Tổng kết hoạt động chuyên môn 2024:

Thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, xác định mục tiêu trọng tâm để hoạt động hiệu quả

04/01/2025     697

Trong hai ngày 02-03/01/2025, Tập đoàn Đèo Cả tổ chức họp tổng kết hoạt động năm 2024 và định hướng hoạt động năm 2025 cho các doanh nghiệp dự án, Ban Đầu tư - Phát triển dự án, Ban Hành chính - Nhân sự, Ban Đào tạo và Công ty An ninh Đèo Cả.

Chương trình họp tổng kết được các Phó Chủ tịch HĐQT chủ trì, diễn ra tại văn phòng TP. Hồ Chí Minh, văn phòng Hà Nội và kết nối trực tuyến với văn phòng các dự án.

Toàn cảnh 2 điểm cầu TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội

Tại đây, Hội đồng quản trị, Ban điều hành đã nghe báo cáo kết quả hoạt động năm 2024 và kế hoạch hoạt động năm 2025, chú trọng phân tích những tồn tại, hạn chế và đưa ra giải pháp để giải quyết trong thời gian tới.

Kiện toàn nhân sự để đáp ứng các yêu cầu công việc

Trong năm 2024, Tập đoàn Đèo Cả đã triển khai thực hiện thêm nhiều dự án mới từ Bắc vào Nam như cao tốc Đồng Đăng Trà Lĩnh, Hữu Nghị - Chi Lăng, Hòa Bình - Mộc Châu, Hầm đường sắt Khe Nét, Cầu Đại Ngãi 1… Cùng với đó là chuẩn bị triển khai các dự án lớn trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch Nguyễn Tấn Đông chủ trì cuộc họp

Hội đồng quản trị ghi nhận những nỗ lực của Ban Đầu tư - Phát triển dự án với khối lượng công việc rất lớn đã thực hiện và hoàn thành trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, do nhân lực của Ban còn mỏng, một số nhân sự chưa có kinh nghiệm nên vẫn chưa đáp ứng được các yêu cầu công việc hiện nay của Tập đoàn.

“Đây là tồn tại lớn nhất của Ban Đầu tư - Phát triển dự án cần phải khắc phục ngay”, Phó Chủ tịch Nguyễn Tấn Đông nói và yêu cầu lãnh đạo Ban lên kế hoạch phân bổ, kiện toàn nhân sự hợp lý cho các khu vực, đồng thời tổ chức đánh giá năng lực, chất lượng nhân sự, đẩy mạnh công tác đào tạo chuyên môn để nâng cao hơn nữa hiệu quả công việc.

Tổng giám đốc Khương Văn Cương cho rằng, cần thẳng thắn nhìn nhận tồn tại từ thực tế chất lượng sản phẩm công việc còn hạn chế để đưa ra giải pháp khắc phục. Ban Đầu tư cần bám sát kế hoạch triển khai dự án sắp tới để có phương án bố trí nhân sự hợp lý.

Đối với vấn đề này, Cố vấn Dương Đăng Huệ nhận định các ban chuyên môn của Tập đoàn đều có nhiệm vụ và vai trò riêng tương tự như các bộ trong Chính phủ. Các ban, bộ có vững mạnh thì bộ máy mới có thể hoạt động tốt. Do đó, cần kiện toàn nhân sự để các hoạt động của Tập đoàn được triển khai trơn tru.

Đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả tại các dự án

Tiếp đó, Hội đồng Quản trị cũng đã nghe Ban điều hành các dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh và Hữu Nghị - Chi Lăng báo cáo kết quả thực hiện năm 2024 và kế hoạch triển khai năm 2025.

Dự án Đồng Đăng – Trà Lĩnh khởi công ngày 1/1/2024 và Hữu Nghị - Chi Lăng khởi công ngày 24/4/2024 là 2 dự án trọng điểm phía Bắc của Tập đoàn. Khó khăn trước mắt hiện nay vẫn là tình trạng mặt bằng “xôi đỗ”, mỏ vật liệu thiếu và cự ly không hợp lý, bãi đổ thải, thời tiết mưa kéo dài, hồ sơ nội nghiệp. Đây là 2 dự án PPP do liên danh Tập đoàn làm chủ đầu tư, đặc biệt Đồng Đăng – Trà Lĩnh được điều chỉnh nâng tỷ lệ vốn nhà nước lên 70% do đó nguồn vốn cơ bản được bố trí đầy đủ, kịp thời. Ban điều hành các dự án báo cáo kế hoạch xử lý vướng mắc tồn tại và đặt ra các mốc tiến độ, kế hoạch sản lượng cụ thể, phấn đấu đạt mục tiêu thông tuyến trong năm 2025.

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Hùng và Phó Chủ tịch Phùng Tiến Thành chủ trì cuộc họp

Đối với các dự án tập đoàn đang triển khai, bên cạnh đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Hùng yêu cầu Ban điều hành các doanh nghiệp dự án (DNDA) kiểm soát dòng tiền, chi phí, tối ưu hoá sản xuất để đảm bảo lợi nhuận. “Các dự án phải kiểm soát chặt chẽ để tiền giải ngân phải đi “từ gốc đến ngọn”, nguồn vốn giải ngân cho dự án phải đảm bảo đến đúng những đơn vị thực hiện tại dự án”, Phó Chủ tịch Hùng nhấn mạnh.

Các dự án khác như hầm Đèo Cả, Bắc Giang - Lạng Sơn, Phước Tượng - Phú Gia, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Trung Lương - Mỹ Thuận… đã hoàn thành, đưa vào sử dụng với lưu lượng tăng trưởng ổn định. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số công việc về thanh quyết toán vốn đầu tư.

Phó Chủ tịch Phùng Tiến Thành ghi nhận những nỗ lực và quyết liệt của Ban điều hành, điểm sáng đạt được là phần vốn NSNN còn thiếu (1.180 tỷ đồng) cho dự án hầm đường bộ qua đèo Cả đã được Chính phủ giải ngân. “Đối với những tồn đọng còn lại, yêu cầu các DNDA tiếp tục xử lý, giải quyết triệt để, không được để ảnh hưởng đến phương án tài chính của dự án”, ông Thành nói.

HĐQT cũng lưu ý các DNDA chú trọng công tác vận hành, bảo hành, bảo dưỡng thường xuyên. Sắp tới dịp cao điểm Tết âm lịch, DNDA làm việc với các xí nghiệp vận hành hoàn thành bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa để đảm bảo an toàn lưu thông cho người dân.

Thay đổi tư duy từ “quản lý” sang “quản trị” nhân sự

Năm 2024, khối lượng công việc của Tập đoàn tăng nhiều so với năm trước, quy mô nhân sự cũng theo đó có sự tăng trưởng tương ứng. Công tác hoạch định nhân sự cơ bản đáp ứng được nhu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn trong từng giai đoạn, đặc biệt là sự chủ động khi bắt đầu các dự án mới.

Hội đồng quản trị, ban điều hành và các cố vấn đã góp ý, chỉ đạo cụ thể từng hoạt động của Ban Hành chính - Nhân sự như công tác định biên, tuyển dụng, đánh giá nhân sự, cơ chế lương, quản lý hành chính,… Phó chủ tịch Nguyễn Hữu Hùng cho rằng với quy mô hoạt động ngày càng lớn của Tập đoàn, việc quản lý nhân sự phải thay đổi từ tư duy “quản lý” sang “quản trị” để điều chỉnh cho phù hợp.

Tổng giám đốc Ngọ Trường Nam nhận định, đối với một số khối nhân sự, việc quản lý định biên theo số lượng chỉ là tương đối, cần phải căn cứ trên sản lượng thực tế, tính toán quỹ lương để phân bổ, điều chỉnh nhân sự hợp lý.

Tổng giám đốc Nguyễn Quang Huy chỉ ra tồn tại của công tác tuyển dụng khi còn bỏ ngỏ khâu đánh giá, sàng lọc sau tuyển dụng. Đối với công tác đánh giá nhân sự định kỳ đã có hội đồng đánh giá, tuy nhiên cần có sự phân cấp, phân quyền để thực hiện hiệu quả.

Về công tác đào tạo, năm 2024, Tập đoàn đã phối hợp với các trường đại học khai giảng khoá 2 đường sắt – metro và khoá 1 thạc sĩ quản lý xây dựng, văn bằng 2 ngôn ngữ Anh. Cùng với đó là nhiều chuyên đề đào tạo bội bộ, văn hoá doanh nghiệp đã được tổ chức cho các văn phòng, dự án, ban chuyên môn... trong toàn hệ thống.

Phó Chủ tịch Nguyễn Minh Giang đánh giá trong năm qua Ban Đào tạo đã tích cực tổ chức nhiều chương trình lan toả văn hoá doanh nghiệp, đa dạng hình thức truyền tải như phóng sự, phát thanh công trường,… Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục để hoạt động đào tạo đi vào thực chất.

Với quan điểm học đi phải đôi với thực hành và lấy “tri thức tạo giá trị”, HĐQT đặt ra yêu cầu đào tạo phải bám sát thực tiễn, các chuyên đề của ban chuyên môn phải xuất phát từ yêu cầu công việc nhằm nâng cao hiệu quả lao động, không chạy theo chỉ tiêu, thành tích.

Tổng giám đốc Khương Văn Cương yêu cầu Ban Đào tạo phối hợp với Ban Truyền thông phát huy hơn nữa việc tổ chức các phong trào thi đua tìm hiểu văn hoá doanh nghiệp, các chuyên đề đào tạo sau khi hoàn thành phải tổ chức đánh giá hiệu quả nhằm rút kinh nghiệm.

An ninh Đèo Cả được xem như cánh tay nối dài, là đơn vị có nhiệm vụ rất quan trọng trong quản lý, kiểm soát và bảo vệ các mục tiêu, tài sản cho Tập đoàn, bên cạnh đó còn phối hợp thực hiện các công tác khác như ATLĐ-VSMT, phòng cháy – chữa cháy,…

Với khối lượng công việc lớn, văn phòng, dự án trải dài từ Bắc vào Nam và yêu cầu công việc ngày càng cao, HĐQT yêu cầu trong thời gian tới An ninh Đèo Cả cần nâng cao chất lượng nhân sự để đảm bảo tinh gọn, tăng cường đào tạo nghiệp vụ, xây dựng quy chế phối hợp rõ ràng với các bộ phận, đơn vị liên quan để hoạt động tốt hơn.

Tin bài: TT - Ảnh: Tuấn Linh - Tô Hùng