Khánh thành khuôn viên và trồng cây tại nhà thờ họ Hồ đại tộc

14/02/2019     573

Ngày 14.2.2019, diễn ra lễ khánh thành công trình mở rộng khuôn viên và trồng cây lại Nhà thờ họ Hồ đại tộc ở xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.

Nghi thức yết cáo tiên tổ

Đây là di tích lịch sử Quốc gia, là nơi hội tụ của con cháu họ Hồ cả nước. Cũng trong dịp này, Ban cán sự họ Hồ đại tộc Quỳnh Đôi phối hợp cùng Tập đoàn Đèo Cả tổ chức chương trình giao lưu truyền thống họ Hồ với chủ đề: Hướng về cội nguồn. Đây là nét đẹp văn hóa truyền thống uống nước nhớ nguồn của tộc họ Hồ từ xưa đến nay.

Lễ cắt băng khánh thành khuôn viên nhà nhà họ Hồ đại tộc

Tiếp nối công lao đóng góp của người đi trước, bằng tấm lòng tri ân tiên tổ của mình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả Hồ Minh Hoàng đã cung tiến kinh phí xây dựng mở rộng khuôn viên Nhà thờ và trồng cây xanh.

Nhà thờ họ Hồ đại tộc, một trong 8 di tích lịch sử quốc gia tính riêng mảnh đất này, tọa lạc ở phía Nam làng. Đây là một trong 3 dòng họ có công khai cơ, dựng xây nên ngôi làng giàu truyền thống lịch sử văn hóa.

Chủ tịch HĐQT Hồ Minh Hoàng trồng cây lưu niệm trong khuôn viên họ Hồ đại tộc

Khởi sự vào đầu thế kỷ XIV, ông Hồ Kha một quan chức thời Trần khi về xem phong cảnh vùng này có phong thủy “Địa linh, nhân kiệt”. Năm 1378, ông Hồ Kha giao cho con trai trưởng Hồ Hồng cùng các ông Nguyễn Thạc và Hoàng Khánh trở lại khai cơ lập làng với tên gọi ban đầu “Thổ Đôi”.

Đến năm 1528, ông Hồ Nhân Hy, Thổ Đôi thành Quỳnh Đôi thôn, tức xã Quỳnh Đôi ngày nay.

Ông Hồ Nghĩa Dũng, nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT, Chủ tịch HĐCV cấp cao tập đoàn Đèo Cả trồng cây lưu niệm

Từ xa xưa, Quỳnh Đôi nổi tiếng là đất học, đất khoa bảng với câu ca: “Bắc Hà - Hành Thiện; Hoan Diễn - Quỳnh Đôi”, “Nam Hành Thiện, Nghệ Quỳnh Đôi” hay “Làng Quỳnh lắm kẻ đăng khoa/ Ông Nghè, ông Cử như hoa vườn Quỳnh”. Nhà văn hóa Hoàng Xuân Hãn viết lời tựa cuốn sách Đại Nam quốc sử diễn ca đề cập: “Làng Quỳnh là làng văn học bậc nhất trong nước từ thời Lê Trung Hưng trở về sau”.

640 năm, họ Hồ đại tộc sản sinh nhiều danh nhân lưu danh sử sách góp phần tô điểm thêm những trang sử vẻ vang của quê hương. Đó là Hồ Thơm (Nguyễn Huệ - Hoàng đế Quang Trung 1753 - 1792), Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương (1772 - 1822); Tam giáp tiến sĩ Hồ Sĩ Dương (1622 - 1681, làm quan bốn triều vua Lê), Nhị giáp tiến sĩ Hồ Phi Tích (1665 - 1734, làm quan đến chức Binh bộ Thượng thư), Tham tụng (Tể tướng) Hồ Sĩ Đống (1738 - 1785), Phó bảng Hồ Bá Ôn (1842 - 1883) có cháu nội là nhà cách mạng Hồ Tùng Mậu và rất nhiều nhân vật nổi tiếng khác trong thời đại Hồ Chí Minh.

Khuôn viên nhà thờ họ Hồ đại tộc

Khuôn viên nhà thờ họ Hồ có hai bức tượng của vua Quang Trung – Nguyễn Huệ và nữ sĩ Hồ Xuân Hương - 2 nhân vật xuất chúng đều cùng đời thứ 12 dòng họ “danh gia vọng tộc” này, ngày ngày được con cháu chăm sóc, hương khói chu đáo.

Đã thành thông lệ, cứ vào ngày 11-12 tháng Giêng âm lịch hàng năm, con cháu dòng họ Hồ đại tộc khắp mọi miền đất nước lại tề tựu đông đủ tại nhà thờ để dự lễ tế tổ. Lễ tế tổ được tổ chức trang nghiêm, tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ Tổ tiên. Không chỉ là ngày lễ tế tổ, đây còn là dịp để tôn vinh các cá nhân đã có những đóng góp, làm rạng danh dòng họ.

Mùa xuân trở thành dịp tri ân đầy ý nghĩa.

H.Phương