Chiều 22.10, từ nước ngoài ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả gửi thư biểu dương những nỗ lực của cán bộ công nhân viên HHV đã chủ động, trách nhiệm trên một tinh thần cao nhất vì sự thông suốt huyết mạch quốc gia sau cơn lũ chưa từng có quét qua Hải Vân.
Trong đêm 14/10 khi nước lũ bắt đầu tiến đến miệng hầm, vì sự an toàn của người và các phương tiện, Xí nghiệp quản lý vận hành hầm đã phải tạm dừng lưu thông từ 21h giờ cùng ngày. Tổng Giám đốc HHV Nguyễn Quang Huy đã lệnh: “Ca trực ở lại, bổ sung lực lượng ưu tiên thông đường”.
Việc khơi thông một khối lượng đất đá khoảng 120.000 m3 đổ xuống trước cửa hầm chỉ sau 6 giờ đồng hồ và cũng sau 6 giờ tiếp đó khơi thông đường đèo khi ước tính 92.000 m3 đã ập xuống, đó không chỉ sức lực, sự can đảm mà còn là trí tuệ và cao hơn là trách nhiệm với xã hội khi huyết mạch quốc gia đang bị tắc lại tại Hải Vân.
…
Trước đó, ngày 21/10/2022, tôi cùng cố vấn Trần Chủng, Hồ Quang Lợi đáp chuyến bay sớm tới Hải Vân thăm cán bộ công nhân HHV.
Sau 1 tuần thời điểm cơn lũ quét qua, đường đã thông nhưng hiện trường vẫn còn ngổn ngang. Từ trên cao, bất cứ ai trong đoàn cũng đều trầm ngâm không nói khi nhìn qua cửa sổ máy bay thấy gương mặt dãy Bạch Mã in hằn nhiều vết xước sau trận đương đầu với thiên nhiên. Lũ đã tạo thành một vệt trắng lốp chạy khúc khuỷu từ đỉnh núi xuống tới chân núi sát cửa hầm phía Nam Hải Vân rồi ào ra biển. Đã qua 7 ngày khi cơn lũ tấn công, biển Đà Nẵng vẫn chưa trong xanh trở lại như ngày thường, mà sền sệt một màu nâu xám bởi nước lũ kéo theo đất núi đổ xuống.
Phó Chủ tịch Đèo Cả Võ Thuỵ Linh, Tổng Giám đốc HHV Nguyễn Quang Huy, Phó Tổng giám đốc HHV Võ Ngọc Trung và rất nhiều cán bộ đến từ nhiều bộ phận làm việc khác nhau tại HHV được các anh triệu tập để phục vụ chuyến kiểm tra đánh giá thiệt hại sau lũ của các thành viên Hội đồng cố vấn.
Dưới chân Hải Vân, những thân cây to khoảng 2 sải tay người ôm bị nước lũ lột sạch vỏ, xơ cờ nằm ngổn ngang. Anh Võ Ngọc Trung nói, “Đó là những cây lớn từ đầu nguồn, đường đi của nó ước tính khoảng vài km”.
Các cố vấn đã phải lách qua những hòn đá to như những chiếc xe tải cở lớn chắn ngang hành trình, để chui xuống các trụ cầu đường dẫn vào hầm 1, hầm 2. Từng mố cầu, trụ bê tông được xem xét cẩn thận, chi tiết.
Cơn lũ chiều 14 rạng 15/10 có sức tàn phá khủng khiếp, khi làm thay đổi cả dòng chảy của con suối tồn tại nhiều đời nay. Con suối này góp nhặt những dòng nước từ các khe núi khắp nơi trên lừng chừng dãy Bạch Mã, chảy qua cửa hầm phía Nam khoảng 1km trức khi đổ ra biển. Trước khi lũ đến, đó là dòng chảy nhỏ, nằm lẩn khuất trong cây rừng phủ kín, người đi đường khó có thể quan sát được. Sau cơn lũ, cả một vạt rừng biến mất, hiện ra dòng chảy trơ trọi, tan hoang.
Anh Võ Thuỵ Linh, người đã có mặt tại hiện trường trưa 15/10 nói với các cố vấn: “Hôm lũ lên cao, nhìn miệng hầm chỉ còn như 2 cái đồng xu giữa biển nước. Lũ đã biến con suối nhỏ thành 1 con sông, nắn lại cả đường đi của nó”.
Con đường bê tông từ chân núi dẫn lên miếu Cây Đa cũng bị đá vùi hơn 300m tính từ dưới chân lên. Chúng tôi lên miếu Cây Đa bằng đường bộ. Miếu Cây Đa nằm triền núi, trầm mặc dưới tán cây cổ thụ cao, rộng dường như lách thoát ra khỏi sự tàn phá của cơn lũ. Từ sân miếu nhìn về phía Đà Nẵng, anh Võ Ngọc Trung chia sẻ: “Bằng một sự may mắn kỳ diệu nào đó, đường đi của hàng trăm mét khối nước, đất đá tối 14/10 đã tránh cửa hầm Hải Vân”.
Điều cố vấn Trần Chủng băn khoăn lo lắng nhất khi chưa đến Đà Nẵng là liệu có “đứt gãy” nào ở lưng núi không? Trước đó, “bác sĩ công trình” bày tỏ sự lo lắng đó với tôi: “Các bạn gửi cho chú các video quay trên cao. Chú thấy có những vệt trắng, chưa rõ đứt gãy hay đường dân sinh lâu nay giờ bị nước lũ làm lộ ra”. Những lo lắng đó đã được giải toả khi các chú đã đi thực địa và các hình ảnh chụp về từ flycam chứng minh Hải Vân hùng vĩ vẫn chắc chắn trước thử thách đến từ thiên nhiên.
Lũ đã thổi bay các nắp bể, nơi chứa nước ngầm trước cửa hầm phía Nam. Đất lấp kín cả 3 bể. Các bể chứa này có tổng dung tích 30m3 chứa nước cấp cho bể cứu hoả trên đỉnh núi và sinh hoạt.
Mấy ngày qua, công việc được ưu tiên hàng đầu là khẩn trương trước làm cho con đường lưu thông trở lại, vài ngày trở lại đây, xí nghiệp quản lý vận hành mới dành thời gian để thau rửa bể. Việc thụt rửa không hề đơn giản, khi đó là những bể ngầm và bùn đất đã nén chặt lại. Các cố vấn đã dặn dò anh em kiểm tra kỹ không khí không khí trong bể, nửa tiếng phải trèo lên nghỉ ngơi…
Câu chuyện về nhiều người như trường hợp chúng tôi đã kể về anh Trần Đình Công – công nhân lái máy xúc lật được điều từ ban điều hành lên hiện trường hỗ trợ với quãng đường đi thường ngày hết 15 phút hôm đó đã phải mất 2 giờ đồng hồ và sau đó cùng anh em đã cho ra kết quả như đã nói được mọi người kể lại.
Để an toàn cho các phương tiện đi đường đèo, ngay sau khi đường hầm Hải Vân được vận hành trở lại, HHV đã có văn bản gửi cơ quan chức năng và sau đó có phương án rất cụ thể để hỗ trợ xe quá khổ, quá tải đi qua hầm. Đó là những loại xe trước đây bị cấm chạy qua hầm.
Anh Trung bảo tôi: “Nếu như cơn lũ này xảy ra khi chỉ mới chỉ có ống hầm 1 thì rất có thể rối loạn giao thông đã xảy ra trong hầm. Việc có 2 ống hầm, chúng ta đã linh hoạt xử lý các tình huống ứng cứu một cách dễ dàng”.
Cố vấn Hồ Quang Lợi đánh giá: “Những việc anh em làm những ngày qua thật sự dũng cảm, thể hiện trách nhiệm xã hội của người Đèo Cả. Không có một thiệt hại nào về người, bảo vệ được công trình không chỉ là quyết tâm mà còn phải là sự chủ động và trí tuệ”. Ông cũng động viên Phó Chủ tịch Võ Thuỵ Linh và các anh em ở HHV, việc đã qua là một khối lượng khổng lồ, việc sắp tới còn nhiều hơn. Việc còn nhiều là bởi đường đèo còn nhiều đoạn chưa xử lý xong. Vẫn còn đó những hòn đá chắn ngang một phần đường, có đoạn, lũ đã xô đổ 1 đoạn lan can dài và các hòn đá “mồ côi” có thể lăn xuống bất kỳ lúc nào do vậy phải luôn sẵn sàng để ứng phó.
Anh Võ Thuỵ Linh anh cười đáp lại: “Các cố vấn yên tâm, chúng ta là người Đèo Cả mà”.
Cũng trong chuyến đi tới Đà Nẵng lần này, Công đoàn DCG và Công đoàn HHV đã đến thăm các gia đình thiệt hại nặng bởi cơn lũ. Chủ tịch Công đoàn HHV Phan Lê Dũng nói: “Chưa khi mô thấy lũ lên nhanh như rứa. Sau nửa giờ đồng hồ, nhiều căn nhà đã bị nước dâng lên ngang đầu gối. Ở đây nhiều người lao động còn phải thuê nhà, nhà ở những vùng thấp. Lũ rút đi nhiều gia đình hỏng hết máy giặt, tủ lạnh, tivi…”.
Căn nhà trọ của vợ chồng anh Lê Công Hồng – Phạm Thị Lý ở quận Liên Chiểu thành phố Đà Nẵng bị nước ngập lên ngang vai người lớn. Anh Hồng là nhân viên cứu hộ cứu nạn hầm Hải Vân. Chị Lý kể lại buổi chiều hôm đó khi nước dâng lên, chồng đang trực ở hầm, chị cùng 2 con trai leo lên gác, kêu gọi hàng xóm mà không ai có thể tiếp cận. Khi nước chạm mép gác, chị phải để con trong chậu nước. “Hoang mang tột độ, nước chỉ lên một chút nữa thôi thì không biết chuyện gì xảy ra”, chị Lý nói.
Cũng giống như gia đình chị Lý, căn nhà của anh Phan Văn Hiến – nhân viên xí nghiệp vận hành hầm vẫn còn ngấn lũ để lại ngang tường nhà, đồ đạc hư hỏng, nhưng trước sự quan tâm của đồng nghiệp đoàn thể, ai cũng cảm động và động viên nhau “còn người còn của”.
…
Sau vài ngày nắng ráo, từ trưa 22/10, mưa trở lại Đà Nẵng, nhưng Tổng Giám đốc HHV, Nguyễn Quang Huy đã báo cáo tới Chủ tịch HĐQT rằng “Hơn 1.200 nhân sự của HHV vẫn sẵn sàng ứng phó, không nao núng, quyết tâm trong các nhiệm vụ được giao”.
Nguyễn Quang Thành