Đèo Cả tiếp tục phát triển nguồn nhân lực cho ngành đường sắt

26/11/2024     1067

Ngày 25/11/2024, Tập đoàn Đèo Cả phối hợp Trường Đại học Giao thông Vận tải TP.HCM (UTH) tổ chức Lễ khai giảng Chương trình đào tạo Đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị.

Đây là khoá tiếp theo của Chương trình đào tạo văn bằng 2 ngành Đường sắt tốc độ cao và Đường sắt đô thị, do Tập đoàn Đèo Cả đặt hàng UTH đào tạo cho các học viên là nhân sự thuộc các đơn vị trong hệ thống Tập đoàn Đèo Cả và các đối tác.

Lễ khai giảng khoá 2 chương trình đào tạo chuyên ngành đường sắt - metro

Khoá 2 chương trình đào tạo Đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị có 130 học viên là các nhân sự được chọn lọc từ các phòng ban của Tập đoàn Đèo Cả và các công ty thành viên cùng Công ty 568, Ban QLDA 7, Ban QLDA Mỹ Thuận. Khoá học chia thành 3 lớp thuộc 2 chuyên ngành là Xây dựng đường sắt và Kỹ thuật điều khiển tự động và thông tin tín hiệu đường sắt.

Phát biểu tại Lễ khai giảng, PGS.TS. Nguyễn Anh Tuấn – Phó Hiệu trưởng UTH cho biết, nhà trường đánh giá rất cao sự nỗ lực của Tập đoàn Đèo Cả trong việc đào tạo nguồn nhân lực thực chiến. Việc này không chỉ thể hiện tầm nhìn, sự quyết liệt của lãnh đạo Tập đoàn mà còn thể hiện văn hoá, xây dựng giá trị của những người Đèo Cả trong việc thực hiện sứ mệnh của Tập đoàn, đóng góp vào các dự án hạ tầng giao thông quan trọng của đất nước, đặc biệt là dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam và các dự án đường sắt đô thị.

PGS.TS. Nguyễn Anh Tuấn phát biểu tại lễ khai giảng

Theo PGS.TS. Nguyễn Anh Tuấn, nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam cho thấy chỉ còn hơn 2 năm nữa dự án sẽ bắt đầu triển khai. Do đó, việc chuẩn bị các điều kiện về công nghệ, con người, cơ sở vật chất là rất gấp. Tuy nhiên, Tập đoàn Đèo Cả đã có những bước tiên phong đón đầu xu thế, từ việc triển khai khoá 1 vào đầu năm cho 40 học viên là cán bộ, nhân viên Tập đoàn Đèo Cả và các đối tác. Đến nay, khoá 1 đã cơ bản hoàn thành phần lý thuyết.

“Chỉ hơn một năm nữa, khoá đào tạo đầu tiên sẽ “ra lò”, kịp thời bắt tay vào tiếp cận và là nguồn lực thực hiện các giai đoạn báo cáo tiền khả thi, khả thi cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam và các dự án đường sắt đô thị tại TP.HCM và Hà Nội”, PGS. TS. Nguyễn Anh Tuấn cho biết.

Ông Nguyễn Minh Giang - Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả cho biết, Đèo Cả xác định tri thức là yếu tố cốt lõi để tạo ra giá trị và phát triển bền vững. Ở Đèo Cả việc học tập được thực hiện một cách phù hợp ở mọi cấp nhân sự như: Đào tạo tay nghề và nghiệp vụ đối với công nhân và kỹ sư; đào tạo thạc sĩ đối với cấp quản lý, nghiên cứu sinh đối với cấp chiến lược.

Ông Nguyễn Minh Giang phát biểu tại lễ khai giảng

Để thực hiện mục tiêu tham gia các dự án đường sắt, Đèo Cả đã hợp tác với các trường đại học để tuyển sinh đào tạo nhân lực chất lượng cao với mô hình hợp tác gồm đặt hàng tại nguồn và đào tạo tại chỗ, đẩy mạnh đào tạo đội ngũ công nhân, kỹ sư, nhà quản lý.

Đèo Cả cũng tổ chức các chương trình công tác nước ngoài, nghiên cứu thực tiễn quá trình đào tạo ngành đường sắt – metro, tích cực thúc đẩy hợp tác với các đối tác quốc tế có kinh nghiệm về đường sắt tốc độ cao như Nhật Bản, Trung Quốc… để chuyển giao công nghệ và các giải pháp kỹ thuật tiên tiến, đồng thời nghiên cứu để “bản địa hóa” công nghệ và thiết bị sao cho phù hợp với điều kiện, nhu cầu của thị trường Việt Nam.

“Trong những năm qua, với vai trò là doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, chúng tôi không ngừng đặt câu hỏi: Làm thế nào để không chỉ xây dựng những công trình tầm vóc cho đất nước mà còn đào tạo nên những con người tầm vóc - những kỹ sư, chuyên gia có năng lực làm chủ công nghệ, đảm nhiệm các vai trò dẫn dắt ngành trong tương lai? Câu trả lời rõ ràng là chúng ta phải đặt trọng tâm vào đào tạo và hợp tác sâu rộng giữa doanh nghiệp, nhà trường và các tổ chức quốc tế”, ông Giang khẳng định.

Phó Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả cho biết, các học viên khoá 1 và khoá 2 chính là những người tiên phong, trực tiếp tham gia xây dựng, vận hành các dự án đường sắt – metro, công trình mang tính biểu tượng của sự phát triển bền vững, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân, đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Do đó, học viên cần nghiêm túc học tập, lĩnh hội tối đa kiến thức để hoàn thiện các kỹ năng cần có, đáp ứng được nhu cầu công việc thực tế, sẵn sàng chinh phục dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam trong tương lai.

Lấy bài học thực tiễn từ các nước trên thế giới đã triển khai xây dựng thành công hệ thống đường sắt tốc độ cao, ông Lê Quốc Dũng - Quyền Giám đốc Ban QLDA 7 - Bộ GTVT khẳng định, việc Việt Nam đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam và đường sắt đô thị là một tất yếu khách quan.

“Phải nói rằng, để làm được đường sắt tốc độ cao không hề đơn giản. Đơn cử tại Trung Quốc, họ mất 30 năm để có 672km đường sắt cao tốc đầu tiên, nhưng đến năm 2022 họ đã có 42.000 km đường sắt cao tốc và dự kiến đến năm 2025 đạt mốc 50.000km, năm 2035 đạt mốc 200.000km. Vì sao họ làm được như vậy? Đầu tiên vẫn là yếu tố nguồn nhân lực”, ông Lê Quốc Dũng nói.

Đại diện Ban QLDA 7 bày tỏ tin tưởng về hiệu quả của chương trình đào tạo

Ông Dũng đánh giá cao sự nhanh nhạy của Đèo Cả trong việc nhận diện nhu cầu nguồn nhân lực trong ngành đường sắt, cũng như tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đi đầu của Tập đoàn Đèo Cả trong việc tiên phong thực hiện đào tạo chương trình này. Ông Dũng cũng bày tỏ tin tưởng với chuyên môn đào tạo của nhà trường và tâm huyết cũng như kinh nghiệm thực tiễn của Tập đoàn Đèo Cả, sự hợp tác giữa hai đơn vị sẽ thành công và hiệu quả.

Đại diện cho hơn 130 học viên khoá 2, học viên Hồ Hữu Tân – Kỹ sư QC đang làm việc tại dự án Vành đai 3 TP.HCM phát biểu bày tỏ quyết tâm trong học tập và nghiên cứu.

“Chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng, mỗi kiến thức chúng tôi được lĩnh hội ngày hôm nay không chỉ mang lại giá trị thực cho cá nhân, mà còn là hành trang cho khởi đầu mới vì đích đến của chúng tôi là chân trời phía trước. Chúng tôi cam kết sẽ nỗ lực hết mình trong học tập để tiếp thu tối đa những kiến thức, kỹ năng cần thiết về chuyên ngành”, ông Tân phát biểu.

Việc đào tạo phát triển nguồn nhân lực đường sắt - metro là một trong những nhiệm vụ chính mà Chính phủ đã ban hành trong Nghị quyết 178/NQ-CP nhằm hoàn thiện hệ thống giao thông đường sắt – metro Việt Nam.

Quan điểm không tạo “sân chơi” cho riêng mình, Tập đoàn Đèo Cả đã tài trợ, hỗ trợ cho các Ban QLDA của Bộ GTVT, các đối tác hiện tại, tiềm năng… để cùng Đèo Cả tham gia vào các chương trình đào tạo nhằm nâng cao kiến thức, tăng cường năng lực để phối hợp tốt hơn trong quá trình triển khai các dự án.

Tin bài: Lam Trà - Ảnh: Tô Hùng