Doanh nhân Hồ Minh Hoàng:

Đã bắt đầu một huyền thoại

06/07/2018     667

Trong 10 năm qua (2008-2018), từ một mô hình hợp tác xã xây dựng đang nợ nần và sắp phá sản ở tỉnh Phú Yên, từng bước hồi phục, trở thành công ty, rồi thành tập đoàn (Hải Thạch), và tiếp tục liên kết, tập hợp để phát triển thành Tập đoàn Đèo Cả lớn mạnh hôm nay với 21 đơn vị thành viên và gần 4000 cán bộ, công nhân viên. Tập đoàn Đèo Cả giờ đã rõ ra những định danh là “Nhà đầu tư tiên phong, lớn nhất và chuyên nghiệp nhất” trong phát triển hạ tầng giao thông vận tải của cả nước và chiếm tỉ trọng lớn nhất trong đầu tư BOT hiện nay. Sự phát triển của Tập đoàn Đèo Cả, trong nhận xét của nhiều người quan sát, có những nét thần kỳ, như là huyền thoại về sự phát triển của một doanh nghiệp trong bối cảnh phát triển chung. Huyền thoại đầu tiên của Tập đoàn gắn với việc hoàn thành và đưa Hầm đường bộ Đèo Cả vào khai thác. Đây cũng là đấu mốc của 5 năm vượt qua rất nhiều thách thức trên công trường và 10 năm lăn lộn, tâm huyết, biến giấc mơ thành hiện thực của CEO Hồ Minh Hoàng, Tổng Giám đốc Tập đoàn. Bây giờ, tên tuổi anh đã gắn với công trình Đèo Cả. Người ta gọi anh là “Hồ Minh Hoàng của Đèo Cả”, hay ngắn gọn là “Hoàng Đèo Cả”. Sau đó là việc Tập đoàn Đèo Cả đã vượt qua cuộc “sát hạch” lớn với sự đồng thuận của lãnh đạo 5 tỉnh miền Trung và lãnh đạo 9 bộ, ngành để trở thành chủ đầu tư dự án Hầm đường bộ Hải Vân giai đoạn 2. Tiếp đến là việc tiếp nhận như “giải cứu” để tiếp tục triển khai dự án BOT Cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn khi người đứng đầu đơn vị chủ đầu tư cũ, ngay sau đó vướng vòng lao lý, cũng là một câu chuyện mang dáng vẻ “huyền thoại”… CEO Hồ Minh Hoàng vừa nhận thêm trọng trách là Chủ tịch HĐQT và vẫn kiêm nhiệm Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả. Chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện với doanh nhân Hồ Minh Hoàng về chặng đường đã qua và những khát vọng trong chặng đường sắp đến…

Chủ tịch HĐQT/ Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả – ông Hồ Minh Hoàng

PV: – Tôi đã chứng kiến phút giây nổ mìn nối thông hai phía hầm Đèo Cả cuối tháng 7/2016. Đúng hẹn, một năm sau, 8/2017, Hầm đường bộ Đèo Cả hoàn thành toàn bộ các hạng mục, chạy thử và chính thức đưa vào khai thác vào dịp Quốc khánh 2017. Lúc đó cảm xúc của anh thế nào?

HỒ MINH HOÀNG: – Tất nhiên là tôi vô cùng hạnh phúc. Hầm đường bộ Đèo Cả như một món nợ mà tôi tự nhận với quê hương Phú Yên của mình. Biết bao nhiêu công việc đã trải qua, biết bao nhiêu nhọc nhằn đã nếm trải, tính từ khi có ý tưởng, đến khi thành hiện thực, là gần 10 năm. Anh có biết không, ban đầu khi tôi đưa ra ý tưởng về việc làm hầm đường bộ xuyên qua núi Đèo Cả, nhiều người nói thẳng với tôi: “Mày là một thằng khùng!”. Khi tôi lên tỉnh, ra Hà Nội, tìm đến khắp các nơi mà mình hy vọng được hỗ trợ, nhiều người đứng lại nghe tôi nói, chủ yếu là vì thấy kỳ kỳ. Một thằng nhà quê có ý tưởng lạ lùng quá! Cũng có lúc, chính tôi cũng thấy mình “khùng”. Thế nhưng, tôi vẫn tin là rồi mình sẽ tìm ra được cách thức làm nó. Hầm đường bộ Đèo Cả thành hiện thực đã chứng minh một điều, hãy biết ước mơ đi, rồi quyết tâm theo đuổi đến cùng, thì sẽ tìm ra cách để biến giấc mơ ấy thành hiện thực.

– Tôi nghĩ, sẽ phải có một cuốn sách về “một anh chàng nhà quê” đã biến giấc mơ thành hiện thực như thế nào qua câu chuyện Đèo Cả. Hầm đường bộ Đèo Cả là một công trình giao thông trọng điểm do người Việt tự đầu tư, tự thiết kế và thi công. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các vị lãnh đạo cao cấp và các bộ ngành và địa phương đã chia sẻ niềm tự hào này với Đèo Cả. Anh có bí quyết gì mà tập hợp được trong đội ngũ của mình nhiều chuyên gia, các cán bộ quản lý và kỹ thuật giỏi như vậy?

– Tôi cho rằng quan trọng nhất là làm sao lan tỏa được ý tưởng và quyết tâm của mình với mọi người. Tôi cũng thấy may mắn, là ngay từ đầu đã gặp được nhiều lãnh đạo, chuyên gia, nhà quản lý thế hệ đi trước. Họ đã lắng nghe và chia sẻ với tôi. Nhiều người ở độ tuổi cha anh của tôi, khi làm việc với tôi, họ trở thành những người bạn lớn của tôi. Họ thấy ở con người tôi những điều lý thú và mang đến cho tôi những chiêm nghiệm mới, những hiểu biết mới. Họ đặt lòng tin vào tôi, làm cầu nối cho tôi đi đến những nơi cần đến, gặp những người mình cần gặp. Điều này không phải khi làm Đèo Cả tôi mới như vậy, mà đã có từ khi tôi bắt đầu con đường làm doanh nhân, tiếp nhận một hợp tác xã xây dựng cỡ cấp huyện, đang bên bờ vực phá sản. Tôi càng ngày càng tự hoàn thiện mình hơn, và từ đó, tổ chức của tôi giờ đã thành một đội ngũ với mấy ngàn con người.

Hầm đường bộ Đèo Cả: Công trình tiêu biểu Quốc gia

– Anh đã trưởng thành, tổ chức và các cộng sự của anh cũng như vậy, nên sau Đèo Cả, là lại tiếp tục một hành trình mới?

– Đúng như vậy, như khi ta bắt đầu đi trên một con đường ấy. Hầm đường bộ Đèo Cả lúc bắt đầu là một cái đích rất lớn của tôi. Khi chúng tôi bắt đầu tiếp cận được cái đích đó, thì lại xuất hiện cái đích khác, hấp dẫn và quyến rũ hơn. Đối với chúng tôi bây giờ, đích đến luôn luôn ở phía trước. Anh biết rồi đấy, khi khởi công, chạy tiến độ ổn định để hoàn thành hầm Đèo Cả, chúng tôi đã triển khai và cho khởi công Hầm đường bộ đèo Cù Mông. Cũng năm vừa qua, chúng tôi đã khởi công và hoàn thành giai đoạn I Dự án Hầm đường bộ Hải Vân II. Rồi tiếp nhận, tái cấu trúc chủ đầu tư trong hoàn cảnh khá là “đặc biệt”, để triển khai Cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn…

– Anh vừa tiếp nhận chức vụ Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả trong sự tin cậy và niềm vui trao gửi của người tiền nhiệm. Năm 2018, những đầu việc nào là lớn nhất trong tầm mắt của anh?

– Năm 2018, chúng tôi sẽ tập trung sức lực để hoàn thành những mục tiêu lớn như sau: Thông hầm Cù Mông, hoàn thiện các hạng mục và đưa Hầm đường bộ Cù Mông vào sử dụng; Đẩy nhanh tiến độ, coi đây là thời đoạn bản lề để trong năm 2019 hoàn thành Cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn. Một mục tiêu quan trọng nữa, đó là chuẩn bị sẵn sàng để được tiếp nhận Dự án Cao tốc Lạng Sơn – Hữu Nghị Quan. Tại kỳ họp Quốc hội mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, Chính phủ sẽ kiên quyết chấn chỉnh những bất cập, gây ra những dư luận trái chiều trong nhân dân từ nhiều chủ đầu tư BOT giao thông và khẳng định BOT vẫn là một phương thức phù hợp nhất trong đầu tư hạ tầng giao thông vận tải hiện nay. Thủ tướng cũng đã cho ý kiến là phải sớm nghiên cứu khả thi để khởi công Cao tốc Lạng Sơn – Hữu Nghị Quan bằng nguồn vốn xã hội hóa trong nước. Chúng tôi là một nhà đầu tư đã có kinh nghiệm, có uy tín bằng những gì thực tế mình đã thực hiện, chúng tôi phải chuẩn bị sẵn sàng để được nhận triển khai Dự án này.

– Tập đoàn đã thực hiện một bước tái cấu trúc lại hệ thống, tiến hành sắp xếp lại tổ chức và bổ nhiệm nhiều vị trí nhân sự mới. Việc này là chuẩn bị cho những mục tiêu anh vừa đề cập?

– Không phải chỉ cho những mục tiêu ấy, mà còn cho cả tầm nhìn xa hơn, cho những khát vọng mới! Chúng tôi đã trải qua một chặng đường dài và hết sức quan trọng. Nhưng đã đến lúc phải nhìn lại, đánh giá lại. Phải thay đổi để tồn tại và phát triển với tầm vóc mới. Phải tạo ra những năng lượng và xung lực mới, để đoàn kết theo một tinh thần mới thì mới có thể tiếp tục phát triển ở mức cao hơn. Năm 2018 sẽ là năm chúng tôi tiếp tục tập trung xây dựng Sứ mệnh – Tầm nhìn, xây dựng Quy tắc ứng xử và Văn hóa doanh nghiệp cho toàn hệ thống. Chúng tôi sẽ hướng mạnh đến mục tiêu xây dựng Tập đoàn xứng đáng danh hiệu: “Nhà đầu tư tiên phong, lớn nhất và chuyên nghiệp nhất” với những triết lý riêng của mình.

– Vâng, xin tiếp tục trò chuyện với anh về vấn đề tái cấu trúc lại tổ chức để tăng cường năng lực nhằm chinh phục những mục tiêu mới với những triết lý riêng của mình và công cuộc xây dựng văn hóa doanh nghiệp có bản sắc, tạo dựng môi trường làm việc kích thích sự sáng tạo, tạo cho các thành viên niềm cảm hứng, chủ động, say mê cống hiến… Trong phòng làm việc của anh, tôi thấy vang lên mấy câu thơ của nhà thơ Huy Cận trong bài “Hai bờ suy tưởng”: “Sống vững chãi bốn ngàn năm sừng sững/Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa/Trong và thực, sáng hai bờ suy tưởng/Sống hiên ngang mà nhân ái, chan hoà”. Và tôi có hình dung, anh, một chàng trai họ Hồ, gốc từ Bình Định nơi phát tích của vua Quang Trung (Nguyễn Huệ – Hồ Thơm), khi cao hứng, cầm micro hát rất bốc, anh cũng hay chuyện văn thơ, có phải vì thế mà cán bộ, công nhân viên Tập đoàn Đèo Cả rất lãng mạn?

– Tôi nghĩ, cũng có một phần từ lý do ấy. Lãnh đạo nào thì phong trào ấy. Con người có hợp tính nhau, đồng thanh thì tương ứng, đồng khí thì tương cầu, mới tìm đến với nhau, cộng tác và làm việc với nhau. Trong Tập đoàn của tôi, nhiều người làm thơ lắm. Số tập san nội bộ nào in ra cũng có thơ, có nhạc. Đèo Cả, Phú Yên đã nổi tiếng từ xưa là vùng đất cách mạng và kháng chiến, nhưng cũng rất lãng mạn. Địa danh Đèo Cả còn là một tên một bài thơ đặc sắc của nhà thơ Hữu Loan thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp. Năm vừa qua, chúng tôi đã phát động Cuộc thi sáng tác bài hát về Đèo Cả, nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân làm Trưởng ban giám khảo. Rất nhiều nhạc sỹ tên tuổi đã tham gia cuộc thi này. Có nhạc sỹ như Quỳnh Hợp, viết tới gần chục ca khúc. Chúng tôi đang tổ chức Cuộc thi Tiếng hát Người Đèo Cả, tổng kết và trao giải vào ngày đón năm mới 2018. Tôi cũng vừa quyết định tài trợ cho Đêm nhạc Phú Quang tổ chức tại Lạng Sơn. Yêu văn nghệ và ca hát cũng là điểm đặc sắc của Tập đoàn chúng tôi. Năm vừa qua, Tập đoàn cũng đã tổ chức đón tiếp các Hoa hậu ASEAN đến thăm công trường, vừa động viên anh em đang thi công, vừa là để thêm hiểu biết về thực tế kiến thiết xây dựng hiện nay của đất nước. Người Đèo Cả cũng rất nhiệt tình trong các hoạt động xã hội và từ thiện, chung tay góp sức với bà con bị thiên tai, bão lũ, nhất là góp phần khắc phục hậu quả cơn bão số 12… Tất cả những cái đó là yếu tố cần chú trọng trong xây dựng văn hóa của doanh nghiệp.

– Công cuộc tái cấu trúc hệ thống của Tập đoàn bắt đầu bằng triết lý “Ba định”, tôi tạm gọi là “Tam định luận”. Anh có thể nói rõ thêm về điều này?

– Đó là “Định tâm”, “Định hướng” và “Định lượng”. Tôi đã tự tổng kết từ thực tế của tôi trong nhiều năm qua. Định tâm là yên tâm và kiên tâm. Anh muốn hướng đến thành công, thì trước hết phải yên tâm với chính công việc của mình, vị trí công tác của mình, luôn luôn xem mình đã thực sự định tâm chưa, hay còn quay nhìn đi chỗ này, chỗ khác. Thứ nữa, là khi đã lựa chọn công việc và vị trí ấy, dù có khó khăn đến thế nào thì cũng kiên định tìm cách thức mà vượt qua. Định hướng là phải xác định cho được phương hướng chính yếu các hoạt động của mình, của tổ chức mình phụ trách một cách chính xác và trung thành với định hướng đó. Định lượng là phải xác định rõ, lượng hóa rõ khối lượng mình phải đạt được trong từng thời gian nhất định để hướng tới mục tiêu. Nếu vì một lý do nào đó mà không đạt được định lượng đặt ra thì phải tư duy được phương án bổ sung để đạt cho bằng được. Tôi cho rằng, tất cả các nhân sự trong hệ thống, từ người đứng đầu cho đến các vị trí cấp thấp nhất phải quan tâm, phải thảo luận và luôn luôn xác định được cho mình ba yếu tố “định” này thì sẽ đóng góp vào cho hệ thống, tạo nên sức mạnh và biết rõ hành trình cụ thể của mình trên con đường đi đến mục tiêu đã đề ra. Chúng tôi thường có những phiếu khảo sát với những câu hỏi hàng năm để mỗi nhân sự ở từng vị trí tự đánh giá cho mình về điều này.

– Thế còn việc giải “những bài toán khó” bằng các phép tính thông thường?

– Hãy hiểu một cách đơn giản thế này. Làm bất cứ việc gì, nếu đó là công việc liên quan đến nhiều người, mang tính tổ chức, để hướng đến mục tiêu chung, thì hãy nghĩ đến bốn phép tính rất quen thuộc với tất cả chúng ta. Đó là cộng, trừ, nhân, chia. Hãy biến hóa, sáng tạo, kết hợp các phép tính này để thực hiện công việc chung. Hãy cộng lại tất cả trí tuệ, nguồn lực, kể cả tiền vốn, để làm phương tiện. Hãy nhân lên trí tưởng tượng, sự lãng mạn, mô hình và kinh nghiệm tốt để làm sức mạnh. Hãy chia sẻ niềm tự hào, niềm vui, chia sẻ thành tựu và lợi ích khi thành công để tạo dựng niềm tin. Hãy trừ đi những trở lực, những cám dỗ tham sân si đời thường, thậm chí cả “trừ gian diệt bạo”, theo nghĩa là những tiêu cực xấu kém trong tổ chức của mình, để xây đắp sự bền vững. Theo tôi, nếu một tổ chức tạo nên được bốn yếu tố cốt tử là phương tiện, sức mạnh, lòng tin và sự bền vững, thì đó là một tổ chức luôn hướng đến được thành công.

– Khởi đầu công cuộc tái cấu trúc vừa qua và tới đây nữa, sẽ có những nhân sự gắn bó nhiều năm phải rời vị trí, nhường chỗ cho những nhân sự mới, trẻ hơn, anh có nghĩ đến những tâm tư này khác không?

– Mới đây, chúng tôi đã có một buổi tiệc Gala “Tri ân Xưa và Nay”. Tất cả những gì mọi người đã làm cho Đèo Cả phát triển, sẽ mãi được ghi nhớ. Có thể có những người rời khỏi tổ chức. Tôi tin họ ra đi là mang theo những kinh nghiệm và trải nghiệm đáng quý cùng những ký ức về những ngày tháng cống hiến hết mình và thật đẹp đẽ. Chúng tôi không thể có được những thành tựu như hiện nay, nếu không làm việc một cách khoa học, sáng tạo, với sự đóng góp của rất nhiều người. Sau gần 10 năm xây dựng và trưởng thành, Tập đoàn hiện nay đã có quy mô đầu tư hơn 51.000 tỷ đồng, hơn 20 đơn vị thành viên và một đội ngũ với gần 4000 cán bộ và nhân viên. Đây là kết quả của một quá trình liên tục đổi mới và bổ sung. Chặng đường sắp đến, quá trình này sẽ tăng tốc hơn, và đó là một tất yếu. Đấy cũng chính là triết lý thay đổi để tồn tại và phát triển. Nhưng thay đổi không phải là phân ly. Thay đổi để đoàn kết hơn, để mạnh mẽ hơn, đầy sinh lực hơn.

– Vâng, tôi tin vào điều ấy! Xin chúc doanh nhân Hồ Minh Hoàng và Tập đoàn Đèo Cả phát triển mạnh mẽ và đạt được những thành công mới, xứng đáng với khát vọng của mình trong chặng đường sắp đến!

NGUYỄN THÀNH PHONG (thực hiện)