Kỹ sư Đỗ Văn Linh và niềm vui góp phần làm nên kỳ tích Cù Mông

13/01/2019     230

Khi nghĩ về việc chỉ ít ngày nữa thôi, hầm Cù Mông sẽ chính thức thông xe, đi vào sử dụng, kỹ sư Đỗ Văn Linh - Phó Giám đốc Ban điều hành Dự án Hầm Cù Mông chia sẻ: “Đó là niềm vui của tất cả mọi người đã cống hiến hết mình cho Dự án, góp phần mang lại hạnh phúc cho mọi người. Khi làm tại dự án hầm Cù Mông, hàng ngày chứng kiến cảnh tai nạn thương tâm xảy ra trên đèo, những lúc đó bản thân chỉ mong dự án sớm hoàn thành ngày nào sẽ bớt những tai nạn ngày đó. Bây giờ hầm chuẩn bị đưa vào sử dụng, những mong muốn cuối cùng cũng thành hiện thực”.

Kỹ sư Đỗ Văn Linh và niềm vui góp phần làm nên kỳ tích Cù Mông

Anh Đỗ Văn Linh là một trong số những kỹ sư đã trực tiếp tham gia hai dự án lớn: Dự án hầm Đèo Cả và Dự án hầm Cù Mông. Anh gắn bó với dự án hầm Đèo Cả trong ba năm (2013-2016) từ khi dự án bắt đầu triển khai cho tới khi hoàn thành với vai trò trưởng phòng Tư vấn giám sát (thuộc đơn vị A2Z nằm trong liên doanh tư vấn Nippon koei- Apave- A2Z). Sau khi hoàn thành dự án Hầm Đèo Cả, không chút do dự, anh xung phong tham gia thi công hầm Cù Mông.

Nhớ lại những ngày đầu triển khai dự án hầm Cù Mông, anh Linh nói, thiếu thốn nhiều thứ. Nước sinh hoạt không có, tranh thủ sau giờ làm, anh em cùng nhau vác từng đoạn ống lên đỉnh Cù Mông để dẫn nước về. Anh nhấn mạnh, khó khăn không chỉ đến từ điều kiện vật chất mà còn từ tinh thần của cán bộ nhân viên. Không ít người có suy nghĩ tiêu cực, cho rằng sẽ không thể làm được hầm nếu không sử dụng nhân lực nước ngoài trong thi công, khiến đôi lúc anh em cũng có dấu hiệu nản chí. Nhưng bằng những lời động viên, quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Ban lãnh đạo Tập đoàn, cán bộ nhân viên trực tiếp thi công hầm Cù Mông đã vượt qua khó khăn với khát vọng lớn lao rằng Người Việt đủ tầm vóc làm chủ công nghệ đào hầm NATM.

Thi công hầm theo công nghệ NATM - công nghệ hiện không mới trên thế giới nhưng đối với Việt Nam thì chỉ có một số nhà thầu lớn như Sông Đà, Vinavico, Lũng Lô... mới dám thử sức. Anh Linh chia sẻ: “Không thể phủ nhận những kinh nghiệm có được từ những nhà thầu lớn, từ những người bạn quốc tế trong quá trình thi công hầm Đèo Cả đã được áp dụng rất nhiều trong quá trình thi công hầm Cù Mông. Tuy nhiên sự chủ động, sáng tạo trong công tác quản lý, thi công cũng là một trong những yếu tố quyết định tạo nên thành công hôm nay”.

Bản thân anh Linh là người tham mưu, tham mưu cho Ban lãnh đạo Tập đoàn về tuyển dụng nhân sự có chất lượng chuyên môn cao từ các đơn vị đã có nhiều kinh nghiệm làm hầm. Song song đó là đào tạo thế hệ trẻ với mô hình vừa học vừa làm. Người có kinh nghiệm vừa làm vừa kèm cặp cho những người mới, người trẻ... cũng như tổ chức bộ máy hoạt động từ lúc bắt đầu triển khai đến khi kết thúc với mô hình như các dự án của người nước ngoài.

Bên cạnh phát huy, huy động nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công việc, anh đã mạnh dạn đề xuất Ban điều hành cho triển khai áp dụng những ứng dụng công nghệ mới, mang lại hiệu quả cao trong công việc như: sử dụng hệ thống phun tạo sương dập bụi, sử dụng hệ thống máy kiểm tra nồng độ cồn trong công tác kiểm soát nhân sự... Sáng kiến chế bộ điện thoại nội bộ kết nối trong và ngoài hầm, góp phần trao đổi thông tin trong và ngoài hầm được nhanh, kịp thời và cũng giảm chi phí trong điều hành.

Kỹ sư Đỗ Văn Linh trong chuyến kiểm tra tiến độ thi công của Chủ tịch HĐQT Hồ Minh Hoàng

Trong quá trình thi công hầm Cù Mông, anh Linh không bao giờ quên “kỳ tích” của người làm hầm khi đào gia cố 100m hầm đầu tiên, với điều kiện địa chất phức tạp khó khăn cùng với nhân lực và máy móc còn ít (chỉ bằng số lượng ¼ nhà thầu ở dự án hầm Đèo Cả) vậy mà chỉ trong 3 tháng đã hoàn thành xong. Anh nhấn mạnh thêm, với khối lượng công việc như vậy, ngay cả với một nhà thầu chuyên nghiệp về lĩnh vực này phải mất 5 tháng. Điều này cũng là một trong những yếu tố giúp dự án hầm Cù Mông cán đích trước gần 3 tháng so với mốc 31/3/2019 do Bộ GTVT phê duyệt.

Qua những câu chuyện anh kể, chúng tôi biết thêm phần nào về cuộc sống riêng của anh. Sáu năm gắn bó với Tập đoàn Đèo Cả, có tới bốn năm anh Linh ăn Tết tại công trường. Gia đình anh luôn ủng hộ, chia sẻ và làm hậu phương vững chắc cho anh yên tâm công tác, cống hiến cho công việc. Cũng có những phút giây anh nhớ nhà, muốn về ăn Tết cùng gia đình nhưng với anh Linh - người trực tiếp góp công vào thành quả của hai dự án lớn: Hầm Đèo Cả và Hầm Cù Mông, anh sẵn sàng nhường lại lại niềm vui bên gia đình cho những người công nhân đang thi công vì với họ đó là khoảng thời gian để bù lại những tháng ngày mệt nhọc cùng công trình.

Nhìn ống hầm chuẩn bị đưa vào vận hành, nối gần 2 đầu Phú Yên, Bình Định anh Linh không dấu được niềm vui. Với anh, thành công này chính là thêm một kỳ tích của Tập đoàn Đèo Cả. Và, anh Linh tự hào khi là một thành viên trong đó.

H.Trang