đình Vinh - Giám đốc Ban Điều hành gói thầu EPC thuộc Công ty ICV (nhà đầu tư trong liên danh), cho biết vị trí thi công hai hầm nằm trên khu vực có địa chất núi đá vôi phức tạp thuộc vùng núi Đông Bắc.
Do đó, DNDA và các đơn vị tư vấn giám sát cùng nhiều chuyên gia đã nỗ lực phối hợp tìm ra giải pháp ứng phó kịp thời trước các hang động karst. Không những thế, địa hình hiểm trở và dốc cao đã đặt ra nhiều khó khăn về việc bố trí mặt bằng thi công, đường công vụ tiếp cận.
Để vượt qua những khó khăn này, đội ngũ kỹ sư và công nhân trên công trường Đồng Đăng – Trà Lĩnh đã tìm ra nhiều giải pháp sáng tạo trong quá trình thi công.
“Chúng tôi đã cải tiến các hộ chiếu nổ mìn để giảm thời gian thi công nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả. Đặc biệt, việc chú trọng bảo trì và sửa chữa máy móc, cùng với dự phòng vật tư cần thiết, giúp giảm thiểu sự hỏng hóc cho thiết bị”, ông Vinh nói.
Bên cạnh những sáng tạo, cải tiến về giải pháp kỹ thuật, một trong những yếu tố giúp đội ngũ kỹ sư, công nhân của dự án có thể chinh phục những thách thức về địa chất đó là nhờ sự phối hợp, điều hành xuyên suốt thống nhất và tinh thần đồng lòng hoàn thành mục tiêu chung.
"Tại dự án, tất cả cán bộ, kỹ sư, công nhân từ DNDA đến Ban điều hành tổng thầu và các nhà thầu đều là một khối thống nhất. Nhờ đó, khó khăn đều được khắc phục, giải quyết một cách hiệu quả", kỹ sư Vinh khẳng định.
Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh có tổng chiều dài 121 km, được phân kỳ đầu tư thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1, cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh được đầu tư với chiều dài hơn 93 km, điểm đầu tại nút giao Cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng (Lạng Sơn) và điểm cuối tại nút giao với Quốc lộ 3 thuộc xã Chí Thảo, huyện Quảng Hòa (Cao Bằng), với điểm nhấn là hai hầm xuyên núi Đông Khê và Thất Khê. Giai đoạn 1 dự án có tổng mức đầu tư là 14.167 tỷ đồng, do Liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả - Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng ICV Việt Nam - Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả - Công ty cổ phần Xây dựng Công trình 568 làm nhà đầu tư, dự kiến được thông tuyến năm 2025, hoàn thành năm 2026. |
Tin bài: Minh Quân