Đúng 2 năm trước, ngày 12/4/2018, tại cửa phía Bắc hầm đường bộ qua đèo Cả (xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, Phú Yên), Bộ Xây dựng, Bộ GTVT, tỉnh Phú Yên phối hợp cùng Công ty CP Đầu tư Đèo Cả tổ chức lễ gắn biển công trình tiêu biểu chào mừng 60 năm Ngày truyền thống ngành Xây dựng Việt Nam (29/4/1958 - 29/4/2018) cho hầm đường bộ Đèo Cả.
Đó là một dấu mốc quan trọng, khẳng định tên tuổi Đèo Cả trên bản đồ hạ tầng giao thông Việt Nam.
Phục vụ 5,5 triệu lượt xe
Để được lựa chọn gắn biển công trình tiêu biểu, dự án Hầm đường bộ qua đèo Cả đã vượt qua cuộc sát hạch và phải đáp ứng các tiêu chí lựa chọn của ngành Xây dựng về: quy mô, chất lượng, ý nghĩa đối với sự phát triển đất nước...
Ông Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng tại thời điểm đó đã khẳng định: “Đây là sự ghi nhận một dự án có nhiều ưu điểm như hoàn toàn sử dụng vốn trong nước, được đầu tư, thi công hoàn toàn bằng nguồn lực, trí lực của người Việt Nam”.
Tính đến chiều 11/4/2020, ông Lê Châu Thắng - Giám đốc Xí nghiệp Quản lý vận hành Hầm đường bộ Đèo Cả cho biết: “Tính từ ngày vận hành (21/8/2017), hầm Đèo Cả đã phục vụ cho gần 5,5 triệu lượt xe”.
Trong bản số liệu ông Lê Châu Thắng chia sẻ, có chi tiết đang lưu ý là cũng trong thời gian trên, chỉ là 603.600 lượt xe đi đường đèo, chỉ chiếm 11,9% lượt xe qua hầm. Con số đó đủ để nói lên tầm quan trọng của hầm đường bộ Đèo Cả.
Nhìn rộng ra khu vực Nam Trung Bộ, chỉ trong vòng chưa đầy 3 năm (7/2016 - 01/2019), hai ngọn núi Cả, Cù Mông lần lượt được đục thông, phá thế bị kẹp trong ốc đảo từ cơn biến tạo của thiên nhiên, Phú Yên bừng tỉnh sau giấc ngủ dài, trở thành cú hích phát triển kinh tế - xã hội vùng Nam Trung Bộ, trở thành niềm tự hào của người Việt khi thực hiện thành công hệ thống đường hầm xuyên núi hiện đại bậc nhất khu vực.
“Vách đá khăn tang trắng màu biệt ly” đã lùi vào quá khứ
Dọc hành trình vượt núi Cả, tôi được anh Phan Xuân Luật - Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Phú Yên, một người gốc Nghệ nhưng rất tường tận văn hóa Nam Trung Bộ, kể: “Từ xa xưa, trong những câu chuyện thường nhật cuộc sống, đồng bào Chăm trong đại gia đình Việt cư trú nơi đây đã mơ ước về đường hầm xuyên núi Cả”. Khát vọng nghìn đời của người Chăm về con đường xuyên núi cứ tưởng mãi mãi chỉ có trong cổ tích, mơ hồ và thiếu thực tế.
Không cần dẫn dụ xa xôi, chỉ khoảng 10 năm trước đây thôi, nói về đường hầm xuyên núi Cả mấy ai tin sớm thành hiện thực đến như vậy.
Tai nạn giao thông thảm khốc liên tục xảy ra biến đường đèo Cả và cả Cù Mông trở thành hiểm địa, đến nỗi lực lượng CSGT Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa chấm hàng chục “điểm đen tai nạn” tại mỗi đèo. Thế nhưng, có giai đoạn, không ai còn gọi điểm đen nữa, không phải vì bớt nguy hiểm mà bởi chỗ nào trên đèo cũng tiềm ẩn tai nạn.
Anh Nguyễn Văn Lim, lái xe giường nằm của Công ty Cổ phần Thuận Thảo, chạy tuyến Tuy Hòa - TP. HCM gần 10 năm nhớ lại những lần chuẩn bị vượt đèo lại thấy người lành lạnh. “Qua đèo, cánh tài xế phải tập trung tối đa. Địa hình cao, liên tục cua gấp và khuất tầm nhìn nên tôi không chỉ lo cho xe mình mà còn trông cả xe chạy ngược chiều. Mình chạy đúng tốc độ, đúng làn đường chưa hẳn đã an toàn. Qua cua mà xe ngược chiều phóng lên, vượt tuyến là dính ngay” - tài xế Lim nói. Chưa kể vào mùa mưa, đất đá từ trên núi sạt lở đổ ập xuống đường. Nhiều tài xế đưa xe vượt đèo mà lòng thấp thỏm, không biết bị chôn sống lúc nào.
Một ngày của những năm 90 thế kỷ trước, chàng thanh niên Hồ Minh Hoàng lúc đó là sinh viên Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM về thăm quê, khi đang đi trên đèo bất chợt chứng kiến cảnh một chiếc khách gặp tai nạn. Trên chuyến xe đó không một ai sống sót. Nung nấu ý định đục thông đèo Cả có từ đó. Nhiều năm sau khi hoàn thành hoài bão lớn lao xây dựng thành công hầm đường bộ qua đèo Cả mở cánh cửa giao thương cho Phú Yên, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả vẫn coi đây là cung đường “từ bi” và thường nhắc sự việc đầy ám ảnh “vách đá khăn tang trắng màu biệt ly” đó. |
Mở cánh cửa khát vọng nghìn đời
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã từng trực tiếp đi thị sát và đánh giá, hầm đường bộ Đèo Cả là dự án trọng điểm của quốc gia, có tầm quan trọng rất lớn trong việc kết nối giao thông. “Tôi rất tự hào vì đây là công trình hầm do chính người Việt Nam thực hiện. Việc đảm nhận dự án lớn có tính phức tạp thể hiện sự trưởng thành vượt trội của các nhà đầu tư, nhà thầu trong nước, nhất là đội ngũ công nhân viên kỹ thuật, kỹ sư, giám sát thi công...”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Đối với người Phú Yên họ càng tự hào hơn bởi công trình này do chính người con quê hương họ khởi xướng và thực hiện. Hầm đường bộ qua đèo Cả mang tầm vóc quốc gia, đem lại lợi ích to lớn ở nhiều lĩnh vực. Công trình đã xóa điểm đen về tai nạn giao thông, tránh được đường đèo, đảm bảo cho công tác quốc phòng, an ninh khu vực miền Trung - Tây Nguyên, tiết kiệm nhiên liệu và thời gian cho các phương tiện tham gia giao thông khi qua hầm.
Hầm đường bộ qua đèo Cả nằm giữa hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, điểm đầu dự án tại Km1353+150 quốc lộ 1 trên địa bàn tỉnh Phú Yên, điểm cuối dự án tại Km1374+525 quốc lộ 1 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, tổng chiều dài dự án 13,19km. Trong đó, hầm Đèo Cả dài 4.125m, hầm Cổ Mã dài 500m, gồm hai ống hầm song song, mỗi ống có hai làn xe khai thác cùng chiều đảm bảo vận tốc khai thác 80km/h. Việc đưa hầm vào vận hành khai thác đã rút ngắn thời gian qua đèo Cả từ 60 phút xuống còn 10 phút. |
T.T