73 năm trước, trong cuộc tiếp một số doanh nhân tiêu biểu của Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng tức là sự kinh doanh của các nhà công thương nghiệp thịnh vượng. Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp đỡ giới công thương trong cuộc kiến thiết này”. Lời nói của Bác đang được thể hiện bằng Chính phủ kiến tạo trong cuộc phục hưng nền kinh tế nước ta theo hướng hiện đại và bền vững.
43 năm đất nước thống nhất, Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển, tựu trung có hai giai đoạn chủ yếu: trước và sau đổi mới. Cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp đã triệt tiêu động lực tăng trưởng đến mức “cả nước làm không đủ ăn” là đặc trưng kinh tế Việt Nam 11 năm sau khi đất nước thống nhất (1975 – 1986). Còn tăng trưởng với tốc độ nhanh theo hướng bền vững, thoát ra khỏi nhóm nước có thu nhập thấp, gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình (thấp) là thành quả tổng quát của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế của 32 năm sau (1986 – 2018).
Thời cuộc đang đòi hỏi tư duy đổi mới để có cách tiếp cận đúng trong việc hình thành và thực thi thể chế, chính sách đối với doanh nghiệp. Trong ảnh: Nút giao thông Cát Lái (quận 2, TP.HCM). Ảnh: Lê Toàn
Tuy vậy, so với một số nền kinh tế có điểm xuất phát thấp như Việt Nam vào thập niên 60 của thế kỷ XX, chỉ khoảng hai chục năm đã gia nhập nhóm nước công nghiệp phát triển như Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kông và Đài Loan, làm nên “sự thần kỳ Đông Á”, thì tốc độ tăng trưởng của Việt Nam chậm hơn và hiệu quả kinh tế – xã hội thấp hơn.
Sự giàu có của quốc gia phụ thuộc vào nhiều nhân tố: địa lý, chính trị, văn hóa, truyền thống; trong đó đường lối chính sách của nhà nước và tinh thần kinh doanh của doanh nhân là hai nhân tố quyết định. Trong đó, nhà nước là “bà đỡ” của doanh nghiệp khi mới ra đời, tạo lập môi trường sinh thái để ý tưởng, sáng kiến của doanh nhân biến thành hiện thực.
Còn doanh nghiệp thực hiện đổi mới và sáng tạo, áp dụng công nghệ mới, phương thức sản xuất và phương thức phân phối mới, năng lực cạnh tranh của sản phẩm và thương hiệu, tạo ra của cải xã hội, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, bảo đảm thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ của người dân.
Cách tiếp cận Nhà nước kiến tạo, Nhà nước hành động đã vấp phải trở lực của chính bộ máy nhà nước với quán tính của “cơ chế xin – cho”, Nhà nước ban phát, lạm quyền làm triệt tiêu sức sáng tạo của doanh nhân và doanh nghiệp, nên mặc dù Chính phủ đã có nhiều chủ trương và giải pháp tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nhưng thực trạng “trên nóng dưới lạnh, nóng lạnh không đều” đã làm giảm thiểu kết quả của công cuộc cải cách.
Đội ngũ doanh nhân và doanh nghiệp ngày càng đông đảo và trưởng thành, trong đó có hàng trăm tập đoàn kinh tế lớn và phần lớn doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, nhưng so với các nước trong khu vực thì còn thua kém về trình độ công nghệ, nguồn nhân lực và năng lực cạnh tranh. Theo nhận xét của nhiều chuyên gia kinh tế, đáng ra đội ngũ doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam có thể hùng mạnh hơn nếu công cuộc cải cách được thực hiện tốt hơn.
-II-
Lịch sử phát triển doanh nghiệp Việt Nam đã chứng kiến những hiện tượng tiêu cực, kinh doanh “chụp giật”, lợi dụng kẽ hở của luật pháp để lừa đảo, trục lợi… Nhưng cũng ghi nhận đại bộ phận doanh nhân và doanh nghiệp có ý chí, sức sáng tạo, thích nghi với cơ chế thị trường, có hoài bão làm giàu cho gia đình, góp phần làm giàu cho đất nước.
Sáng 21/8/2017, hầm đường bộ Đèo Cả nằm giữa 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa trên Quốc lộ 1, tổng chiều dài 13,19 km được đưa vào vận hành sau gần 6 năm xây dựng. Đây là dự án có điều kiện thi công khá phức tạp, ứng dụng công nghệ mới, đã được kỹ sư và công nhân Việt Nam thực hiện thành công.
Đơn vị thi công Dự án là Công ty cổ phần Đèo Cả, vốn là một hợp tác xã xây dựng đã gặp nhiều khó khăn vào năm 2008, hiện trở thành tập đoàn xây dựng có vốn đầu tư 51.000 tỷ đồng. Công ty có hơn 20 đơn vị thành viên, đủ sức thực hiện những công trình quy mô lớn, công nghệ phức tạp, nhờ sự chèo lái của doanh nhân Hồ Minh Hoàng với bí quyết: “Chúng tôi không thể có được những thành tựu như hiện nay, nếu không làm việc một cách khoa học, sáng tạo”.
Bà Phạm Thị Việt Nga gia nhập Công ty Dược Hậu Giang năm 1988, đã biến một xí nghiệp bên bờ vực phá sản thành công ty dược lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam, sản xuất và kinh doanh hơn 300 loại dược phẩm, trở thành thương hiệu dược số một Việt Nam và giành lại thị trường nội địa từ các hãng nước ngoài. Năm 2017, Công ty đạt doanh thu 4.570 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 642 tỷ đồng, đang theo đuổi chiến lược phát triển với tốc độ tăng trường bình quân hàng năm là 15%.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo được Tạp chí Forbes công nhận là tỷ phú thứ hai của Việt Nam, xếp sau ông Pham Nhật Vượng, đứng thứ 45 trong tổng số 56 nữ tỷ phú tự thân toàn cầu năm 2017, với tài sản ròng ước tính 1,2 tỷ USD. Hãng hàng không giá rẻ Vietjet của bà Thảo tăng trưởng mạnh mẽ. Lợi nhuận trước thuế năm 2017 đạt gần 4.755 tỷ đồng, tăng 75,9% so với năm 2016.
“Đối với tôi, khi dấn thân vào lĩnh vực mới thì nhất thiết doanh nhân phải có đam mê, có động cơ để thôi thúc, coi như sứ mệnh mà doanh nghiệp dấn thân vào… Hãy mơ những giấc mơ lớn và hành động như một thiên thần”, bà Thảo chia sẻ.
Bà Thái Hương là người sáng lập và nhà đầu tư của tập đoàn sữa TH chiếm 40% thị phần tại Việt Nam, đang triển khai dự án đầu tư tại Liên bang Nga với quy mô lớn. Trang trại của TH tại Nghệ An đã được Tổ chức kỷ lục châu Á vinh danh “Cụm trang trại bò sữa lớn nhất châu Á”. Bà tâm nguyện: “Tôi không muốn người dân Nghệ An quê tôi nói riêng, đồng bào ta nói chung chịu mãi số phận còi cọc. Sữa chính là nguồn dưỡng chất giúp cải thiện nhanh nhất và bền nhất về tầm vóc, thể lực để người Việt Nam không thua bầu kém bạn”.
Dù Việt Nam đã có Chiến lược Phát triển ngành công nghiệp ô tô từ hơn 20 năm trước, nhưng chủ yếu vẫn là lắp ráp với sản lượng hàng năm chỉ bằng 1/10 của Thái Lan. Đã có tín hiệu tích cực về triển vọng của ngành này khi Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải đang tiến những bước vững chắc thông qua hợp tác với một số nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới như KIA, Mazda, gần đây đã khánh thành nhà máy hiện đại, tự động hóa đến 80%.
Cùng với đó, Vingroup đang xây dựng dự án ô tô trên diện tích 335 ha, vốn đầu tư 3,5 tỷ USD với công nghệ hiện đại để sản xuất các loại xe máy, ô tô thân thiện với môi trường mang thương hiệu Vinfast. Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng tâm niệm: “Cứ cái gì tốt cho xã hội, tốt cho nhiều người và chúng tôi nhìn thấy mình có đủ năng lực thì chúng tôi sẽ làm”, vì Tập đoàn có sứ mệnh: “Vì cuộc sống tốt đẹp hơn cho người Việt”.
Doanh nghiệp Việt Nam đã bứt phá ngoạn mục, từ đáy của trình độ phát triển đã thuộc tốp đầu về công nghệ thông tin, kỹ thuật số ở Đông Nam Á, mà tiêu biểu là Viettel, FPT, đủ sức đồng hành với nhân loại trong cuộc cách mạng 4.0. Doanh nghiệp Việt Nam cũng đã ứng dụng khá thành công những ngành công nghệ tương lai trên nhiều lĩnh vực.
Lấy công nghệ làm nền tảng, Tập đoàn Sunshine đã đầu tư nghiên cứu, phát triển các giải pháp công nghệ riêng. Khách hàng của Sunshine là những cư dân điện tử trong hệ sinh thái với công nghệ làm trung tâm. Nổi bật nhất là ứng dụng Sunshine Home do chủ đầu tư cung cấp miễn phí cho cư dân…
Hàng chục ngàn doanh nghiệp trẻ – start-up đã ra đời trong những năm gần đây với hoài bão lập nghiệp về công nghệ cao. Mặc dù đã có không ít doanh nghiệp thất bại, nhưng số còn lại hứa hẹn sẽ trở thành cộng đồng doanh nghiệp năng động, sáng tạo, có sức sống dồi dào trong một nước mà thị trường công nghệ đủ lớn, để trở thành những tập đoàn công nghệ tương lai của đất nước.
-III-
Trong giai đoạn mới của Việt Nam, quan hệ giữa Nhà nước với doanh nhân và doanh nghiệp đòi hỏi phải có cách tiếp cận mới với hệ thống giải pháp có tính chiến lược, để thực hiện được mục tiêu năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp với quy mô lớn hơn và năng lực cạnh tranh cao hơn.
Các giải pháp của Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiêp, giảm chi phí đầu tư và kinh doanh, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, cấu trúc lại hệ thống logistics, cải cách nền hành chính quốc gia đang được thực hiện. Nhưng đã đến lúc, Chính phủ cần có thể chế, chính sách thích ứng với từng loại doanh nghiệp để không những tăng nhanh về số lượng, mà quan trọng là nâng cao chất lượng, hiệu quả tăng trưởng.
Chính phủ đã chỉ ra điểm yếu về tăng trưởng kinh tế Việt Nam là năng suất lao động, gắn với trình độ công nghệ và nhân lực. Thử hỏi đã có vị bộ trưởng nào đề ra giải pháp cụ thể để khắc phục điểm yếu đó (?).
Bộ Tài chính chịu trách nhiệm về xây dựng hệ thống thuế, hầu như chưa quan tâm đến làm gì để thuế tác động đến đầu tư đổi mới công nghệ, đào tạo nhân lực chất lượng cao, nhằm tạo ra năng suất cao hơn của các ngành và lĩnh vực kinh tế. Bộ này cũng chưa nghiên cứu đánh giá thực trạng tích lũy vốn của doanh nghiệp, để từ đó đề ra chính sách vừa bảo đảm nguồn thu ngân sách, đồng thời tích tụ vốn để tái sản xuất mở rộng kinh doanh của doanh nghiệp…
Bộ Khoa học và Công nghệ chưa thiết lập được thị trường công nghệ để tạo điều kiện rút ngắn thời gian từ nghiên cứu đến ứng dụng; một số quỹ khuyến khích đổi mới công nghệ triển khai rất chậm, chưa có tác dụng với doanh nghiệp, nhiều vườn ươm công nghệ hoạt động kém hiệu quả. Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ chưa trở thành động lực tăng trưởng của đất nước.
Trong bất kỳ ngành, lĩnh vực nào như công nghiệp, thương nghiệp, dịch vụ, du lịch, nông, lâm, ngư nghiệp đều có những điển hình tốt thể hiện sức sáng tạo của người lao động và doanh nhân. Đáng tiếc là trong khi có quá nhiều lễ vinh danh, thì có quá ít việc tổng kết, nhân rộng điển hình để cải thiện nhanh chóng năng suất và chất lượng sản phẩm.
Việt Nam có khoảng 700.000 doanh nghiệp đang hoạt động, đại bộ phận là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, 4-5% là doanh nghiệp vừa, 1-2% là doanh nghiệp lớn. Mỗi loại hình doanh nghiệp đang đặt ra những đòi hỏi riêng về cơ chế, chính sách của Nhà nước, không thể dùng “một chiếc áo cho tất cả mọi loại doanh nghiệp”.
Sức mạnh của quốc gia phụ thuộc vào doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng đội quân chủ lực là các tập đoàn kinh tế lớn. Bởi vì trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, thì rào cản thuế quan và phi thuế quan qua biên giới giữa các nước từng bước được dỡ bỏ, lợi thế của đất nước phụ thuộc vào năng lực cạnh tranh ở 3 cấp độ: sản phẩm, doanh nghiệp và quốc gia, trong đó các tập đoàn kinh tế lớn đóng vai trò chủ yếu.
Do vậy, trong chiến lược phát triển doanh nghiệp, rất cần có cơ chế, chính sách riêng cho loại hình doanh nghiệp này. Thậm chí, ở nhiều nước, trong một số trường hợp, khi một tập đoàn kinh tế đầu tư vào dự án có tầm quan trọng quốc gia, đầu tư ra nước ngoài để tạo lập chỗ đứng trên thị trường mới, thì Nhà nước có chính sách đặc thù, kể cả hỗ trợ về tài chính, thuế trong một thời gian nhất định nhằm đạt được mục tiêu đã xác định.
Thời cuộc đang đòi hỏi tư duy đổi mới để có cách tiếp cận đúng của các nhà hoạch định chính sách trong việc hình thành và thực thi thể chế, chính sách đối với doanh nghiệp, để có được những giải pháp mới thích ứng với đòi hỏi của đất nước trên con đường chấn hưng nền kinh tế theo hướng bền vững và tăng trưởng xanh.