Gặp những thợ đào hầm Thung Thi

03/07/2021     162

Ban điều hành dự án nằm cách miệng hầm phía Nam khoảng 1km, đây cũng chính là nơi ăn ở của cán bộ công nhân viên đang làm việc tại gói thầu số 12 dự án cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45. Đó là một ngôi trường tiểu học cũ dưới chân núi Thung Thi thuộc địa bàn huyện Hà Trung tỉnh Thanh Hoá không còn sử dụng mà Tập đoàn Đèo Cả đã thuê và tu sửa lại.

3 ca/ngày

Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu liên danh nhà thầu gói thầu hầm Thung Thi gồm 6km đường, 1 hầm đôi dài 680m và các công trình trên tuyến. Mặc dù gặp nhiều khó khăn bởi dịch covid-19, khó khăn về nguồn và giá vật liệu tăng cao, hiện nay nhà thầu vẫn đang tổ chức 8 mũi thi công 3 ca/ngày.

Trên công trường, công nhân đang miệt mài với công việc của mình

Chúng tôi tới thăm dự án hầm Thung Thi vào một ngày hè đầu tháng 7/2021. 8 giờ sáng, đã nắng nóng trải khắp công trường. Hằng trăm kỹ sư, công nhân đã miệt mài với công việc từ bao giờ. Quần áo ướt sũng vì mồ hôi, khuôn mặt ai cũng cháy sạm vì cái khí hậu khắc nghiệt của mùa hè ở miền Trung. Nhưng “những con người công trường” là thế, họ luôn mang theo mình một sự khác biệt từ vẻ bề ngoài đến tính cách bên trong, rắn rỏi, đen sạm và kiệm lời.

Anh Đào Quang Huy làm việc ở tổ địa chất chia sẻ: “Tôi đã làm việc tại nhiều công trình, việc làm của công nhân tất nhiên là ở chỗ nào cũng có sự vất vả giống nhau, nhưng về mặt ăn ở sinh hoạt thì ở đây tốt hơn nhiều so với chỗ khác. Tôi đã gắn bó với Tập đoàn hơn 5 năm rồi, đi từ dự án hầm Cù Mông đến Hải Vân 2 rồi bây giờ làm ở hầm Thung Thi”.

Người đàn ông 57 tuổi quê gốc Hà Nội có duyên gắn bó với Đèo Cả từ những công trình mang tầm vóc quốc gia tại “khúc ruột” miền Trung. Anh Huy bảo, chinh phục được đèo Cả, đèo Cù Mông, đèo Hải Vân thì thấy gần 700 trăm mét ngọn núi Thung Thi… “đơn giản”.

Chúng tôi ghé thăm nhà công vụ, nhận thấy điều kiện sinh hoạt ở đây ngăn nắp, quy cũ. Mỗi phòng lớn khoảng 10-15 người ở. Ban quản lý dự án bố trí giường tầng, như hỗ trợ 100% chi phí ăn uống, sữa tươi, trang bị máy giặt áo quần, mạng internet, tivi, bình nóng lạnh, điều hoà nhiệt độ để mọi người đều có thể nghỉ ngơi và phục hồi thể lực sau một ca làm việc vất vả.

Vượt thử thách

Thi công công trình giao thông là một nghề đặc thù nên có một số khó khăn nhất định trước sức ép của chất lượng, tiến độ công trình.

Việc thi công khoan đất đá, đào hầm, cắm neo, dựng vòm, phun bê tông,… đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mỉ của các kỹ sư và công nhân lao động khi làm việc và sử dụng các thiết bị máy móc hiện đại.

Anh Nguyễn Tiến Thành - chỉ huy trưởng công trường cho biết: “Việc làm hằng ngày vất vả, tính chất công việc như thế rồi. Có ngày cao điểm tôi phải làm đến 10-12 tiếng cùng anh em ở công trường. Mình phải làm chỗ dựa cho anh em công nhân trong dự án”.

Thời gian gần đây, dịch bệnh covid-19 lan rộng và trở nên khó lường, vấn để đảm bảo an toàn cho 240 cán bộ nhân viên tại dự án được ban điều hành gói thầu đặt lên hàng đầu. Khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn được cấp phát hằng ngày cho công nhân. Hạn chế tối đa các công nhân di chuyển giữa các vùng. Mặc dù một số anh em kỹ sư, công nhân từ sau dịp nghỉ tết cổ truyền đến nay chưa về thăm nhà, nhưng vì sự an toàn chung của cả tập thể nên tất cả đều tình nguyện ở lại công trường. Một số trường hợp bắt buộc phải di chuyển thì khi về dự án, họ được cách ly y tế theo đúng quy định.

Công nhân đang thi công khoan đất đá tại hầm Thung Thi

Để có được những công trình lớn đóng góp của các kỹ sư và công nhân xây dựng âm thầm nhưng vô cùng to lớn. Nhiều người đã dành cả tuổi thanh xuân của mình nơi công trường, không nhiều thời gian bên gia đình.

Anh Hoàng Quang Dần - Công nhân lao động phổ thông trải lòng: “Tôi là trụ cột chính trong gia đình có 4 con. Con đầu đã đi học đại học. Mấy đứa sau đang học phổ thông ở quê nhà. Chi tiêu khá chật khi tôi vừa mới ốm dậy sau khi phải nằm viện hơn 15 ngày. Nhưng sau tất cả tôi được các lãnh đạo công ty thường xuyên động viên thăm hỏi, vì có bảo hiểm nên sau 15 ngày nằm viện vẫn được bảo hiểm chi trả đầy đủ. Tôi cảm ơn lãnh đạo Tập đoàn đã quan tâm dành những đãi ngộ cho anh em công nhân như tôi”.

“Lão tướng” Vũ Sỹ Chiến, một trong những thợ đào hầm lão luyện có mặt ngay từ ngày đầu khởi công đào Thung Thi. Ông Chiến dẫn chúng tôi vào miệng hầm chỉ lên vòm hầm giới thiệu: “Với không gian trong một gương hầm chỉ khoảng 70m2 nhưng bằng kinh nghiệm của người làm hầm đã tổ chức thi công từ các công việc: khoan nổ mìn, đào xúc bốc, thông gió, neo gia cố, bê tông hoàn thiện... tất cả các quy trình được diễn ra khoa học và không hề bị chồng lấn”. Theo ông Chiến địa chất núi ở Thanh Hoá có sự khác biệt so với địa chất các dãy núi ở Nam Trung Bộ. “Đá ở đây giòn hơn, cần sự tỉ mỹ, cẩn trọng và cách thức thi công cũng phải khác hơn”, ông Chiến nói.

Ông Chiến trạc ngoài 60 tuổi, giản dị, ít nói. Không nhiều người biết rằng ông là một “tướng trận” thực thụ với rất nhiều sáng tạo và bền bỉ trong thi công.

Ông Chiến kể: “Mình từ Đèo Cả, Cổ Mã ra Cù Mông, Cù Mông hoàn thành tiếp tục ra Hải Vân 2. Xong Hải Vân ra Thung Thi. Nghe nói Tập đoàn tiếp tục có một dự án hầm khác nữa. Đào xong Thung Thi, chúng tôi lại lên đường thôi”. Người đàn ông này đã có mặt tại những công trình quan trọng của Đèo Cả ngay từ những ngày đầu tiên.

Từng ngày, đường hầm xuyên núi lại sâu thêm, tạo ra diện mạo mới. Tổng chiều dài thi công đến nay là 200m/1260m và 6,6km phần đường, khó khăn về địa chất cũng đã được tháo gỡ bởi sự tài hoa và khéo léo của các kỹ sư và công nhân lao động. Với công trình hầm này, Đèo Cả tự tin sẽ hoàn thành đúng tiến độ vào cuối năm 2022.

Mạnh Cường - Trà My