Không chi là đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực hạ tầng giao thông với nhiều công trình trọng điểm trải dài từ Bắc vào Nam, Tập đoàn Đèo Cả còn được biết đến là doanh nghiệp có hướng đi tiên phong và mang nhiều khác biệt trong chiến lược phát triển con người, minh chứng bằng những hoạt động cụ thể trong đào tạo, hoạch định nguồn nhân lực tương lai.
Lễ khai giảng chương trình đào tạo xây dựng đường sắt, metro
Hợp tác đào tạo phải gắn liền thực tiễn
Ngày 22/5/2024 vừa qua, Tập đoàn Đèo Cả đã có buổi làm việc xúc tiến hợp tác với Trường đại học Công nghệ cầu đường Paris (Ècole des Ponts ParisTech) - trường đại học uy tín hàng đầu trong lĩnh vực khoa học - kỹ thuật trên thế giới. Mục tiêu hợp tác hướng đến tìm hiểu, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động đào tạo kỹ sư thực hành, “nhập khẩu” chương trình đào tạo các ngành xây dựng cầu đường, quản lý dự án, đặc biệt trong lĩnh vực đường sắt từ nhà trường về Việt Nam làm cơ sở để Viện Nghiên cứu – đào tạo Đèo Cả phục vụ công tác nghiên cứu, đào tạo nhân lực trong giai đoạn tới.
Tập đoàn Đèo Cả làm việc xúc tiến hợp tác với Trường đại học Công nghệ cầu đường Paris (Ècole des Ponts ParisTech)
Trước đó, để đáp ứng nhu cầu ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) theo xu thế phát triển hiện nay, Tập đoàn Đèo Cả vừa xúc tiến hợp tác với Trường ĐH California Irvine - một trong các trường đại học hàng đầu tại Mỹ để định hướng tuyển sinh du học sinh là người Việt Nam đang tham gia các chương trình đào tạo, ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực hạ tầng giao thông tại nhà trường. Thông qua các chương trình tài trợ học bổng, tổ chức thực tập, trải nghiệm môi trường làm việc thực tế tại Tập đoàn Đèo Cả để chiêu mộ nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp.
TS. Nguyễn Đình Phú – Giáo sư Trường ĐH California Irvine, Chủ tịch Hội Doanh nhân người Việt tại Mỹ đánh giá cao hướng đi, sự quyết liệt, tâm huyết và tiềm lực tài chính để đầu tư cho các thế hệ nhân sự của Tập đoàn Đèo Cả. Ông tin tưởng hợp tác này sẽ khả thi và thành công, góp phần cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp Việt đã có nền tảng nguồn lực mạnh như Đèo Cả.
Các lớp đào tạo nội bộ cho CBCNV Tập đoàn Đèo Cả được tổ chức thường xuyên, bài bản
Những năm qua, nhiều hợp tác đào tạo giữa Tập đoàn Đèo Cả với các đơn vị đào tạo trong và ngoài nước đã được thiết lập. Điểm đặc biệt khi hợp tác đào tạo theo phong cách của Đèo Cả đó là sự kết hợp chặt chẽ giữa kiến thức hàn lâm với thực tiễn công việc, để tri thức mới tiếp cận ngay lập tức được vận dụng giải quyết những công việc cụ thể thực tế tại Tập đoàn.
Đánh giá cao cách thức đào tạo này, PGS. TS. Nguyễn Anh Tuấn – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh khẳng định, Đèo Cả tiên phong đào tạo nhân lực bám sát thực tế thực hiện các dự án khó, phức tạp. Người lao động có tốt, khả năng “thực chiến” cao mới là nền tảng để thực hiện thành công các dự án.
"Phương pháp đào tạo của Đèo Cả là cơ sở kiểm chứng cho các kiến thức, chuyên đề, đề tài nghiên cứu để cơ sở đào tạo không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, cung cấp nhân lực chất lượng cho ngành giao thông vận tải trong tương lai" PGS. TS. Nguyễn Anh Tuấn Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh |
Giai đoạn 2020 đến 2022, doanh nghiệp đã hợp tác với Trường đại học Kinh tế quốc dân để đào tạo đội ngũ cán bộ chủ chốt của Tập đoàn thông qua chương trình đào tạo Thạc sĩ Quản trị Điều hành cao cấp, tiếp tục đầu tư nghiên cứu sinh các chuyên đề quản trị chuyên biệt.
Khoá đào tạo Thạc sĩ Quản trị điều hành (MBA) tại Trường ĐH Kinh tế quốc dân đầu tiên cho hơn 30 cán bộ chủ chốt Tập đoàn đã hoàn thành năm 2022
GS. TS. Trần Thọ Đạt – Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho rằng Đèo Cả rất chủ động, yêu cầu cao về chất lượng đào tạo. Chương trình đào tạo được doanh nghiệp tham gia xây dựng, đóng góp, cải tiến đổi mới theo từng chuyên đề. Mục tiêu cụ thể vừa phải giải quyết được những vấn đề trước mắt, vừa có tầm nhìn đối với những vấn đề dài hạn của doanh nghiệp. Từ quản trị chiến lược, quản lý dự án, quản trị tài chính doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ… đều được tổ chức đào tạo và cho áp dụng và các hoạt động cụ thể của Tập đoàn.
GS. TS. Trần Thọ Đạt – Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế quốc dân đánh giá cao cách thức hợp tác đào tạo nhân lực của Tập đoàn Đèo Cả
Bởi học tập nâng cao trình độ được coi là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục song hành sản xuất kinh doanh, cuối năm 2023, Tập đoàn Đèo Cả đặt ra yêu cầu các phó chủ tịch HĐQT phải hoàn thành chương trình đào tạo tiến sĩ, các lãnh đạo Ban Điều hành, Văn phòng HĐQT phải đạt học vị thạc sĩ trong 4 – 6 năm tới.
Theo TS. Hồ Chí Dũng - Giám đốc Ban đào tạo Tập đoàn Đèo Cả, đây cũng là một trong những thước đo để đánh giá năng lực và nâng cao khả năng giải quyết các vấn đề thực tế của đội ngũ cán bộ chủ chốt Tập đoàn. Xác định phương châm "nghĩ thật, nói thật, làm thật, có hiệu quả thật, tạo ra giá trị thật" là kim chỉ nam cho mọi hoạt động, bao gồm đào tạo và phát triển nhân lực tại Tập đoàn Đèo Cả.
“Qua mỗi dự án và những sáng kiến của mình, chúng tôi chủ động truyền đạt kinh nghiệm thực tiễn, không chỉ trong nội bộ Tập đoàn mà còn với các đối tác, đồng thời, mở rộng hợp tác với các tổ chức đào tạo uy tín để tổ chức các khóa học chuyên sâu, đáp ứng nhu cầu thực tiễn và chiến lược phát triển bền vững của tổ chức”, TS. Hồ Chí Dũng cho biết.
TS. Hồ Chí Dũng - Giám đốc Ban đào tạo Tập đoàn Đèo Cả
Nói không với vay mượn nhân lực
Hiếm có doanh nghiệp lớn nào mà những vị trí quan trọng ở cấp điều hành, hay thậm chí cấp chiến lược, có nhiều người trong số đó đi lên từ vai trò thư ký, trợ lý như ở Đèo Cả. Thư ký của Chủ tịch HĐQT Tập đoàn là vị trí “thường trực” được đào tạo trực tiếp bởi chính người đứng đầu trước khi làm lãnh đạo. Ngoài nghiệp vụ chuyên môn, họ được bồi dưỡng kỹ năng lập kế hoạch, tổng hợp, kết nối và tương tác trong mọi chuyển động của hệ thống. Qua quá trình đào tạo, rèn luyện các thư ký để lựa chọn những cá nhân đáp ứng yêu cầu đưa lên vị trí trợ lý, tiếp tục được điều động làm việc tại hiện trường các dự án, rèn giũa kỹ năng quản lý trước khi tham gia điều hành doanh nghiệp.
Trung tâm huấn luyện, thực hành Đèo Cả
Là doanh nghiệp “nói không với vay mượn nhân lực”, việc đào tạo quy hoạch nhân sự ở Tập đoàn Đèo Cả được thực hiện thông theo quy trình “Thử việc - Học việc - Điều hành công việc – Tư duy công việc”, luôn sẵn sàng đội ngũ cán bộ kế cận theo mô hình “Đàn chim vượt bão 9 – 18 – 36…”. Nghe qua có vẻ lý thuyết, nhưng tìm hiểu về con đường phát triển của nhiều cá nhân được rèn giũa và trưởng thành từ chính quá trình công tác, học tập trong hệ thống này, thì một số vị trí Phó Chủ tịch, hay Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Chánh Văn Phòng HĐQT đương nhiệm là những minh chứng chân thực nhất.
“Học tập không ngừng và đào tạo liên tục là điểm tất yếu giúp cho Đèo Cả thành công và luôn luôn dẫn đầu, là tấm gương của những công ty, tập đoàn khác ở Việt Nam trong phát triển nhân lực để đáp ứng nhu cầu thực tế, tạo ra những giá trị thiết thực cho xã hội.” PGS. TS. Đỗ Văn Dũng Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh |
Tại sao Đèo Cả sở hữu cho riêng mình một Trung tâm Huấn luyện thực hành? Lý do gì trong cơ cấu tổ chức của họ lại có riêng một bộ phận chuyên môn là Ban Đào tạo? Theo TS. Hồ Chí Dũng, việc này là để các hoạt động phát triển nhân lực, đặc biệt là đào tạo, tập huấn nội bộ diễn ra thường xuyên, bài bản và toàn diện cho các cấp nhân sự, các lĩnh vực nghiệp vụ. Con người là yếu tố then chốt để Tập đoàn phát triển bền vững và vươn tầm quốc tế. Do vậy, hoạt động đào tạo phải mang đến những hiệu quả lượng hoá được, phục vụ thiết thực cho hoạt động của doanh nghiệp.
“Không chỉ đầu tư vào con người cho tổ chức, Tập đoàn Đèo Cả còn góp phần tạo dựng xã hội văn minh, nơi mọi cá nhân đều có cơ hội phát huy tối đa tiềm năng của mình”, TS. Hồ Chí Dũng nói thêm.
Khoá đào tạo nghiệp vụ vận hành bảo dưỡng thiết bị chuyên dụng tổ chức tại Trung tâm huấn luyện, thực hành Đèo Cả
Tại các khu điều hành dự án mà Tập đoàn Đèo Cả thực hiện như cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn, cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh đều bố trí không gian cho các văn phòng đào tạo nhằm đào tạo, tập huấn nâng cao nghiệp vụ lao động cho công nhân, kỹ năng thực hành, ứng dụng công nghệ cho đội ngũ kỹ sư. Các kỹ năng chuyên biệt về an toàn lao động, sơ cứu – cấp cứu cũng được bồi dưỡng thường xuyên.
Dự án QNHN là một trong những "thao trường" để Tập đoàn Đèo Cả đào tạo "thực chiến" cho đội ngũ công nhân, kỹ sư, cán bộ quản lý
“Tri thức tạo giá trị” được Tập đoàn Đèo Cả xác định là nền tảng của mọi thành công. Bởi vậy, mỗi dự án khó không chỉ để chinh phục mà còn là thao trường - nơi tôi luyện đội ngũ CBCNV ngày một hoàn thiện năng lực, kinh nghiệm “thực chiến” để làm tốt hơn nữa những dự án sau này, để tri thức của người Đèo Cả là hành trang tạo ra những giá trị khác biệt cho doanh nghiệp và các đối tác, tạo ra những giá trị phụng sự xã hội.
Gia Như