Mở cửa hầm phải phía Tây hầm số 2 cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh

21/06/2024

Ngày 21/6/2024, Liên danh nhà thầu do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu tiến hành mở cửa hầm phải phía Tây hầm số 2 thuộc Dự án cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) giai đoạn 1. Đây là cửa hầm đầu tiên được mở trên toàn tuyến dự án cao tốc này.

Mũi khoan đầu tiên mở cửa phải phía Tây hầm số 2

Theo báo cáo của Doanh nghiệp dự án (DNDA), liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), tại Cao Bằng hiện đạt 35,36/41,55 km tương đương 85%, đáp ứng tiến độ tổ chức thi công, dự kiến đến tháng 7/2024 hoàn thành 100% GPMB tại địa phương. Đối với phạm vi tại tỉnh Lạng Sơn, GPMB đạt 5,45/51,8 km tương đương 10,5%, nhà đầu tư cùng nhà thầu đã ứng trước tiền để người dân bàn giao một phần mặt bằng thi công trong khi chờ hoàn thiện thủ tục. Theo kế hoạch, Lạng Sơn sẽ hoàn thành công tác GPMB trong tháng 9/2024.

Nhu cầu vật liệu đất đắp toàn dự án đang thiếu khoảng 4 triệu m3. Bên cạnh việc bổ sung 4 mỏ đất mới, DNDA đã thực hiện thi công hạ cốt san nền các khu vực quanh dự án. Hiện DNDA đang phối hợp với các bên liên quan thực hiện các thủ tục với Tỉnh để hoàn thành việc cấp phép khai thác để khai thác các mỏ đất theo cơ chế đặc thù.

Tại dự án đã huy động 467 nhân sự, 199 máy móc thiết bị, triển khai 19 mũi thi công đồng loạt tiếp cận, tổ chức thi công theo các phân đoạn mặt bằng đã bàn giao. “DNDA đang nghiên cứu tổ chức phát động phong trào thi đua, xây dựng cơ chế khen thưởng đối với các nhà thầu để thúc đẩy hoạt động thi công toàn dự án”, đại diện DNDA cho biết.

Tại dự án đã huy động 467 nhân sự, 199 máy móc thiết bị, triển khai 18 mũi thi công đồng loạt các phân đoạn mặt bằng đã bàn giao.

Nói về một số vướng mắc tại dự án, ông Nguyễn Đức Tuấn – Phó Tổng Giám đốc CTCP cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh (DNDA) cho biết, mặc dù hiện đã mở cửa thi công hầm số 2 nhưng mặt bằng cho bãi thải và khu chức năng trạm trộn bê tông vữa chưa được bàn giao, kiến nghị UBND tỉnh Cao Bằng đẩy nhanh GPMB và thống nhất bổ sung các bãi thải phát sinh trong quá trình thi công.

Ông Nguyễn Đức Tuấn đề xuất UBND tỉnh Cao Bằng tiếp tục làm việc với UBND tỉnh Lạng Sơn, Chính phủ để bổ sung đủ chỉ tiêu sử dụng đất cho dự án trong Quý IV/2024; chấp thuận bổ sung 4 mỏ vật liệu đất theo đề xuất DNDA; đồng thời, chấp thuận phương án cải tạo tận dụng đất dôi dư theo đúng quy định để đáp ứng nguồn vật liệu đất đắp thi công.

Trước đó, vào ngày 11/6/2024, Ban Chỉ đạo dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh đã tổ chức họp đánh giá kết quả thực hiện dự án và tiếp tục đẩy mạnh triển khai các công việc trọng tâm. Tại đó, Bí thư Tỉnh uỷ Trần Hồng Minh đề nghị UBND các huyện có dự án đi qua khẩn trương phê duyệt phương án, dự toán đền bù GPMB cho người dân, phấn đấu bàn giao 100% mặt bằng cho DNDA thi công đúng tiến độ. “Cần nhanh chóng triển khai các thủ tục thực hiện khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ dự án sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 106/2003/QH15. Tích cực làm việc với tỉnh Lạng Sơn để điều chỉnh hướng tuyến, GPMB, chuyển mục đích sử dụng rừng cho dự án”, Bí thư Trần Hồng Minh chỉ đạo.

Bình đồ dự án cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng)

Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh có tổng chiều dài 121km, được phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh được đầu tư với chiều dài hơn 93km. Điểm đầu tại nút giao cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn). Điểm cuối tại nút giao quốc lộ 3 (xã Chí Thảo, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng). Tập đoàn Đèo Cả là nhà đầu tư đứng đầu liên danh thực hiện dự án giai đoạn 1.

Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh hoàn thành có vai trò tăng cường kết nối giao thương trong nước và quốc tế, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương và khu vực, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng cả nước.

Bích Liên