Tập đoàn Đèo Cả đã để lại những dấu ấn đặc biệt thông qua các công trình như hầm Đèo Cả, Cổ Mã, Cù Mông, Hải Vân 2, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cầu Tình Yêu, cầu Bình Minh (Quảng Ninh), hầm Thung Thi, Trường Vinh...
Sở dĩ Đèo Cả có thành tích vượt trội bởi người đứng đầu Tập đoàn coi bộ công cụ quản trị là xương sống của hệ thống, được áp dụng rộng rãi trong mọi hoạt động.
Dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả
Ra đời trong hoàn cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ, khi tất cả cán bộ nhân viên và lãnh đạo đều bị hạn chế di chuyển, công cụ quản trị Tam quản trở thành khung sườn, là công thức chung được áp dụng cho mọi hoạt động của Tập đoàn từ đó đến nay. Những kết quả đạt được, đặc biệt là thành công khi vượt qua khó khăn dịch bệnh đã khẳng định tính đúng đắn, hiệu quả của mô hình này.
Sau gần 3 năm được ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch HĐQT đúc kết và áp dụng vào thực tiễn, công cụ quản trị Tam quản đã và đang được ứng dụng trong mọi hoạt động của Tập đoàn Đèo Cả. Dễ nhận thấy nhất đối với tính ứng dụng của công cụ Tam quản là các chiến lược hành động và đánh giá kết quả thực hiện đều được xét theo 3 yếu tố: quản người, quản việc, quản lợi ích.
Quản người
Quan điểm về “quản người” của ông Hồ Minh Hoàng là Văn hoá và nhân lực là 2 thứ không thể vay mượn. Tại Đèo Cả, tuyển dụng và đào tạo phát triển nhân sự tại chỗ luôn song hành. Tập đoàn Đèo Cả thiết lập và tăng cường quan hệ hợp tác với các trường đại học, cao đẳng nhằm tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận môi trường làm việc thực tế và nếu phù hợp có thể "đầu quân" cho Đèo Cả.
Song song với việc lựa chọn tuyển dụng người tài, hoạt động đào tạo cũng được Đèo Cả đẩy mạnh, tạo cơ hội cho đội ngũ cán bộ, nhân viên nâng cao trình độ, kinh nghiệm chuyên môn, kỹ năng "thực chiến". Tiêu biểu là lớp thạc sĩ điều hành cao cấp tại trường Kinh tế quốc dân dành cho hơn 30 nhân lực chủ chốt của Đèo Cả vừa tốt nghiệp đầu năm 2023. Đồng thời, thành lập các Viện nghiên cứu - đào tạo để tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành giao thông vận tải, nghiên cứu khoa học và ứng dụng - tư vấn - chuyển giao công nghệ thực hiện các dự án.
Quy hoạch nguồn nhân lực tại Đèo Cả gắn với mô hình “đàn chim vượt bão 9 - 18 - 36 - 72 …”, luôn có thế hệ sau kế cận sẵn sàng thế hệ trước. Đây là mô hình kết hợp giữa lý thuyết hàn lâm với thực tiễn công việc. Chủ tịch HĐQT luôn coi trọng việc “trồng người” bằng tinh thần khuyến học, khuyến tài, cầu thị.
Trong đó, hoạch định nhân sự chủ chốt cấp 1 gồm 9 người thuộc Hội đồng quản trị sẽ là trụ cột triển khai các chiến lược tổng thể theo các trục công việc như nhân sự, pháp chế, tài chính, sản xuất và mua sắm thiết bị, tư vấn… và quản lý theo khu vực, dự án. Tiếp theo là cấp 2 (nhóm 18) gồm các nhân sự cấp chiến lược, ban trợ lý, ban điều hành… Cấp 3 (nhóm 36) gồm nhân sự quản trị, ban trợ lý, ban điều hành, lãnh đạo phòng, ban và cấp 4 (nhóm 72) gồm các nhân sự tương tự cấp 3 và các nhân sự được quy hoạch kế cận theo định hướng.
Bên cạnh đó, Tập đoàn Đèo Cả cũng có hệ thống giá trị văn hoá doanh nghiệp phong phú, đặc sắc, mang nhiều nét riêng mà không phải doanh nghiệp nào cũng có. Các chương trình hội nhập, lan toả văn hoá doanh nghiệp được thường xuyên tổ chức đến từng văn phòng, công trường, dự án để người lao động hiểu rõ và lĩnh hội sâu sắc các nét văn hoá tốt đẹp của Đèo Cả. Từ đó, tạo dựng khối đoàn kết toàn hệ thống, xây dựng niềm tin, sự tự hào cho mỗi thành viên trong hệ thống.
Lễ khai giảng chương trình đào tạo chuyên ngành Xây dựng Đường sắt – Metro tại HCM ngày 15/01/2024
Quản việc
Luôn vượt qua mọi khó khăn để đảm bảo chất lượng, tiến độ là quan điểm của người Đèo Cả khi triển khai bất kỳ công việc nào. Mỗi cá nhân cần nhận thức sâu sắc vai trò, trách nhiệm của mình từ suy nghĩ đến hành động, trong suốt quá trình từ xác định mục tiêu, lập kế hoạch, tổ chức thực hiện, kiểm soát và đánh giá công việc của bản thân. Đối với cán bộ quản lý của Tập đoàn thì ngoài nhiệm vụ cá nhân còn phải là người tiên phong dẫn dắt đội ngũ nhân viên do mình quản lý.
Bên cạnh đó, các cá nhân, đơn vị luôn chủ động tham mưu, báo cáo, đề xuất giải pháp tiên tiến với cấp trên, với cơ quan quản lý nhà nước nhằm đạt được mục tiêu, hiệu quả công việc.
Tập đoàn Đèo Cả tiếp quản dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn mà trước đó nhà đầu tư cũ đã triển khai nhưng bị rơi vào bế tắc 2 năm liền do năng lực quản trị yếu. Chỉ sau một thời gian ngắn, với mô hình và công cụ quản trị khác biệt, thực tiễn, Đèo Cả đã hoàn thành tuyến cao tốc 63km với chất lượng cao, được đánh giá là cao tốc đạt kỷ lục về tiến độ.
Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn
Vào tiếp nhận quản trị điều hành dự án Trung Lương - Mỹ Thuận, vượt qua muôn vàn khó khăn về vốn và địa chất yếu khi tái khởi động dự án. Thời điểm dự án chạy nước rút cũng là lúc dịch Covid-19 bùng phát dữ dội, thêm “cơn sóng kép” bão giá và khan hiếm vật liệu ập tới, khó khăn bủa vây.
Bằng nỗ lực của hàng ngàn kỹ sư, công nhân ngày đêm bám sát công trường với tinh thần 3 xuyên: xuyên đêm, xuyên Tết, xuyên dịch và những chỉ đạo đúng đắn của lãnh đạo để lèo lái dự án vượt qua bão giá, khan hiếm vật liệu, dự án đã hoàn thành đúng hẹn, đáp ứng kỳ vọng của người dân và Chính phủ.
Gần đây nhất, Đèo Cả cũng được các bộ ngành và người đứng đầu Chính phủ biểu dương bởi nỗ lực và tinh thần sáng tạo trong thi công, đặc biệt là giải pháp đào hầm cải tiến tại dự án Quảng Ngãi - Hoài Nhơn giúp thông hầm vượt tiến độ nhiều tháng. Một lần nữa lại khẳng định khả năng “quản việc” của người Đèo Cả.
Hối hả thi công tại công trường dự án Quảng Ngãi - Hoài Nhơn
Quản lợi ích
Xác định vất vả nhưng phải có kết quả. Áp dụng hệ tư tưởng và công cụ điều hành của tập đoàn trong mọi hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh từ tác nghiệp chuyên môn, quản lý, quản trị nhằm tối ưu hoá hiệu quả hoạt động thông qua tăng doanh thu, sản lượng, đồng thời tiết giảm chi phí, loại bỏ lãng phí.
Ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả kiểm tra dự án Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột ngày 27/3/2024
Quản lợi ích có mối quan hệ mật thiết với công tác kiểm soát nội bộ. Hệ thống kiểm soát nội bộ được thiết lập 3 tuyến phòng vệ gồm: Tuyến phòng thủ thứ nhất là hoạt động kiểm soát của lãnh đạo đơn vị - tiền kiểm; Tuyến phòng thủ thứ hai là quản lý chất lượng, rủi ro và kiểm soát tài chính - hậu kiểm; Tuyến phòng thủ thứ 3 là kiểm toán nội bộ - phúc kiểm.
Các công cụ kiểm soát nội bộ là hệ thống an ninh và kiểm toán nhằm nâng cao công tác quản trị điều hành, ngăn ngừa rủi ro, xử lý các sai phạm tiêu cực kịp thời để tối ưu lợi nhuận, tạo môi trường lành mạnh, nền tảng vững chắc cho hệ thống.
Đèo Cả có một sự khác biệt là tìm cách vận dụng sáng tạo lý luận và thực tiễn và từ thực tiễn sinh động của các công trình, dự án đã thực hiện để bổ sung và khái quát thành lý luận mới. Các lý luận mới này lại được đưa ngay vào thực hành, quá trình này giúp mối liên hệ giữa lý luận và thực tiễn luôn có sự gắn kết chặt chẽ, mang tính thực tế cao. Nhờ đó tạo nên năng lực quản trị chủ động, có khả năng thích ứng nhanh với các biến động khó lường và yêu cầu ngày càng cao của xã hội.
TT