Ngày 03/4/2025, Tập đoàn Đèo Cả và Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đã có buổi làm việc nhằm làm rõ định hướng hợp tác trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành xây dựng hạ tầng giao thông. Đây là bước đi quan trọng trong chiến lược kết nối đào tạo giữa hai đơn vị nhằm đảm bảo sinh viên có nền tảng kiến thức vững chắc và cơ hội tiếp cận thực tế ngay trong quá trình học tập.
Quang cảnh buổi làm việc tại trụ sở Tập đoàn Đèo Cả
Trong giai đoạn tới, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt là quy hoạch mạng lưới đường cao tốc và đường sắt đến năm 2030. Theo đó, Tập đoàn Đèo Cả xác định kế hoạch công việc theo chiến lược tăng trưởng tập trung với ba giai đoạn: dài hạn, trung hạn và ngắn hạn.
Chia sẻ về kế hoạch phát triển nhân sự đến năm 2030, ông Lê Quỳnh Mai - Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả cho biết, Đèo Cả sẽ tập trung xây dựng đội ngũ nhân sự có trình độ, đồng thời mở rộng hợp tác với các cơ sở đào tạo uy tín như Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM để tạo ra nguồn nhân lực vừa có nền tảng lý thuyết vững chắc, vừa có kinh nghiệm thực tiễn từ những dự án lớn. Trong đó, việc xây dựng đề cương môn học tích hợp giữa lý thuyết và thực tiễn được coi là nhiệm vụ then chốt.
Ông Lê Quỳnh Mai nhận định, thực tế thời gian qua, tỷ lệ doanh nghiệp phải đào tạo lại khi tuyển dụng nhân sự còn cao, do đó, việc hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp nhằm đào tạo thực tiễn ngay từ đầu, lồng ghép cả chuyên môn và văn hóa trong quá trình học tập là cần thiết, giúp sinh viên khi gia nhập Tập đoàn có thể bắt nhịp nhanh, giảm thời gian thích nghi và đào tạo bổ sung.
Phó Chủ tịch HĐQT Lê Quỳnh Mai phát biểu tại cuộc họp
Theo đó, chương trình đào tạo sẽ lấy dự án giao thông quan trọng sắp triển khai làm mô hình nghiên cứu thực tế, giúp sinh viên có cái nhìn toàn diện từ giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi, lập kế hoạch, thi công đến vận hành và bảo trì. “Điều này không chỉ giúp sinh viên nắm bắt kiến thức một cách trực quan mà còn nâng cao khả năng ứng dụng vào thực tế ngay sau khi ra trường”, ông Lê Quỳnh Mai nói.
Bên cạnh đó, Đèo Cả sẽ tiếp tục phối hợp với nhà trường trong các chương trình kiến tập, thực tập thực tế tại các dự án của Tập đoàn. Đây là cơ hội để sinh viên được trực tiếp làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, tiếp xúc với công nghệ và quy trình thi công hiện đại. Tập đoàn sẽ cử các lãnh đạo là những nhân sự vững chuyên môn, giàu kinh nghiệm tham gia giảng dạy những học phần chuyên sâu, nhằm mang đến những góc nhìn thực tiễn từ các công trình hạ tầng giao thông quy mô lớn trên cả nước.
PGS.TS. Châu Đình Thành - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cho biết, sự hợp tác giữa Nhà trường và Tập đoàn Đèo Cả đã bắt đầu từ cách đây 5 năm, nhiều sinh viên của Trường đã có cơ hội thực tập tại các dự án do Đèo Cả triển khai, qua đó tích lũy kinh nghiệm thực tiễn quý báu ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
“Quan điểm của Nhà trường là hoàn toàn ủng hộ các chương trình đào tạo có sự tham gia của doanh nghiệp, bởi đây là hướng đi thiết thực giúp thu hẹp khoảng cách giữa lý thuyết và thực tế. Nhà trường cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn Đèo Cả để xây dựng các chương trình đào tạo vừa đảm bảo tiêu chuẩn học thuật, vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn của doanh nghiệp”, PGS.TS. Châu Đình Thành chia sẻ.
PGS.TS. Châu Đình Thành bày tỏ mong muốn sớm hiện thực hoá hợp tác giữa hai bên
PGS.TS. Châu Đình Thành nhấn mạnh rằng, Nhà trường rất mong muốn có một chương trình hợp tác cụ thể, tạo điều kiện để sinh viên được tham gia trực tiếp vào các dự án lớn của Đèo Cả nhằm nâng cao năng lực chuyên môn và rèn luyện kỹ năng thực tiễn, chuẩn bị hành trang vững chắc cho sự nghiệp sau này. Đồng thời, Trường cũng sẵn sàng điều chỉnh linh hoạt phương án đào tạo để mang lại hiệu quả hợp tác cao nhất.
Trong cuộc họp, các phòng ban chuyên môn của Tập đoàn Đèo Cả và đại diện các khoa của trường đã có những trao đổi trực tiếp, làm rõ những nhu cầu và yêu cầu chuyên môn từ mỗi bên, đồng thời tìm ra giải pháp để tối ưu hóa chương trình đào tạo, đảm bảo vừa đáp ứng tiêu chuẩn học thuật, vừa phù hợp với yêu cầu thực tế của các dự án.
PGS.TS. Lê Mỹ Hà, Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Điện - Điện tử của Nhà trường, nhấn mạnh rằng sự hợp tác giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo cần một “cái bắt tay thật chặt” để đảm bảo hiệu quả thực sự. Theo thầy, trước tiên cần làm rõ bức tranh nhu cầu của doanh nghiệp, lượng hóa cụ thể bằng các con số thống kê. Từ đó hoạch định chiến lược đào tạo ngắn và dài hạn, xây dựng chương trình đào tạo sát với thực tế với những cơ hội nghề nghiệp rõ ràng cho sinh viên. Chỉ khi đó, mối quan hệ hợp tác mới thực sự bền vững và mang lại giá trị lâu dài.
Thầy Lê Mỹ Hà nhận định việc hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp là một xu thế tất yếu
Đồng quan điểm với thầy Hà, ông Khương Văn Cương - Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả khẳng định “Nhà trường có thế mạnh về lý thuyết, còn doanh nghiệp lại có môi trường thực tiễn phong phú, là thao trường để sinh viên có thể áp dụng những gì đã học vào công việc thực tế. Sự kết hợp này sẽ giúp tạo ra đội ngũ nhân sự vừa có nền tảng vững chắc, vừa có kinh nghiệm thực tiễn, sẵn sàng đóng góp vào sự phát triển của các dự án lớn mà Đèo Cả đang triển khai”, và yêu cầu Ban Nhân sự gửi cụ thể số lượng nhân sự cần thiết để nhà trường có thể lên kế hoạch đào tạo phù hợp.
Để sớm hiện thực hóa các nội dung hợp tác, ông Lê Quỳnh Mai đề nghị cả hai bên cần nhanh chóng hoàn thiện các phương án triển khai chi tiết, bao gồm việc xác định các mô-đun đào tạo, lên kế hoạch chi tiết về lộ trình thực hiện và thời gian triển khai, cũng như xác định nhu cầu đào tạo và điều kiện tham gia các khóa học…
Hợp tác giữa Tập đoàn Đèo Cả và Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM hứa hẹn sẽ mang lại nhiều giá trị thiết thực cho cả đôi bên. Đây không chỉ là cơ hội giúp sinh viên tiếp cận môi trường làm việc thực tế ngay từ khi còn trên ghế nhà trường mà còn là bước đi chiến lược giúp Tập đoàn Đèo Cả xây dựng lực lượng nhân sự chất lượng cao, phục vụ các dự án hạ tầng giao thông trong tương lai.
TT