Cao Bằng khát vọng vươn xa

02/10/2019     163

“Thưa Bác!

Cháu cùng CBCNV Tập đoàn Đèo Cả đã đến Cao Bằng để tiếp tục thực hiện dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh. Dự án sẽ còn nhiều khó khăn nhưng chúng cháu sẽ quyết tâm làm đến cùng để có kết quả. Cầu mong Bác phù hộ để thành công dự án. Đây là lần thứ 3 cháu đến thắp hương và sẽ trở lại báo cáo với Bác khi có kết quả cụ thể”. Đó là nội dung Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả Hồ Minh Hoàng ghi vào sổ lưu niệm tại Nhà thờ bác Hồ thuộc khu di tích Pác Bó (Cao Bằng) trong lần thứ 3 ông trở lại đây vào ngày 1/10/2019.

Những dòng cảm tưởng được người đứng đầu Tập đoàn Đèo Cả ghi chiều 1/10/2019

Ông Hồ Minh Hoàng, Tập đoàn Đèo Cả có một mối quan hệ đặc biệt đối với Cao Bằng, một tình cảm đặc biệt vượt lên trên những ý nghĩa đơn thuần của một nhà đầu tư khi đến với một địa phương. Điều đó được minh chứng khi sau đó, phát biểu tại buổi lễ phát động “Thực hiện di chúc của Bác chung tay xây dựng Cao Bằng” ông Hồ Minh Hoàng chia sẻ: “Hôm nay tôi quay lại nơi đây, rất xúc động bởi nơi đây là cái nôi cách mạng, nơi hoạch định kế hoạch chung tay xây dựng đất nước của các bậc tiền bối. Chung tay xây dựng Cao Bằng không gì thiết thực hơn là việc chung tay xây dựng con đường cao tốc cho Cao Bằng. Lãnh đạo Tập đoàn, Đảng bộ, Công đoàn Tập đoàn đã phát động chương trình chung tay xây dựng Cao Bằng, chung tay xây dựng đường cao tốc”.

Với tinh thần, trách nhiệm với quê hương cách mạng, trong 1 tuần, Tập đoàn đã quyên góp được khoảng 1 tỷ đồng gửi đến tỉnh Cao Bằng để chung tay, góp phần xây dựng tuyến đường cao tốc, góp phần cùng tỉnh Cao Bằng thực hiện lời dạy của Bác Hồ trong buổi nói chuyện với các cán bộ lãnh đạo của tỉnh đầu xuân năm 1961: “Cao Bằng phải cao bằng những tỉnh tốt nhất, tốt nhất là Cao Bằng vượt mức cao không ai bằng”.

Ông Hồ Minh Hoàng ghi cảm tưởng tại khu di tích nhà thờ Bác Hồ

Tự nguyện

Trong một tiệc tối giao lưu tại thành phố Đà Nẵng của Tập đoàn Đèo Cả với một số doanh nghiệp khác có sự góp mặt của lãnh đạo tỉnh Cao Bằng, Chủ tịch HĐQT Hồ Minh Hoàng đã lên sân khấu thể hiện ca khúc “Tự nguyện” rất nổi tiếng của nhạc sĩ Trương Quốc Khánh, rồi ông nói: “Đến với Cao Bằng, bước đầu nghiên cứu và mong muốn xây dựng một con đường cho Cao Bằng đối với chúng tôi hoàn toàn tự nguyện. Đèo Cả sẽ đi đầu “phất cao ngọn cờ” làm hạ tầng, tiền đề để nhiều doanh nghiệp với nhiều lĩnh vực khác đến với địa phương còn nghèo này”.

Tự nguyện là khởi sự của mối quan hệ đặc biệt, hiếm thấy của một doanh nghiệp với miền đất phên dậu của Tổ quốc.

Mối lương duyên của Đèo Cả với Cao Bằng mới bắt đầu thôi, từ mùa thu năm 2018, khi đó lãnh đạo tỉnh này đã xuống Hà Nội mời Đèo Cả một lần lên Cao Bằng khảo sát lại một dự án cao tốc mà nhiều năm đã nằm im trên giấy chỉ vì tổng mức đầu tư quá lớn.

Chính Bí thư Cao Bằng Lại Xuân Môn cũng thừa nhận: “Nếu Đèo Cả lên Cao Bằng để làm kinh tế thì họ không lên. Anh Hoàng (Chủ tịch HĐQT Hồ Minh Hoàng) lên vì một lý do khác”.

Lý do đó là gì? Chiều 27/9, sau hơn 6 giờ đồng hồ di chuyển từ Hà Nội lên Cao Bằng, tại UBND tỉnh Cao Bằng, trong buổi tiếp xúc chính thức đầu tiên với lãnh đạo tỉnh này về dự án đường cao tốc Trà Lĩnh (Cao Bằng) – Đồng Đăng (Lạng Sơn), mở đầu ông Hồ Minh Hoàng đặt vấn đề: “Nếu một bệnh nhân ở Cao Bằng phải xuống Hà Nội cấp cứu, di chuyển bằng con đường hiện nay thì làm sao cứu nổi… Chúng tôi đã có chuyến đi thực tế từ Hà Nội lên Cao Bằng với quãng đường 300km, qua rất nhiều “khúc cua tay áo”. Nhìn từ lợi ích kinh tế xã hội, cho người dân, chúng tôi nghĩ chắc chắn Cao Bằng phải có con đường khác thuận lợi hơn”.

Rồi sau đó, khi bàn về hợp tác tiến xây dựng dự án đường cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả đã thẳng thắn chỉ ra những “điểm nghẽn” làm ảnh hưởng đến nhà đầu tư. Đặc biệt, ông Hồ Minh Hoàng đề cập đến vấn đề thực hiện một dự án lớn thường kéo dài trong nhiều năm, tư duy nhiệm kỳ nếu có sẽ ảnh hưởng đến việc triển khai xây dựng.

Việc “mở bài” đó có thể gây “tự ái” đối với lãnh đạo tỉnh Cao Bằng lắm. Tuy nhiên, khi tiếp xúc báo giới ngay trong giờ giải lao, Bí thư Lại Xuân Môn đã hơn một lần khẳng định: “Cao Bằng không có tư duy nhiệm kỳ. Cao Bằng phải làm cho bằng được con đường cao tốc. Có đường mới có thể thoát nghèo. Con đường này bà con đã trông chờ lâu lắm rồi, nhiều khóa lãnh đạo cũng rất băn khoăn khi chưa thực hiện được”. Một sự thẳng thắn của nhà đầu tư, một sự cầu thị của lãnh đạo địa phương hiếm thấy.

Lần thứ 3 trở lại nhà thờ Bác Hồ đầy xúc động

Khát vọng về cung đường đẹp nhất Việt Nam

Trong một chia sẻ mới đây, PGS.TS Trần Chủng cho biết: “Tập đoàn Đèo Cả muốn xây dựng cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh, làm cho nó trở thành cung đường đẹp nhất Việt Nam”. Chữ “Đẹp” ở đây vượt ngoài ý nghĩa về chất lượng công trình đơn thuần từ chuyên gia giám định hàng đầu. “Đẹp” còn ở góc nhìn rộng hơn khi Nhà đầu tư đặt lợi ích của người dân lên trên hết.

Quả vậy! Cao Bằng, vùng đất tươi đẹp, hùng vĩ nơi địa đầu Tổ quốc. Lịch sử Cao Bằng gắn liền với lịch sử cách mạng Việt Nam cùng những địa danh ghi dấu một thời lịch sử oai hùng.

Đáng buồn, hiện trạng giao thông nơi đây còn yếu kém. Cao Bằng có địa hình chia cắt mạnh, độ dốc lớn điều này dẫn tới hạ tầng giao thông của tỉnh gặp nhiều khó khăn. Với 95% dân số là đồng bào các dân tộc nơi phên dậu của Tổ quốc, những con đèo dốc quanh co đã khiến Cao Bằng bị cô lập. Mạng lưới giao thông liên kết với Cao Bằng chỉ có 2 tuyến, quốc lộ 3 và quốc lộ 4A. Hai tuyến đường này đi qua địa hình đèo dốc dẫn đến các yếu tố kỹ thuật thấp, đồng thời nhiều đoạn đã xuống cấp nghiêm trọng làm cho các phương tiện giao thông đi lại gặp nhiều trở ngại, mất an toàn và thường xuyên xảy ra ách tắc giao thông.

Cao Bằng có lợi thế đường biên giới với Trung Quốc dài 330 km, đầy tiềm năng phát triển kinh tế xã hội với hệ thống cửa khẩu dày đặc. Nhưng những rào cản của hạ tầng giao thông đã khiến Cao Bằng chưa phát huy được tiềm năng xứng tầm như một số tỉnh biên giới khác.

Một tuyến đường cao tốc từ Đồng Đăng nối Trà Lĩnh để kết nối Cao Bằng vừa đảm bảo an ninh quốc phòng vừa gỡ nút thắt cho việc phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh. Bí thư Lại Xuân Môn từng chia sẻ: “Cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh là khát vọng từ lâu của người dân, của nhiều khóa lãnh đạo Cao Bằng”.

Khi nhà đầu tư nhìn từ lợi ích người dân

Mặc cho những rào cản về vốn vay ngân hàng, rủi ro về lượng xe qua lại không nhiều ảnh hưởng đến phương án tài chính, Tập đoàn Đèo Cả vẫn quyết tâm thể hiện mong muốn được triển khai xây dựng tuyến đường này.

Thông qua bước đầu tìm hiểu, nghiên cứu về hiện trạng kết cấu hạ tầng giao của tỉnh Cao Bằng, ông Hồ Minh Hoàng trong buổi làm việc chính thức đầu tiên với lãnh đạo Cao Bằng đã thẳng thắn cho rằng, việc đầu tư xây dựng một tuyến đường cao tốc có chiều dài vào trên 100km để làm động lực thúc đẩy phát triển kinh – xã hội là một việc làm hết sức có ý nghĩa, mang lại lợi ích lâu dài cho các địa phương. Tuy vậy, ông cũng nhận định đây là một công việc, một dự án phải rất “dũng cảm” mà nhà đầu tư quyết tâm cao mới thực hiện thành công.

Và những “bước đi cụ thể” đó bắt đầu bằng việc đơn vị tư vấn đề xuất phân kỳ đầu tư tuyến cao tốc này. Giai đoạn 1 thực hiện dự án từ năm 2019 - 2020, đầu tư đoạn tuyến từ Tân Thanh (Lạng Sơn) đến TP. Cao Bằng với chiều dài khoảng 80km. Giai đoạn 2 đầu tư xây dựng đoạn tuyến cao tốc từ Lạng Sơn đến Cao Bằng và đoạn từ TP. Cao Bằng đến cửa khẩu Trà Lĩnh.

Giải pháp phân kỳ đầu tư này khi trình bày tại cuộc làm việc giữa phái đoàn Chính phủ với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Cao Bằng hôm 24/11/2018 đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao. Giai đoạn 1 có tổng vốn đầu tư dự án là 10.000 tỷ đồng, Thủ tướng đồng ý chủ trương ngân sách Trung ương sẽ hỗ trợ 2.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương góp 2.000 tỷ đồng, phần vốn nhà đầu tư là 6.000 tỷ đồng.

Với việc vừa đưa hầm đường bộ Hải Vân 2 vào vận hành, gỡ xong các nút thắt giao thông miền Trung. Họ tiếp tục tiến ra phía bắc Tổ quốc với sứ mệnh hiện thực hóa khát vọng của người dân Cao Bằng. Chắc chắn đó sẽ là cung đường đẹp.