Ngày 20/6/2023, tại TP.HCM, Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023. Tại đây, HĐQT đã trình Đại hội báo cáo kết quả hoạt động SXKD năm 2022 và kế hoạch năm 2023 với nhiều chuyển động tích cực.
Đại hội có sự tham dự của các đối tác của Tập đoàn trên nhiều lĩnh vực. Về đầu tư, thi công xây lắp có TCT Xây dựng Trường Sơn, Tập đoàn KKS, Công ty thiết bị G7, Công ty Thành Lợi, CII, Tasco, T&T, Trung Thành, Nắng Ban Mai, Trung Hải, Dacinco, TCE, Port Coast, 368, Trung Chính,… Các Trường Đại học GTVT 2, Kinh tế Quốc dân, Bách khoa TP Hồ Chí Minh.
Các đối tác nước ngoài có Tập đoàn PTL Holding (Lào), Tập đoàn Power China (Trung Quốc), Công ty Index Strategy (Nhật Bản), Cục 2 đường sắt Trung Quốc và các tổ chức tín dụng, ngân hàng, chứng khoán như Vietinbank, TPBank, VPBank, BIDV, OCB, SHB, Sacombank, VCBS, Quỹ đầu tư ARA, Kiểm toán ASSCs, PWC…
Tối ưu quản trị, tối đa lợi nhuận
Số liệu trên BCTC hợp nhất của Tập đoàn Đèo Cả ghi nhận các chỉ số tích cực. Doanh thu thuần đạt 4.184 tỷ đồng, tăng 331 tỷ đồng (+9%) so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2022, nhiều công trình trọng điểm do Đèo Cả thi công đã hoàn thành đảm bảo tiến độ và chất lượng. Tiêu biểu là cầu Tình Yêu, hầm bao biển Quảng Ninh, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, hầm Thung Thi. Các dự án khác như hầm Trường Vinh, cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo, đèo Prenn đang thi công đảm bảo tiến độ.
Toàn cảnh đại hội
Hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định cho lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2022 đạt 419 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,2% so với cùng kỳ, tương ứng với mức biên lợi nhuận 10%.
Thảo luận tại đại hội, Chủ tịch HĐQT Hồ Minh Hoàng khẳng định, Đèo Cả luôn thể hiện trách nhiệm của mình đối với cổ đông đã tin tưởng góp vốn đầu tư vào doanh nghiệp, nguồn vốn được sử dụng hiệu quả, kiểm soát chặt chẽ chi phí, tối ưu hóa lợi nhuận, minh bạch quá trình sản xuất kinh doanh.
Đối với người lao động, công ty luôn đảm bảo chế độ và phúc lợi. Đặc biệt trong thời điểm gặp khó khăn bởi đại dịch Covid -19, công ty không cắt giảm lao động, không giảm lương. Một bộ phận người lao động đã trở thành cổ đông của Đèo Cả, thu nhập ổn định từ lương, thưởng, cổ tức và tham gia sinh hoạt Đảng bộ, góp phần đưa hoạt động Đảng trong doanh nghiệp ngày càng vững mạnh.
“Chúng tôi hiểu rằng sẽ còn nhiều khó khăn thách thức phía trước. Những con số trong báo tài chính chỉ là thước đo cơ bản báo hiệu sự khả quan, thuận lợi sẽ đến với doanh nghiệp khi chúng ta chủ động đi tắt đón đầu và chủ động quản trị những rủi ro”, ông Hồ Minh Hoàng nhấn mạnh.
Chủ tịch HĐQT Hồ Minh Hoàng phát biểu tại Đại hội
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả định hướng quản trị: Duy trì vị thế nhà đầu tư hạ tầng giao thông hàng đầu Việt Nam; Đầu tư dự án có giá trị đóng góp xã hội và lợi ích tối ưu; tổng thầu thi công các dự án đầu tư công với quy mô lớn; quản lý vận hành công trình đầu tư công.
Để thực hiện chiến lược đó, cơ chế Giao - Quản được áp dụng nhằm tối ưu quản lý, tiết giảm chi phí, phát triển hệ sinh thái xoay quanh các hoạt động sản xuất kinh doanh nói trên. Các dự án do Đèo Cả triển khai đều chủ trương minh bạch hóa, thông qua hoạt động cộng đồng giám sát để kiểm soát rủi ro phòng ngừa tiêu cực và tháo gỡ vướng mắc.
Tổ chức Đảng trong doanh nghiệp cũng đã phát huy tích cực khi đồng hành cùng với hoạt động điều hành kinh tế. Các nghị quyết của Đảng bộ luôn là sự kết hợp giữa các chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội với định hướng phát triển của doanh nghiệp. Công tác phát triển tổ chức Đảng được tổ chức sâu rộng đến các xí nghiệp quản lý vận hành, ban điều hành công trường dự án.
Khởi động năm 2023 với nhiều gói thầu lớn
Tập đoàn Đèo Cả tiếp tục được Chính phủ, các bộ, ngành tin tưởng và chỉ định là tổng thầu thi công cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn có chiều dài 88km, tổng mức đầu tư 20.469 tỷ đồng. Đây là dự án có quy mô lớn nhất trong 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2. Tiếp đó, Đèo Cả đứng đầu liên danh thực hiện gói thầu XL1 đoạn Chí Thạnh - Vân Phong với giá trị hơn 4.300 tỷ đồng.
Kế hoạch doanh thu hợp nhất năm 2023 dự kiến đạt hơn 6.700 tỷ đồng, tăng 50% so với năm 2022. Với kế hoạch sản xuất kinh doanh này, Tập đoàn Đèo Cả đặt kế hoạch chi trả cổ tức tối đa 80% lợi nhuận sau thuế.
Tổng giám đốc Khương Văn Cương báo cáo kế hoạch SXKD 2023
Giai đoạn 2023 - 2025, Tập đoàn tập trung hoạt động chủ đạo là thi công xây lắp, tiếp cận và tham gia đấu thầu các dự án sân bay, đường sắt và một số đường cao tốc ở nhiều địa phương khác nhau… Tổng mức đầu tư các dự án khoảng 26.000 tỷ đồng. Trong đó, Tập đoàn dự kiến tham gia khoảng 11.500 tỷ đồng giá trị hợp đồng xây lắp triển khai từ cuối năm 2023 đến năm 2025.
Song song với việc tăng quy mô hoạt động thi công xây lắp, Đèo Cả tích cực thúc đẩy hoạt động đầu tư các dự án hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công – tư, tiếp tục xúc tiến triển khai các dự án PPP đang nghiên cứu tại Lạng Sơn, Cao Bằng, Lâm Đồng, Điện Biên, TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang…
Phó chủ tịch HĐQT Lê Quỳnh Mai trình bày nội dung định hướng, chiến lược phát triển Tập đoàn
Công tác đào tạo là hoạt động luôn được chú trọng. Dự kiến năm 2023, Tập đoàn tuyển dụng hơn 2.300 nhân sự, tổ chức lớp EMBA khóa 2 cho nhân sự cấp trung, đào tạo nâng cao tay nghề cho đội ngũ kỹ thuật dự án, thực hiện các chuyên đề nội bộ có thỉnh giảng của các chuyên gia đầu ngành, cử cán bộ đi học ở các nước phát triển nâng cao năng lực quản lý trong môi trường công nghệ số.
Chiến lược đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao và hệ thống metro tàu điện ngầm ở thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã được xác định thực thi trong giai đoan 2025-2030, đây là loại công trình hạ tầng giao thông có giá trị rất lớn, công nghệ cao và là một phần trong chiến lược của Đèo Cả. Để chuẩn bị nắm bắt cơ hội này, Đèo Cả đã hợp tác với đối tác có kinh nghiệm của nước ngoài như Sany, PowerChina,… phát triển nguồn nhân lực, chuẩn bị thiết bị hiện đại để thi công, chuẩn bị đủ năng lực tổ chức để đấu thầu. Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu các mô hình tối ưu sản xuất của các doanh nghiệp ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc để đảm bảo hiệu quả đầu tư và thi công, qua đó đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp, cổ đông.
Lam Trà