Chủ tịch tỉnh Cao Bằng:

Đèo Cả chọn bắt đầu ở nơi nhiều người chọn rút lui

21/07/2025     300

“Cái bắt tay hợp tác giữa tỉnh Cao Bằng và Tập đoàn Đèo Cả là hình mẫu đúng nghĩa về hợp tác công - tư (PPP), mở ra tương lai mới cho vùng đất “quê hương Cách mạng”, vì mục tiêu phát triển đất nước.”

Ở nơi nhiều người chọn rút lui, Đèo Cả chọn bắt đầu

Chia sẻ tại lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Tập đoàn Đèo Cả ngày 19/7 vừa qua, ông Lê Hải Hòa – Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng, khẳng định rằng sự dấn thân của doanh nghiệp này tại vùng “quê hương cách mạng” là một hiện thực được tạo nên từ niềm tin và tư duy đổi mới không ngừng.

Cụ thể, ông Lê Hải Hòa cho rằng câu chuyện về cao tốc tại Cao Bằng đã từng được khơi dậy với nhiều kỳ vọng, rồi nhiều lần lặng lẽ khép lại. Không ít nhà đầu tư đến, khảo sát, hy vọng, rồi rời đi khi đối mặt với địa hình hiểm trở, chi phí lớn và hiệu quả chưa rõ ràng.

Chỉ có Đèo Cả là ở lại. Không chỉ ở lại, mà hành động, dấn thân, cùng chúng tôi tháo gỡ từng điểm nghẽn, từng rào cản thể chế, từng vướng mắc kỹ thuật, tài chính. Ở nơi nhiều người chọn rút lui, Đèo Cả chọn bắt đầu”, Chủ tịch tỉnh Cao Bằng nhấn mạnh.

Ông Lê Hải Hòa – Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng chia sẻ tại buổi lễ

Ông Lê Hải Hòa cho biết ngay từ những ngày đầu, Đèo Cả đã phá thế bế tắc về nguồn lực dự án bằng đề xuất tái cấu trúc toàn bộ: rút ngắn chiều dài tuyến, giảm tổng mức đầu tư từ hơn 47.000 tỷ đồng xuống còn khoảng 23.000 tỷ đồng cho cả hai giai đoạn – một cách tiếp cận táo bạo, khác biệt và có cơ sở.

Được phân kỳ thành hai giai đoạn, cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh tổng chiều dài 121 km. Sau khi hoàn thành, tuyến cao tốc này sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Cao Bằng đến Hà Nội từ 6 - 7 giờ xuống còn khoảng 3,5 giờ.

Giai đoạn 1 của dự án được khởi công vào ngày 1/1/2024 với chiều dài 93,35 km, xuyên qua khu vực địa hình phức tạp. Giai đoạn 2 của dự án mở rộng toàn bộ 93,35 km giai đoạn 1, đồng thời làm mới 27,71 km đường cao tốc kết nối lên đến cửa khẩu Trà Lĩnh.

Khi hoàn thành, tuyến cao tốc này sẽ không chỉ mở đường cho Cao Bằng bứt phá, mà còn góp phần thực hiện mục tiêu chiến lược của đất nước: Hoàn thiện 3.000 km cao tốc từ Cao Bằng đến mũi Cà Mau – một trục kết nối xuyên suốt, nâng tầm vị thế quốc gia.

Cũng theo người đứng đầu chính quyền tỉnh Cao Bằng, nếu không có sự nhất quán trong tư duy, sự kiên trì trong hành động và sự dấn thân đầy trách nhiệm của các thế hệ lãnh đạo tỉnh, sẽ không có những doanh nghiệp sẵn sàng đồng hành, sẽ khó mà có một tuyến cao tốc dần thành hình như hiện nay.

Nhưng trên hết, cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh là minh chứng sống động cho một dự án “ý Đảng hợp lòng dân”. Quyết tâm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được giao cho chính quyền các cấp tại Cao Bằng huy động mọi nguồn lực, phát động phong trào thi đua, kêu gọi sự đồng lòng của nhân dân, tạo nên khí thế quyết liệt từ tỉnh xuống đến cơ sở.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng - Trần Hồng Minh cùng Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng - Lê Hải Hòa kiểm tra tình hình thực hiện dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh ngày 30/6/2025.

Ngay trước khi dự án khởi công, nhân dân tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn đã chấp nhận dựng lán, ngủ lều, thuê nhà để bàn giao nhà cửa, ruộng vườn cho dự án, dù chưa nhận toàn bộ chi phí hỗ trợ.

Sau chiến dịch “100 ngày đêm giải phóng mặt bằng” do tỉnh Cao Bằng phát động, hơn 1.000 hộ dân hoàn thành giải phóng mặt bằng nhanh chóng, làm nên “kỳ tích” bàn giao hơn 222 ha đất cho nhà thầu thi công đúng tiến độ, đồng thời giúp giải bài toán khó cho chính quyền tỉnh không phải dồn hàng trăm tỷ đồng để chi trả tiền đền bù ngay lập tức. Đến nay, việc giải phóng mặt bằng toàn dự án đạt 93,14/93,35km mặt bằng (tương đương 99%).

Nhân dân không đứng ngoài cuộc. Nhân dân dõi theo từng bước triển khai dự án. Nhiều hộ dân đã tự nguyện di dời, bàn giao mặt bằng, dù chưa nhận được bất kỳ hỗ trợ nào, dù chưa có khu tái định cư mới. Không vì bắt buộc mà vì tin tưởng, vì khát vọng thay đổi diện mạo quê hương”, ông Lê Hải Hòa tri ân vai trò của nhân dân trong dự án.

Cũng theo Chủ tịch tỉnh Cao Bằng, chính tinh thần đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết tại dự án Đồng Đăng – Trà Lĩnh đã góp phần truyền cảm hứng để Trung ương sửa đổi một điểm quan trọng trong Nghị quyết 18 về đất đai: “Ở đâu có công trình trọng điểm, thực sự vì lợi ích quốc gia, có sự đồng thuận của nhân dân thì không nhất thiết phải xây dựng và phê duyệt phương án bồi thường, tái định cư trước khi triển khai”. Bởi ở đó, nhân dân đã tự nguyện mở đường bằng niềm tin về một tương lai tươi sáng đang đến rất gần.

Cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh cũng là dự án PPP đầu tiên trong cả nước triển khai theo Luật PPP mới, đánh dấu bước ngoặt quan trọng về tư duy đầu tư hạ tầng. Để giải quyết thách thức về nguồn vốn cho dự án, Tập đoàn Đèo Cả đã áp dụng giải pháp PPP++. Bình luận về mô hình này, Chủ tịch tỉnh Cao Bằng cho biết PPP++ ngoài giúp đa dạng hóa nguồn vốn, còn củng cố trách nhiệm của các nhà đầu tư, nhà thầu.

PPP++ không chỉ là một sáng tạo thể chế. Đó là kết tinh của trí tuệ Đèo Cả – dám nghĩ khác, nghĩ xa; dám làm thật, làm tới cùng; và luôn đi trước một bước với tầm nhìn vượt thời gian, thể hiện sự liên kết trách nhiệm giữa Nhà nước, doanh nghiệp và địa phương”, ông Lê Hải Hòa bình luận.

Chung khát vọng vượt khó để mở đường

Chia sẻ về “hành trình vượt khó” của tỉnh Cao Bằng và Tập đoàn Đèo Cả trong quá trình nghiên cứu, triển khai dự án Đồng Đăng – Trà Lĩnh, ông Lê Hải Hòa khẳng định điều khó nhất mà các bên phải đối mặt không chỉ là vốn, địa hình, hay kỹ thuật, mà là sự nghi ngại về tính khả thi của dự án.

Theo Chủ tịch tỉnh Cao Bằng, cả chính quyền và doanh nghiệp đã cùng nhau nắm tay bước qua “màn sương” nghi hoặc, từng bước chinh phục lòng tin của dư luận, của thị trường, của nhà đầu tư và cả những người trong cuộc.

Dù là hai chủ thể khác biệt, nhưng tỉnh Cao Bằng và Tập đoàn Đèo Cả đã cùng chia sẻ khát vọng vượt khó để mở đường. Bằng cách “dám nghĩ thật, nói thật và làm thật”, hai bên đã kiên trì và đồng lòng triển khai dự án.

Cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh cũng là dự án PPP đầu tiên trong cả nước triển khai theo Luật PPP mới, đánh dấu bước ngoặt quan trọng về tư duy đầu tư hạ tầng.

Theo ông Lê Hải Hòa, tinh thần hợp tác công – tư thực chất được gói gọn trong hai chữ hợp tác và sẻ chia, chính là chìa khóa mở cánh cửa của tuyến cao tốc. Sự nghi ngại ban đầu đã được chuyển hóa thành niềm tin, thành sự cổ vũ, khích lệ, để tiếp tục những hành trình lớn hơn, ý nghĩa hơn.

Bằng ý chí của chính quyền và doanh nghiệp, cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh đã trở thành một dự án đặc biệt, không chỉ được áp dụng cách triển khai mô hình mới, nguồn vốn mới, mà lồng ghép trong đó cả lòng tin mới và quyết tâm mới”, ông Lê Hải Hòa nói.

Cũng tại đây, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng khẳng định tuyến cao tốc hôm nay là kết quả của một quá trình dài kiến tạo, mà dấu ấn sâu sắc thuộc về các thế hệ lãnh đạo tiền nhiệm của tỉnh Cao Bằng.

Từ đồng chí Lại Xuân Môn – người thắp lên ngọn lửa quyết tâm đầu tiên; đến đồng chí Trần Hồng Minh – người kiên trì tháo gỡ vướng mắc từ Trung ương đến địa phương; và nay là đồng chí Quản Minh Cường – Bí thư Tỉnh ủy đương nhiệm, người tiếp tục truyền lửa, trực tiếp chỉ đạo, theo sát từng bước đi cụ thể.

Chúng tôi cũng xin bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đối với nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh – người đã bền bỉ vận động, thuyết phục các cấp, các ngành và nhà đầu tư trong suốt một giai đoạn đầy thử thách.

Nếu không có sự nhất quán trong tư duy, sự kiên trì trong hành động và sự dấn thân đầy trách nhiệm của các thế hệ lãnh đạo tỉnh, sẽ không có một Đèo Cả ở lại, càng không có một tuyến cao tốc đang thành hình hôm nay”, ông Lê Hải Hoà gửi lời tri ân.

Khoảnh khắc Thủ tướng Chính phủ chính thức phát lệnh khởi công dự án vào ngày 1/1/2024, hơn năm mươi vạn đồng bào các dân tộc tỉnh Cao Bằng như nghe thấy dư âm lời thề vang vọng trong rừng Trần Hưng Đạo của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, hay chứng kiến bước chân thần tốc của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong những ngày cao điểm của Chiến dịch Biên giới giải phóng tỉnh nhà. Một hy vọng mới đang mở ra cho Cao Bằng.

Cũng từ đó, không khí nhộn nhịp trên khắp các công trường đã thổi làn sinh khí mới vào vùng đất phên giậu Tổ quốc, khi hơn 3.200 kỹ sư và công nhân cùng 1.500 máy móc thiết bị ngày đêm thi công, biến khẩu hiệu “vượt nắng, thắng mưa” thành hiện thực mỗi ngày.

Tuân thủ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn đang phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn Đèo Cả, nỗ lực đưa công trình về đích sớm: cơ bản hoàn thành, thông tuyến vào ngày 19/12 năm 2025.

Không dừng lại ở đó, giai đoạn 2 của dự án và tuyến kết nối cửa khẩu Tà Lùng sẽ được khởi công đúng ngày 19/8 tới. Một cột mốc thể hiện quyết tâm giữ vững cam kết – đúng tiến độ, đúng kỳ vọng, đúng lòng dân.

Hình mẫu đúng nghĩa về hợp tác công - tư

Cũng trong bài phát biểu của mình, ông Lê Hải Hòa đã chia sẻ những kỷ niệm với ông Hồ Minh Hoàng – Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả.

Tôi gặp ông Hoàng không phải ở lễ ký kết hay hội trường, mà giữa công trường, giữa bùn đất, máy móc và công nhân. Một doanh nhân luôn nung nấu khát vọng. Một nguồn năng lượng luôn chực chờ bùng nổ, ăm ắp ý tưởng và quyết tâm. Không chỉ bảo đảm hiệu quả trước mắt, ông còn chọn con đường khó – chinh phục những cột mốc lớn để khẳng định tinh thần tự lực, tự cường trong hội nhập”, Chủ tịch tỉnh Cao Bằng cho biết.

Ghi nhận những nỗ lực kiến tạo hạ tầng của Tập đoàn Đèo Cả, ông Lê Hải Hòa trân trọng những đóng góp của doanh nghiệp này trong hành trình kiến tạo văn hóa và con người.

Nỗ lực này được thể hiện bằng việc hàng trăm lao động trẻ Cao Bằng được trao cơ hội phát triển lâu dài thông qua quá trình tuyển dụng, đào tạo và làm việc tại dự án.

Đại diện chính quyền tỉnh Cao Bằng cũng đánh giá cao những nỗ lực của Đèo Cả trong việc tham gia tích cực các hoạt động an sinh xã hội như xây trường, trồng rừng, hỗ trợ người dân vùng lũ - những hành động không ồn ào nhưng lặng thầm lan tỏa.

Cùng với khát vọng phát triển chất lượng nguồn nhân lực trẻ, Tập đoàn Đèo Cả còn quy tụ một Hội đồng Cố vấn gồm những chuyên gia đầu ngành. Theo ông Lê Hải Hòa, đây là một mô hình hiếm có, thể hiện sự trân trọng chất xám, sự kế thừa và khát vọng đi xa bằng tri thức.

Kết thúc bài phát biểu, ông Lê Hải Hòa cho rằng cái “bắt tay” giữa Cao Bằng và Đèo Cả không đơn thuần là hợp đồng BOT, mà là sự đồng hành thực chất, là hình mẫu đúng nghĩa về hợp tác công - tư theo tinh thần Nghị quyết 68: Nhà nước không đứng ngoài. Doanh nghiệp không đơn độc. Cả hai cùng nhìn về một hướng, cùng hành động vì mục tiêu phát triển đất nước.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng trân trọng gửi lời cảm ơn tới Tập đoàn Đèo Cả - những người đã chọn một nơi khó nhất để dấn thân, để khẳng định bản lĩnh. “Tôi tin rằng, nếu có thêm nhiều địa phương dám đặt niềm tin vào những nhà đầu tư có khát vọng như Đèo Cả, thì những gì hôm nay còn là ‘điểm nghẽn’, ngày mai sẽ trở thành ‘sức bật’”, Chủ tịch tỉnh Cao Bằng kết luận.

Tin bài: Hải Đường - Ảnh: Linh Trung