Tập đoàn Đèo Cả, ... định tâm để phát triển!

20/08/2018     317

Chương trình làm việc lấy ý kiến đóng góp cho kế hoạch “Tái cấu trúc giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn đến 2025” và Gala Dinner có tên gọi “Định tâm trong phát triển doanh nghiệp” của Tập đoàn Đèo Cả đã thu hút sự đóng góp với nhiều ý kiến hay, nhìn từ nhiều góc độ khác nhau của các chuyên gia kinh tế, nhà quản lý, giới truyền thông và cả các vị chức sắc tôn giáo...

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả - Hồ Minh Hoàng phát biểu tại cuộc họp Tái cấu trúc

Gác lại những thành công, để vươn tầm cao hơn

Mới đây, ngày 17/8/2018 tại Hà Nội, Tập đoàn Đèo Cả đã tổ chức họp lấy ý kiến đóng góp cho kế hoạch “Tái cấu trúc Tập đoàn giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn đến 2025”.

Tham dự sự kiện gồm Lãnh đạo Tập đoàn, các thành viên Hội đồng Cố vấn cấp cao, Ban điều hành các đơn vị thành viên của Tập đoàn, lãnh đạo Hội nhà báo Việt Nam và đặc biệt có sự hiện diện của sư thầy Thích Tuệ Tĩnh và cha Giuse Nguyễn Mạnh Khoa đến từ Đà Lạt, Lâm Đồng.

Sau khi nghe Ban tái cấu trúc trình bày kế hoạch, TS. Hồ Nghĩa Dũng, nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT, Chủ tịch Hội đồng cố vấn cấp cao cho rằng: “Đây là một kế hoạch tái cấu trúc được đầu tư công phu, và đồng ý với những vấn đề lớn được đề cập trong kế hoạch”. Theo TS. Hồ Nghĩa Dũng, những kiến thức chung về tái cấu trúc và các số liệu phân tích nên đưa vào phụ lục như một tài liệu tham khảo, kế hoạch nên gọn hơn, tập trung vào những mục tiêu chính, chú trọng đến những mục tiêu cốt lõi - nơi tạo ra sản phẩm có ích cho xã hội.

TS. Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Hội đồng cố vấn, Nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT góp ý cho kế hoạch Tái cấu trúc

Tiếp tục với chủ đề tái cấu trúc, Linh mục Giuse Nguyễn Mạnh Khoa cho biết, dù ông là người “ngoại đạo” trong lĩnh vực kinh tế, không phải chuyên gia ở mảng đầu tư hạ tầng giao thông... nhưng thương hiệu của Tập đoàn Đèo Cả đã gây ấn tượng mạnh không chỉ trong ông mà còn là tiếng vang với cả nước trong những năm gần đây bởi những công trình mang dấu ấn Đèo Cả dọc các tuyến giao thông ở miền Trung. Linh mục Nguyễn Mạnh Khoa cho biết: “Thậm chí một số doanh nghiệp, du khách nước ngoài khi họ đi qua Đèo Cả đều trầm trồ, đây là sản phẩm của người Việt Nam”.

Linh mục Giuse Nguyễn Mạnh Khoa cho biết thương hiệu Đèo Cả tạo ấn tượng mạnh với ông

Thiếu tướng Nguyễn Huy Mạ, người đã gắn bó và đồng hành với Đèo Cả trong suốt chặng đường phát triển Tập đoàn. Được biết, Tướng Mạ tuy vừa qua cơn bạo bệnh nhưng cũng có mặt để chia sẻ những tâm huyết, nghiền ngẫm của mình để phát triển Tập đoàn. Với Tướng Mạ, trong vai trò Cố vấn Cấp cao của Tập đoàn, dường như chưa bao giờ ông vắng mặt tại các buổi họp quan trọng. Những vấn đề lớn của Tập đoàn ông đều tham gia hoặc nhắn tin trao đổi ngay trên giường bệnh, thậm chí có lần vào viện cấp cứu nhưng khi tỉnh lại cũng nhắn tin lại hỏi người đứng đầu Tập đoàn Đèo Cả: “Anh Hoàng! Việc này như thế nào, theo tôi thì nên...?”.

Thiếu tướng Nguyễn Huy Mạ chia sẻ những tâm huyết của mình để phát triển Tập đoàn

Tướng Mạ cho biết: “Kế hoạch tái cấu trúc phải khởi nguồn và kế thừa từ ý nghĩa logo bàn chân trái, với nghĩ khác biệt, tạo cách biệt”. Bàn chân ngược ấy mới làm ra Đèo Cả. Thành công rồi, Đèo Cả phải tái cấu trúc. Vấn đề đặt ra phải làm thế nào? Đèo Cả thành công, nền móng thành công đó coi như số không để làm những “trận mạc” khác”.

Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đến dự buổi dự thảo kế hoạch tái cấu cấu trúc, nhận định, tái cấu trúc của Đèo Cả thật sự là một câu chuyện lớn. Những gì mà Đèo Cả làm trong 10 năm qua là một câu chuyện lớn. Ở thời điểm người ta có thể nhìn để hưởng vinh quang thì Đèo Cả lại nhìn ra phía trước để bắt đầu một chặng đường mới. Những gì Đèo Cả làm được ngày hôm qua, người ta đi qua tuyến hầm Đèo Cả, Cổ Mã, và tới đây là hầm đèo Cù Mông và đi trên tuyến đường cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn; Chi Lăng – Hữu Nghị thì sẽ hiểu được Đèo Cả là ai và họ đang đóng góp những gì cho đất nước này. Ông Hồ Quang Lợi đặt vấn đề, tại sao Đèo Cả lại bàn đến câu chuyện tái cấu trúc khi đã làm được những câu chuyện như vậy? Tất cả đều bắt đầu từ một triết lý, triết lý đó là gì “Nếu dừng lại là tự loại bỏ mình”.

Có tâm mới có tuệ, có tuệ mới có tầm

Ngay sau buổi dự thảo “Tái cấu trúc Tập đoàn Đèo Cả” là chương trình Gala Dinner “Định tâm để phát triển Doanh nghiệp”. Tập Đoàn Đèo Cả đã trải qua một chặng đường dài hơn 30 năm (1985 - 2018), từ một hợp tác xã Hải Thạch ở tỉnh Phú Yên, đến nay đã trở thành một Tập đoàn lớn mạnh cấp Quốc gia.

Điều đặc biệt, Gala với chuyên đề “Định tâm để phát triển Doanh nghiệp” được mở rộng với nhiều góc nhìn khác nhau, đó là vấn đề mối quan hệ giữa doanh nghiệp và tôn giáo.

TS. Hồ Nghĩa Dũng mở đầu buổi Gala: “Trong mọi hoạt động của con người, hoạt động nào cũng ít nhiều mang yếu tố văn hóa. Chúng ta đề cập tới văn hóa doanh nghiệp, văn hóa của Đèo Cả được thể hiện bằng hai chữ ĐỊNH TÂM. Đã là doanh nghiệp luôn phải sống trong môi trường cạnh tranh khốc liệt, nhưng đằng sau đó, để chúng ta có thể thanh thản nhìn lại những việc đã làm thì việc ĐỊNH TÂM nhằm mang lại sự cân bằng cuộc sống và hướng chúng ta tới giá trị của Chân - Thiện - Mỹ”.

Ban Lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả cùng đại diện các đơn vị truyền thông trong đêm Gala “Định tâm để phát triển Doanh nghiệp”

Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả chia sẻ: “Nói về ĐỊNH TÂM thì chúng ta làm gì ở định tâm? Với cha, cha nói về câu chuyện tĩnh tâm, với thầy, thầy nói tịnh tâm. Với tôi, tôi nói hồi tâm”. Tôi đã thực hiện thành công giai đoạn 1 ở Đèo Cả. Nhưng nếu như chỉ dừng lại ở đây thì câu chuyện không có gì đáng để nói. Tôi đã giải bài toán đèo Cù Mông bằng một lời nguyền của Phú Yên: “Phú Yên đứng giữa hai đèo. Ấm no chưa có, đói nghèo quanh năm”. Để tiếp tục ra tới Hải Vân, chúng tôi phải xây lại tổ chức. Chúng tôi không bao giờ ngủ quên trên chiến thắng. Vì vậy, tôi đã đặt ra một triết lý để bắt đầu xây dựng tổ chức: ĐỊNH TÂM – ĐỊNH HƯỚNG – ĐỊNH LƯỢNG. Chúng ta cùng một tâm thế vững chắc để đi cùng một hướng với con đường của Tập đoàn”.

Dưới góc nhìn Phật giáo, thầy Thích Tuệ Tĩnh cho rằng: “Xưa nay, tâm là nền tảng cốt lõi cuộc sống con người. Tâm theo tinh thần Phật giáo cũng là điều cốt lõi của Phật giáo. Tôi đánh giá rất cao tinh thần định tâm, định hướng, định lượng mà Đèo Cả đã đề ra. Có tâm mới có tuệ, có tuệ mới có tầm nhìn”.

Sư thầy Thích Tuệ Tĩnh chia sẻ quan điểm về định tâm trong Phật giáo

Theo thầy Tuệ, Phật giáo nói tâm là tâm địa. Mọi thứ đều xuất phát từ mặt đất. Chúng ta gieo trồng cũng đều từ mặt đất ấy, gieo những giống cây tốt thì chúng ta đạt được những kết quả tốt. Giá trị của Đèo Cả được khẳng định qua những công trình.

Dưới góc nhìn về Định tâm trong phát triển doanh nghiệp, linh mục Nguyễn Mạnh Khoa cho rằng: “Tất cả anh chị em Đèo Cả nên gieo sự phục vụ bằng lòng kiên nhẫn. Nếu là người Đèo Cả mà không biết gì về định tâm, định hướng, tầm nhìn thì không thể dấn thân được. Trong mối tương quan xã hội chúng ta nợ nhau sự bác ái. Những công trình của Đèo Cả, những gì để lại mới là sự trân trọng, đáng quý. Hơn thế nữa, tôi nhận thấy trong đó có sự dấn thân, tâm vững của tập thể này”.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả Hồ Minh Hoàng cũng nhìn nhận rằng, thời gian qua, các cơ quan truyền thông báo giới đã luôn đồng hành và có những chính kiến quan trọng trong công tác tuyên truyền cho các dự án của Đèo Cả. Và trong Gala Dinner này, Nhà báo, TS. Trần Bá Dung, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam bộc lộ sự ấn tượng với triết lý định tâm của Tập đoàn. Ông chia sẻ thêm: “Trong lĩnh vực báo chí chúng tôi cũng đề ra, tâm sáng, lòng trong, bút sắc. Cái tâm phải được đặt lên hàng đầu. Được như vậy mới có những nhà báo tốt, bài báo tốt có ích cho xã hội”.

Bài: Quang Thành
Ảnh: Doãn Tuấn Linh