Sôi nổi chương trình trao đổi văn hoá doanh nghiệp

16/03/2024     1327

Ngày 16/3/2024, tại TP.HCM, chương trình trao đổi, chia sẻ về Văn hoá Tập đoàn Đèo Cả đã diễn ra trong không khí vui vẻ, sôi nổi dưới sự chủ trì của tổ trợ lý đào tạo.

Sau phần chơi khởi động, lớp học được bắt đầu bằng câu hỏi “văn hoá doanh nghiệp là gì?”. Hơn 50 nhân sự thuộc Ban điều hành, lãnh đạo các ban chuyên môn và Văn phòng HĐQT khu vực phía Nam tham gia chương trình được chia thành 6 nhóm để thảo luận và đưa ra câu trả lời.

Tiến sĩ Hồ Chí Dũng chủ trì chương trình

Sau phần trình bày câu trả lời của mỗi nhóm sẽ là phần đặt câu hỏi và phản biện. Các học viên cùng trao đổi, thảo luận, phân tích để từ đó đưa ra một khái niệm chung sát nhất với thực tế văn hoá doanh nghiệp tại Tập đoàn Đèo Cả.

Thảo luận nhóm

Theo đó, văn hoá doanh nghiệp là một hệ thống các giá trị, niềm tin, quy tắc ứng xử, và cách thức làm việc mà một tổ chức xây dựng và phát triển trong suốt quá trình hoạt động của mình. Văn hoá doanh nghiệp phản ánh bản sắc, tâm huyết và phong cách làm việc chung mà tất cả các thành viên trong tổ chức đều hướng tới và tuân theo.

Thảo luận nhóm

Văn hoá doanh nghiệp luôn được khẳng định có vai trò quan trọng đối với các doanh nghiệp nói chung và Tập đoàn Đèo Cả nói riêng. Nhờ các giá trị văn hoá khác biệt, doanh nghiệp có thể xác định được bản sắc riêng, tăng cường gắn kết nội bộ, cải thiện hiệu suất làm việc, thu hút và giữ chân nhân tài. Bên cạnh đó, văn hoá doanh nghiệp cũng đóng vai trò trong quản trị thương hiệu, giúp phản ứng linh hoạt trước các thay đổi và góp phần định hình chiến lược doanh nghiệp.

Đại diện nhóm 2 trình bày nội dung

Theo Tiến sĩ Hồ Chí Dũng - Trợ lý đào tạo, các cấp độ của văn hoá doanh nghiệp giống như các phần của một tảng băng trôi, có 3 cấp độ thứ tự là các “biểu hiện bên ngoài”, “niềm tin, giá trị, quy tắc hành xử được đồng thuận” và “các giả định được ngầm hiểu”. Trong đó, các yếu tố như môi trường vật lý, trang phục, biểu trưng, hành động, sự kiện,… là cấp độ hiển hiện nhất, có thể quan sát được trong một tổ chức.

Cấp độ sâu nhất của văn hoá doanh nghiệp bao gồm các niềm tin và giả định không được nói ra nhưng được mọi người trong tổ chức chấp nhận một cách vô thức, có ảnh hưởng đến cách mọi người suy nghĩ, hành động và cảm nhận môi trường làm việc của họ. Ở cấp độ này, văn hoá doanh nghiệp thường khó nhận diện và thay đổi vì chúng đã trở nên sâu sắc và là phần của "DNA" tổ chức.

Đại diện nhóm 3 phản biện nhận xét của đội bạn

Tại chương trình này, các lãnh đạo ban điều hành cũng chia sẻ các câu chuyện thực tế trong quá trình làm việc với các cơ quan, đối tác, người dân hay trong quá trình thực hiện dự án. Từ đó, biểu hiện của văn hoá doanh nghiệp được phân tích từ thực tiễn và đúc kết thành lý thuyết. Mọi người cũng lắng nghe những câu chuyện, cảm nhận của các học viên xoay quanh vấn đề văn hoá doanh nghiệp.

Phó tổng giám đốc Nguyễn Quang Dũng chia sẻ tại chương trình

Chương trình cũng thảo luận về vai trò, nhiệm vụ và hành động của cấp quản lý trong việc củng cố, lan toả văn hoá doanh nghiệp. Theo đó, để góp phần giúp người lao động hiểu rõ và thấm nhuần văn hoá doanh nghiệp, chính người lãnh đạo cần gương mẫu về hành vi và thái độ, truyền đạt thông tin mãnh mẽ, rõ ràng; đào tạo bồi dưỡng, tạo điều kiện để nhân viên phát triển năng lực. Bên cạnh đó, sự ghi nhận và khen thưởng cũng tạo động lực để người lao động phấn đấu, làm việc cống hiến cho doanh nghiệp,…

Chương trình diễn ra sôi nổi, thực chất

Chương trình kết thúc sau hơn 5 giờ trao đổi sôi nổi, hiệu quả, thực chất. Mặc dù kéo dài hơn dự kiến nhưng không khí hào hứng, thoải mái vẫn duy trì trong suốt quá trình diễn ra chương trình. Ông Hồ Chí Dũng cho biết, sau chương trình này, tổ trợ lý đào tạo sẽ trao đổi riêng với từng nhân sự về văn hoá Tập đoàn.

Lam Trà